Sử dụng nguồn nước trong khai thác, nuôi, trồng thủy sản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 54 - 57)

2.1. Tri thức bản địa trong sử dụng nguồn nƣớc

2.1.3. Sử dụng nguồn nước trong khai thác, nuôi, trồng thủy sản

Với nguồn nước khe suối và đồng ruộng dồi dào quanh năm, đã cung

cấp cho người dân nơi đây một khối lượng thuỷ sản tự nhiên khá lớn, đáp ứng nguồn dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Bên cạnh nguồn thuỷ sản khai thác từ tự nhiên (cá, tôm, cua, ốc) trong các khe suối, đồng ruộng và ao đầm, người Thái nơi đây còn sử dụng các ao tự nhiên và nhân tạo để nuôi nhiều giống cá khác nhau như cá chép, cá trê, cá chuối, cá rô, cá diếc,…

- Khai thác thủy sản từ nguồn nước tự nhiên: Trong nhận thức của đồng

bào Thái, sông suối là kho tài nguyên thiên nhiên quý giá, nó không những cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu mà nó còn là kho thức ăn dồi dào, giàu chất dinh dưỡng. Các loại thủy sản sinh sống ở sông suối rất phong phú. Vì thế, Người Thái Mường Xang có nhiều dụng cụ phù hợp với các hình thức đánh bắt khác nhau như chài, lưới, vó dùng để đánh bắt cá ở những đoạn suối sâu; nơm, vợt dùng để bắt cá ở những đoạn suối nông hay dọc theo các đoạn mương hẹp, cạn.

Nguồn thủy sản ở các con suối chủ yếu là các loại cá. Trước đây, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi người dân trong bản lại rủ nhau cùng đi đánh bắt cá tập thể. Người Thái Mường Xang có kinh nghiệm bẻ cành cây “xồm” - một loại cây mọc ven bờ suối, giẫm nát lá và thả xuống suối, sau một thời gian cá bị say chất độc chứa trong lá và nổi lên mặt nước, lúc này mọi người cùng nhau xuống suối bắt cá theo dụng cụ riêng của mỗi người. Bên cạnh cây “xồm”, đồng bào còn dùng quả “bứa” - một loại quả trên rừng - giã nát ra rồi thả xuống suối cho cá say nổi lên mặt nước để đánh bắt. Vì những loại cây và quả này thường có chất độc nên sau mỗi lần đánh bắt tập thể như thế này đồng bào phải để nước chảy từ một đến hai ngày cho hết chất độc rồi mới ra suối lấy nước về dùng. Đánh bắt cá bằng hình thức này thường làm cho cá chết

hàng loạt dẫn đến hủy hoại tài nguyên dưới nước nên đồng bào ít khi sử dụng. Luật tục của bản, mường cũng chỉ cho dân bản thực hiện cách này trong những dịp đặc biệt trong năm.

Bên cạnh việc đánh bắt cá ở suối như trên, người Thái Mường Xang còn đào “lụm” để bắt cá. “Lụm” là một hố nhỏ, rộng khoảng 1 - 2 m2, sâu khoảng 1m được đào ở góc những thửa ruộng rộng. Sau khi đào “lụm”, đồng bào lấy những thanh tre, bương vứt vào lòng hố, rồi dùng cành cây lấp lên trên để dụ cá vào. Sau 7 đến 10 ngày, có thể tát cạn để bắt cá. Các loại cá chui vào “lụm” chủ yếu là cá trê, cá diếc, lươn. Ngoài ra, sau mùa gặt, một số hộ dân trong bản còn thả các loại cá nhỏ vào ruộng để nuôi. Cá được thu hoạch trước khi gieo cấy vụ mới. Cách nuôi cá này rất có hiệu quả.

Đánh bắt cá riêng lẻ là hình thức đánh bắt phổ biến và thường xuyên của đồng bào Thái. Trước đây, hình thức đánh bắt này rất có hiệu quả. Đồng bào Thái có câu tục ngữ:

“Pạy tang nặm báu chắm có chí

Pạy tang bóc cứn cố ven lai”

(Đi đường nước chẳng chấm cũng nướng, Đi đường cạn phần nhiều về không)

Các cụ già kể, trước đây cá ở dưới suối có rất nhiều, là người Thái ai cũng biết bắt cá, có người bắt rất giỏi. Các cụ già yếu sức thì thả lưới, đặt hom; người có sức khỏe thì quăng chài, kéo vó; phụ nữ, trẻ em thì xúc cá bằng vợt hoặc mò bằng tay.

Vào mùa khô, suối ít nước, nước chảy dồn thành một dòng nhỏ hoặc tụ thành vũng lớn giữa lòng suối, hay rút vào những hang đá sâu hai ven bờ suối, cá cũng theo nước tìm đến trú ẩn ở những nơi này. Vì thế, để đánh bắt cá, đồng bào dùng gậy chọc mạnh vào hang và dùng lưới căng ở ngoài. Cá bị khua, bị dồn đuổi sẽ bơi ra khỏi hang và mắc vào lưới. Vào mùa mưa lũ, cá ở

trong các khe đá, trong hang trôi theo dòng nước và thường nương vào các bụi rậm hai bên bờ suối, đồng bào dùng chài, vó quăng, cất cá chỗ nước chảy quẩn hoặc dùng vợt xúc cá ở những bụi rậm trùm xuống hai bờ suối.

Ngoài ra, ở những con suối lớn, có nhiều cá, đồng bào thường làm chặng để bắt cá. Chặng được đóng bằng tre, dài từ 3 mét trở lên và sàn cũng đan

bằng lạt tre chẻ dầy. Chặng được đặt ở chỗ nước xiết, đồng bào lấy đá đắp

ngăn dòng nước rồi đặt chặng. Nước chảy vào đến giữa chặng thì lọt xuống

sàn tre, đoạn cuối chặng sẽ không có nước tới, khi cá theo dòng nước vào giữa chặng không đi tiếp được nữa và cũng không bơi trở lại được, bị mắc lại. Ở những con suối nhiều cá, có khi chỉ trong một đêm có thể thu được cả chục cân cá mắc trong chặng [21, tr.110].

Ngoài các loại tôm, cua, cá, còn có các loại rêu mọc ngầm dưới suối, tảo mọc ở vũng nước đáy bùn đều có thể trở thành thực phẩm trong các bữa ăn của đồng bào Thái. Các loại thủy hải sản này được đồng bào chế biến theo nhiều các khác nhau, nhưng thường xuyên và ưa thích hơn cả là món nướng (Pạ pính tốp, pạ chí,..) ăn với xôi đồ. Đối với các loài cá nhỏ hoặc ruột cá lớn, đồng bào tẩm gia vị, gói lá dong và các loại rau thơm, sau đó vùi tro nóng cho chín để ăn. Khi đánh bắt được nhiều cá, đồng bào thường sấy khô để ăn dần. Bên cạnh các món ăn được chế biến từ động vật dưới nước (tôm, cua, cá,…) đồng bào Thái còn có những món ăn được chế biến từ các loài thực vật dưới nước như các loài rong rêu. Những món ăn này cũng rất giàu chất dinh dưỡng, thậm chí còn có thể điều trị được một số bệnh, nhất là các món ăn từ rêu có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

- Khai thác thủy sản từ nguồn nước nhân tạo: Ngoài việc phục vụ tưới tiêu, đồng bào Thái còn lợi dụng nguồn nước suối để đào ao thả cá, cải thiện đời sống. Ao thường được đào dọc theo hai bờ suối hoặc bờ mương dẫn nước về bản để tiện lấy nước, ao cũng được nằm gần ruộng nhằm điều tiết nước cho

ruộng trong những lúc hạn hán. Các ao thường được đào kế tiếp nhau và luôn có nhiều nước (kể cả mùa khô). Nước trong những ao này được luân chuyển thường xuyên nên rất sạch, phù hợp với việc nuôi thả cá. Cá được nuôi thả trong ao chủ yếu là các giống cá trắm, cá trôi, cá rô phi, cá mè, cá chép…

Trước đây, đồng bào Thái Mường Xang có tập quán nuôi cá ruộng. Đến mùa cá đẻ trứng, đồng bào buộc một vài bó rơm, vứt xuống các phai, vũng suối cho cá chép, cá diếc đẻ trứng vào đó rồi đem về ươm trứng. Trứng cá nở, đồng bào đem cá ra thả ở các ruộng lúa. Những ruộng để nuôi cá thường là có diện tích rộng, có bùn sâu để trồng lúa nếp, mức nước ở những ruộng này sâu hơn các ruộng bình thường. Ở những nơi lấy nước và thoát nước của ruộng, đồng bào đan các phên tre để chắn không cho cá theo nước bơi ra ngoài. Đồng bào bắt đầu thả cá vào ruộng khi lúa đã bén rễ, xanh lá (tránh việc vừa cấy lúa đã thả cá vì sợ lúa mới cấy chưa bén rễ cá sục bùn có thể làm nổi chân mạ) và thu hoạch cá đúng vào vụ thu hoạch lúa. Khi chuẩn bị gặt, đồng bào tháo nước để ruộng khô cho lúa chín đều và bắt cá về ăn. Cá và lúa thu hoạch được sẽ là những lễ vật quan trọng để cúng trong lễ cơm mới. Trong suốt khoảng thời gian thả cá ở ruộng, đồng bào không phải lo thức ăn nuôi cá. Cá sinh trưởng nhờ nguồn thức ăn thủy sinh và sinh vật phù du trong ruộng. Cách nuôi cá như thế này vừa có tác dụng làm sạch ruộng vừa kích thích sự sinh trưởng phát triển của cây lúa. Vì cá ăn sâu bọ và một số côn trùng hại lúa sống dưới nước hoặc trên mặt nước, cá bơi trong ruộng sục bùn giúp tăng lượng ô xy giúp rễ lúa hấp thụ khoáng chất tốt hơn. Năng suất lúa ở những ruộng nuôi cá thường cao hơn các ruộng bình thường.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 54 - 57)