Sử dụng các nguồn nước trong canh tác nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 46 - 49)

2.1. Tri thức bản địa trong sử dụng nguồn nƣớc

2.1.1. Sử dụng các nguồn nước trong canh tác nông nghiệp

Người Thái là dân tộc có truyền thống trồng lúa nước từ rất lâu đời. Các nhà khảo cổ học đã khẳng định ngay từ thời tiền sử người Thái ở Việt Nam đã biết trồng lúa nước. Họ đã tìm thấy rất nhiều dấu vết hóa thạch của vỏ trấu trên vùng đất có người Thái cư trú. Người Thái Mường Xang có rất nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước, được đúc kết trong tục ngữ, thành ngữ Thái:

“Hết nọong vày poi pạ,

Hết na vày poi kháu”

(Làm ao để thả cá,

Làm ruộng để trồng lúa)

Trong hình thức canh tác nông nghiệp này, nước đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cả vụ mùa. Trên cơ sở đó, đồng bào Thái Mường Xang đã đầu tư rất nhiều công sức để có được nguồn nước phục vụ cho gieo trồng, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tri thức trong việc sử dụng nguồn nước canh tác một cách hiệu quả.

Người Thái Mường Xang lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ nguồn nước suối. Đồng bào thường sử dụng hệ thống mương, phai, lái lin để dẫn nước vào ruộng. Hệ thống này là những công trình thủy lợi đặc biệt phục vụ cho việc tưới tiêu rất hiệu quả và là một trong những

thành tựu văn hóa vật chất độc đáo, phản ánh kinh nghiệm thủy lợi truyền thống của dân tộc Thái.

- Phai: là con đập được xây dựng chắn ngang các dòng suối để giữ nước,

làm cho nước dâng cao và chảy vào các mương đào sẵn. Phai được xây dựng từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như đất, đá, gỗ, tre,…Tùy theo độ rộng lớn của từng cánh đồng mà người ta dựng phai to hay nhỏ. Phai thường được xây dựng và tu bổ trước các vụ gieo cấy. Đồng bào thường chọn những nơi đáp ứng đủ các điều kiện thuận lợi như nơi đắp phai phải có hiệu suất tưới cao nhất, nước chảy ngay vào ruộng hoặc nếu phải đào mương thì độ dài của mương ngắn và dễ đào. Người Thái Mường Xang thường chọn những nơi dòng suối bị thu hẹp để đắp phai nhằm giảm công sức và nguyên vật liệu do chiều dài của phai ngắn hoặc chọn những nơi có hòn đá to nổi lên ở giữa dòng chảy để làm điểm tựa, tăng độ chắc chắn cho phai.

Để xây dựng phai, người Thái Mường Xang thường chọn những cây gỗ to, chắc chắn bắc ngang qua dòng suối (chính vì phai rất chắc chắn nên đồng bào cũng thường tận dụng phai để làm cầu qua suối), sau đó đóng nhiều cọc gỗ từ lòng suối lên chắn ngang thân gỗ, rồi đan những tấm phên dầy bằng tre, nứa đặt ngang dòng nước để ngăn nước, từ đó nước dâng lên và chảy vào mương. Ở Mường Xang, do cấu tạo địa hình các con suối trong vùng không rộng lớn nên phai và mương thường nhỏ.

Phai là yếu tố đầu tiên, trọng yếu trong hệ thống thủy lợi loại này, không có phai không có nước chảy qua mương vào ruộng. Tục ngữ của đồng bào

Thái đã khẳng định tầm quan trọng của phai: “Ái tại khứ pha lớ” (Phai vỡ như cha chết)

- Mương: là những đường rãnh dẫn nước vào ruộng và thường có ba loại:

Mương chìm (mương đào), mương nổi (mương đắp) và mương nửa chìm nửa nổi (vừa đào vừa đắp). Đầu mương thường bắt đầu từ phai, nhưng không nhất

thiết cứ phải có phai mới có mương, vì có thể mương được bắt đầu trực tiếp từ các khe nước hoặc những dòng nước chảy từ trên cao xuống. Mương thường chạy dọc theo những khu đồng ruộng, vừa để cung cấp nước cho trồng trọt, vừa tiêu thoát nước khi mưa lũ. Tùy nhu cầu sử dụng nước cho ruộng nhiều hay ít mà đồng bào đào mương rộng hay hẹp, sâu hay nông.

- Lái : là một dạng phai phụ thường được đắp trong các con mương để

dẫn nước vào các triền ruộng, các thửa ruộng lẻ.

- Lín : ở những nơi có địa hình phức tạp không thể đào hoặc đắp mương

dài liên tục, đồng bào thường làm máng “lín” dẫn nước để thay thế. Máng có thể được làm bằng cây tre hay nứa. Đồng bào thường chọn những cây tre, nứa già, to rồi bổ đôi, đục bỏ các “mắt” thành các ống rỗng để cho nước có thể chảy qua. Ngoài ra, máng cũng được làm bằng những cây gỗ thẳng bổ đôi, đục rỗng hoặc làm bằng những tấm ván ghép với nhau thành hình chữ U. Tuy nhiên, loại máng này không phổ biến và thường ngắn, vì rất mất công sức và khó làm hơn loại máng tre, nứa. Đồng bào thường dùng lín để dẫn nước qua những chướng ngại vật, qua suối, qua những nơi không thể dùng mương đất.

Lín thường được bắc trên một hệ thống giá đỡ chắc chắn, giá đỡ này thường

được làm từ gỗ hoặc tre, Đồng bào cắm chéo hai chiếc cọc tre hoặc gỗ xuống đất tạo thành hình như chữ X rồi đặt lín lên chỗ giao nhau phía trên của hai

cọc chéo.

Thông thường, ở những nơi có địa hình suối thấp hơn mặt ruộng, đồng bào làm phai, còn những nơi mực nước cao hơn mặt ruộng hoặc nguồn nước ở xa ruộng, địa hình gồ ghề không thể đào mương thì đồng bào làm máng lín dẫn nước vào ruộng.

Ruộng của người Thái Mường Xang phần lớn là ruộng bậc thang nên cách dẫn nước vào ruộng rất được đồng bào chú ý. Nước từ nguồn chảy đều vào khắp ruộng trên cao rồi mới lần lượt chảy xuống các ruộng dưới thấp hơn.

Lối thoát nước từ ruộng nọ xuống ruộng kia thường được tạo theo kiểu so le, khiến cho mực nước trải đều trên khắp bề mặt ruộng lại vừa giúp ngăn ngừa xói mòn phù sa trên các thửa ruộng. Theo đó, các ruộng trên cùng, liền kề bờ mương sẽ nhận nước vào ruộng trước tiên và những mảnh ruộng không gần mương sẽ nhận nước từ các mảnh ruộng liền kề bờ mương chảy từ trên xuống. Sau khi ruộng đầu tiên nhận đủ nước, đồng bào xẻ một đoạn nhỏ ở bờ ruộng (độ rộng và sâu khoảng 20 - 30cm) đủ để cho nước tiếp tục chảy xuống thửa ruộng tiếp theo, cứ như vậy cho đến mảnh ruộng cuối cùng. Cũng có gia đình sử dụng ống tre xuyên qua bờ ruộng để dẫn nước, cách làm này chỉ phù hợp với những thửa ruộng có bờ đất mềm và không dầy. Mỗi thửa ruộng có thể xẻ từ 2 - 3 chỗ, tùy thuộc vào diện tích thửa ruộng và lưu lượng nước cũng như nhu cầu lấy nước gấp hay không. Để ngăn không cho chất màu hoặc phân bón chảy xuống ruộng dưới, nhiều gia đình còn đan những liếp tre mỏng, nhỏ đặt chắn những chỗ nước chảy xuống. Khi bắt đầu tiến hành cày, bừa, chủ thửa ruộng phía trên đắp những chỗ xẻ này lại để giữ màu cho ruộng nhà mình, sau khi cày bừa xong một thời gian chờ độ màu mỡ trong nước đã lắng xuống thì lại xẻ bờ ruộng ra cho nước tiếp tục chảy xuống phía dưới. Để cách dẫn nước này đạt hiệu quả cao nhất thì ruộng cần phải được tạo mặt phẳng. Mặt phẳng trên các thửa ruộng được tạo ra vừa phải đảm bảo độ phẳng để nước ruộng có thể tưới đều khắp, lại vừa đòi hỏi lớp đất trên cùng (lớp đất bề mặt) của ruộng phải là lớp đất màu có thể giữ nước, trồng cấy lúa cho thu hoạch. Vì thế, khi tạo mặt phẳng cho ruộng đồng bào thường đào lớp đất mùn trên mặt để riêng một chỗ sau đó mới tạo mặt phẳng cho ruộng. Khi ruộng đã có mặt phẳng đồng bào lấy lớp đất mùn đó rải phủ lên trên bề mặt để gieo trồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 46 - 49)