2.1. Hiệp ƣớc Hiến chƣơng Năng lƣợng năm 1994
2.1.1. Lịch sử hình thành
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (Energy Charter Treaty - ECT) là một thỏa thuận quốc tế nhằm thiết lập một khuôn khổ đa phương cho việc hợp tác xuyên biên giới trong ngành năng lượng. Hiệp ước bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động thương mại liên quan tới năng lượng bao gồm thương mại, vận chuyển, đầu tư và hiệu quả của năng lượng. Hiệp ước có tính ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời quy định chi tiết các thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2019 đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết Hiệp ước [27]. Tất cả các nước thành viên đều
đã phê chuẩn Hiệp ước ngoại trừ Úc, Bêlarut, Na Uy và Liên bang Nga. Bêlarut mới chỉ chấp nhận áp dụng tạm thời Hiệp ước.
Sự khởi đầu của Hiến chương Năng lượng (ECT) bắt nguồn từ một sáng kiến chính trị được đưa ra ở châu Âu vào đầu những năm 1990 vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc đã mang đến một cơ hội chưa từng có để vượt qua sự chia rẽ về mặt kinh tế trước đây giữa các quốc gia ở cả hai bên của cuộc chiến. Ngành năng lượng trở thành ngành có nhiều triển vọng và tiềm năng nhất cho sự hợp tác cùng có lợi giữa các bên do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Âu và nguồn tài nguyên rộng lớn ở các quốc gia hậu Liên Xô thời đó. Tuy nhiên, vai trò của nó vượt ra ngoài sự hợp tác Đông- Tây, nhu cầu có một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý nhằm thúc đẩy các nguyên tắc mở cửa thị trường năng lượng toàn cầu và không phân biệt đối xử để kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại xuyên biên giới toàn cầu trở lên cần thiết. Bằng những lý do đó đã dẫn tới quá trình hình thành Hiến chương Năng lượng.
Khởi nguồn của ECT chính là Hiến chương Năng lượng Châu Âu (European Energy Charter) được ký tại The Hague vào ngày 17 tháng 12 năm 1991. Đây là một tuyên bố chính trị về các nguyên tắc hợp tác năng lượng quốc tế trong thương mại, vận chuyển và đầu tư, cùng với ý định đàm phán một Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý, là sự khởi đầu để xây dựng Hiệp ước Hiến chương Năng lượng sau này. Trên cơ sở của Hiến chương Năng lượng Châu Âu năm 1991, Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) và Nghị định thư về “hiệu quả năng lượng và các khía cạnh môi trường liên quan” (PEEREA) đã được ký kết vào tháng 12 năm 1994 và có hiệu lực pháp lý vào tháng 4 năm 1998. Trong đó ECT có tính ràng buộc về mặt pháp lý còn PEEREA được soạn thảo như một tuyên bố về ý định chính trị nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa các bên. Một bản sửa đổi các điều khoản liên quan
đến vấn đề thương mại năng lượng phản ánh sự thay đổi từ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) sang các quy trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng được thống nhất vào thời điểm đó [28].
Trong một thế giới ngày càng có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu năng lượng, người ta nhận thấy rằng các quy tắc đa phương có thể tạo ra một khuôn khổ cân bằng và hiệu quả hơn cho hợp tác quốc tế so với các hiệp định song phương hoặc các công cụ khác. Do đó, ECT ra đời đóng vai trò quan trọng như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng nền tảng pháp lý cho an ninh năng lượng, dựa trên các nguyên tắc của một thị trường mở, cạnh tranh và phát triển bền vững [29, p.19-32].