Các giá trị truyền thống của quan họ BắcNinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 70 - 73)

1.1 .Các nghiêncứu về mục đích của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

3.2. Các giá trị truyền thống của quan họ BắcNinh

Lịch sử thế giới đang ở những giai đoạn mới với nhiều thay đổi phức tạp, đa dạng trên nhiều bình diện, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một thời đại của sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Có thể gọi là thời đại của nền kinh tế trí thức trong một thế giới phẳng. Xu thế này là một hướng phát triển tất yếu của quy luật lịch sử. Tính thời đại đó cũng phần nào phản ánh tầm quan trọng của mỗi dân tộc trên thế giới về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Có thể xem những quyết sách trong việc thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như một sứ mệnh mang ý nghĩa sống còn đối với nền văn hóa của mỗi quốc gia. Bởi đó là tài sản vô cùng quý báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ. Đó là nền tảng, và là cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại. Có thể xem việc bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa là “tấm hộ chiếu” của mỗi quốc gia trong sự hội nhập, giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới.

Trong sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của xã hội đương đại, các loại hình dân ca cổ truyền nói chung và dân ca quan họ nói riêng cũng chịu nhiều áp lực lớn. Chúng không thể tồn tại độc lập, tĩnh tại, phi vận động trong sự biến đổi hàng ngày của môi trường văn hóa xung quanh. Không thể có một loại dân ca nào hoàn toàn ổn định, gắn bó mãi với môi trường diễn xướng khởi nguyên của mình. Chúng luôn vận động để thích ứng với thời gian và không gian cụ thể. Sự vận động này không chỉ trong làn điệu, ca từ, mà cả trong phương thức, lề lối, phong cách trình diễn.

Do đó tầm quan trọng của hoạt động bảo tồn là hướng đến đồng thuận với quá trình tiếp biến văn hóa. Thừa nhận trong các xã hội cổ truyền, sự biến đổi diễn ra từ từ chậm chạp tạo nên cảm giác ít thay đổi. Còn trong xã hội công nghiệp, không gian văn hóa thay đổi quá nhanh, sự tác động diễn ra quá

lớn dẫn đến sự biến đổi rõ rệt khiến đôi khi nhiều người có cảm giác như sự mai một giá trị. Điều đó đồng nghĩa với quá trình bảo tồn là định hướng những hạt nhân cốt lõi, những giá trị nền tảng chịu được sự thử thách của thời gian, tồn tại và đi lên cùng cuộc sống, những gì không phù hợp, lỗi thời sẽ bị đào thải.

Trong quá trình bảo tồn, các nhân tố xã hội sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động bảo tồn. Đó là những nhân tố phản ánh đặc điểm nhân khẩu học của những người tham gia hát quan họ. Nhân tố khác cũng có thể có những tác động nhất định đó là sự thực thi hoạt động của chính quyền địa phương. Những nhân tố trong thiết chế gia đình, trường học cùng sự hoạt động của truyền thông đại chúng sẽ có những tác động đến hoạt động và quá trình bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ Bắc Ninh.

Dân ca quan họ là nghệ thuật dân gian truyền thống của vùng Kinh Bắc xưa. Đây là một loại hình nghệ thuật phong phú, độc đáo về thi ca, âm nhạc. Hát quan họ là tiếng hát giao duyên, đối đáp của nam nữ bằng lời hay, ý đẹp trong mỗi bài ca với phong cách giao tiếp lịch sự và những lề lối, tập quán ứng xử tinh tế giàu yếu tố văn hóa. Giá trị truyền thống của văn hóa quan họ là phương tiện phản ánh sâu sắc tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, niềm khát khao vươn đến cái Đẹp của con người nơi đây từ nhiều đời nay.

Quan họ Bắc Ninh là một loại hình sinh hoạt văn hóa âm nhạc độc đáo, không chỉ mang đặc trưng riêng của vùng quê Kinh Bắc mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giá trị di sản văn hóa quan họ được thể hiện trên hai khía cạnh cơ bản, đó là âm nhạc và trang phục. Nét đặc trưng của âm nhạc quan họ là hát đối đáp giữa một bên là liền anh và một bên là liền chị trong không gian văn hóa quan họ. Âm nhạc hát quan họ là một lối hát đòi hỏi luyện tập công phu và có tính tập thể với những lề lối quy định chặt chẽ, trở thành phong cách được thực hiện nghiêm ngặt từ tổ chức đến hình thức diễn xướng. Lề lối của hát quan họ thường có nhịp độ chậm, bài

bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ. Người hát những bài hát quan họ lề lối phải biết kỹ thuật vang, nền, nảy, ngắt, rớt…

Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa. Trang phục liền chị thường gọi là “mớ ba mớ bảy”, nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau, gọi là mớ ba hoặc bảy áo dài lồng vào nhau gọi là mớ bảy. Liền chị mang dép cong làm bằng da trâu. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng có lá sen, viền tà, gấu to, dài quá gối. Giá trị truyền thống văn hóa quan họ không chỉ được thể hiện trên phương diện âm nhạc và các hình thức ca hát mà nó còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục, bao gồm cả trang phục nam (liền anh) và trang phục nữ (liền chị). Bên cạnh đó là những yếu tố hỗ trợ như lời ca, dáng điệu, thái độ, ứng xử… Đó là sự tổng hòa quan hệ giữa các yếu tố, những đặc trưng trong văn hóa vùng miền với nét độc đáo riêng trong âm nhạc, vừa tạo nên sự thống nhất, lại vừa tạo ra sắc thái độc đáo riêng không có nhiều trong các loại hình âm nhạc khác.Khi đến với quan họ là không có sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt thân phận, ở đó có mối quan hệ tôn kính chung, sự bình đẳng giữa con người với con người: giữa nam và nữ, giữa các thân phận rất khác nhau trong đời thường. Không ở đâu trong xã hội cũ con người lại được sống trong mối quan hệ "người với người là bạn" như trong sinh hoạt văn hóa quan họ.Trước vũ trụ bao la, huyền bí, đi trong cuộc đời xưa nhiều rủi hơn may, người Quan họ đã lấy tiếng hát Quan họ làm nhịp cầu đến với thế giới thần linh để cầu mưa, cầu phúc, cầu duyên, cầu lộc, giải hạn... hy vọng vượt qua được mọi thác ghềnh, hy vọng tấm lòng thành kính và tiếng hát diệu kỳ kia sẽ xua đi mọi tai ương, bất hạnh, mang lại niềm tin cho cuộc sống. Tiếng hát Quan họ đã trở thành người bạn đồng hành mang đến sự che chở, an ủi vĩnh hằng trước mọi đe dọa của thế giới siêu nhiên. Giá trị của quan họ còn được thể hiện qua sự hình thành những quan niệm đạo đức, những hành vi và tình cảm đạo đức bắt nguồn từ những lẽ phải có cội rễ sâu xa trong truyền thống văn hóa dân gian đối với quan hệ bạn bè, quan hệ yêu đương nam nữ, quan hệ vợ chồng, tình

làng, nghĩa xóm, quan hệ lớp người trước với lớp người sau, lớp già lớp trẻ... dựa trên nghĩa nặng, ân sâu, tôn lẫn kính chung, trước sau đùm bọc, thủy chung...Giá trị thẩm mỹ của quan họ đan xen với những giá trị về nhân văn – đạo đức. Người sinh hoạt văn hóa quan họ cũng là đến với quyền được sáng tạo, diễn xướng, thưởng thức những giá trị văn hóa, nghệ thuật của chính mình, của những tri âm, tri kỷ, của cộng đồng người gắn bó, hòa hợp với mình, trong sự tự do và chân thật. Bằng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, người quan họ có thể nói với chính mình, với những tri kỷ, với con người về những ước mơ, khát vọng, buồn, thương, yêu, ghét..., về những điều cuộc đời nên có và phải có... vừa để tự giải phóng tinh thần cho mỗi cá thể vừa để gắn bó có ích và tốt đẹp đối với cuộc đời. Giá trị truyền thống của quan họ Bắc Ninh chủ yếu là lối hát giao duyên. Như vậy, bảo tồn giá trị truyền thống của quan họ là nghiên cứu phát hiện các giá trị kết hợp với những giải pháp gìn giữ lâu dài nhằm khai thác giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội [18].

Với những bình luận trên, các giá trị truyền thống của dân ca quan họ được thể hiện thông qua: (1) trang phục của người hát quan họ, (2) những đồ dùng liên quan đến sinh hoạt quan họ (bàn ghế, ấm chén, cối trầu, ô, nón quai thao...), (3) những công trình tín ngưỡng trong khu vực lễ hội giao duyên quan họ (đình, chùa..), (4) cảnh quan môi trường sinh hoạt văn hóa quan họ (làng xóm, nhà cửa, đường xá, cây đa, giếng nước...) và (5) làn điệu quan họ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố xã hội tác động đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của quan họ bắc ninh (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)