Cách phân loại và quản lý nguồn nước của người Thái Mường Xang

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 33 - 37)

1.2. Khái niệm tri thức bản địa và tri thức về các nguồn nƣớc của ngƣờ

1.2.3. Cách phân loại và quản lý nguồn nước của người Thái Mường Xang

Trong ngôn ngữ của người Thái Mường Xang danh từ chung chỉ nước là “nằm” hay “nặm”. Bên cạnh đó, còn có nhiều danh từ khác chỉ các nguồn nước cụ thể, như:

- “Nằm lạy pứn” (nước ngầm) là chỉ những mạch nước chảy ngầm dưới mặt đất.

- “Nằm huối” (nước suối) là chỉ những mạch nước lớn chảy ra từ hang đá trong lòng núi.

- “Nằm hu” (nước khe) là chỉ những mạch nước nhỏ chảy ra từ lòng núi hoặc từ trên núi xuống.

- “Bó nằm” (nước bó) là chỉ những nơi nước ngấm từ trong lòng núi ra, nước ngầm ngấm từ lòng đất lên.

- “Nằm phợn” (nước mưa) là chỉ nguồn nước từ trên trời mưa xuống. - “Nằm buốc” là nguồn nước tù, đọng trong những vũng to.

- “Nằm nọong” là nước trong đầm, ao. - “Văng nằm” là chỉ những nơi nước sâu.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là trong ngôn ngữ của người Thái Mường Xang không có danh từ chỉ nước sông hay nước hồ. Sở dĩ như vậy, có thể là do trong khu vực sinh sống của đồng bào Thái ở đây không có con sông hay hồ lớn. Khi nhắc đến sông, người Thái ở Mường Xang sử dụng từ “huối

tớp”, nghĩa là suối lớn.

Như vậy, có thể thấy nhận thức về nguồn nước của đồng bào Thái Mường Xang khá phong phú và đa dạng. Trải qua hàng nghìn năm sinh sống, khai thác và sử dụng nguồn nước, đồng bào đã phân chia nguồn nước thành nhiều loại khác nhau, dựa trên các tiêu chí như mục đích sử dụng, tính chất và nguồn gốc của từng loại nguồn nước.

Trước hết, theo nhu cầu sử dụng nước, các nguồn nước của người Thái Mường Xang có thể được chia thành nhiều loại, như: nguồn nước sử dụng trong canh tác nông nghiệp chủ yếu là nguồn nước suối, nước mưa; nguồn nước dùng trong sinh hoạt có nước suối, nước bó, nước khe, nước mưa; nguồn nước sử dụng trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản chủ yếu là nước suối, nước khe, ao.

Cách phân loại thứ hai là phân loại theo tính chất của nguồn nước thì có các loại nước như: nước suối, nước mó, nước khe, nước ao, nước mưa, nước giếng.

Cách phân loại thứ ba là phân loại theo nguồn gốc nguồn nước có: nguồn nước ngầm (nước mó, nước giếng), nước suối và nguồn nước mưa.

Các cách phân loại nguồn nước trên của đồng bào Thái Mường Xang không phải được xây dựng dựa trên các phân tích khoa học hay theo một tiêu chí phân loại hiện đại, mà được hình thành dựa trên kinh nghiệm đã được đồng bào tích lũy qua hàng ngàn năm khai thác và sử dụng nguồn nước ở địa phương.

Tuy nhiên, trong luận văn này chúng tôi trình bày tri thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của đồng bào Thái ở Mường Sang dựa theo nhu cầu sử dụng nguồn nước của đồng bào. Theo đó, nguồn nước được phân loại như sau:

- Nguồn nước sử dụng trong canh tác nông nghiệp: Do địa hình ở

Mường Xang không có các con sông lớn chảy qua, nên nguồn nước chính sử dụng trong canh tác nông nghiệp là từ những con suối trong vùng. Tùy theo địa hình canh tác, đồng bào sử dụng các cách khác nhau để đưa nước suối vào đồng ruộng phục vụ sản xuất. Ở những nơi mặt nước thấp hơn ruộng, đồng bào thường sử dụng hệ thống mương, phai. Ở những nơi mặt nước cao hơn mặt ruộng hoặc những nơi ruộng ở gần nguồn nước, đồng bào thường làm máng để đưa nước chảy trực tiếp vào ruộng.

- Nguồn nước dùng trong sinh hoạt: Người Thái Mường Xang chủ yếu sử dụng nguồn nước thiên nhiên từ trong núi chảy ra. Nếu nguồn nước chảy ra nhiều, thành những dòng nước lớn, lượng nước dồi dào thì gọi là suối. Nếu nguồn nước chảy nhỏ, lượng nước ít thì gọi là khe. Nước ngấm từ lòng núi ra hoặc nước ngấm từ lòng đất lên tạo thành một vũng nước sâu thì gọi là bó nước.

Bản của người Thái Mường Xang đa số nằm ở đầu nguồn hoặc ven các con khe suối lớn. Những khe suối này có lượng nước rất dồi dào, tuôn chảy suốt ngày đêm, không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt mà còn tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy điện nhân tạo.

Người Thái Mường Xang thường xây dựng bến nước ở đầu nguồn dòng suối để người dân trong bản ra lấy nước dùng hay tắm rửa, giặt giũ. Trước đây, người dân trong bản hầu như không làm đường dẫn nước về nhà để sử dụng như một số dân tộc khác ở Tây Bắc mà thường trực tiếp ra khu vực bến nước chung của bản. Những hộ gia đình ở xa nguồn nước hoặc cư trú tách biệt với bản làng thì thường sử dụng nước khe, nước bó. Những nguồn nước này thường có dòng chảy nhỏ, lượng nước chảy tùy thuộc theo mùa mưa hay mùa khô. Trong sinh hoạt, nước có thể phân thành hai nhu cầu sử dụng khác nhau đó là dùng để ăn uống (nấu nướng, nước uống) và dùng để tắm giặt.

Mỗi con suối thường được phân chia thành nhiều khúc, đoạn hay những vũng nước sâu. Mỗi vũng nước hay đoạn suối thường được đồng bào đặt những tên gọi riêng cho dễ nhớ và tiện phân biệt với những vũng nước hay đoạn suối khác trong vùng.

Bên cạnh nguồn nước suối, nước khe, nước bó, người Thái Mường Xang còn dùng nước mưa trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ được đồng bào sử dụng trong những đợt mưa lớn kéo dài, không thể ra suối lấy nước hoặc nguồn nước trên khe suối đã bị mưa làm bẩn, đục.

- Nguồn nước sử dụng trong khai thác, nuôi, trồng thủy sản: Bao gồm

hai loại là nguồn nước tự nhiên (khe, suối, đầm) và nguồn nước nhân tạo (ao). Thông thường, khu vực nào có nhiều nguồn nước tự nhiên thì có ít nguồn nước nhân tạo và ngược lại. Trong đời sống hàng ngày, người Thái Mường Xang thường có thói quen ăn cá, do đó nguồn nước nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng rất quan trọng đối với đồng bào. Bên cạnh đó, người dân cũng tận dụng nguồn nước này để chăn thả ngan, vịt.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)