CHƯƠNG 3 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.4 Đạo đức trong nghiên cứu
Mặc dù hiện nay tại các trường Đại học tại Việt Nam rất hiếm có Ủy ban đạo đức hay các Hội đồng đạo đức nghiên cứu khoa học để xem xét tính thích hợp của nghiên cứu về khía cạnh đạo đức (Trừ các trường Y khoa). Tuy nhiên, trong luận án này tác giả cũng xem xét tính đạo đức của nghiên cứu như một phần quan trọng của luận án. Đạo đức nghiên cứu ở đây được xem là sự phù hợp trong hành vi của nhà nghiên cứu, các vấn đề về quyền lợi hay những nguy cơ của người tham gia nghiên cứu và những tác động có thể ảnh hưởng tới họ [89]. Bởi vậy, khi thực hiện nghiên cứu tác giả cũng dự kiến những tình huống phải đối mặt của người trả lời nghiên cứu có thể gây bất lợi hay tạo ra những tổn hại cho họ khi tham gia trả lời các câu hỏi của tác giả. Do đó, tất cả các phiếu điều tra đều thiết kế ở dạng ẩn danh để đảm bảo việc trả lời trung thực và không vi phạm các quy tắc đạo đức nghiên cứu có thể gây bất lợi cho người trả lời. Bởi vì, việc yêu cầu để tên người trả lời có thể đem lại những bất lợi cho họ sau khi điều tra (bị ảnh hưởng về đánh giá thăng tiến, sự quan tâm quá mức của cấp lãnh đạo cao hơn với các phiếu điều tra đánh giá quá thấp các khía cạnh…). Một vấn đề về đạo đức nghiên cứu nữa là sử dụng các số liệu nội bộ, các số liệu kinh doanh nội bộ cũng không được sử dụng trong nghiên cứu này bởi nó có thể xâm hại đến lợi ích của doanh nghiệp. Mặt khác, các số liệu nội bộ là
những số liệu không thể kiểm chứng việc sử dụng có thể dẫn đến hiện tượng ngụy tạo dữ liệu cho phù hợp các nhận định của nhà nghiên cứu. Để đảm bảo quyền riêng tư và tính tự nguyện tham gia của các cá nhân tham gia có quyền rút lui khỏi nghiên cứu bất cứ khi nào mà không cần giải thích lý do, người trả lời có quyền không trả lời những câu hỏi riêng tư mà họ cảm thấy không sẵn sàng.