Khái niệm tri thức bản địa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 26 - 31)

1.2. Khái niệm tri thức bản địa và tri thức về các nguồn nƣớc của ngƣờ

1.2.1. Khái niệm tri thức bản địa

Thuật ngữ “tri thức bản địa” được Robert Chamber sử dụng lần đầu tiên năm 1979. Sau đó, thuật ngữ này được Brokensha và D.M. Warren sử dụng vào năm 1980, và tiếp tục thu hút các nhà nghiên cứu trên thế giới cho đến ngày nay. Theo đó, tri thức bản địa được hiểu là kiến thức của mỗi cộng đồng, hình thành, tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh cụ thể của mỗi tộc người; được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được thể hiện rõ trong luật tục, nghi lễ và các hoạt động cụ thể của các tộc người. Cũng có nhiều học giả trên thế giới cho rằng, hệ thống tri thức bản địa là những hệ thống tri thức và thực nghiệm qua sự phát triển của nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể với một nền văn hóa chuyên biệt (Warren D. Micheal, 1995). Có thể nói, tri thức bản địa chính là kho tàng tri thức mang đậm đà bản sắc tộc người. Vì thế, mỗi tộc người có một hệ thống tri thức bản địa của mình trong từng hoạt động cụ thể của đời sống tộc người, chính tính địa phương ấy đã sinh ra thuật ngữ tri thức bản địa (Local Knowledge).

Cho đến nay, đã có nhiều định nghĩa về tri thức bản địa và vai trò của nó được nêu ra. Charles F. Keyes cho rằng, hệ thống tri thức truyền thống được

coi là các tư tưởng thực nghiệm. Tư tưởng thực nghiệm là cách con người phát triển những ý tưởng, khái niệm và thái độ để thực hiện các hoạt động hằng ngày. Tư tưởng thực nghiệm thúc đẩy các nhu cầu cấp thiết của cuộc sống như sản xuất lương thực, thực phẩm, tổ chức không gian cư trú, chữa bệnh, duy trì các mối quan hệ xã hội. Louise Grenier (1996) định nghĩa, tri thức bản địa là kiến thức của bất kỳ một cộng đồng nào đó, nó tồn tại bên trong và được phát triển trong những hoàn cảnh cụ thể của mỗi tộc người. Tri thức bản địa được tất cả các thành viên thuộc các lứa tuổi và giới tính khác nhau trong một cộng đồng tạo dựng nên. Tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đã tạo nên sự khác biệt và chất lượng của tri thức bản địa. Nó biểu hiện sự tích lũy của các thế hệ giàu kinh nghiệm qua các quan sát tinh tế và các thử nghiệm công phu, được thể hiện trong các câu chuyện, bài ca, văn học dân gian, trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, hệ thống phân loại, luật tục, tín ngưỡng, nghi lễ,… Một số nhà khoa học khác xác định, tri thức bản địa bao gồm cả kiến thức hiện đại mà người dân ứng dụng và sau đó thích nghi với xã hội của họ. Đó là những thông tin về các kiểu loại và chức năng khác nhau được phát triển trong quá khứ và tiếp tục được cải thiện và thích ứng trong bối cảnh mới.

Trong khi nhiều nước thuộc thế giới thứ 3 đã sử dụng thuật ngữ này từ những năm cuối thập kỉ 50 và đầu thập kỉ 60 của thế kỷ XX, khi các nước Á, Phi, Mỹ Latinh mới giành được độc lập, bắt đầu xây dựng đất nước thì thuật ngữ này đã được vận dụng vào việc nghiên cứu để phục vụ mục tiêu phát triển. Ở nước ta, mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX, thuật ngữ này mới được sử dụng khá phổ biến.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây cụm từ “tri thức bản địa” (Indigenous Knowledge) hay “tri thức địa phương” (Local Knowledge) được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu. Mỗi nhà khoa học từ góc độ của

mình sử dụng những cách gọi khác nhau về tri thức bản địa là “tri thức dân gian”, “kiến thức bản địa”, “kiến thức truyền thống” hay “tri thức của người bản địa”. Từ đó cũng xuất hiện những quan niệm và cách hiểu khác nhau về nội hàm của cụm từ “tri thức bản địa”.

Khái niệm tri thức bản địa được các nhà nghiên cứu sinh thái nước ta đưa ra đầu tiên “là sản phẩm lao động của nhân dân trong hàng thế kỷ. Chúng được tích lũy, hoàn thiện và truyền bá qua nhiều thế hệ của cả cộng đồng địa phương” [38, tr1]. Hay PGS.TS. Lê Trọng Cúc (2002) cho rằng: “Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa là hệ thống tri thức của các cộng đồng dân cư bản địa ở các quy mô lãnh thổ khác nhau. Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường xã hội, được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội” [10, tr215].

Sau đó, một số nhà khoa học xã hội cũng nghiên cứu và đưa ra những quan điểm khác nhau về tri thức bản địa như:

PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu (1999) cho rằng: “Tri thức dân gian là phức hệ những kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Nó cũng được hình thành trong thế ứng xử giữa hoạt động của con người với môi trường tự nhiên để kiếm sống. Tri thức dân gian cũng chỉ tồn tại trong từng điều kiện môi trường cụ thể. Bởi thế nó cũng thường được gọi là tri thức địa phương hoặc cụ thể hơn là tri thức của người bản địa (Knowledge of indigenous)”.[23, tr 206-222]

GS.TS. Ngô Đức Thịnh (2004) cho rằng: “Tri thức địa phương là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích lũy trong quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại

dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội. Tri thức địa phương gồm các lĩnh vực: Tri thức về tự nhiên và môi trường (kể cả vũ trụ); tri thức về bản thân con người (cơ thể học, dưỡng sinh, trị bệnh); tri thức về sản xuất, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; tri thức về ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng; tri thức về sáng tạo nghệ thuật”.[25, tr3-15]

PGS.TS. Phạm Quang Hoan (2003) cho rằng: “Tri thức địa phương đồng nghĩa với tri thức bản địa, tri thức dân gian, tri thức tộc người và nó được hiểu ở nhiều góc độ: Thứ nhất, tri thức địa phương là phương thức ứng xử, là đặc tính thích nghi với các điều kiện sinh thái nhân văn của mỗi tộc người, cũng có thể coi đó là bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Hai là, tri thức địa phương là tri thức của các cộng đồng tộc người cùng cộng cư trong một vùng sinh thái hay một vùng văn hóa nhất định” [19, tr.85] Ở đây tri thức địa phương cũng đã phản ánh xu hướng giao lưu, biến đổi văn hóa hay thích nghi văn hóa giữa các tộc người. Đây được coi là cách hiểu đầy đủ nhất về tri thức địa phương, nó đã nêu được bản chất đặc trưng của tri thức bản địa trong đời sống cộng đồng các tộc người.

Như vậy, có thể thấy tri thức bản địa là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Tri thức bản địa là những kinh nghiệm đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều năm ứng dụng trong thực tế cuộc sống. Những hạn chế dần được hoàn thiện cùng với thời gian, những tinh túy dần được chắt lọc và cuối cùng là phổ cập trong cộng đồng. Là những kinh nghiệm, nhưng tri thức còn lại phù hợp với môi trường, văn hóa từng vùng, từng cộng đồng và từng tộc người. Tri thức bản địa tuy là những kinh nghiệm sống, nhưng lại có tính động và thay đổi phù hợp với những điều kiện mới, cơ

cấu xã hội mới. Tri thức bản địa được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, tri thức bản địa chỉ thuộc giới hạn thực nghiệm nên chưa thật sự đi sâu vào tìm hiểu bản chất sự vật hiện tượng, chưa thấy được hết các thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người. Vì vậy, tri thức bản địa chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, trở thành cơ sở cho sự hình thành tri thức khoa học.

Tri thức bản địa rất đa dạng và phong phú, được biểu hiện ở những khía cạnh khác nhau của đời sống, bao gồm những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (như rừng, đất đai, nguồn nước), chăm sóc sức khỏe, dự đoán thời tiết,…Tất cả những tri thức đó được bảo tồn ở nhiều dạng thức khác nhau và trở thành những bí quyết trao truyền qua các thế hệ nối tiếp nhau, làm phong phú thêm kho tàng tri thức và văn hóa của mỗi tộc người cũng như văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong đề tài này, trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu của những nhà khoa học đã công bố, chúng tôi sử dụng khái niệm “tri thức bản địa” như là một hệ thống tri thức của các dân tộc hoặc của một cộng đồng tại một khu vực cụ thể; được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài với sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng, phản ánh kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức bản địa bao hàm rất nhiều lĩnh vực, như: lao động sản xuất; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; giáo dục; quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức và quản lý cộng đồng; quan hệ dòng họ và gia đình;…Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng tri thức bản địa có các đặc điểm cơ bản sau:

- Tri thức bản địa mang tính đặc thù cho mỗi khu vực, mỗi cộng đồng nhất định và do toàn thể cộng đồng đã sáng tạo ra qua quá trình lao động và sinh tồn.

- Tri thức bản địa được lưu truyền, thừa kế từ người này qua người khác, đời này qua đời khác.

- Tri thức bản địa được phản ánh trong những luật tục, quy ước, bài dân ca, câu đố, câu chuyện, truyền thuyết, lễ nghi và hoạt động trực tiếp hàng ngày của con người.

- Tri thức bản địa có tính phù hợp tương đối với điều kiện môi trường, văn hóa, xã hội của từng vùng, từng cộng đồng và từng tộc người trong từng thời kỳ lịch sử. Do đó, tri thức bản địa luôn biến đổi phù hợp với những điều kiện mới.

Ngày nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tri thức bản địa ngày càng được chú ý nhiều hơn trong quá trình phát triển, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tri thức bản địa đã và đang được cụ thể hóa và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nước ta là một quốc gia đa tộc người, vì vậy tri thức bản địa rất phong phú và đa dạng, mỗi tộc người có những tri thức bản địa khác nhau, chính vì thế những tri thức này rất cần thiết cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong điều kiện mới hiện nay phù hợp với từng dân tộc, từng vùng cảnh quan và đặc điểm kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)