Vài nét khái quát về Sông Tô Châu; Di Hòa Viên và Phù Thành Mê Sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách đạo diễn lâu diệp từ góc nhìn lý thuyết tác giả (qua ba tác phẩm sông tô châu, di hòa viên, phù thành mê sự) (Trang 37 - 41)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Lâu Diệp

1.2.3. Vài nét khái quát về Sông Tô Châu; Di Hòa Viên và Phù Thành Mê Sự

Sông Tô Châu được Lâu Diệp hoàn thành vào năm 2000 được coi là tác phẩm mang nhiều quy ước của phong cách phim đen kiểu mới, trong đó đã có sự thay đổi về chủ đề, nội dung, phong cách và các yếu tố thị giác cùng truyền thông so với những năm 1940 và 1950. Bộ phim kể câu chuyện cổ tích chứa đựng biết bao bi kịch hiện thực của nàng tiên cá ẩn giấu hai thân phận hoàn toàn trái ngược nhau trên dòng Tô Châu đen ngòm vì ô nhiễm với hai hoàng tử si tình dị thường. Chuyện phim gắn liền với những băn khoăn về căn tính và tình yêu, có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê giới tính. Người ta tìm thấy bóng dáng của Vertigo (Alfred Hitchcock) trong motif phụ nữ bí ẩn và quyến rũ mang hai thân phận, hai tính cách hoàn toàn khác biệt, đây là bộ phim thứ hai mà Lâu Diệp đảm nhiệm cùng lúc cả vai trò đạo diễn và biên kịch. Sông Tô Châu đoạn chảy qua Thượng Hải là nơi chứa đựng những rác rưởi, hỗn loạn và đói nghèo nhưng với Lâu Diệp, người trưởng thành bên bờ sông thì Tô Châu chẳng khác nào dòng sông mê8

ẩn chứa biết bao kỷ niệm và bí mật, là ranh giới giữa thực và ảo, là nơi đời thường và thế giới ngầm đang dồn đẩy nhau, va đập vào nhau và diệt trừ lẫn nhau. Bộ phim vang vọng nhiều loại lời nhưng chỉ

8 Trong thần thoại Hy Lạp, sông Styx hay sông mê là con sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ - thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades. Theo thần thoại Hy Lạp, con sông này bao quanh thế giới của thần Hades chín vòng, nước sông có thể ăn mòn mọi thứ, có độc và nguy hiểm chết người. Dòng sông chảy qua hai cây cột khổng lồ bằng bạc, được canh gác bởi nữ thần Styx - con gái của thần hải dương Oceanus (hay Okeanos). Nữ thần Thetis đã nhúng con trai bà là anh hùng Achilles xuống dòng sông này để cho chàng trở nên bất tử.

sử dụng những hình ảnh đơn giản theo hình thức giả tài liệu để thể hiện bi kịch tình ái của những người trẻ cư ngụ hai bên bờ Tô Châu theo hai tuyến truyện lồng ghép vào nhau kéo dài 80 phút. Có thể thấy, Sông Tô Châu đặc biệt mang nhiều tính chất riêng tư, bày tỏ trung thực quan điểm và thái độ của cá nhân Lâu Diệp đối với cộng đồng, tình yêu – cuộc sống và nhân loại bằng một sự nhạy cảm Á Đông.

Nếu như lòng mến mộ của Lâu Diệp hướng tới tiền bối Vương Gia Vệ bộc lộ qua tính chất duy mỹ của hình ảnh ở Sông Tô Châu thì sáu năm sau (2006) Di Hòa Viên nhắc nhớ người ta về bản sắc điện ảnh đạo diễn Vương qua cách kể câu chuyện tình cảm lãng mạn tinh tế, truyền cảm. Tâm lý xã hội thường được coi là thể loại phim dành cho phụ nữ bởi nó đưa ra các câu hỏi, vấn đề, mối lo, khó khăn của người phụ nữ sống trong xã hội do nam giới thống trị và như thế, nhân vật nữ chính chi phối mạch phim, dẫn dắt câu chuyện. Lia qua quang cảnh một số thành phố trong hơn một thập kỷ, Di Hòa Viên kể câu chuyện một cô gái trẻ bôn ba trên hành trình tìm kiếm thứ được gọi là hạnh phúc bền vững từ sâu thẳm sau khi vượt qua cú sốc của mối tình kiệt quệ và bế tắc thời sinh viên trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện chấn động Thiên An Môn. Hiệu ứng vỡ mộng lan rộng sau khi phong trào bị đàn áp không chỉ diễn ra ở cá nhân Dư Hồng mà với tất cả những người trẻ thời ấy, theo những cách thức khác nhau. Không được sự chấp thuận của cơ quan kiểm duyệt đã gửi sang Liên hoan phim Cannes, vi phạm điều 61, chương VII của Quy chế quản lý phim Quốc gia (Ban hành 1/2/2002) nên Lâu Diệp bị cấm làm phim trong 5 năm, nhà sản xuất Nai An cũng bị cấm hoạt động trong thời gian tương ứng. “Trong phim của tôi, chẳng hạn như là Di Hòa Viên, tôi mong muốn chạm tới tâm hồn Trung Quốc ở thời điểm cụ thể đó. Tôi tin rằng cuộc chất vấn về một vấn đề nhạy cảm như thế cần được thực hiện bởi người Trung Quốc. Cũng giống như hành trình khám phá cuộc biểu tình tháng 5 năm 1968 tại Paris nên được dành cho người Pháp.” Đây là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc đại lục công khai để hình ảnh khỏa thân hoàn toàn của cả

nam và nữ diễn viên trước ống kính, mặc dầu những bộ phim trước đó như Tiểu (Xiao Wu –1998) của Giả Chương Kha, Lam Vũ (Lan Yu – 2001) của Quan Cẩm Bằng, Mũ Xanh (Green Hat – 2003) của Lưu Phấn Đẩu và Ngôi Sao Lôi Cuốn (Star Appeal – 2004) của Thôi Tử Ân có hình ảnh khỏa thân của nam diễn viên. Trong Di Hòa Viên, chúng ta hân hoan vì đã tìm ra sự phản chiếu của chính bản thân chúng ta mà vẫn coi thường, những niềm vui và nỗi buồn mà chúng ta cố che giấu, toàn bộ thế giới cảm xúc chúng ta đã khinh miệt.

Sau dấu mốc khó quên mang tên Di Hòa Viên, như lời ông: “Rất nhiều đạo diễn Trung Quốc đã tự mình kiểm duyệt tác phẩm của chính mình bởi sự thắt chặt của chính phủ nhưng tôi nghĩ đó là sự hủy diệt bản thân. Đạo diễn cần được tự do, vì thế, tôi luôn nhắc nhở các đồng nghiệp của tôi rằng “Hãy quên ngay việc kiểm duyệt đi!” Đó là lý do tại sao luôn nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp sau khi bộ phim được hoàn thành, Di Hòa Viên chẳng hạn nhưng dù thế nào, tôi luôn thấy hạnh phúc trong lúc tôi làm phim”, Lâu Diệp đã kịp “thai nghén” và dâng đời hai tác phẩm (Xuân Phong cùng với Tình Yêu và Những Dấu Ấn) trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng ngay năm kế tiếp (2012), như một phép lạ,

Phù Thành Mê Sự được chính thức thừa nhận và công chiếu rộng rãi trên chính mảnh đất quê hương. Đây là bộ phim thứ bảy trong sự nghiệp của Lâu Diệp nhưng là tác phẩm thứ hai (trước đó là Tử Hồ Điệp năm 2003) được “danh chính ngôn thuận” tiếp cận đồng bào của ông. Câu chuyện phim lấy cảm hứng từ tâm sự của một phụ nữ miêu tả quá trình đấu tranh với người chồng không chung thủy và nhân tình của anh ta ra sao trên hệ thống BBS9, không cần kể lể dài dòng, mọi người, đặc biệt các bà nội trợ nhạy cảm lập tức đứng về phía người vợ và lên án ông chồng tội lỗi của cô nhưng câu chuyện của Lâu Diệp làm khán giả khó căm giận một nhân vật cụ thể nào – mọi người đều là nạn nhân, và việc xảy ra là không tránh khỏi. Đạo diễn dành cho khán giả không gian để tự hình thành

9 BBS (Bulletin Board System): Hệ thống bảng tin điện tử – Một hệ thống cho phép mọi người đọc các thông điệp của nhau và gửi các thông điệp mới. BBS được sử dụng để mô tả các hệ thống dùng riêng do các cá nhân quản lý, thường yêu cầu phải có tư cách thành viên.

cách hiểu của riêng mình trước đời sống xã hội đương đại Trung Quốc với những góc tối như: cuộc sống nhiều mặt của con người thành thị, bất ổn hôn nhân, xu hướng sống đa nhân cách, tệ tham nhũng trong giới quan chức và cách ứng xử “trên tiền” của giới nhà giàu mới nổi. Phù Thành Mê Sự vẫn được áp dụng những phương pháp mà Lâu Diệp vốn thành thục với tông màu xanh xám ảm đạm, các

cảnh quay thiếu sáng và trong bối cảnh của mưa, sương mù, bụi, chiều tối… phim tạo nên một không gian tù túng, bóp nghẹt mọi nỗ lực của nhân vật và đẩy người xem vào trạng thái dù muốn thoát ra vẫn không thể chối bỏ sự thật.

Các bộ phim của Lâu Diệp mang chủ ý nhấn mạnh vào triết lý phản thân hơn là phản ánh thực tế bên ngoài, mỗi tác phẩm hướng tới những chất liệu, cấu trúc và lịch sử riêng. Chúng là nơi điện ảnh thể nghiệm mở rộng khả năng biểu đạt của mình bởi sự giao thoa và hòa vào với các loại hình nghệ thuật khác, đó là phim của âm nhạc, của video – art, của hội họa siêu thực, của nghệ thuật sắp đặt. Sự khác biệt có thể có giữa ba tác phẩm mà chúng tôi đi sâu vào phân tích với khoảng cách mỗi 6 năm là quá trình phát triển, trưởng thành trong sự nghiệp làm phim tính đến nay của Lâu Diệp và khúc xạ lại những luồng ánh sáng khác nhau tới từ lịch sử điện ảnh thế giới ảnh hưởng lên cá nhân nhà làm phim Lâu Diệp.

Chương 2: CÁC TIỂU TỰ SỰ VÀ DIỄN NGÔN VI LỊCH SỬ TRONG PHIM CỦA LÂU DIỆP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách đạo diễn lâu diệp từ góc nhìn lý thuyết tác giả (qua ba tác phẩm sông tô châu, di hòa viên, phù thành mê sự) (Trang 37 - 41)