1.2. Khái quát Hợp đồng xuất nhập khẩu điện năng
1.2.7. Sự cần thiết điều chỉnh pháp luật đối với Hợp đồng xuất nhập
khẩu điện năng
Lĩnh vực điện lực là lĩnh vực phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của tất cả các quốc gia trên thế giới, vì vậy đòi
hỏi phải có một hệ thống văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh tổng thể và toàn diện các quan hệ pháp luật phát sinh trong lĩnh vực này. QLNN về hoạt động XNKĐN bằng pháp luật là sự tác động của Nhà nước lên các chủ thể chịu trách nhiệm về hoạt động XNKĐN thông qua quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách và quy định pháp luật; thiết lập và sử dụng hiệu quả công cụ XNK; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về XNKĐN; kiểm tra, kiểm soát hoạt động XNKĐN, tạo ra môi trường thuận lợi nhất để hoạt động XNKĐN phát triển đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, có hiệu quả một cách bền vững trong điều kiện biến động của môi trường trong nước và thương mại quốc tế. Ngoài ra, nhà nước còn phải quản lý hoạt động XNKĐN bằng pháp luật là bởi:
Thứ nhất, vì mục tiêu hiệu quả kinh tế, mọi quốc gia đều phải tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất bao gồm nâng quy mô sản xuất, quy mô dịch vụ của đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ, mà điện năng là thành phần không thể thiếu của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ để phát triển, từ đó đòi hỏi các nước phải giao lưu quốc tế về kinh tế để tránh tình trạng sản xuất thừa hay thiếu điện năng vào những lúc cần thiết.Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nếu không có các chính sách bảo hộ phù hợp thì nền công nghiệp non trẻ của nước ta sẽ không đứng vững được. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần hoàn thiện quản lý nhà nước về hoạt động XNKĐN để đảm bảo đủ nguồn lực phát triển.
Thứ hai, bất cứ quốc gia nào trên con đường phát triển cũng phải đưa ra các lựa chọn nguồn cung cấp năng lượng phù hợp, chi phí hợp lý và các quy định nghiêm ngặt về phát thải. Đặc biệt tại Việt Nam, giá bán lẻ điện hiện chưa vận hành đầy đủ theo cơ chế cạnh tranh, giá mua điện của các nguồn năng
lượng tái tạo (NLTT) đang cao hơn so giá bán lẻ điện bình quân, khiến thách thức về mục tiêu cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng căng thẳng hơn, do đó cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa bằng pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động XNKĐN để giải quyết triệt để vấn đề này.
Thứ ba, HĐXNK điện năng liên quan đến chính sách phát triển và an ninh năng lượng của mỗi quốc gia bởi với nền kinh tế toàn cầu ngày một phát triển như hiện nay dẫn đến nhu cầu năng lượng cũng tăng rất nhanh. Ngày nay, các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt, phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng môi trường,… trong khi các nguồn năng lượng mới thân thiện chưa đáp ứng được nhu cầu bù đắp thiếu hụt (cầu lớn hơn cung hay xung đột giữa phát triển năng lượng và kinh tế xã hội bền vững, bảo vệ môi trường) nên việc giải bài toán an ninh năng lượng càng trở nên khó khăn hơn, xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia, giữa các vùng miền cũng như nhiều khó khăn thách thức trong thực hiện chương trình kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia. Các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới không chỉ gây ra bởi mâu thuẫn về quan điểm chính trị mà còn có nguyên nhân tranh chấp về nguồn nhiên liệu cho an ninh năng lượng của các quốc gia phát triển. Chính vì thế các nguồn điện nhập khẩu từ các nước láng giềng vẫn là lựa chọn không tránh khỏi để một quốc gia vừa “có điện”, vừa bảo vệ được lợi ích môi trường và xã hội và đặc biệt là bảo vệ an ninh năng lượng của mình. Tại Việt Nam, Dự kiến, ngành Điện cần đảm bảo sản xuất 265 - 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng 10,3 - 11,3%/ năm, giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8,0 - 8,5%/năm [13]. Đây đều là những thách thức rất lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện gặp khó khăn, nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm mà chưa có nguồn cấp khí thay thế. Trong khi năng lực khai thác
thủy điện trong nước đã bước vào giai đoạn bão hòa (do hầu hết các bậc thang tiềm năng đã được khai thác đầy đủ), nguồn nhập khẩu từ các nước láng giềng đặc biệt là Lào và Trung Quốc để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220 kV hiện hữu vẫn là lựa chọn không tránh khỏi. Chính vì vậy việc quản lý hoạt động XNKĐN bằng pháp luật cần được quan tâm và chú trọng nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, chính sách năng lượng cân bằng cũng có ý nghĩa quyết định trong việc làm đòn bẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việc cân đối nguồn điện của Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho việc điều tiết chính sách giá điện của Nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghệ cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Cụ thể, những HĐXNK điện năng có thời hạn lâu dài giúp cho việc tính toán và cân đối khung giá phát điện trong nước, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch (bao gồm cả nhập khẩu nguyên liệu hóa thạch) dẫn đến giá điện bị biến đổi khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, với chính sách điều tiết vĩ mô cân bằng giá điện sẽ khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.
Tiểu kết Chƣơng 1
Chương 1 của Luận văn đã đề cập đến nhưng nội dung cơ bản có tính chất lý luận về HĐXNK điện năng. Dựa trên cơ sở của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, học viên đã nghiên cứu và đề cập cụ thể đến các khái niệm cũng như cơ sở lý luận và pháp lý của HĐXNK điện năng, bao gồm các nội dung về: Khái niệm, đặc điểm, phân loại và so sánh với các hợp đồng XNK hàng hóa thông thường khác cũng như nguồn pháp luật điều chỉnh HĐXNK điện năng. Ngoài ra học viên còn phân tích thêm một số vấn đề cụ thể như sự cần thiết của việc quản lý hoạt động XNKĐN bằng pháp luật nhặm mục đích cơ bản “việc cân đối nguồn điện của Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho việc điều tiết chính sách giá điện của Nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghệ cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường”.
Trên cơ sở các khái niệm tại Chương I, luận văn sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia điển hình điều chỉnh vấn đề XNKĐN.
CHƢƠNG 2
THỰC TIỄN PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG
XUẤT NHẬP KHẨU ĐIỆN NĂNG
Mặc dù HĐXNK điện năng có đầy đủ yếu tố của một Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tuy nhiên nó lại không được điều chỉnh bởi Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. Điều 2.f của Công ước đã loại trừ việc áp dụng Công ước cho giao dịch mua bán điện năng trên cơ sở rằng trong một số hệ thống pháp luật, điện năng không được xem hàng hóa và mua bán điện năng quốc tế liên quan đến những vấn đề đặc thù so với những vấn đề thông thường của mua bán hàng hóa quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có một Công ước riêng biệt nào điều chỉnh vấn đề mua bán điện năng quốc tế mà đa phần chỉ là các Hiệp ước song phương và đa phương về vấn đề mua bán, giao dịch năng lượng nói chung và điện năng nói riêng. Nổi bật trong số đó phải kể tới Hiệp ước Hiến chương Năng lượng năm 1994 và Hiến chương Năng lượng Quốc tế năm 2015.