1.2. Khái quát Hợp đồng xuất nhập khẩu điện năng
1.2.4. Đặc điểm của hợp đồng xuất nhập khẩu điện năng
HĐXNK điện năng là một loại hợp đồng mua bán hàng hóa, vì vậy nó mang đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường. Cụ thể là về chủ thể chủ yếu được ký kết giữa các thương nhân; về đối tượng HĐXNK điện năng có đối tượng là hàng hóa; về nội dung HĐXNK điện năng cũng thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán như bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu, bên mua có nghĩa vụ thanh toán, nhận quyền sở hữu… Bên cạnh đó, do đặc thù của đối tượng của HĐXNK điện năng là loại hàng hóa đặc biệt và tính chất quốc tế của nó nên loại hợp đồng này mang một số đặc điểm riêng biệt như sau:
Về chủ thể của HĐXNK điện năng
Điện lực là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, vì vậy các bên khi tham gia vào hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện đều phải có giấy phép hoạt động điện lực phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động như phát điện, phân phối điện, truyền tải điện theo quy định của pháp luật mỗi quốc gia.
Cho đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam, chủ thể của hợp đồng mua bán điện nói chung và HĐXNKĐN nói riêng khá đặc biệt và có số lượng tương đối hạn chế nếu so sánh với các hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường khác. Chủ thể của HĐMBĐ nói chung bao gồm bên bán điện và bên mua điện. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Bộ Công Thương [3] về việc ban hành quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thì tất cả tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện
lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện đều phải có giấy phép để hoạt động, do đó để được bán điện chủ đầu tư các dự án điện phải có giấy phép phát điện, bên mua điện phải có giấy phép bán buôn, bán lẻ điện. Luật Điện lực 2004 sửa đổi bổ sung năm 2012 cũng quy định việc mua bán điện với nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực (Khoản 1 Điều 28). Đồng thời, các bên khi thực hiện việc mua bán điện với nước ngoài cần đảm bảo các nguyên tắc sau theo Khoản 2 Điều 28 Luật Điện lực 2004 sửa đổi bổ sung năm 2012:
- Không làm ảnh hưởng đến độ an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia;
- Đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia;
- Không làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện trong nước và an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với chủ thể mua điện tại Việt Nam, Quyết định số 26/2006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2006 về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam [6] đã nêu rõ Thị trường điện tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022); Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022). Trong đó, theo thiết kế thị trường điện phát điện cạnh tranh, chỉ có một Công ty mua buôn duy nhất trên thị trường được phép mua buôn điện từ tất cả các đơn vị phát điện tham gia thị trường và bán buôn cho các Công ty phân phối điện (Khoản 2 Điều 1). Do đó, Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nay là Hội đồng thành viên EVN) vào ngày 31/12/2007, đã ban hành quyết định số 1182/QĐ-EVN-HĐQT về việc thành lập Công ty Mua bán
điện (EPTC) [11], đây cũng là công ty đại diện cho EVN thực hiện chức năng mua buôn duy nhất trên thị trường điện tại Việt Nam hiện nay đối với cả các hợp đồng mua bán điện trong nước từ cấp điện áp 30MW trở lên, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và mua bán điện với ngoài nước. Đối với trường hợp khách hàng sử dụng điện ở biên giới có nhu cầu mua điện trực tiếp với nước ngoài mà không qua hệ thống điện quốc gia, Luật Điện lực 2004 cũng cho phép đối tượng này được trực tiếp mua điện nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Khoản 3 Điều 28). Trong phạm vi Luận văn Thạc sĩ này sẽ chỉ đề cập tới các HĐXNK điện năng giữa EPTC với các đối tác nước ngoài mà không đề cập tới các Hợp đồng mua bán điện trực tiếp của các khách hàng sử dụng điện ở biên giới với nước ngoài.
Cùng với quá trình xây dựng thị trường điện tại Việt Nam thì chủ thể HĐMBĐ sẽ có thay đổi phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường và cấu trúc thị trường được phê duyệt. Cụ thể là ở thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vẫn duy trì chế độ một người mua, tức là chỉ có một chủ thể trong thị trường chịu trách nhiệm mua điện từ nhà máy và bán lại cho các đơn vị phân phối điện. Đến giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ có nhiều chủ thể cùng cạnh tranh mua buôn điện, các đơn vị phát điện (bên bán điện) có thể lựa chọn nhiều đối tác mua điện của mình.
Như vậy, chủ thể HĐXNK điện năng trước hết bị giới hạn bởi yêu cầu về giấy phép hoạt động điện lực. Do điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay mà chủ thể này còn đặc biệt ở chỗ đối với Hợp đồng nhập khẩu điện của Việt Nam, bên mua của hợp đồng luôn là Công ty Mua bán điện (EPTC)- đơn vị thành viên của EVN và bên còn lại là Công ty Điện lực của các nước đối tác mua bán điện với Việt Nam còn đối với Hợp đồng xuất khẩu điện từ Việt Nam sang nước ngoài, bên bán còn có thể là các doanh nghiệp trong nước
hoặc nước ngoài. Tuy nhiên giới hạn này sẽ nhanh chóng được thay đổi cùng với quá trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.
Về đối tƣợng của HĐXNK điện năng
Đối tượng của HĐXNKĐN là điện năng, một loại hàng hóa đặc biệt, ở nhiều loại nguồn điện như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện tuabin khí, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối… việc sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết vì vậy không phải lúc nào cũng có thể đảm bảo sản xuất ổn định, luôn phải kết hợp các loại nguồn điện khác nhau để đảm bảo lượng điện năng ổn định cung cấp cho nền kinh tế xã hội.
Ngoài ra do điện năng là loại hàng hóa không thể dự trữ, quá trình sản xuất và sử dụng phải diễn ra đồng thời nên cần phối hợp nhịp nhàng giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa bán điện và mua điện. Do tính đặc thù của đối tượng mà HĐXNK điện năng phải bao gồm nhiều điều khoản khác nhau như pháp lý, thương mại và kỹ thuật để bao quát được tất cả các khía cạnh của quan hệ mua bán điện; ngoài phần chính của hợp đồng, mỗi hợp đồng mua bán điện thường bao gồm khoảng trên dưới 10 phụ lục kèm theo quy định chi tiết về các tiêu chuẩn kĩ thuật, chất lượng điện năng, đo đếm lượng điện năng giao nhận, tính toán tiền điện, điều độ...Đối với những hợp đồng mua bán điện từ các Dự án điện độc lập, để đảm bảo khả năng sẵn sàng cung cấp điện, chất lượng điện năng, các hợp đồng này luôn có phần Phụ lục về các thông số kĩ thuật, thử nghiệm, nghiệm thu nhà máy.
Như đã trình bày ở trên, yếu tố then chốt đảm bảo “tính quốc tế” của một Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chính là việc hàng hóa -đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được chuyển dịch qua biên giới giữa các quốc gia. Ở Hợp đồng XNK điện năng cũng vậy, điện năng (đối tượng của hợp đồng) được dịch chuyển qua biên giới giữa các quốc gia thông qua mạng lưới truyền tải điện.Một đặc điểm nữa của điện năng cũng cần được
nhắc đến là tuy điện năng rất quan trọng trong đời sống nhưng cũng nguy hiểm đối với sức khỏe con người hoặc các loài vật khi tiếp xúc. Bởi thế sử dụng điện an toàn luôn được ưu tiên, và vì thế trong HĐMBĐ các bên cần thỏa thuận về cách thức xác định tình trạng khẩn cấp, hành động kịp thời khi tình trạng khẩn cấp xảy ra và hậu quả của tình trạng này. Đồng thời, bên bán là các nhà máy điện luôn phải cam kết vận hành và bảo dưỡng nhà máy theo quy định của pháp luật và thông lệ ứng dụng cẩn trọng ngành điện (Prudent Utilities Practices).
Về thời hạn của HĐXNK điện năng
Thông thường thời hạn của HĐXNKĐN tương đối dài. Bằng việc xác định thời hạn mua bán điện, chủ đầu tư có thể nhìn nhận được nguồn tiền thu được từ nhà máy, xác định lợi nhuận mà mình có thể đạt được, bởi vậy thời hạn này thường phải đảm bảo đủ dài để các chủ đầu tư thu hồi được vốn đã bỏ ra và người mua điện có giá điện hợp lý. Nếu thời hạn hợp đồng ngắn, giá điện sẽ cao hơn thời hạn dài bởi chủ đầu tư phải thu hồi vốn nhanh hơn. Ở Việt Nam hiện nay, các Hợp đồng mua bán điện với nước ngoài thường có thời hạn từ 20- 25 năm, được chia thành các giai đoạn thường là 5 năm để thay đổi cấu trúc giá điện. HĐXNK điện năng cũng là một trong những loại hợp đồng phức tạp nhất cả về mặt nội dung cũng như thủ tục đàm phán, kí kết và thực hiện hợp đồng. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới quá trình đàm phán thường kéo dài 1-2 năm hoặc lâu hơn, ở nhiều nước sau khi kí kết hợp đồng mua bán điện, các bên còn phải trình, báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện [14, tr.26-29].
Về luật áp dụng trong HĐXNK điện năng
Không giống như các HĐMBĐ trong nước có luật áp dụng thường là pháp luật quốc gia dù trong hợp đồng có ghi nhận hay không, đối với các hợp đồng xuất nhập khẩu điện hoặc mua bán điện từ các dự án BOT, BTO, BT
nước ngoài có thể thỏa thuận luật áp dụng là pháp luật nước thứ ba. Các Hợp đồng mua bán điện với nước ngoài của Việt Nam chủ yếu áp dụng luật Singapore hoặc luật Anh, ví dụ: PPA với Cambodia luật áp dụng là luật Anh, giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Singapore. Tùy từng trường hợp và giai đoạn cụ thể, có những HĐXNK điện năng các bên quy định việc các chủ thể áp dụng pháp luật quốc gia chủ thể mang quốc tịch trong việc vận hành và nghĩa vụ tài chính với quốc gia của minh, còn đối với các quan hệ hợp đồng hoặc giải quyết tranh chấp, các bên áp dụng thông lệ quốc tế và lựa chon áp dụng pháp luật của nước thứ 3 điều chỉnh. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài với các dự án BOT, BTO, BT áp dụng quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/05/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư [8]. Ngoài ra, các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia về hợp tác phát triển điện năng là căn cứ để các doanh nghiệp điện lực ở Việt Nam và nước ngoài kí kết các HĐXNK điện năng, ví dụ: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực điện lực (Agreement between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Royal Government of Cambodia on the power sector cooperation) kí ngày 10/06/2006 [9]. Trên cơ sở các hiệp định này, các đơn vị điện lực thực hiện đàm phán và kí kết HĐMBĐ cụ thể với nhau.
Cơ chế giải quyết tranh chấp và thẩm quyền phê duyệt của các HĐXNK điện năng
Các Hợp đồng mua bán điện với nước ngoài của Việt Nam chủ yếu áp dụng luật Singapore hoặc luật Anh, do vậy các bên thường lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua các trung tâm trọng tại quốc tế tại Singapore hoặc Hongkong với quy tắc xét xử theo quy định của pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Tùy theo pháp luật của quốc gia có quan hệ hợp đồng XNKĐN, nhưng đa phần các HĐXNK điện năng đều phải được cơ quan cấp Chính phủ phê duyệt trước khi có hiệu lực thi hành.