.Hoạt động trong gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 125 - 130)

Hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ không thể thực hiện được, nếu thiếu sự tham gia của các thiết chế xã hội.Một trong những thiết chế có tầm ảnh hưởng đến hoạt động này chính là gia đình. Dưới góc nhìn của xã hội học, gia đình là một dạng thiết chế xã hội cơ bản, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội và sự hình thành nhân cách của cá nhân. Qua lăng kính văn hóa, gia đình còn là nơi chuyển giao các giá trị di sản, duy trì “nguồn gen” di truyền văn hóa. Có thể nói, gia đình là môi trường cơ bản để duy trì và phát triển giá trị văn hóa, điều đó đồng nghĩa với việc gia đình là một nhân tố có tác động đến việc thực hiện hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa quan họ nói riêng.

Việc thiết chế gia đình tham gia trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh chính là duy trì cơ sở vật chất sinh hoạt quan họ ở làng Vân Khám xưa là gia đình của các cụ nghệ nhân, gia đình các anh hai, chị hai quan họ và chủ yếu là các nhà “ông trùm”, “bà trùm”. Đây là nơi sinh hoạt của các “bọn” quan họ, thường diễn ra các hoạt động như: các cụ nghệ nhân truyền dạy cho những người chơi quan họ những hiểu biết về lề lối, cách chơi quan họ, dạy các bài hát quan họ, các liền anh, liền chị học hát quan họ, các em thiếu nhi đi theo “ngủ bọn” để được truyền dạy cho những kiến thức văn

hóa quan họ và nghệ thuật ca hát. Như vậy, gia đình là một kênh truyền thông tác động đến việc bảo tồn di sản văn hóa chủ yếu thông qua hình thức xã hội hóa. Việc duy trì và phát huy văn hóa được thực hiện trong gia đình bằng cách trao truyền các thông tin văn hóa về quan họ giữa các thể hệ từ già sang trẻ. Do sự khác biệt về lịch sử phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội mà vai trò của gia đình trong việc truyền thụ văn hóa của từng gia đình không biểu hiện giống nhau.

Một trong những vấn đề trọng tâm được chú ý trong thực hiện bảo tồn di sản văn hóa quan họ là việc truyền dạy quan họ. Trước khi có sự tham gia của nhà nước, quan họ vẫn được xem là một “nghề chơi” mang tính nghệ thuật. Việc truyền dạy được những người chơi quan họ rất xem trọng. Trong tổ, đội nhóm hát quan họ bao giờ cũng có những tầng lớp kế cận, đó là các em nhỏ thanh thiếu niên. Những người này thường là con cháu của các liền anh, liền chị, hoặc đôi khi là bạn bè ở trong làng, được cử đi theo mỗi khi có dịp hội hè hoặc đình đám. Các em nhỏ thường được bố trí chỗ ngồi sau các liền anh, liền chị ở mỗi canh hát. Vị trí đó mang ý nghĩa về tính biểu tượng của sự quan sát, trải nghiệm, học hỏi hướng đến những thế hệ kế cận.

Khi đánh giá mức độ thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa quan họ trong gia đình, tác giả sử dụng thang đo Lirkert đo tần suất thực hiện các hoạt động cụ thể trong gia đình theo mức độ như sau: 1. Rất nhiều, 2. Nhiều, 3. Bình thường, 4. Ít và 5. Rất ít. Khoảng giá trị cao nhất của mỗi biến số là 5 và thấp nhất là 1. Mức độ thực hiện bình quân sẽ là trung bình cộng của những ý kiến về hoạt động của những người tham gia phỏng vấn. Như vậy, mức độ thực hiện càng nhiều thì điểm trung bình càng thấp, mức độ thực hiện càng ít thì điểm trung bình càng cao.

Bảng số liệu dưới đây phản ánh những hoạt động cụ thể mà gia đình đã thực hiện trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa quan họ.

Bảng 4.3: Điểm trung bình về mức độ thực hiện hoạt động bảo tồn quan họ trong gia đình (mean)

Mức độ thực hiện các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa quan họ trong gia đình N

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Nói chuyện/ trao đổi về các giá trị quan họ 405 2.14 .809 Hướng dẫn/ dạy hát quan họ theo lối cổ 405 2.32 .832 Hướng dẫn/ dạy hát quan họ theo lối cải biên 405 2.59 .766 Khuyến khích/ tạo điều kiện cho các thành

viên của gia đình tham gia các hoạt động về quan họ tại địa phương

405 2.36 .910 Kết quả khảo sát cho thấy, các ý kiến đều tập trung ghi nhận vai trò của gia đình trong việc thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quan họ. Cụ thể, điểm bình quân về mức độ thực hiện các hoạt động bảo tồn quan họ trong gia đình (như hướng dẫn hát/ trao đổi về các giá trị quan họ, khuyến khích/ tạo điều kiện cho các thành viên tham gia hoạt động liên quan đến quan họ tại địa phương) là 2.35, tức là được thực hiện ở mức độ nhiều. Trong đó, “nói chuyện, trao đổi về các giá trị quan họ của cho các thành viên trong gia đình” là hoạt động được các gia đình tại địa bàn khảo sát thực hiện với mức độ nhiều nhất, với mức điểm trung bình là 2.14. Trong thiết chế gia đình, những hoạt động gắn việc trao truyền các giá trị về di sản văn hóa quan họ được hình thành giống như một hoạt động thường kỳ, mang tính tự nguyện. Điều này tạo nên cơ sở cho các giá trị văn hóa được thẩm thấu, bảo tồn và phổ biến từ môi trường xã hội hóa sơ cấp. Ngày nay, việc truyền dạy quan họ trong gia đình vẫn được duy trì trong một số gia đình có truyền thống chơi quan họ. Những liền anh, liền chị vẫn dạy bảo con cái họ, hướng dẫn thế hệ trẻ bên cạnh việc dạy hát, vẫn giáo dục về lối chơi quan họ của các cụ, các thế hệ những người đi trước. Nhiều gia đình vẫn giữ được nghề chơi chính là văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Tuy nhiên, phải chấp nhận một thực tế là việc truyền dạy trong gia đình hiện nay chưa tạo được nhiều hứng thú cho trẻ em. Điều này

do nhiều nguyên nhân tác động, nhưng trong đó có một nguyên nhân tương đối căn bản: đó là sự thay đổi không gian thực hành sinh hoạt quan họ. Chính điều này tạo cho thế hệ kế tiếp sự khiên cưỡng, khó tiếp nhận được hết những lề lối, cách thực hành và những trải nghiệm trong cuộc sống của mình.

Những phát hiện trên phù hợp với một số quan điểm của Durkheim khi nghiên cứu về hiện tượng văn hóa. Những lập luận của ông cho rằng, việc hướng đến nghiên cứu các quá trình tương tác trực tiếp, giao tiếp cá nhân, các hoạt động cùng nhau, các nghi thức xã hội sẽ có thể giải thích cách tổ chức và phát triển của cộng đồng.

Văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca quan họ nói riêng tiềm ẩn trong trí nhớ, tâm thức của con người và được bộc lộ thông qua hành vi hoạt động của con người. Chỉ trong môi trường diễn xướng thích hợp thì các hiện tượng vốn tiềm ẩn ấy mới có thể bộc lộ, thể hiện ra như một hiện tượng văn hóa. Vì vậy, gia đình giống như một chiếc nôi văn hóa, đã phần nào thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ, trao đổi, truyền dạy và tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tham gia công sức trong việc duy trì, phát triển và bảo lưu các giá trị văn hóa của quan họ. Điều đó đồng nghĩa với việc bảo tồn và trao truyền văn hóa quan họ một phần phụ thuộc vào đời sống của từng cá nhân, đời sống của từng gia đình. Phần nào phụ thuộc vào ý thức cá nhân và thiết chế gia đình.

Một trong những vấn đề có tác động đến hoặt động bảo tồn giá trị truyền thống quan họ Bắc Ninh là việc truyền dạy trong gia đình. Trước khi có các can thiệp của nhà nước, quan họ vẫn được coi là “nghề chơi nghệ thuật”.

Trong mỗi gia đình có truyền thống chơi quan họ, người ta vẫn dạy con em trong gia đình thông qua những sinh hoạt hàng ngày. Việc học hát thường bắt đầu từ những câu khó trước. Bởi vì đó là thời gian để luyện giọng, chỉnh giọng. Khi học xong câu này thì có thể hát được bất kỳ những câu giọng sổng, giọng bỉ nào. Nhưng có một đặc điểm là việc truyền dạy trong gia đình hiện nay dường như chưa tạo được hứng thú với thế hệ trẻ. Bởi vì không gian thực hành

sinh hoạt quan họ đã thay đổi, những người ở thế hệ sau khó tiếp nhận được hết những lề lối” (PVS, nữ, 68 tuổi, nghệ nhân)

Trong truyền thống, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và truyền dạy quan họ cho thế hệ mai sau. Ngày nay, khi quan họ đã được chuyên nghiệp hóa thì vai trò của gia đình vẫn rất quan trọng trong quá trình thực hiện bảo tồn các giá trị truyền thống quan họ Bắc Ninh. Cùng với vai trò của nhà trường, các hoạt động bảo tồn quan họ được thực hiện trong gia đình mang lại nhiều hiệu quả. Chính vì vậy, quan họ giờ đây không chỉ là sinh hoạt văn nghệ của những người cao tuổi, người trung niên mà còn là của cả những tầng lớp thế hệ trẻ là thanh niên. Tuy nhiên, cần chấp nhận một thực tế đang diễn ra là: nếu trong truyền thống, gia đình chính là môi trường văn hóa tốt nhất trao truyền và giáo dục về nghệ thuật quan họ, thì ngày nay vai trò của gia đình có phần mờ nhạt hơn trước do tính chuyên nghiệp hóa của quan họ đang lan rộng. Ở làng quê quan họ hiện nay, việc truyền dạy tại gia đình chưa phát huy được tính hiệu quả khi mà vai trò của nhà trường và nhà nước đang thể hiện ngày một đậm nét. Phát hiện điều này, cũng hàm ý rằng cần chấp nhận sự thay đổi như một xu hướng tất yếu.

Tóm lại, gia đình là một thiết chế tham gia tích cực với các mức độ khác nhau trong hoạt động bảo tồn các giá trị truyền thống quan họ Bắc Ninh. Trong gia đình, các hoạt động hướng đến bảo tồn là (1) nói chuyện/ trao đổi về các giá trị quan họ, (2) Hướng dẫn/ dạy hát quan họ theo lối cổ hoặc hát cải biên, (3) các hoạt động khuyến khích/ tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình tham gia các hoạt động về quan họ tại địa phương. Trong các hoạt động cơ bản trên thì yếu tố “nói chuyện/ trao đổi về các giá trị quan họ” có tác động nhiều nhất đến hoạt động bảo tồn và yếu tố “ hướng dẫn dạy hát quan họ theo lối cải biên” có tác động ít nhất đến hoạt động bảo tồn. Việc gia đình có tác động đến hoạt động bảo tồn các giá trị truyền thống phản ánh tính phù hợp của những lý thuyết nghiên cứu về văn hóa của Durkhem khi cho rằng mỗi xã hội đều thông qua giáo dục để truyền lại cho

các cá thể những tiêu chuẩn xã hội và văn hóa. Đồng thời, những phát hiện trong nghiên cứu cũng phù hợp với những luận điểm của M.Werber khi cho cho rằng: các giá trị truyền thống khó được lặp lại trong bối cảnh xã hội hiện đại, do đó việc làm “sống lại” các giá trị này, tạo nên sự hiện hữu của chúng trong hiện tại cần đánh giá được vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong việc thiết thực bảo lưu, gìn giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 125 - 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)