Sử dụng các nguồn nước trong ăn uống và sinh hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 49 - 54)

2.1. Tri thức bản địa trong sử dụng nguồn nƣớc

2.1.2. Sử dụng các nguồn nước trong ăn uống và sinh hoạt

- Nguồn nước suối: do địa hình ở Mường Xang có nhiều ngọn núi đá vôi

lượng nước khá dồi dào và chảy quanh năm, chính vì vậy, người Thái nơi đây đã sử dụng nguồn nước thiên nhiên này phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Mỗi bản thường có một bến nước công cộng ở ngay đầu nguồn nước. Đây là nơi nguồn nước bắt đầu chảy ra từ trong núi nên rất trong và sạch. Chính vì vậy, đồng bào thường sử dụng nguồn nước ở đây để làm nguồn nước ăn, uống và tắm giặt. Bến nước thường quang đãng và bằng phẳng, có những phiến đá to để ngồi giặt giũ, tắm táp. Do người Thái xưa có tập quán “ăn cơm nắm, tắm cởi truồng” nên đồng bào thường không dựng nhà tắm như ở một số tộc người khác. Ở một số bản, do đầu nguồn nước chia thành nhiều dòng chảy nên đồng bào chia thành hai bến tắm khác nhau dành riêng cho nam và nữ, giữa những bến tắm này thường có nhiều cây cối che khuất nên không cần phải dựng phên nứa để che chắn.

Trong ngôn ngữ của người Thái Mường Xang, “tá” là bến nước, nơi dân bản lấy nước sinh hoạt; “pạy tá” và “pạy huối” đều có nghĩa là “đi ra suối”, song mỗi cách nói lại có cách hiểu khác nhau. “Pạy tá” có nghĩa là đi ra suối, ra bến nước để tắm giặt hay gánh nước; còn “pạy huối” có nghĩa là đi ra suối nhưng để đánh cá, đi súc cá hay đi câu cá. Như vậy, có thể nói, suối vừa là địa điểm sinh hoạt hàng ngày của người dân trong bản vừa nơi để đồng bào có thể kiếm thêm nguồn thức ăn cải thiện đời sống hàng ngày.

Bến nước công cộng là nơi sinh hoạt chung của cả bản nên mọi người dân trong bản đều ra đây tắm rửa, giặt giũ. Trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Thái Mường Xang, việc ra bến nước đã trở thành hoạt động hàng ngày. Vào buổi sáng sớm, các cô thiếu nữ cùng nhau ra suối gánh nước về dùng trong ngày; buổi chiều, sau mỗi buổi làm nương, người dân trong bản đều tập trung ở bến nước cùng tắm rửa, giặt giũ, vui chơi và chuyện trò rôm rả. Vì vậy, có thể nói bến nước là một không gian sinh hoạt văn hóa thu nhỏ của mỗi cộng đồng.

Người Thái Mường Xang có thói quen lên đầu nguồn nước tắm giặt và gánh nước về nhà dùng, chứ không sử dụng máng dẫn nước từ suối về nhà, dù nhà có thể cách xa nguồn nước. Trước đây, đồng bào dùng ống tre, ống bương để gánh nước mà không dùng quang gánh, bởi nếu dùng quang thùng để gánh nước sẽ rất vướng không gánh được, nước sóng ra ngoài, đất bụi có thể bay vào làm nước mất vệ sinh,… Khác với quang gánh, các ống tre với độ dài, to vừa phải không làm vướng chân người đi lấy nước, nước lại ít bị sóng ra ngoài, lại đảm bảo vệ sinh,… Nước được lấy từ nguồn về nhà thường được để nguyên trong các ống tre và chỉ dùng để nấu nướng, để uống. Mỗi lần đi lấy nước, đồng bào thường gánh ba bốn ống đủ dùng trong ngày, hôm sau lại đi gánh tiếp. Do ngày nào cũng lên suối để tắm giặt và gánh nước, nên trong mỗi gia đình thường không có dụng cụ chứa nước lớn. Công việc ra suối gánh nước về dùng thường do người phụ nữ trong gia đình đảm nhận.

Trong sinh hoạt hàng ngày của người Thái Mường Xang, trước đây đồng bào thường sử dụng nước lã để uống mà không đun sôi như ngày nay. Điều đó cho thấy nguồn nước ở đây rất sạch. Do các con suối thường chảy ra từ những hang động trong núi nên nước có đặc điểm ấm về mùa đông và mát lạnh về mùa hè. Chính vì vậy, đồng bào có thể sử dụng nước suối để tắm giặt cả vào mùa đông mà không sợ sự buốt giá của thời tiết vùng cao.

Trên mỗi con suối, người Thái Mường Xang thường phân chia khu vực sử dụng theo dòng chảy từ trên xuống dưới: đầu tiên là nơi lấy nước ăn, tiếp đến là nơi tắm rửa và giặt giũ, sau nữa là nơi giết mổ gia súc và gia cầm (mỗi người sau khi thịt gia súc và gia cầm xong phải tẩy rửa, khua sạch những cặn bẩn trôi xuống phía dưới để cho ngan, vịt ăn), cuối cùng là nơi chăn nuôi ngan, vịt thả rông. Do suối chảy suốt ngày đêm, lượng nước dồi dào nên nguồn nước vì vậy vẫn luôn trong sạch, đảm bảo cho sử dụng hàng ngày.

Dọc theo dòng suối, đồng bào thường lợi dụng sức nước để đặt cối giã gạo. Mỗi gia đình có thể tự làm và đặt một cối giã gạo bên suối, dọc theo một con suối số lượng cối giã gạo có thể lên tới hàng chục cái. Ở những chỗ nước sâu, có nhiều bùn hay cát, sỏi, đồng bào thường ngâm tre, ngâm gỗ trước khi làm nhà nhằm tránh bị mối mọt, hư hại nhanh, thời gian ngâm có thể kéo dài hàng tháng trời tùy theo từng loại vật liệu là gỗ hay tre, nứa.

Người dân cũng tận dụng mặt nước suối để chăn thả vịt, ngan nhằm bổ sung nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình và phục vụ các dịp lễ tết, cúng quải hay có khách. Trước đây, ngan, vịt được chăn thả rất nhiều trên các dòng suối và cánh đồng, nhất là vào mùa gặt. Tuy nhiên hiện nay, do trong quá trình sản xuất đồng bào đã sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, dòng nước đã bị ô nhiễm nên thức ăn cho ngan, vịt không còn dồi dào như trước, vì vậy gần đây số lượng ngan, vịt giảm sút và không còn được thả tự do ngoài suối hay ruộng nước. Thay vào đó, đồng bào thường nuôi nhốt trong vườn nhà, trong ao riêng của gia đình.

- Nguồn nước bó, nước khe: do đặc điểm địa hình có nhiều núi đá vôi,

nên ở Mường Xang ngoài các con suối còn có nhiều khe nước chảy từ trong núi ra hoặc trên núi xuống. Những khe nước này cũng được đồng bào sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt. Có nơi nước khe chảy ra nhiều, tạo thành vũng nước sâu; nhưng cũng có nơi nước khe chảy ra ít thành các dòng nước nhỏ. Nước khe và nước bó được coi là những nguồn nước sạch nhất và thường được sử dụng để ăn uống. Thông thường, chỉ những gia đình ở cách xa nguồn nước suối mới phải sử dụng nguồn nước khe để sinh hoạt.

Ở những khe có nhiều nước, đồng bào cũng tắm giặt và lấy nước ăn ở đầu nguồn. Ở những khe ít nước hơn, đồng bào thường sử dụng hệ thống máng tre hoặc máng gỗ dẫn nước xuống nơi thuận tiện hơn để sử dụng hoặc dẫn nước về tận nhà. Các máng nước này thường được chế tạo từ những đoạn

tre to, thẳng và dài. Đồng bào đục các mắt để thông các dóng tre với nhau tạo thành dòng cho nước chảy, các máng tre được bắc liền kề, nối tiếp nhau. Hệ thống máng này được đỡ bằng hệ thống các cọc gỗ có chạc đôi và các thanh tre buộc vào nhau theo hình dấu nhân không cân.

Bên cạnh đó, còn có những mạch nước chảy ngầm trong lòng đất và ngấm lên. Những mạch nước này được gọi là bó nước. Đồng bào thường vét đất ở xung quanh bó nước thành bờ để giữ nước rồi sau đó bắc vòi cho nước chảy ra để sử dụng. Người dân bản chỉ được phép sử dụng nước chảy qua hệ thống vòi bắc, chứ không được dùng xô hoặc chậu múc trực tiếp nước từ trong bó. Những bó nước này thường nhỏ, song nguồn nước rất trong sạch. Có những nơi đồng bào sử dụng máng tre hoặc máng gỗ để dẫn nước về nhà. Bó nước có nước quanh năm song lượng nước lại tùy thuộc vào từng mùa, dồi dào vào mùa mưa và cạn hơn vào mùa khô.

- Nguồn nước mưa: Do có lượng mưa khá dồi dào trong năm nên nguồn

nước mưa ở Mường Xang cũng khá lớn, nhất là vào mùa mưa. Song người dân ở đây chỉ sử dụng nguồn nước này mỗi khi trời có mưa lớn và kéo dài trong nhiều ngày, do khi đó không thể ra suối gánh nước về nhà sinh hoạt như thường lệ. Tuy nhiên, nước mưa cũng chỉ thường được dùng để làm nước ăn, còn việc tắm rửa và giặt giũ đồng bào vẫn ra bến nước công cộng ở đầu nguồn suối.

Nhà ở của người Thái Mường Xang được lợp bằng cỏ gianh nên mỗi khi trời mưa rất tiện để hứng nước. Đồng bào thường dùng xô, chậu hứng nước mưa từ mái nhà và sử dụng luôn, khi dùng hết lại tiếp tục hứng chứ không xây bể chứa hoặc dùng chum, vại lớn để dự trữ nước như người Kinh ở miền xuôi hay một số dân tộc cư trú tại những vùng gặp trở ngại về nguồn nước tự nhiên ở vùng Tây Bắc (Hmông, Dao).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 49 - 54)