Giai đoạn phân tích những tình tiết khách quan của vụ án HN&GĐ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật trong giải quyết án Hôn nhân và gia đình - Qua thực tiễn tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên (Trang 30 - 33)

1.3. Các giai đoạn ADPLtrong giải quyết các vụ án HN &GĐ của TAND

1.3.1. Giai đoạn phân tích những tình tiết khách quan của vụ án HN&GĐ

và các đặc trưng pháp lý của vụ án

Phân tích những tình tiết khách quan và các đặc trưng pháp lý của vụ án là giai đoạn đầu của quá trình ADPL trong giải quyết các vụ án HN&GĐ, là giai đoạn

vô cùng quan trọng có ảnh hưởng đến các giai đoạn áp dụng pháp luật sau. Do vậy, ở giai đoạn này, trước hết Toà án phải xác định thẩm quyền của Toà án theo loại việc (áp dụng Điều 27, Điều 28 BLTTDS), thẩm quyền theo lãnh thổ, theo cấp Toà án hoặc theo sự lựa chọn của các bên đương sự (áp dụng Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36 BLTTDS), để thông báo cho các đương sự biết Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Đại đa số các vụ án HN&GĐ đều do TAND cấp quận, huyện giải quyết, trừ các vụ án có yếu tố nước ngoài thì do TAND cấp tỉnh giải quyết. Do vậy, khi thụ lý vụ án cần thu thập các thông tin liên quan đến vụ án, như: đơn khởi kiện, đăng ký kết hôn, xác định nơi có hộ khẩu cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự, nguyện vọng của các đương sự lựa chọn Toà án nào giải quyết và các giấy tờ tài liệu khác có liên quan để xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án. Để làm rõ các tình tiết khách quan và nội dung của vụ án thì Tòa án phải tiến hành điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, đánh giá khách quan các tình tiết của vụ án trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được. Tuy nhiên, có những trường hợp không nhất thiết phải tiến hành điều tra, mà xuất phát từ nguyên tắc quyền tự định đoạt và nghĩa vụ chứng minh, xuất trình chứng cứ của các bên đương sự, các đương sự tự thỏa thuận được các tranh chấp trong quan hệ HN&GĐ thì vụ án cũng không phải tiến hành tất cả các hoạt động điều tra, đây cũng là đặc điểm riêng của vụ án HN&GĐ. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu thấy chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đầy đủ để giải quyết vụ án thì Toà án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của BLTTDS, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ sau đây:

- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng: Theo quy định tại Điều 86 BLTTDS thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Việc lấy lời khai của đương sự phải thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, có thể hiểu tóm tắt như sau: Khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung khai chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu đương sự viết bản khai hoặc bản khai bổ sung, nếu đương sự không thể tự viết

thì Thẩm phán hoặc Thư ký Toà án ghi lại lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những nội dung còn thiếu hoặc lời khai có mâu thuẫn với nhau giữa các đương sự. Ngoài việc lấy lời khai của đương sự, trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự, Thẩm phán còn lấy lời khai của người làm chứng theo quy định tại Điều 87 của BLTTDS.

- Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng: Đối chất là hoạt động hỏi đồng thời hai người hoặc nhiều người về cùng một vấn đề nhằm làm rõ hay loại bỏ mâu thuẫn tồn tại giữa những lời khai trước đây của họ. Việc đối chất được tiến hành khi đương sự có yêu cầu hoặc khi Tòa án xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng (Điều 8 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao). Điểm đặc biệt của hoạt động đối chất so với việc lấy lời khai là khi đối chất Thẩm phán sẽ hỏi hai hoặc nhiều người cùng một lúc và cùng một vấn đề. Việc hỏi đồng thời hai người trong cùng một lúc, cùng một hoàn cảnh sẽ giúp Thẩm phán thấy rõ thái độ, ý chỉ của các đương sự trong quá trình đối chất vì giữa các bên có sự tác động lẫn nhau bằng sự hiện diện trực tiếp. Kết quả đối chất có giá trị pháp lý khi hoạt động đối chất thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

- Trưng cầu giám định: Giám định là biện pháp thu thập chứng cứ bằng phương pháp khoa học để xác định tính có căn cứ hay không có căn cứ của tài liệu, chứng cứ. Theo quy định của BLTTDS thì Tòa án tiến hành trưng cầu giám định khi

“Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định...” [44, Điều 90]. Việc thực hiện giám định phải theo quy định Điều 10 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đương sự có quyền yêu cầu Thẩm phán thực hiện việc trưng cầu giám định, việc quyết định trưng cầu giám định thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.

- Xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá tài sản: Theo quy định của BLTTDS, tại Điều 92 thì việc xem xét, thẩm định tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng cho việc định giá tài sản, bởi, thẩm định giúp cho việc xác định đúng vị trí cũng như

thực trạng tài sản hiện có, làm căn cứ cho việc Tòa án ra quyết định định giá tài sản chính xác và khách quan, đó cũng là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ do đương sự yêu cầu hoặc do Tòa án tự quyết định thu thập Việc thẩm định hay định giá tài sản phải tuân thủ đúng các quy định về thành phần định giá, căn cứ định giá… Đối với những vụ án mà các đương sự không thoả thuận được với nhau về tài sản, giá của tài sản mà yêu cầu Toà án định giá tài sản hoặc thoả thuận giá thấp hơn nhằm trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí thì Toà án sẽ quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản. Ngoài ra, có nhiều vụ án việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở những địa phương khác mà Toà án không thể tự đi điều tra thu thập chứng cứ được vì điều kiện đi lại khó khăn... trong những trường hợp này Tòa án nơi giải quyết vụ án có thể ra quyết định uỷ thác để Toà án khác hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.

Đối với những vụ án mà trong những trường hợp cần thiết pháp luật quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc đảm bảo việc thi hành án sau này, Toà án có thể áp dụng các biện pháp tạm thời như: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm dịch chuyển về quyền về tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng đang tranh chấp; phong tỏa tài sản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản người có nghĩa vụ; cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

Trên cơ sở kết quả điều tra xác minh vụ án chủ thể ADPL phân tích những tình tiết khách quan của vụ án HN &GĐ, làm rõ các đặc trưng pháp lý của vụ án để tiến hành các bước tiếp theo giải quyết vụ án đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Áp dụng pháp luật trong giải quyết án Hôn nhân và gia đình - Qua thực tiễn tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)