3.1.1 .Những biến đổi trong canh tác nông nghiệp
3.1.2. Những biến đổi trong sử dụng nguồn nước sinh hoạt
Trong sử dụng nguồn nước sinh hoạt, sự thay đổi lớn nhất là nguồn nước suối đã được đưa về từng hộ gia đình bằng hệ thống đường ống nước sạch do Nhà nước đầu tư qua Chương trình 135. Tại đầu nguồn một số con suối lớn được đầu tư xây dựng các trạm bơm nước, hệ thống đường ống dẫn để đưa nước về từng hộ gia đình. Tại các gia đình, tùy từng hộ có thể xây dựng bể hoặc mua bình inôc cỡ lớn để chứa nước. Do nước suối ở đầu nguồn rất trong và sạch, nên nước được bơm thẳng vào hệ thống đường ống dẫn về từng nhà
dân mà không cần phải qua khâu lọc nước, do đó không bị ảnh hưởng của hóa chất. Vì vậy, hiện nay người Thái Mường Xang đã sử dụng nước suối sinh hoạt ngay tại nhà mà không nhất thiết phải ra suối lấy hàng ngày như xưa.
Với hệ thống mương được kiên cố hóa bằng bê tông dẫn nước từ suối chảy khắp cánh đồng nên nước ở những con mương này thường khá sạch. Chính vì vậy nhiều gia đình trong bản đã tận dụng những đoạn mương chạy qua nhà để làm những bến nước nho nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Những bến nước này khá thuận tiện cho sinh hoạt của đồng bào, nguồn nước suối chảy qua hệ thống mương bê tông nên rất đảm bảo, không bị vẩn đục. Ngoài ra, đồng bào không phải lên bến nước công cộng lại tiết kiệm chi phí hơn khi sử dụng nước máy Song đồng bào chỉ lấy nguồn nước này chủ yếu để tắm rửa, giặt giũ chứ không sử dụng để ăn uống trong gia đình.
Cùng với việc có đường ống dẫn nước về tận nhà, người dân đã xây dựng nhà tắm tại gia đình để tắm rửa và giặt giũ. Do đó, ở một số bản, việc đi ra bến nước chung để lấy nước sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ hàng ngày đã không còn được duy trì. Ở một số bản khác, đồng bào chỉ sử dụng nước đưa từ suối về làm nước ăn, còn việc tắm rửa và giặt giũ thì vẫn ra bến nước công cộng của bản. Ở những bản này, bến nước công cộng vẫn là nơi sinh hoạt chung của người dân bản, tuy nhiên, việc phân chia bến tắm nam và bến tắm nữ đã không còn được duy trì. Vì phần lớn người ra bến nước hiện nay chủ yếu là để giặt giũ, chỉ có nam giới và trẻ em vẫn tắm ở suối, còn phụ nữ thường tắm rửa ở nhà.
Nhờ có hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt về tận từng hộ gia đình, nên người dân đã hạn chế dùng nước bó hay nước từ khe núi đá. Hiện chỉ có những hộ gia đình sống tách biệt xa bản làng mới phải dùng nước bó, nước khe, nước suối. Tuy vậy, phần lớn các gia đình này cũng đã sử dụng ống dẫn
nước bằng nhựa, ống cao su để đưa nước về nhà sử dụng; có khi hai ba hộ chung nhau một đường ống, đồng bào lấy đầy nước vào các đồ chứa như thùng phi, chum, bể nước,… Cũng có khi mỗi gia đình một đường ống, kéo nước từ đầu bó về nhà sử dụng. Những hộ ở gần bó nước hay khe nước thường dùng đá, xi măng xây xung quanh để giữ nước và có một bến nước sạch sẽ, nhiều nơi còn xây một nhà tắm nhỏ ngay bên cạnh để sử dụng cho thuận tiện. Ở những nơi nước nhiều, đồng bào còn tận dụng nguồn nước bó, nước khe để tưới rau, thả cá; lợi dụng thế đất để đào những hệ thống mương nhỏ dẫn nước chảy thành dòng vòng vèo về các vườn rau, ao cá.
Hiện nay, do khí hậu có nhiều biến đổi, lượng mưa ở Mường Xang đã tăng lên đáng kể, khiến cho vào mùa mưa lưu lượng nước ở các con suối ngày càng cao dẫn tới chế độ thủy văn thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Các con suối ở Mường Xang phần lớn nhỏ và có độ dốc cao, chính vì vậy khi lưu lượng nước nhiều khiến cho dòng chảy trở nên chảy xiết và độ xói mòn cao. Mực nước dâng cao, tràn vào ruộng lúa gây hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào. Tuy nhiên, vào mùa khô lại xảy ra hiện tượng các dòng suối trở nên cạn kiệt.
Cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều loại máy móc đã được đưa vào sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Những năm 90 của thế kỷ XX, khi cơ sở hạ tầng, nhất là điện lưới quốc gia chưa phát triển như hiện nay, cũng như đồng bào nhiều dân tộc khác trong vùng, người Thái Mường Xang đã tận dụng dòng chảy của khe suối để đặt các máy thủy điện nhỏ phục vụ sinh hoạt của gia đình. Các máy thủy điện nhỏ này được đặt dọc các khe suối hoặc những đoạn mương lớn có nhiều nước chảy qua. Việc lắp máy thủy điện nhỏ thường phụ thuộc vào lưu lượng nước của dòng chảy, ở những nơi có dòng chảy mạnh thì cung cấp nguồn điện năng lớn và ngược lại. Mỗi gia đình có thể tự lắp một máy thủy điện nhỏ hoặc 2 - 3 hộ chung nhau một
máy. Hiện nay, do cơ sở hạ tầng về điện đã được Nhà nước đầu tư chung theo mạng lưới điện quốc gia về tận bản, nên đồng bào không còn dùng máy thủy điện nhỏ nữa.
Trước đây, đồng bào thường lợi dụng sức nước để đặt cối giã gạo. Hình ảnh những chiếc cối giã gạo bên dòng suối đã trở thành một trong những đặc trưng của đồng bào Thái và tiếng cối giã gạo từng là âm thanh quen thuộc trong mỗi bản làng Thái. Ngày nay, thay vào đó, đồng bào đã sử dụng máy xay, sát và nhờ đó cũng có được những hạt gạo để ăn trắng hơn, ngon hơn xưa.
Bên cạnh nguồn nước suối được đưa về tận nhà để sử dụng, người Thái Mường Xang còn xây dựng những bể lớn để chứa nước mưa. Do lượng mưa hàng năm ở đây khá lớn nên nguồn nước để dự trữ khá dồi dào. Đồng bào thường xây bể có sức chứa từ 2 đến 3m3
nước để tích trữ. Nước mưa được hứng từ mái nhà rồi sử dụng máng bằng tre dẫn vào bể chứa. Hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa, gia đình thường vệ sinh bể chứa sạch sẽ để chuẩn bị cho việc chứa nước. Nước mưa thường được sử dụng để làm nước uống và nấu ăn, còn việc tắm rửa, giặt giũ đồng bào vẫn sử dụng nước dẫn từ khe suối về là chủ yếu.