1.3. Tín ngƣỡng và phong tục tập quán liên quan đến các nguồn nƣớc
1.3.1. Các nghi lễ, nghi thức thờ cúng nguồn nước
Để có đủ nước sản xuất, một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất của người Thái Mường Xang là lễ cầu mưa. Nghi lễ này được tổ chức vào tháng 2 âm lịch, vào thời điểm trước mùa mưa hàng năm, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cầu mưa là một lễ lớn của bản mường, được tổ chức ở trung tâm của Mường là Bản Vặt. Trước ngày tiến hành lễ cầu mưa, mỗi hộ dân trong mường phải góp 3 bát gạo và ít tiền để mua lễ vật cúng tế. Bên cạnh đó, mọi người trong bản cùng chuẩn bị vật trang trí cho cây nêu sử dụng trong ngày lễ cầu mưa. Đồng bào chuẩn bị quả còn, hoa quả các loại được làm bằng vải, các con vật như cá, chim, cò được đan bằng tre hoặc đẽo từ gỗ, trang trí nhiều màu sắc sặc sỡ để treo lên cây nêu. Lễ vật cúng thường không quá cầu kỳ mà là những đồ ăn thường ngày của đồng bào; gồm có thịt lợn, thịt gà, cá nướng, trứng luộc, bánh trưng, cơm nếp, rượu, vải thổ cẩm các loại. Vào ngày diễn ra lễ cầu mưa, những người phụ nữ do một bà góa trong bản đứng đầu làm chủ lễ cùng ra mó nước và làm lễ. Tại đây, họ làm lễ cúng thổ địa để xin nước đem về làm lễ cầu mưa. Mâm cúng đã được đồng bào chuẩn bị sẵn và đặt trong một cái miếu nhỏ dựng tạm bằng tre ở bên cạnh mó nước, sau nghi cúng lễ xong, chủ lễ vứt đồ cúng là quả trứng luộc vào mó nước như một cách dâng lễ cho thổ địa. Sau khi cúng lễ, bà góa đến từng nhà trong bản gọi mọi người cùng đi lấy nước và tham gia lễ cầu mưa. Mọi người dân khi đi dự lễ phải đem theo từ 1 đến 2 ống bương để lấy nước. Đến giờ cử hành lễ, dân bản đứng xung quanh cây nêu thành vòng tròn, toàn bộ lễ vật được bày biện dưới gốc cây nêu, thầy cúng ngồi xuống đọc bài mo khóc than về nỗi khổ tận của con người khi Then không cho mưa, khiến cho mường Trần khô hạn, thay mặt người dân thầy cúng cầu xin Then trên mường Trời làm mưa xuống mường dưới để người dân có nước làm ruộng,
nuôi cá. Sau khi kết thúc bài mo, một người cao tuổi trong bản đóng vai Then cầm một cành cây nhiều lá vẩy nước ra xung quanh tượng trưng cho trời mưa xuống. Lúc này dân bản cùng nhau reo mừng và mang ống bương ra suối múc nước. Sau khi nghi lễ hoàn tất, mọi người trong bản cùng đánh trống, chiêng và làm vòng xòe xung quanh cây nêu. Mọi người cùng múa hát, chơi ném còn, uống rượu cầu mong cho một vụ mùa mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghi lễ cầu mưa này được tổ chức với quy mô khá lớn và diễn ra ở trung tâm của mường. Ngoài ra, khi trời nắng hạn lâu ngày không mưa, ruộng khô nứt nẻ, lúa ngô trên nương héo úa, đồng bào cũng tiến hành nghi lễ cầu mưa nhưng đơn giản với quy mô nhỏ và không có nhiều nghi lễ, không phải thắp hương, bày mâm xôi thịt cúng bái, mà chỉ làm những điều kỳ quái ở trên đời chưa ai làm bao giờ để làm cho ông trời tức giận mà đổ mưa xuống. Tham gia lễ cầu mưa chỉ toàn đàn bà, con gái; chủ lễ phải là một bà già, con cái đã phương trưởng, đã có vợ có chồng hoặc là bà góa độc thân càng tốt. Khi tiến hành lễ, họ phải mặc váy áo rách rưới, để xõa tóc, người thì kéo máng lợn, người thì đội bu gà lên đầu,… và kéo nhau đi khắp quanh bản, đi qua nhà nào họ cũng kêu, hò hét ầm ầm:
“Phà đét tại pá hao, pá héng;
Phá lẻng téc khạu ngua, khạu khoai, phá ới!
Hớ địn lúm xọ nắm phợn đé ế!”
Dịch nghĩa:
Trời nắng cháy rừng chót, rừng tre;
Trời hanh khô làm nứt nẻ sừng trâu, sừng bò. Trời ơi trời cho trần gian xin nước với!
Người dân bản đứng trên các nhà sàn chuẩn bị sẵn nước, khi đoàn người đi qua kêu lên “Cho xin nước với” thì lập tức các chậu, ống nước tới tấp đổ
lên người họ. Sau khi đi khắp các nhà trong bản, họ kéo nhau xuống suối dìm tất cả máng lợn, bu gà xuống nước. Dìm xong họ quay lại vừa tát, té nước vào nhau vừa hát bài hát cầu mưa:
“Cháu ý phốt ới ý phận
Khói xọ nằm phận lông háy na tạ cá Khói xọ nằm phả lông háy na hon. Kháu dú háy tại phọi
Họi dú háy tại lánh
Pết cáy háy hạ phận báu phận Lúc côn háy hạ nằm báu nằm. Mít phận to nuối mác muối có xọ Chú huối chu nong đanh có xọ Xọ tênh ướt xá nựa có xọ Xọ tênh cựa xá tớ có xọ…”
Dịch nghĩa:
“ Hỡi trời ơi đất hỡi!
Xin cầu trời mưa xuống cho ta làm ruộng mạ Lúa trên nương chết héo
Ốc dưới ruộng chết khô
Gà vịt gọi trời mưa không mưa
Con người kêu gào gọi nước chẳng có. Hạt mưa bằng quả gắm cũng xin
Mưa lũ lụt ngập tràn suối khe cũng xin Xin cả ớt ở gác bếp trên
Xin cả muối ở gác bếp dưới!” [21, tr 130,131]
Cũng có khi đồng bào cử một bà góa ở bản lấy ống bương có đựng đầy nước rồi vác lên nương. Bà giơ ống nước lên phía trên gốc cây đã bị chặt cụt đến sát đất, miệng nói:
Í Phất ấy í Phơi
Sọ nặm phợn lôông xớ tá ca Sọ nằm phợn lôông xớ ná hoán
Dịch nghĩa:
Cô Phất hỡi cô Phơi,
Xin nước mưa xuống cho ruộng mạ Xin nước trời xuống cho ruộng bậc thang
Dứt lời bà đổ nước trong ống bương vào gốc cây cụt. Nếu sau khi tiến hành những lễ thức trên mà trời vẫn không mưa, thì đồng bào thường kiên nhẫn làm lại vì cho rằng, có lẽ những lời kêu gọi, khẩn cầu của mình chưa tới được tai Then nên phải thực hiện nhiều lần. [39, tr.46]
Khi làm phai, người Thái ở Mường Xang thường phải làm lễ cúng để xin phép thần nước, tượng trưng cho vị thần đó là con thuồng luồng (tộ ngước). Vào ngày làm phai, thầy mo của bản sẽ chủ trì lễ cúng tại điểm dự định sẽ đắp phai. Đồ cúng gồm có thịt trâu, xôi, rượu. Sau khi sắp xếp mâm lễ vật, thầy cúng quỳ và khấn vái cầu xin thần nước, thần núi, thổ địa cho phép bản, mường được đắp phai tại đây để lấy nước sản xuất, cầu xin các vị thần phù hộ cho công việc đắp phai được suôn sẻ, năm đó sản xuất được mùa, mùa màng bội thu sẽ tạ ơn các vị thần. Sau khi cúng xong, mọi người đều cùng ngồi ăn uống các lễ vật vui vẻ rồi bắt tay vào làm việc.
Hàng năm, đồng bào thường tổ chức lễ tế đầu nguồn nước (tế hụa tá). Tế đầu nguồn nước thường là lúc sắp làm vụ mùa lúa mới, vào quãng cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch. Tế đầu nguồn nước phải mổ một con chó, hai con gà (một trắng, một đen), xôi nhuộm ngũ sắc. Trong đó, xôi được nấu chín sẵn ở nhà, còn gà và chó phải lên tận nơi cúng tế mới được mổ thịt. Mâm tế được sắp thành hai mâm: mâm thịt chó tế quân binh canh gác đầu nguồn nước, mâm này chỉ bày xôi trắng; mâm cúng ma chủ đầu nguồn nước Thuồng
Luồng (Phị ngước) có mào có nhiều mầu sắc nên phải cúng hai con gà trắng đen, xôi ngũ sắc, vải thổ cẩm mầu xanh, đỏ, tím, trắng, vàng. Thuồng luồng chuyên gây ra lũ lụt, mưa bão, hạn hán nên hàng năm phải làm nghi lễ cúng tế cho chúng để cầu mưa điều hòa thời tiết cho con người. Sau khi cúng xong, người đi cúng phải ăn hết đồ cúng tại chỗ chứ không được đem về nhà. Nếu ăn không hết cũng phải vứt bỏ lại. [21, tr.126]
Khi có người bị chết đuối hoặc chết đuối hụt, đồng bào Thái thường tổ chức lễ cúng. Nếu người bị chết đuối, thì cúng gọi hồn về nhà để thờ cúng; nếu người bị chết đuối hụt thì cúng gọi hồn về nhập vào người sống. Đồng bào quan niệm, một người có 80 hồn: 30 hồn phía trước, 50 hồn phía sau (xạm xíp khoặn bướng ná, há xíp khoặn bướng lặng). Vì vậy, mỗi khi ốm đau hay gặp chuyện chẳng lành khiến hồn vía sợ mà bay tứ tán, muốn cho người ốm khỏi bệnh thì phải mời thầy mo về cúng để gọi hồn trở về. Khi có người bị chết đuối hay chết đuối hụt, đồng bào cho rằng nguyên nhân là do hồn người đó bị ma dưới nước bắt đi, vì vậy phải cúng ma dưới nước. Để cúng ma dưới nước, đồng bào phải mổ vịt, chó, gà và làm một chiếc bè để đón hồn về. Lễ vật cúng phải được làm ở ngay bờ suối. Khi chuẩn bị xong đồ cúng, mâm cúng được bày biện ngay bên bờ suối, gồm: một mâm cúng ma dưới nước có thịt vịt, rượu, xôi nhuộm màu vàng, xanh, tím, đỏ, trắng và một bè làm từ cây chuối; một mâm cúng quân lính canh gác, bảo vệ ma dưới nước có rượu, thịt chó, xôi nếp trắng; một mâm để mời hồn vía khi được đón về, có thịt gà, rượu, xô mầu ngũ sắc và có đặt một chiếc áo của người bị chết đuối hay chết đuối hụt thường ngày hay mặc. Thầy cúng tiến hành lễ cúng cho quân lính canh gác trước tiên để nhờ họ mở cổng cho vào vùng ma; sau đó cúng mâm thịt vịt cho ma dưới nước để xin chuộc và đón hồn về. Cúng chuộc hồn với ma dưới nước xong, thầy cúng mời hồn lên bè và đón về, thầy cúng vừa khấn vừa thả bè xuống nước, gieo quẻ âm dương xem ma dưới nước đã tha cho hồn
về hay chưa. Gieo được quẻ rồi thì mời hồn lên bè, vừa mời gọi hồn vừa kéo bè từ mặt nước lên bờ rồi để bè vào trong một cái rổ có lót vải đỏ và bưng về nhà. Khi về đến nhà, đặt bè cạnh mâm cúng hồn, thầy cúng bắt đầu cúng mời hồn ăn uống và dặn hồn ăn no, uống say rồi không được đi đâu mà phải ở nhà với thân xác cho con người khỏe mạnh, sống bền với anh em, vợ chồng, con cháu, chòm bản. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy quạt quạt gặt từ bè hồn vào chiếc áo của người đó ba lần, sau đó lấy chỉ buộc cổ tay cho người ốm để giữ hồn, vía ở lại mãi mãi với thân thể con người. [21, tr.138,139]
Đồng bào Thái ở Mường Xang còn có tục “Xuối ná pị mớ” - tức rửa mặt đầu năm mới. Tục lệ này diễn ra vào đêm giao thừa Tết nguyên đán hoặc sáng sớm mùng Một Tết. Sau khi đón giao thừa ở nhà, mọi người trong bản từ già trẻ, lớn bé cùng nhau ra suối, bến nước công cộng hoặc các bó nước của bản. Mọi người đều mang theo một ống tre để lấy nước. Sau khi dùng một ngụm nước để súc miệng rồi bắt đầu rửa mặt mũi, tay chân. Trong trường hợp trẻ em nhỏ chưa thể tự làm được, thì người lớn đi cùng sẽ làm và hát giúp. Sau khi đã làm xong các thủ tục theo qui định, mọi người cùng lấy ống tre múc nước hoặc nhặt một vài hòn đá nhỏ (tượng trưng cho việc nhặt tiền) đem về. Theo quan niệm của đồng bào, dòng nước suối hoặc nước ở bó nước vào thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới rất tinh khiết, rửa mặt mũi chân tay sẽ gột sạch đi những cái rủi, cái xấu của năm cũ để đón nhận nhiều may mắn trong năm mới. Hành động té nước vào nhau là để chúc có nhiều may mắn, làm ăn phát đạt trong năm mới. Việc mang nước, nhặt đá về nhà là để năm mới trong nhà mọi sự luôn suôn sẻ, mát mẻ, làm ăn dễ dàng, việc đồng áng được thuận lợi và mùa màng tốt tươi.
Người Thái Mường Xang còn có tục “giải khó giải hán”. Khi trong gia đình gặp vận hạn xấu, phải đến gặp thầy mo để cúng giải hạn. Sau khi cúng, đồng bào vứt đồ lễ cúng như thịt gà, cơm, gạo xuống suối cho nước cuốn trôi
đi, điều đó tượng trưng cho những xui xẻo, đen đủi cũng sẽ không còn nữa. Ngoài ra, người Thái Mường Xang cũng thực hành một số kiêng kỵ như: Người phụ nữ trong thời gian có kinh nguyệt không được tắm ở bến nước chung của bản mường, không được giặt đồ của phụ nữ và trẻ em mới sinh ở bến tắm chung mà phải xuống phía dưới bến.