2.3. Vai trò của nguồn nƣớc trong đời sống tộc ngƣời
2.3.1. Nguồn nước là tiêu chí quan trọng đầu tiên để chọn nơi cư trú và xác định
và xác định ranh giới bản, mường
Người Thái chủ yếu cư trú ở các thung lũng miền núi, những nơi gần nguồn nước, thuận tiện cho việc khai phá đất đai thành ruộng đồng, phát triển nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Đây cũng là đặc điểm về cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái nói chung, là cơ sở của nền văn hóa sinh thái vùng thung lũng, bồn địa miền núi.
Vùng thung lũng nơi người Thái Mường Xang cư trú có độ cao trên 1000m, nằm xen giữa những dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trong hệ thống núi và cao nguyên rộng lớn nhất nước ta. Điều kiện địa hình của khu vực này rất phức tạp, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, lượng mưa hàng năm khá cao nên có lưu lượng nước rất lớn với tốc độ dòng chảy cao.
Trong hệ sinh thái này, nước – đất – rừng là những yếu tố cơ bản gắn bó mật thiết với nhau. Trải qua những biến động của thiên nhiên, thung lũng được rừng bồi đắp một lớp trầm tích dày, tạo nên những vùng đất trù phú, màu mỡ, thích hợp cho các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người. Bên cạnh đó, cùng với chế độ mưa rừng nhiệt đới, các dòng suối được cung
cấp thêm nguồn nước từ núi rừng, khiến cho chúng có lưu lượng nước lớn, dồi dào quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho việc khai phá đất đai thành ruộng nước để gieo trồng lúa. Mất nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của ruộng đồng và cả tộc người cũng khó định cư lâu dài trên vùng lãnh thổ này, điều đó đồng nghĩa với việc khó hình thành các bản mường truyền thống cũng như các làng bản khó trở nên đông đúc và trù phú như ngày nay.
Chính vì vậy, theo quan niệm của người Thái, nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu, mang tính quyết định đến sự sống còn của con người và muôn loài. Do đó, một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khi chọn đất lập bản, dựng mường của đồng bào là nguồn nước. Dù hầu hết các bản làng của người Thái đều được bố trí theo lối mật tập trong các thung lũng lòng chảo hay trải dài theo các sườn đồi, nhưng bao giờ những khu vực đó cũng là nơi có nhiều sông suối bao quanh, có nguồn nước ngầm dồi dào và nguồn nước chảy từ trên núi xuống. Nhờ vậy, việc lấy nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trở nên đơn giản hơn, đồng thời rất thuận tiện cho việc lấy nước đắp mương phai để dẫn thủy nhập điền phục vụ canh tác lúa nước. Theo Quăm tô mương, chỉ có người đứng đầu bản, mường mới
được chọn đất để dựng bản, lập mường. Yếu tố quan trọng đầu tiên để chọn đất là vùng đất đó phải có đủ nước làm ruộng và cung cấp cho đời sống. Khi chọn được vùng đất ưng ý, họ phát quang một miếng đất nhỏ ở giữa rồi chôn xuống đấy một cái cọc bằng gỗ “Tók lắc”. Chủ mường lấy áo của mình treo lên đỉnh cọc, gọi là “lắc sửa”. Sau đó dân bản chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cúng “Chẩu nặm, Chẩu đin” (thần nước, thần đất) và mời thầy mo cúng xem chỗ đất này có hợp với chủ mường hay không. Nếu được, đồng bào dùng ta leo đánh dấu vùng đất đó để xác nhận quyền làm chủ. Khu vực làm lễ cúng này sau khi dựng bản, lập mường sẽ trở thành nơi cúng “Chẩu nặm, Chẩu đin” vào đầu năm mới.
Do đồng bào thường cư trú ở những nơi gắn liền với nguồn nước nên chúng ta có thể thấy nhiều tên bản, tên mường của người Thái được bắt đầu hoặc liên quan đến yếu tố nước như: huối (suối), bó (mó nước), xốp (miệng/
cửa khe suối), noong (ao/ hồ). Có thể kể ra hàng loạt tên các bản Thái gắn liền với những từ ngữ này như: Nặm Rốm, Nặm Xan, Nặm Xuông, Nặm Bó, Bản Noong,… [1, tr.15].
Khi xây dựng bản, mường, vùng đất lý tưởng nhất được người Thái lựa chọn là “lưng tựa vào núi” để có thể lấy nguồn nước phong phú và “mặt nhìn ra cánh đồng” để dễ dàng canh tác ruộng nước. Là những cư dân nông nghiệp lâu đời, người Thái nói chung và người Thái ở Mường Xang nói riêng, hiểu rõ tầm quan trọng của nước trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong đời sống hàng ngày. Họ coi sông suối là nguồn tài nguyên quan trọng để nuôi sống con người. Chính vì vậy, người Thái có câu:
“Mi nằm chăng mi mương,
Mi mương chăng mi tạo”
(Có nước mới có mường, Có mường mới có tạo) Hoặc:
“Mi nằm chăng mi pạ
Mi na chăng mi kháu”
(Có nước thì có cá Có ruộng thì có lúa)
Ngoài ra đồng bào cũng còn nhiều câu thành ngữ khác nói về tầm quan trọng của nước như: “Mi nằm chăng mi kháu, mi nằm chăng mi pụ mi pạ” (có nước mới có gạo ăn, có nước mới có ốc có cá), hay: “Hết kháu xớ thức mi mó,
mi mó xớ thức mi nằm” (nấu cơm thì phải có nồi, có nồi rồi thì phải có
nước);… Những câu thành ngữ trên đều nhằm nói lên tầm quan trọng của nước trong việc xây dựng bản mường cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng
ngày và sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống con người và xã hội của người Thái Mường Xang.
Người Thái Mường Xang cho rằng, ở đâu có con suối to, nước trong xanh, chảy róc rách đêm ngày thì ở đó đất đai màu mỡ, rừng núi tốt tươi, con người sống ở đó có cuộc sống trù phú, êm đềm. Nếu trong khuôn viên gia đình nào có mó nước chảy ra thì được xem như là nguồn của cải dồi dào, gia đình đó sẽ giàu có, sung túc. Trái lại, gia đình nào dựng nhà ở mỏm gò đồi cao, quanh năm trơ trọi, đó là dấu hiệu của sự nghèo khó, làm ăn lụn bại. Người Thái cũng kiêng không dựng nhà ở miệng khe, vực bởi quan niệm đó là đường đi của các loại phi (ma). Nếu làm nhà hay dựng bản ở đó thì sẽ bị
ma làm hại khiến cho dân bản bị ốm yếu, bệnh tật; nhà cửa lụn bại, làm ăn thất bát, thường gặp phải thiên tai hỏa hoạn hoặc bị lũ cuốn trôi.
Bên cạnh đó, nguồn nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc khai khẩn những vùng đất hoang trong thung lũng thành những cánh đồng màu mỡ, tạo điều kiện cho sự hình thành những bản mường trù phú, đông đúc. Trong xã hội Thái truyền thống trước đây, những mường lớn của người Thái ở Tây Bắc đều được hình thành trên những cánh đồng lớn, như câu tục ngữ “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Tấc, tứ Than”. Đây là những khu vực có hệ thống sông suối dày đặc, thuận lợi trong việc xây dựng các công trình thủy lợi dẫn thủy nhập điền. Ở Mường Xang, đồng bào Thái đã khẩn hoang ruộng đất tạo nên cánh đồng Na Ngà rộng lớn, trù phú. Đây cũng là khu vực có một hệ thống các con suối lớn nhỏ chạy quanh, cung cấp đủ nước sản xuất cho đồng bào.
Nước ở thung lũng là nước dòng chảy hội tụ (dù là nước sông suối hay nước mạch ngầm). Khối lượng và tốc độ của dòng chảy tùy thuộc vào chế độ mưa theo mùa và địa hình miền núi bao quanh thung lũng. Từ bao đời nay, người Thái cũng như các tộc người khác đã tập trung sức lực, phát huy trí tuệ
thực hiện năng lực làm chủ nguồn nước, khai thác thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Nước cần thiết cho con người trong sinh hoạt hàng ngày; phục vụ sản xuất nông nghiệp; là môi trường nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; cung cấp năng lượng để chạy cối giã gạo, chạy máy thủy điện nhỏ,… So với nhiều dân tộc khác ở miền núi thì hiệu quả khai thác nguồn nước của người Thái khá phong phú và đa dạng. Thế ứng xử của người Thái nói chung và người Thái Mường Xang nói riêng, là điển hình cho thế ứng xử vừa thích ứng vừa cải đổi theo phong cách riêng độc đáo của mình trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, phát triển sản xuất và xây dựng nền văn hóa đặc trưng của tộc người.