• Qui trình bảo đảm tiền vay:
Việc thực hiện BĐTV của khách hàng đều phải trải qua các khâu thẩm định , định giá, quản lý nếu không thu hồi được nợ thì sẽ xử lý TSBĐ. Chất lượng
BĐTV có đảm bảo hay không tùy thuộc vào việc thực hiện tốt các qui định ở từng bước. Bất kỳ một khâu nào trên đây thực hiện không tốt sẽ dẫn đến chất lượng BĐTV không tốt.
Hoạt động thẩm định khách hàng
Thẩm định là khâu quan trọng nhất quyết định giá trị tài sản bảo đảm mà ngân hàng chấp nhận là bao nhiêu tạo căn cứ cho việc đưa ra quyết định cho các khâu tiếp theo: mức cho vay, thời gian, số tiền vay, lãi suất vay và hình thức bảo đảm. Thẩm định nhằm giúp ngân hàng dựa vào các thông tin thực tế thu thập được mà tính toán được tính khả thi, hiệu quả kinh tế, khả năng trả nợ và những rủi ro khi không thu hồi được vốn để ra quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay thích ứng với điều kiện của từng khách hàng.
Quá trình này được thực hiện càng cẩn thận và chi tiết bao nhiêu thì khả năng thu hồi cả gốc và lãi khi đến hạn thanh toán càng cao, vốn tín dụng luân chuyển được nhanh hơn. Ngược lại, nếu khâu thẩm định khách hàng của ngân hàng thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động cho vay cũng như là hoạt động bảo đảm tiền vay như có những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả ngân hàng lại cho vay không có bảo đảm bằng tài sản thì khả năng xảy ra rủi ro mất vốn là rất cao.
Định giá giá trị TSBĐ tiền vay
Tài sản bảo đảm tiền vay phải được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm để làm cơ sở xác định mức cho vay của ngân hàng. Việc định giá phải được thực hiện trên cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tế mà thị trường thì luôn biến động do đó công việc định giá tài sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và chính xác.
Việc định giá tài sản cao hơn hay thấp hơn giá trị thực tế của tài sản bảo đảm đều ảnh hưởng đến chất lượng bảo đảm tiền vay của ngân hàng. Ngân hàng nếu định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản thì sẽ gặp rủi ro khi phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các ngân hàng không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút khách hàng nên nếu định giá thấp hơn sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng, gây
tâm lý e ngại không muốn vay vốn của ngân hàng nữa và họ sẽ chuyển sang ngân hàng khác.
Ngược lại, nếu công tác định giá được ngân hàng thực hiện tốt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, khách hàng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với vốn vay của ngân hàng.
Quản lý TSĐB
Quản lý TSĐB là việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá lại tài sản bảo đảm. Nếu không được quản lý cẩn thận, ngân hàng không kịp thời phát hiện được những sự cố liên quan thì sẽ làm thay đổi giá trị của tài sản từ đó gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý nếu không thu hồi được nợ của khách hàng.
Xử lý TSBĐ
Trong trường hợp khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ, thì tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ được ngân hàng xử lý để thu hồi nợ. Việc xử lý tài sản nhanh chóng sẽ giúp ngân hàng thu hồi vốn và đảm bảo an toàn tín dụng cũng như tiết kiệm được thời gian và chi phí. Xử lý TSBĐ cũng có khi gặp khó khăn do vướng mắc trong quá trình thanh lý hay do lợi ích các bên bị mâu thuẫn không thể giải quyết được phải nhờ đến sự phân giải của toà án thì khi đó khoản nợ có thể không thu hồi được đầy đủ, ngoài ra ngân hàng còn có thể mất rất nhiều thời gian và chi phí trong các vụ kiện tụng này.
• Chính sách tín dụng
Bất cứ ngân hàng nào cũng có tiêu chí cho vay nhất định, tiêu chí phân loại nợ… những tiêu chí này chi tiết và hợp lý sẽ tạo nên chuẩn mực cho cán bộ làm việc, giảm bớt tính chủ quan trong việc ra quyết định cho vay và yêu cầu bảo đảm. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động cho vay bảo đảm tiền vay. Tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau mà ngân hàng thực hiện các chính sách tín dụng cho phù hợp với những chiến lược và mục tiêu phát triển cụ thể để có thể chủ động trong hoạt động kinh doanh. Các đối tượng khách hàng vay vốn là rất lớn và bao gồm nhiều thành phần khác nhau nên ngân hàng phải có những chính sách, chiến lược cho vay của mình để xem nó phù hợp với đối tượng nào hơn và
có biện pháp bảo đảm tiền vay thích hợp trong từng thời kỳ. Khi ngân hàng muốn mở rộng thị phần, đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay thì sẽ mở rộng danh mục tài sản đảm bảo và linh hoạt hơn trong công tác BĐTV. Tuy nhiên nếu chính sách bảo đảm không phù hợp thì các khoản vay sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Ngược lại, khi ngân hàng áp dụng chính sách tín dụng chặt chẽ thì việc đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về tài sản bảo đảm cũng là một biện pháp hiệu quả.
• Hệ thống thông tin
Nâng cao chất lượng hoạt động bảo đảm tiền vay đòi hỏi phải có những thông tin về khách hàng lẫn tài sản đảm bảo một cách đầy đủ, khách quan và chính xác. Thông tin có thể thu thập từ cả nguồn bên trong lẫn bên ngoài. Ngân hàng phải xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trực tiếp đánh giá giá trị TSBĐ. Trên cơ sở những thông tin đó cán bộ tín dụng mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về việc cho vay có hay không có TSBĐ từ đó có các biện pháp quản lý theo dõi thu hồi nợ, tránh được các rủi ro và thực hiện BĐTV có ý nghĩa. Do đó, thông tin là yếu tố không thể thiếu và quan trọng trong việc ra quyết định cho vay cũng như lựa chọn hình thức BĐTV.
• Chất lượng cán bộ tín dụng
Cán bộ tín dụng là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng vay vốn, thẩm định khách hàng để đưa ra các hình thức đảm bảo phù hợp. Trình độ của cán bộ tín dụng là rất quan trọng nó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả cho vay. Các cán bộ tín dụng có nhiệm vụ rà soát, thẩm định thông tin, đánh giá khách hàng, dự án… trước khi ra các quyết định cho vay chính vì vậy một ngân hàng nếu có đội ngũ cán bộ tín dụng giỏi chuyên môn, có kiến thức và kinh nghiệm, am hiểu pháp luật thì sẽ có khả năng phân tích, đánh giá về tài sản bảo đảm chính xác hơn và không bị khách hàng đánh lừa.
Ngoài kiến thức và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng công tác bảo đảm tiền vay. Xã hội ngày càng hiện đại, đồng tiền ngày càng chiếm vị trí quan trọng thì con người lại càng dễ bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của đồng tiền nhất là trong hoạt động ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc với tiền thì cán bộ tín dụng lại rất dễ nảy sinh lòng tham, họ có thể móc nối với khách hàng để lừa đảo rút tiền ngân hàng. Vì vậy,
một đội ngũ cán bộ ngân hàng vừa giỏi chuyên môn vừa có đạo đức nghề nghiệp sẽ mang lại các khoản vay an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng nói chung và chất lượng hoạt động bảo đảm tiền vay nói riêng.
Như vậy, các ngân hàng cần xem xét đến các nhân tố ảnh hưởng để có thể đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng BĐTV. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng tín dụng tốt nhất cho ngân hàng góp phần phát triển, nâng cao uy tín của ngân hàng trong nền kinh tế.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY TẠI NH TMCP CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM - CHI NHÁNH ĐỐNG ĐA