Một số quan điểm về bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 56 - 61)

1.1 .Các nghiêncứu về mục đích của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

2.3. Một số quan điểm về bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể

2.3.1. Quan điểm quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Ngay sau khi UNESCO được thành lập năm 1945, mục tiêu đầu tiên của tổ chức này là bảo tồn các di tích cổ nổi tiếng. Đến khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, quan điểm bảo tồn và phát huy không chỉ dừng lại ở các phong cảnh đẹp, các di tích uy nghi mà cái đáng được bảo tồn nhất chính là di sản văn hóa phi vật thể. Nỗ lực đầu tiên của UNESCO trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể chính thức bắt đầu từ những năm 70 với việc công

nhận Công ước về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa thế giới. Mục tiêu chính trong bản công ước này là xây dựng chương trình nhằm phục hồi, bảo tồn các di tích, địa danh hay phong cảnh nổi tiếng.

Sau những năm 80, Bolovia và một số quốc gia khác đã đề nghị UNESCO phải xem xét các di sản văn hóa truyền miệng. Năm 1989, tổ chức này đã đưa ra một văn bản đề nghị việc bảo tồn văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian. Văn bản này đã yêu cầu các quốc gia trên thế giới đưa ra những giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể [78].

Dựa trên đóng góp của nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, UNESCO đã xây dựng chương trình “những kiệt tác di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể”. Mục tiêu chính của chương trình này là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, chương trình còn kêu gọi các quốc gia thống kê các di sản văn hóa trong lãnh thổ của mình; thiết lập một ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Các chuyên gia từ các quốc gia khác nhau đã nghiên cứu và đề ra bản dự thảo về công ước văn hóa phi vật thể. Sau ba cuộc họp tại Paris và nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi ở các cấp độ khác nhau, Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được biểu quyết và thông qua tại Đại hội đồng UNESCO ngày17/10/2003 tại Paris. Có 120 nước thành viên đã bỏ phiếu tán thành Công ước [52, tr.36]. Những điều khoản của Công ước được hiểu theo hai dạng chính (1) Các loại hình hay trải nghiệm có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao được cộng đồng coi là truyền thống (2) di sản là những thứ được cộng đồng chia sẻ được coi là biểu trưng của văn hóa truyền từ đời này sang đời khác [68].

Một trong những thành công chính của bản Công ước đó là sự cam kết của các quốc gia trên thế giới để cùng hợp tác với cộng đồng xây dựng bản thống kê di sản văn hóa nằm trong phạm vi lãnh thổ của họ. Ngoài việc thống

kê, bản Công ước còn yêu cầu các quốc gia phát triển kế hoạch hành động cho công việc bảo tồn văn hóa.

Điểm nhấn quan trọng của bản Công ước là việc bảo tồn phải được tiến hành với sự đồng ý, hợp tác và quyền quyết định của cộng đồng – chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể đó. Một trong những nền tảng cơ bản mà UNESCO đã xây dựng thành công là việc thống nhất các khái niệm, quan điểm về văn hóa phi vật thể, trên cơ sở đó có thể đưa ra được những mục tiêu, yêu cầu cụ thể trong quá trình bảo tồn và phát huy chúng. Phần lớn các mục tiêu bảo tồn đều nhấn mạnh vào môi trường xã hội mà nó đã sản sinh, nuôi dưỡng các kiến thức truyền thống [52, tr.43].

Theo Gregory J.Ashworth [3, tr.52], quan điểm bảo tồn nguyên vẹn được phát triển đầu tiên từ những năm 50 của thế kỷ XIX. Quan điểm này cho rằng, những sản phẩm của quá khứ, nên được bảo tồn như nó vốn có để tránh tình trạng thế hệ hiện tại làm méo mó, biến dạng di sản. Mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa – xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại có hiểu biết một cách cụ thể để phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Không những thế, những tác động cùa ngày hôm nay sẽ tạo nên những tầng lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau, vì thế có thể làm cho thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị của di sản đang tồn tại. Quan điểm này nhấn mạnh đến hai điều kiện tiên quyết của đối tượng bảo tồn là (1) nó phải được nhìn là tinh hoa, là một giá trị đích thực (2) nó phải hàm chứa tiềm năng đứng vững lâu dài trước những biến đổi tất yếu về đời sống vật chất và tinh thần của con người, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

2.3.2. Quan điểm của Việt Nam về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vấn đề Văn hóa, di sản văn hóa, giá trị văn hóa đã được quan tâm từ khá sớm. Trong cương lĩnh cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong Đề cương văn hóa 1943 và

tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam 1948 của Trường Chinh đã đề cập tới văn hóa, giá trị và di sản văn hóa. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 65 LS-CTP về Bảo tồn cổ tích, và trong hai cuộc kháng chiến, Nhà nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Sau này, cùng với sự trưởng thành và phát triển đất nước, đặc biệt là sau khi Việt nam thông nhất (1975), Đảng và Nhà nước đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chính sách, pháp luạt về văn hóa, di sản văn hóa dân tộc. Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” (1998) và Luật di sản văn hóa (2001) là cột mốc [50]. Tiếp đó Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; trong đó Đảng ta đã có những quan điểm mới về quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn kết giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Những quan điểm mới của Đảng trong Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước không chỉ đáp ứng với sự đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội hiện nay mà còn là những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài về phương diện văn hóa xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đó là nền văn hóa của 54 dân tộc sống trên đất nước ta. Chiến lược phát triển văn hóa của chúng ta gắn liền với phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng này đã được khẳng định trong Hội nghị TW lần thứ 4, khóa VII “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, một động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của phát triển xã hội”. Đảng đã đề tra nhiều biện pháp, chủ trương phù hợp với từng thời kỳ cách mạng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó vấn đề được đặt ra hàng đầu

và có tính nguyên tắc là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Luật Di sản văn hóa là văn bản hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở nước ta được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 29/6/ 2001. Trong văn bản Luật này chương 3 trình bày về

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể[12, tr.21]. Có 5 lĩnh vực liên quan đến văn hóa phi vật thể được Luật Di sản văn hóa quy định, đó là:

(1) Nhà nước có chính sách và tạo điều kiện để bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam,

(2) Nhà nước và xã hội bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục, lối sống, nếp sống của dân tộc

(3) Nhà nước có chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, diễn xướng dân gian của cộng đồng.

(4) Nhà nước có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu.

(5) Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống.

Ngoài ra Luật di sản văn hóa còn nhấn mạnh: nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt [12, tr 21-22].

Sau khi Luật di sản văn hóa được ban hành, Chính phủ đã ra Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/ 2002, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa. Tại điều 7,Nghị định chỉ rõ 6 biện pháp cần thiết để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: (1) tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu, (2) thống kê phân loại định kỳ về di sản văn hóa phi vật thể, (3) tăng cường việc truyền dạy, (4) đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, (5) mở rộng các hình thức xã hội hóa, (6) thực hiện thẩm định miễn phí, hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ lưu giữ.

Như vậy có thể thấy, việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về di sản văn hóa, từ đó giúp mọi người trân trọng và có ý thức bảo tồn đối với di sản văn hóa của mình và tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, việc ban hành các văn bản pháp quy mà cao nhất, hoàn chỉnh nhất là Luật Di sản văn hóa cho thấy Đảng và Nhà nước ta có sự quan tâm đặc biệt đối với di sản văn hóa của dân tộc. Trong đó, xác định vai trò của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)