Nguồn nước là cơ sở tạo nên những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 67 - 73)

2.3. Vai trò của nguồn nƣớc trong đời sống tộc ngƣời

2.3.2. Nguồn nước là cơ sở tạo nên những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của

xã hội của người Thái Mường Xang

Cư trú trong khu vực có địa hình tương đối phức tạp, các nguồn nước phục vụ cho cuộc sống cũng như sản xuất của người Thái Mường Xang chủ yếu là những con suối nhỏ, lưu lượng nước không nhiều. Tuy vậy, thiên nhiên lại ưu đãi cho vùng đất này nhiều nguồn nước, phân bố đều khắp trong vùng. Chính vì vậy đồng bào Thái Mường Xang đã lựa chọn vùng đất này làm nơi cư trú từ lâu đời. Cũng từ đó, những bản mường dần hình thành cùng với những truyền thống văn hóa và đặc điểm kinh tế riêng của đồng bào Thái Mường Xang.

Là những cư dân nông nghiệp, cư trú trong khu vực có điều kiện thuận lợi để canh tác lúa nước, người Thái Mường Xang lấy nghề trồng trọt là nguồn sống chính, trong đó canh tác ruộng nước là chủ đạo. Vì vậy, đối với người Thái Mường Xang, nước chính là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên đặc điểm kinh tế nông nghiệp của đồng bào, đó chính là trồng lúa nước và đánh bắt, khai thác các nguồn thủy sản từ nước.

Đồng bào Thái Mường Xang cho rằng nhân tố đầu tiên tạo nên ruộng nước tốt chính là nguồn nước tốt. Theo kinh nghiệm truyền thống của đồng

bào, nguồn nước tốt chính là nguồn nước suối chảy ra từ các khu rừng già đầu nguồn. Với nguồn nước tưới này xưa kia người ta không cần nghĩ tới phân bón. Vì rừng già với lớp lá mục dồi dào đã cung cấp nguồn phân bón hữu cơ quý giá cho các cánh đồng. Với nguồn phân bón này được chuyển tải hàng năm trong mùa mưa lũ đủ cung cấp chất mùn cho ruộng. Đặc biệt các loại mùn này rất quý ở chỗ chúng cung cấp cho đất những chất dinh dưỡng màu mỡ tự nhiên và cũng rất điều độ, làm cho thân lúa đủ cứng, cho hạt lúa đủ độ mẩy vừa dẻo vừa thơm. Chất loại phân hữu cơ của các khu rừng già quý hơn các loại phân hóa học ngày nay vì chúng dễ làm cho đất biến chất.

Trải qua nhiều năm sinh sống, gắn bó với các con suối lớn nhỏ trong vùng, người Thái Mường Xang có rất nhiều kinh nghiệm ứng xử quý báu về nước. Đồng bào đã lợi dụng tài nguyên nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp: xây dựng hệ thống mương phai lái lin, làm cọn đưa nước

lên ruộng cao để trồng lúa, lợi dụng sức nước để giã gạo, chạy điện thắp sáng,… Trong đó có thể nói hệ thống mương phai, lái lin là thành tựu nổi bật của người Thái nói chung và của người Thái Mường Xang nói riêng. Đây là những công trình dẫn thủy nhập điền, phục vụ việc tưới tiêu rất hiệu quả. Trong hoạt động sản xuất lúa nước, người Thái luôn ý thức và đặt công việc tưới tiêu lên hàng đầu như câu nói: “Có nước mới nên ruộng, có ruộng mới nên lúa” (Mi nằm chăng pện na, mi na chăng pện kháu). Trong đó, mương là đường khai để dẫn nước từ miệng phai vào ruộng. Nguồn nước dẫn vào mương thường bắt nguồn từ việc đắp phai. Phai là loại đập ngăn suối dựng

bằng các vật liệu như gỗ, nứa, rơm, rạ, đất,… để mực nước dâng lên chảy vào mương dẫn tới ruộng. Phai là yếu tố đầu tiên, thứ yếu trong hệ thống thủy lợi này, không có phai thì không có nước chảy qua mương vào ruộng. Phai thường có hai loại, loại có đà và loại không có đà, tùy theo điều kiện địa hình mà người ta lựa chọn đắp loại phai nào cho phù hợp. Lái là một dạng phai phụ

thường được đắp trong các con mương để dẫn nước vào trong những thửa ruộng lẻ hoặc được đắp tạo thành dòng chảy hướng vào guồng quay của cọn nước. Lin là hệ thống máng dẫn nước vào ruộng, thường được làm bằng tre, luồng, thân gỗ đục. Lin dùng để hứng nước từ nguồn cọn và đưa tới ruộng. Đồng bào Thái thường dùng lin để dẫn nước qua chướng ngại vật, qua suối, qua những nơi không thể đào mương dẫn nước. Lin thường được bắc trên một hệ thống giá đỡ chắc chắn làm bằng gỗ hoặc tre. Hệ thống thủy lợi này là một trong những thành tựu văn hóa vật chất độc đáo, phản ánh kinh nghiệm thủy lợi truyền thống của người Thái, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người của đồng bào.

Đồng bào Thái sớm nhận thấy sông, suối là kho thiên nhiên quý giá không những cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu mà còn là nguồn thức ăn dồi dào, giàu chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, đồng bào Thái thường khai thác các nguồn dinh dưỡng có trong nguồn nước phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày theo các cách riêng của mình. Đây chính là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào Thái Mường Xang, đó là nền văn hóa ẩm thực gắn liền với các loại thức ăn từ sông, suối. Đồng bào thường thu lượm các loại rong rêu mọc ngầm dưới suối, tảo mọc ở vũng nước đáy bùn. Đây là nguồn thức ăn rất giàu dinh dưỡng, cung cấp chất đạm thực vật cho bữa ăn hàng ngày của gia đình, thậm chí còn có thể điều trị được một số bệnh (món ăn từ rêu có tác dụng giải nhiệt, rất tốt cho tiêu hóa). Từ rêu đá, đồng bào Thái có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như món cay pho (rêu nướng), ceng tau (canh rêu),… Đồng bào thường hái rêu vào mùa khô, khi

lòng suối cạn bớt nước. Rêu ngon là rêu mọc ở những nơi nước trong, có như vậy rêu mới không bám nhiều bùn đất, không bị sạn khi ăn. Có những năm rêu mọc nhiều, xanh rờn cả lòng suối, đồng bào thường hái về rửa sạch, phơi

đồng bào thường ngâm vào trong nước ấm, sau đó rửa sạch và chế biến như rêu tươi. Có gia đình thu hoạch được nhiều còn đem bán ở các chợ vùng cao.

Bên cạnh đó, các loài thủy sản ở sông suối rất phong phú và có trữ lượng khá lớn, chủ yếu là các loài tôm, cua, cá, ốc, hến, ếch, nhái,… Đây là một trong những nguồn thức ăn chính của đồng bào, vì vậy đồng bào có rất nhiều cách để khai thác cái loài thủy sản này. Từ phương thức đơn giản như sử dụng vợt, lưỡi câu, chài, lưới…, đến những cách thức phức tạp như sử dụng các loại thực vật trong rừng có chất độc để bắt cá,… Đồng bào thường có hai hình thức đánh bắt là đánh bắt tập thể (đắp đập tát nước cho cạn khúc suối để bắt) và đánh bắt riêng lẻ (súc, câu, quăng chài, đặt lưới…). Tuy nhiên, đánh bắt cá riêng lẻ là hình thức phổ biến và thường xuyên hơn. Trước đây, việc đánh bắt này rất có hiệu quả. Đồng bào có câu tục ngữ: “Pay tang nằm báư chắm có

chí, Pay tang bốc cứn khố ven lai” (Đi đường nước chẳng chấm cũng nướng,

đi đường cạn phần nhiều về không). Hầu hết người Thái ai cũng biết bắt cá, những người lớn tuổi sức yếu thì thả lưới, đặt hom; người có sức khỏe thì quăng chài, kéo vó; phụ nữ, trẻ em thì xúc cá bằng vợt hoặc mò bằng tay;… Không chỉ đánh bắt cá ở sông suối, đồng bào Thái còn biết nuôi cá ở ao và ruộng lúa nhằm tăng thêm nguồn thức ăn cho gia đình. Không những thế, đây còn là một nghề có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của đồng bào, điều này được thể hiện trong câu nói cho thấy biểu tượng của sự giàu có và sung túc của đồng bào Thái là: “ngựa dưới tàu, cá chép vật để ở ao bên cửa sổ”. Đồng bào thường đào ao dọc theo hai bờ suối hoặc bờ mương dẫn nước về bản, nhờ vậy nước trong những ao này luôn có nhiều (kể cả vào mùa khô) và thường được luân chuyển thường xuyên nên nước rất sạch. Đồng bào thường nuôi thả cá trắm, trôi, chép, rô phi,… trong ao. Bên cạnh đó, đồng bào còn có tập quán nuôi cá ruộng, thông thường là cá chép, cá diếc…

Đồng bào Thái Mường Xang đã nhận thức rõ được những lợi ích mà nguồn nước có thể đem lại cho con người, nhưng đồng bào cũng thấy được những tai họa khủng khiếp mà nước có thể gây ra cho con người, nhất là nạn lũ lụt. Nhiều trận lũ lớn đã cuốn đi nhiều tài sản và tính mạng con người, để lại nỗi kinh hoàng cho những người sống sót. Trải qua những trận thiên tai lũ lụt, đồng bào luôn có ước vọng tìm hiểu, khám phá, chinh phục, phòng chống để giảm bớt hậu họa mà nó có thể gây ra cho con người,. Tuy nhiên do trước đây trình độ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, đồng bào chỉ có thể giải thích các hiện tượng thiên tai bằng cách hình tượng hóa sức mạnh, sức tàn phá của nước thành những vị thần, ma với những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ và những tín ngưỡng thần bí về nước nhằm giải thích các hiện tượng hạn hán hay lũ lụt là do người trần gian vi phạm, làm những việc phật ý với Then, với thần nước, nên Then hoặc thần nước rút nước hoặc dâng nước lên để trừng phạt. Muốn Then hoặc thần nước bớt giận, cho mưa nắng điều hòa, con người phải cúng thần, phải làm những hành động có tính chất ma thuật để làm vừa lòng Then, hoặc hàng năm vào những khoảng thời gian nhất định đồng bào Thái thường làm lễ cúng thần nước.

Bên cạnh đó, yếu tố nước cũng đóng vai trò trong việc hình thành nên những đặc điểm riêng trong xã hội của đồng bào Thái Mường Xang. Trong khu vực đồng bào sinh sống có những cánh đồng nhỏ hẹp nằm rải rác trong các thung lũng. Các cánh đồng có thể xếp thành hệ thống liên hoàn hoặc bị ngăn cách đôi chút bởi những eo núi, đồi gò thấp,… Trong địa thế đó, các bản phân bố rất tập trung và có quan hệ với nhau về ruộng và đất. Họ cùng chung một đường giao thông huyết mạch, một vùng rừng núi, một con suối, một vũng cá cấm,… Đặc biệt họ chung nhau một đồng ruộng thửa liền thửa, vùng liền vùng; trong đó có cả một hệ thống thủy lợi do người dân trong các bản hiệp lực cùng làm, cùng hưởng.

Trong hoạt động sản xuất trồng lúa nước, nhu cầu dẫn thủy nhập điền là yếu tố quan trọng có ý nghĩa then chốt. Với hệ thống mương, phai, lái lin,

đồng bào đã giải quyết một cách hiệu quả vấn đề quan trọng này. Để có được hệ thống mương, phai, lái lin đưa nước đi khắp các thửa ruộng trong cánh đồng đòi hỏi rất nhiều công sức và trí tuệ của con người. Việc đắp mương phai là việc chung của cả bản. Luật bản quy định, mọi thành viên trong bản phải có nghĩa vụ đắp và bảo vệ mương phai. Trưởng bản có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc dân bản thực hiện việc đào đắp mương phai cũng như việc bảo vệ phai trong mùa mưa lũ. Hàng năm, trước khi cày bừa mỗi hộ gia đình phải cắt cử người tham gia công việc sửa chữa, nạo vét mương phai. Khi có mưa lũ, những gia đình ở gần mương phai phải có trách nhiệm đắp, bịt miệng mương để nước không chảy ồ ạt vào ruộng làm gãy lúa. Nếu lũ lớn, phai bị hỏng, sau cơn lũ cả bản phải tập trung sửa chữa phai để lấy nước vào ruộng.

Một bản có thể có một hệ thống mương, phai, lái, lin riêng biệt dựa trên

một nhánh suối hay một nguồn nước nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiều bản cùng cư trú dọc theo một con suối lớn, vì vậy vấn đề điều hòa nguồn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước giữa bản đầu nguồn và bản cuối nguồn cũng cần phải đặt ra một cách hợp lý, nhằm tránh xảy ra tranh chấp giữa các bản. Bên cạnh đó, đồng bào thường cư trú trong các bản dọc theo các con suối lớn, nên có nhiều bản Thái cùng sử dụng nước sinh hoạt chung một con suối. Vì vậy, người dân trong các bản cùng có trách nhiệm giữ gìn cho dòng suối trong sạch, ngoài việc để phục vụ chính mình còn giữ gìn cho đồng bào ở những bản ở cuối nguồn nước. Do đó, người dân bản ai cũng có ý thức ngăn chặn những hành vi làm bẩn nguồn nước của người khác, như: không chăn thả gia súc ở đầu nguồn nước, không phóng uế, vứt xác gia súc ở gần nguồn nước,... Những quy định về sử dụng nguồn nước giữa các bản thường là những quy định bất thành văn, mọi người dân trong bản có ý thức tôn trọng

và thực hiện những quy định đó. Người vi phạm lần đầu có thể chỉ bị nhắc nhở, nhưng nếu còn lặp lại hành động đó và bị bắt quả tang sẽ bị phạt vạ theo

quy định chung của bản. Cách phân chia nước giữa các thửa ruộng cũng được quy định giữa các

thành viên trong bản. Mọi người dân bản có trách nhiệm thực hiện đúng quy định đã đưa ra. Khi đắp phai, mương dẫn nước vào ruộng, người dân bản trên cũng thường chú ý không ngăn và trữ quá nhiều nước, nhất là trong những ngày mùa.

Thông thường, mỗi bản đều có một bến nước công cộng, nơi mọi người dân bản cùng tập trung sinh hoạt, tắm giặt sau những giờ lao động nặng nhọc trên nương dưới ruộng. Bến nước công cộng cũng là nơi dân bản lấy nước về sử dụng hàng ngày trong gia đình, chính vì vậy, có thể coi nơi đây như một không gian văn hóa thu nhỏ của cộng đồng.. Mọi người dân bản từ già trẻ, gái trai đều cùng sinh hoạt, người tắm rửa, người giặt giũ,… trong thời gian đó, những câu chuyện nhà, chuyện bản được mọi người chia sẻ; những lời thăm hỏi, tình ý giữa đám thanh niên xen lẫn tiếng cười của những đứa trẻ; những lời ca, tiếng hát được mọi người cất lên, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa mọi người dân trong bản. Đây cũng là nơi người dân bản tập trung để cùng chuẩn bị đồ cúng trong những lễ xên bản xên mường. Chính vì vậy, nơi đây đã chứng kiến tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân bản kéo dài qua thời gian và tạo nên tính cố kết giữa cộng đồng người Thái Mường Xang.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tri thức bản địa về sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người Thái Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La) (Trang 67 - 73)