Thứ nhất: Quản lý bằng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật
Nhà Nước xây dựng hệ thống phù hợp theo mô hình quản lý tập trung đi đôi với phân cấp trách nhiệm và không ngừng hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng nguồn vốn NSNN cho XDCB như: Luật Xây dựng, Luật đấu thầu, Luật đầu tư,... Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình,...Cùng với nỗ lực hoàn hiện thể chế, mô hình phân cấp mạnh mẽ để các Bộ, ngành và địa phương phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm từ khâu xây dựng dự án, thực hiện dự án, khai thác và vận hành các sảm phẩm đầu ra.
Thứ hai: Quản lý thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình, dự án.
Chiến lược, quy hoạch,...được xây dựng dựa trên mục tiêu, chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dựa vào chiến lược, quy hoạch này, Nhà nước sẽ có kế hoạch chi tiết, cụ thể để xây dựng các chính sách phân bổ và thu hút vốn đầu tư, đồng thời cũng là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn có phù hợp và mang lợi ích bền vững cho nền kinh tế - xã hội hay không.
Theo Luật Xây dựng, quá trình đầu tư XDCB sử dụng vốn NSNN phải được thực hiện dựa trên quy hoạch được duyệt, cụ thể như sau:
- Quy hoạch xây dựng phải được lập, phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động xây dựng tiếp theo. Quy hoạch xây dựng được lập cho năm năm, mười năm và định hướng phát triển lâu dài. Quy hoạch xây dựng phải được định kỳ xem xét điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng phải bảo đảm tính kế thừa của các quy hoạch xây dựng trước đã lập và phê duyệt.
- Nhà nước bảo đảm vốn NSNN và có chính sách huy động các nguồn vốn khác cho công tác lập quy hoạch xây dựng. Vốn NSNN được cân đối trong kế hoạch hàng năm để lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu chức năng không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung theo hình thức kinh doanh.
- Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch xây dựng trong địa giới hành chính do mình quản lý theo phân cấp, làm cơ sở quản lý các hoạt động xây dựng, triển khai các dự án đầu tư xây dựng và xây dựng công trình, hoặc thuê chuyên gia, tư vấn trong trường hợp UBND các cấp không đủ điều kiện năng lực thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu chung sau đây:
+ Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành khác, quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội.
+ Tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học và công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
+ Tạo lập được môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững; thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Xác lập được cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng; quản lý, khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Thứ ba: Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật trong XDCB
Đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật XDCB là những cơ sở quan trọng trong quản lý vốn đầu tư XDCB và là căn cứ để xây dựng dự toán, cấp phát thu hồi tạm ứng, thanh quyết toán công trình XDCB hoàn thành.
Đơn giá, định mức XDCB là chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tổng hợp quy định chi phí cần thiết hợp lý trên cơ sở tính đúng, đủ các hao phí về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác hoặc một kết cấu xây lắp tạo nên công trình.
Các loại đơn giá gồm: đơn giá XDCB tổng hợp, đơn giá XDCB khu vực thống nhất, đơn giá XDCB cho các công trình riêng biệt.
Đơn giá XDCB tổng hợp: là đơn giá do cơ quan quản lý xây dựng ở Trung ương ban hành cho các loại công tác hoặc kết cấu xây lắp, bộ phận nhà và công trình được xây dựng trên cơ sở định mức dự toán XDCB tổng hợp và điều kiện sản xuất, cung ứng vật liệu trong từng vùng lớn.
Đơn giá XDCB khu vực thống nhất: là đơn giá các công tác hoặc kết cấu xây lắp bình quân chung của các công trình xây dựng tại các khu vực nhất định có điều kiện sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng giống nhau hoặc tương tự nhau mà giá vật liệu đến hiện trường xây lắp chênh lệch nhau không nhiều.
Đơn giá XDCB cho các công trình riêng biệt: là đơn giá XDCB được xây dựng riêng cho từng công trình có yêu cầu kỹ thuật, điều kiện biện pháp thi công đặc biệt cũng như điều kiện sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng của khu vực đơn giá thống nhất. Công trình đặc biệt của cấp nào thi cấp đó ban hành đơn giá.
Định mức dự toán xây dựng công trình là nhân tố quyết định tới giá trị dự toán của công trình do vậy về nguyên tắc cần được xây dựng sao cho phù hợp thực tế, mang tính đặc trưng của công việc.
Hệ thống chỉ tiêu định mức luôn được sử dụng để xác định chi phí xây dựng là cơ sở tính dự toán trong đầu tư xây dựng công trình. Định mức xây dựng được quy định trong Nghị định 99/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức tỷ lệ.
Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật là chỉ tiêu kỹ thuật quy định mức hao phí về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng, từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc công tác xây dựng.