3.3. Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ADPL giả
3.3.5. Phát huy tinh thần chủ động của các thẩm phán trực tiếp phụ trách
giải quyết các vụ án HN&GĐ ở Thái Nguyên trong việc kiến nghị giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến án HN&GĐ
Khoản 1, Điều 19 Luật Tổ chức TAND hiện hành quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của TAND tối cao, trong đó TAND tối cao có nhiệm vụ “Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”.
Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TAND tối cao trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Năm 2012 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, trong tháng 12/2012 Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành 04 nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự. TAND tối cao cũng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành 02 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND và hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính... Tuy nhiên, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm còn bất cập, hạn chế, một
số vướng mắc trong thực tiễn xét xử chậm được hướng dẫn. Những kết quả thực tiễn hoạt động của Tòa án trong thời gian qua cũng cho thấy, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TAND tối cao chưa được thực hiện đầy đủ, còn nhiều bất cập, công tác giải thích pháp luật thuộc quyền hạn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa được chú trọng. Đó là nguyên nhân làm cho việc ADPL giải quyết án HN&GĐ của Tòa án các cấp còn lúng túng, kết quả giải quyết án chưa cao. Từ những bất cập trong công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, Đảng đã có chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này.
Đối với công tác hướng dẫn ADPLcủa TAND tối cao, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII đã chỉ rõ:
“TAND tối cao tập trung vào công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn các Tòa án ADPL thống nhất…” [17]. Trong những năm qua, việc hướng dẫn ADPL của TAND tối cao được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: Qua báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm; bằng các văn bản hướng dẫn đối với từng vấn đề; tổng kết rút kinh nghiệm; trao đổi nghiệp vụ... Nhưng hình thức hướng dẫn ADPL quan trọng nhất và có hiệu lực cao nhất trong phạm vi toàn quốc là các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đây là hình thức văn bản QPPL có tính bắt buộc thực hiện đối với các chủ thể áp dụng pháp luật. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần tăng cường hướng dẫn áp dụng áp luật thông qua các Nghị quyết.
Tuy nhiên, do đặc thù ADPL trong hoạt động giải quyết án HN&GĐ nói chung và ở thị xã Phổ Yên nói riêng phức tạp và đa dạng. Mỗi vụ án đều có những đặc điểm riêng, vụ án xin ly hôn khác vụ án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, do đó việc ADPL là tương đối khó khăn. Trong khi đó những văn bản hướng dẫn xét xử của TAND tối cao chỉ khái quát được những tình tiết và đặc điểm chung nhất trong từng loại vấn đề. Trong thực tiễn xét xử và áp dụng pháp luật, TAND các cấp thường vận dụng một cách linh hoạt những hướng dẫn của TAND tối cao để áp dụng cho từng vụ việc cụ thể, nhưng ở mỗi địa phương cách hiểu và vận dụng những hướng dẫn xét xử của TAND tối cao đôi khi còn chưa thống nhất, có những vụ án còn có nhiều quan điểm khác nhau về ADPL giữa các
cấp TAND ở trong tỉnh, thậm chí là ngay trong một đơn vị còn có quan điểm khác nhau. Do vậy, để nâng cao hiệu quả của công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, văn bản hướng dẫn cần cụ thể, rõ ràng, nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ, qua đó, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hiểu đúng và áp dụng thống nhất pháp luật.