Những quy ước dân gian về quản lý và bảo vệ các nguồn nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 57 - 61)

2.2. Tri thức bản địa trong việc quản lý và bảo vệ các nguồn nƣớc

2.2.1. Những quy ước dân gian về quản lý và bảo vệ các nguồn nước

Xã hội Thái được tổ chức thành các mường, bản. Mọi tài nguyên đất đai, rừng, sông, suối,… đều thuộc về sở hữu của cả mường, chẩu mường (chủ đất)

là người đại diện. Đồng bào thường thiêng hóa các luật tục bằng truyền thuyết, những câu chuyện huyền bí, những kiêng kị mang tính tín ngưỡng linh thiêng,… Đồng bào quan niệm rằng, trong mường chỗ nào cũng có thần phù hộ cho bản cho mường. Mường nào cũng có hồn mường, những khúc sông

sâu, suối lớn đều có ma trông giữ cai quản. Vì vậy, không ai trong cộng đồng được rửa, giặt giũ những thứ bẩn thỉu ở đầu nguồn nước. Nguồn nước của bản nào bản ấy tự quản lý và sử dụng, đồng thời cùng thống nhất đưa ra các quy ước về quản lý và sử dụng. Người nào phá nguồn nước người ấy phải làm trả lại cộng đồng, nếu phá nguồn nước mà lại đánh cả người nhắc nhở thì bị phạt nặng hơn. Mỗi hộ gia đình có trách nhiệm quản lý trâu bò của gia đình mình, không để trâu bò phá hoại nguồn nước, nếu trâu bò nhà ai phá hoại hoặc phòng uế vào nguồn nước mà dân bản bắt được thì gia đình đó phải đến dọn dẹp sạch sẽ nguồn nước. Nếu người hoặc vật của gia đình nào gây ra tác hại lớn, làm nhiễm độc nguồn nước, gia đình đó vừa phải dọn sạch nguồn nước vừa phải nộp phạt để bản cúng hồn nước. Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm đóng góp tiền bạc, lễ vật để bản tổ chức cúng nguồn nước vào đầu năm và tham gia dọn vệ sinh sạch sẽ nguồn nước khi bản yêu cầu. Những gia đình sử dụng chung nguồn nước tưới rau, đào ao thả cá, đưa nước vào ruộng phải có trách nhiệm cùng nhau nạo vét mương, be bờ khai thông dòng chảy. Nếu giữa các hộ sử dụng chung nguồn nước có sự tranh chấp lẫn nhau, không tự giải quyết được thì mường hoặc bản sẽ đứng ra giải quyết.

Nếu như nước phục vụ canh tác lúa nước có thể khai thác và sử dụng ở nhiều nguồn khác nhau như suối, khe, ao, nước mưa,… thì nước sinh hoạt cần phải được đảm bảo vệ sinh hơn do chỉ được lấy ở đầu nguồn của các khe, suối, nước bó hay nước ngầm. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cũng được chú trọng hơn. Các quy định bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là nước ăn, cũng chặt chẽ và cụ thể hơn. Đó là những quy định cấm không được

làm bẩn nguồn nước, đặc biệt là tại các bến nước, dưới mọi hình thức như: chăn thả trâu bò, chôn người chết, thả các loại thuốc độc, phóng uế, vứt xác động vật chết, giết mổ gà lợn, tắm giặt (nhất là sản phụ đang trong thời kỳ ở cữ)…ở đầu nguồn và xung quanh khu vực bến nước, bó nước. Người vi phạm lần đầu có thể bị nhắc nhở, nhưng nếu tái phạm mà bị bắt quả tang sẽ bị phạt vạ theo quy định chung của bản.

Do các nguồn nước sử dụng trong đời sống của người Thái đều bắt nguồn từ những dãy núi, nên việc bảo vệ rừng đầu nguồn để tích tụ và lưu giữ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt lâu dài của con người rất được chú trọng. Vốn là những cư dân lúa nước, đồng bào Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn với cuộc sống và mùa màng. Mỗi người Thái đều tâm niệm rằng rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người Mẹ. Đồng bào có câu: “ Tại pá phăng, nhăng pá liệng ” - có nghĩa là sống rừng nuôi, chết rừng chôn.

Việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành luật lệ của bản mường. Đồng bào Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau rằng:

“Hiêm pá vạy lun lăng chắng mả

Vạy haử nặm chu bó lay lơng

Phaư chứ đảy khót nặn măn chắng pên côn”

Dịch nghĩa:

Giữ rừng cho muôn đời phát triển Để cho muôn mỏ nước tuôn trào

Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người!

Để bảo vệ rừng đầu nguồn, đồng bào đã xây dựng nên các truyền thuyết, huyền thoại gắn với các khu rừng hay về một số loại cây, loài động vật cần

phải bảo vệ. Bằng hình thức truyền miệng, những câu chuyện đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác và các khu rừng, cây, con đó trở nên thiêng hóa, không ai dám xâm phạm. Những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người dân, mỗi bản mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng. Ngày xưa, những khu rừng cấm này không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Thậm chí ai đi qua cũng phải cúi lạy, kể cả phìa tạo cũng phải xuống ngựa. Những con thú bị thương trong các cuộc săn bắn nếu chạy vào đây thì không ai được phép đuổi theo, nên sẽ được rừng che chở bảo vệ.

Ở Mường Xang những khu rừng bảo vệ nguồn nước thường là rừng thiêng, tiếng Thái gọi là “thiệng hâng”. Đây là những cánh rừng lớn có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm, có trữ lượng nước dồi dào cung cấp cho sinh hoạt, làm ruộng và chăn nuôi. Chính vì vậy, đồng bào thường có quy định cấm mọi người chặt phá rừng bừa bãi để làm nương rẫy, chỉ cho phép khai thác một số cây gỗ quý để làm nhà, làm quan tài, nhưng với số lượng hạn chế và không được phép phá hoại những cây nhỏ xung quanh.

Việc kiêng cấm chặt phá rừng cũng được luật tục quy định rõ ràng, vùng đất có rừng sâu là nơi trời đặt cho người trần gian chuyên kiếm ăn, còn khu rừng cấm đầu nguồn nước, nơi ở của ma thiêng, không được phát bừa bãi, rừng dành cho việc khai thác vật liệu dựng nhà thì cấm không được phát, đốt làm nương. Trong quan niệm của đồng bào, rừng già có ma cai quản nên khi chặt hạ cây to thì phải làm lễ cúng ma rừng. Lễ cúng gồm có trầu, cau, gà, rượu. Nếu chặt nhiều cây to thì phải cúng lợn, dê. Khi vào rừng phải đi nhẹ nhàng, không la ó, không hát hò, không đùa nghịch…, nếu không sẽ bị ma rừng làm cho ốm đau, thậm chí có thể chết.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 57 - 61)