3.1.1 .Những biến đổi trong canh tác nông nghiệp
3.3. Nguyên nhân của sự biến đổi
Từ sau những năm 60 của thế kỉ XX, khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cơ cấu kinh tế truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi nói chung và của đồng bào Thái nói riêng dần thay đổi và chuyển sang cơ chế sản xuất tập trung bao cấp. Nhiều khía cạnh đời sống của đồng bào dần biến đổi và hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước.
Năm 1986, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xóa bỏ cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước dần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế; đời sống nhân dân các dân
tộc trên khắp mọi miền tổ quốc có nhiều chuyển biến và được cải thiện đáng kể, trong đó có đồng bào Thái Mường Xang. Đến năm 1988, Đảng và Nhà nước ban hành chính sách khoán 10 cho phép người nông dân chủ động làm giàu trên mảnh đất của mình đã làm tỷ trọng nông nghiệp có sự thay đổi lớn. Đồng bào Thái Mường Xang chủ yếu canh tác lúa nước nên chính sách Khoán 10 là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và ổn định các mặt đời sống của đồng bào.
Các thành tựu khoa học kỹ thuật được bà con áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất mùa vụ cao hơn, phá vỡ hình thức kinh tế tự cung tự cấp mang tính khép kín trong gia đình và bản, mường tồn tại từ lâu đời. Cùng với sự phát triển về kinh tế, các dự án đầu tư phát triển nông thôn của nhà nước đã được triển khai ở đây, trong đó phải kể đến Chương trình 135 khiến hệ thống nước sạch đã được đầu tư xây dựng cung cấp nước sạch cho nhân dân trong vùng; hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư kiên cố hóa, bê tông hóa đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Qua hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, nhất là các kênh thông tin liên lạc, khả năng giao thông và giao thương, giáo dục và y tế ngày càng phát triển, trình độ học vấn và lượng thông tin mới, nhất là về khoa học và cách thức làm ăn của người dân ngày càng tăng lên nhanh chóng. Điều đó đã góp phần làm cho nhận thức về nhiều mặt của người dân nâng lên và thay đổi, trong đó có ý thức về nguồn nước và tri thức trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật là điều kiện thuân lợi để đồng bào Thái ở Mường Xang đã tiếp thu và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống kinh tế cũng như đời sống xã
hội của đồng bào Thái Mường Xang đã có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của xã hội Thái trước đây đã bị mai một dần. Môi trường sinh sống mới và giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác là những điều kiện cần thiết tạo nên đặc trưng văn hóa cơ bản của mỗi tộc người, trong đó các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa ngày càng phát triển dẫn đến việc thay đổi cung cách sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng và gia đình.
Ngày nay, sự gia tăng dân số nhanh và mật độ dân cư ngày càng cao, đã gây áp lực mạnh mẽ lên môi trường, khiến cho môi trường và các nguồn tài nguyên tự nhiên ở Mường Xang có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực so với trước kia. Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm thổ sản quá mức cho phép đã khiến cho rừng, nhất là rừng đầu nguồn bị cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm và cũng có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô, gây ra thiên tai như lũ lụt, lở đất, lũ quét vào mùa mưa . Nạn ô nhiễm môi trường do vứt rác thải bừa bãi, sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, khiến cho các nguồn thủy sản không còn nơi sinh sống và phát triển. Chính vì vậy, những tri thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước cũng như những tri thức khác, vốn phù hợp với điều kiện môi trường trước kia, không còn phù hợp với điều kiện hiện tại và hoặc bị mai một hoặc thay đổi để phù hợp với điều kiện mới.
Từ sau năm 1945, đất nước được giải phóng, nhân dân các dân tộc cùng đoàn kết xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Vì vậy, những luật tục của người Thái từ xưa đã không còn được sử dụng nghiêm ngặt thay vào đó đồng bào chủ yếu tuân thủ theo hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó, những luật tục truyền thống trong bảo vệ nguồn nước cũng dần mất đi.