3.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập khẩu điện năng
3.1.1. Nguồn luật điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu điện năng
Luật điều chỉnh hoạt động XNKĐN tại Việt Nam là những văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong loại hình xuất nhập khẩu này. Các quan hệ phát sinh này đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau bao gồm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh về hợp đồng XNKĐN là các văn bản pháp luật điện lực, pháp luật chung như các quy định về đầu tư,doanh nghiệp và thương mại; ngoài ra hoạt động XNKĐN còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế và hải quan như đối với mọi loại hàng hóa XNK khác.
Loại nguồn luật đầu tiên cần nhắc tới là các văn bản pháp luật trong lĩnh vực điện lực, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể khi thực hiện các hoạt động điện lực nói chung và trong hoạt động XNKĐN nói riêng. Trước năm 2004, lĩnh vực điện lực chưa có luật riêng điều chỉnh mà chỉ có các văn bản dưới luật, chủ yếu ở dạng nghị định điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực này mà thôi. Ngày 02/08/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2001/NĐ-CP về hoạt động điện lực và sử dụng điện quy định tương đối toàn diện các mặt của hoạt động điện lực, trong đó có một số điều quy định về Hợp đồng MBĐ, tuy nhiên mới chỉ quy định về các HĐMBĐ cho khách hàng sử dụng điện (chia làm 2 loại vì mục đích sinh hoạt và mục đích sản xuất kinh doanh) mà chưa có các quy định cụ thể về việc mua điện từ các IPP hay bán buôn điện cho các đơn vị phân phối điện. Sau
một thời gian thực hiện Nghị định 45/2001/NĐ-CP đã bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế. Lĩnh vực điện lực là lĩnh vực phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, vì vậy đòi hỏi phải có một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh tổng thể và toàn diện các quan hệ pháp luật phát sinh trong lĩnh vực này. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhằm tạo khung pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, ngày 03/12/2004 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Điện lực số 28/2004/QH11 điều chỉnh toàn diện các vấn đề thuộc lĩnh vực điện lực. Từ đó đến nay, Luật Điện lực 2004 đã trải qua 2 lần sửa đổi bổ sung bởi Luật số 24/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Để Luật Điện lực thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành mà một số văn bản quan trọng có liên quan đến hoạt động mua bán điện từ các đơn vị phát điện và hoạt động mua bán điện với nước ngoài bao gồm:
- Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
- Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu từ kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
- Thông tư 36/2018/TT-BCT ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
- Thông tư 45/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BCT quy định về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện.
- Thông tư số 09/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Công thương về quy định trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài.
Tiếp theo là nguồn luật chung quy định về Hợp đồng mua bán hàng hóa với nước ngoài như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại...và các văn bản hướng dẫn thi hành.Điều 4 Luật Thương Mại năm 2005 đã quy định nguyên tắc áp dụng phối hợp các văn bản, theo đó: Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương Mại và pháp luật có liên quan; hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó; hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương Mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ Luật Dân Sự. Theo nguyên tắc này Hợp đồng XNKĐN trước hết được điều chỉnh bởi các quy định của luật chuyên ngành (pháp luật về điện lực), khi các văn bản pháp luật chuyên biệt cho lĩnh vực điện lực không quy định sẽ dẫn chiếu đến các quy định về thương mại, dân sự để thực hiện.
Cuối cùng, cũng như đối với mọi loại hàng hóa XNK khác, hoạt động XNKĐN còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và pháp luật về thủ tục hải quan. Trong khuôn khổ Phần 3 của Luận văn này, học viên không đề cập một cách kỹ lưỡng tới các quy định này mà chủ yếu đề cập tới các quy định liên quan tới Hợp đồng XNKĐN và trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài.