1.2. Khái niệm tri thức bản địa và tri thức về các nguồn nƣớc của ngƣờ
1.2.2. Tri thức của người Thái Mường Xang về việc sử dụng các nguồn nước
nguồn nước
Người Thái Mường Xang nói riêng và người Thái nói chung không có khái niệm “tri thức bản địa”. Đây là thuật ngữ do những nhà khoa học đặt ra trong quá trình nghiên cứu về tri thức của các tộc người, nhằm đặt trong mối tương quan và so sánh với “tri thức khoa học”.
Trong xã hội truyền thống, người Thái Mường Xang cũng như các dân tộc khác đều sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên nơi họ sinh sống để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình. Chính vì vậy, con người có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường nơi đồng bào cư trú và thu nhận, tích lũy
được nhiều kinh nghiệm, kiến thức và những hiểu biết phù hợp về môi trường mà họ sinh sống. Cũng như những tri thức về các nguồn tài nguyên khác, tri thức trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước đã được tích lũy qua quá trình trải nghiệm cuộc sống và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là một kho tàng tri thức, kinh nghiệm sống vô cùng quý giá, phù hợp với điều kiện môi trường tộc người trong bối cảnh cụ thể.
Cùng với những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình khai thác các nguồn tài nguyên khác, kinh nghiệm trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước là một trong những kiến thức quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái Mường Xang, góp phần vào sự tồn tại, phát triển của cộng đồng nơi đây. Do sinh sống trong khu vực có địa hình phức tạp, nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất mặc dù dồi dào, nhưng việc khai thác và bảo vệ sao cho hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất lại không phải là vấn đề đơn giản.
Trồng lúa nước là hoạt động sản xuất truyền thống của người Thái nói chung và người Thái Mường Xang nói riêng. Để có thể tiến hành được hoạt động này thường xuyên và hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu và đóng vai trò vô cùng quan trọng đến sự thành bại của mùa vụ, đó là nguồn nước đầy đủ. Chính vì vậy, việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này sẽ đem lại hiệu quả to lớn không chỉ trong sản xuất, tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người, mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất ruộng nước, sử dụng để chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, những tri thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang đã dần được tích lũy và đem lại những lợi ích to lớn cho đồng bào, cụ thể đó là hình thành các cánh đồng rộng lớn như Na Ngà, chăn nuôi gia cầm, thủy sản và đánh bắt từ tự nhiên. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển sản xuất cũng như đời sống của người Thái Mường Xang.
Trong quá trình lao động sản xuất, những kiến thức về sử dụng nguồn nước như tri thức về xây dựng hệ thống mương phai dẫn nước vào đồng ruộng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất lúa nước. Những tri thức này đã thể hiện rõ khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, địa hình và thổ nhưỡng vào trong sản xuất sản xuất của người Thái nơi đây. Với hệ thống mương phai, việc đưa nước vào đồng ruộng đã trở nên phù hợp với địa hình của khu vực, đảm bảo cho cây lúa phát triển, mùa màng tốt tươi trên địa hình bằng phẳng với các thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau.
Với những nguồn nước khác nhau, đồng bào có các cách thức sử dụng phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất. Các tri thức về bảo vệ nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho mọi người dân trong bản, mường nâng cao ý thức gìn giữ và bảo vệ nguồn nước. Điều đó cũng cho thấy, đồng bào đã ý thức được tầm quan trọng của nguồn nước trong đời sống của mình và một số lĩnh vực liên quan khác như: bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ sinh vật, giữ nguồn nước sinh hoạt đầy đủ và trong lành.
Có thể nói, tri thức trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước được hình thành qua quá trình hoạt động và sinh hoạt hàng ngày, chính vì thế, chúng sẽ cho chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức sinh tồn của người dân trong xã hội truyền thống. Hơn nữa, tri thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước nói riêng và tri thức về sử dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung đã trở thành những thành tố quan trọng hình thành nên thế ứng xử của con người với tự nhiên, góp phần tạo ra bản sắc văn hóa của người Thái Mường Xang.