Lâu Diệp và Thế hệ Thứ Sáu của điện ảnh Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách đạo diễn lâu diệp từ góc nhìn lý thuyết tác giả (qua ba tác phẩm sông tô châu, di hòa viên, phù thành mê sự) (Trang 27 - 31)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Lâu Diệp

1.2.1. Lâu Diệp và Thế hệ Thứ Sáu của điện ảnh Trung Quốc

Nếu cuối những thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Hollywood nỗ lực tìm kiếm một diện mạo khác để vượt lên trên cơn suy thoái thì sau gần nửa thế kỷ, ở phía bên kia bán cầu, Trung Quốc rũ bỏ những trói buộc để bắt đầu một kỷ nguyên mới của điện ảnh. Điện ảnh Trung Quốc tính cho đến trước năm 1949 là nền văn hóa và công nghiệp điện ảnh nói tiếng Hoa của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan. Kể từ năm 1949, điện ảnh Trung Quốc được hiểu là nền điện ảnh của Đại lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, nó tồn tại song song cùng hai nền điện ảnh nói tiếng Hoa khác là điện ảnh Hồng Kông và điện ảnh Đài Loan. Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ 1966 tới 1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung Quốc đại lục. Chính trong khoảng thời gian khi mà nghệ thuật điện ảnh quốc tế chứng kiến sự hứng khởi đặc biệt với dồn dập những “làn sóng mới”, “điện ảnh trẻ” và “điện ảnh mới” thì nền điện ảnh Trung Quốc đại lục im lìm chìm trong băng giá. Cải cách thị trường và mở cửa với thế giới bên ngoài giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh nhanh chóng, điện ảnh Trung Quốc cũng vì thế mà bùng nổ mạnh mẽ, Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc điện ảnh thực sự ở khu vực châu Á. Thời kỳ vàng của dân số (tỉ lệ người ở độ tuổi lao động chiếm 70% của hơn 1 tỷ

dân năm 20002) thúc đẩy một “nền văn hóa trẻ” trong xã hội khi thiên niên kỷ mới sang (thiên niên kỷ thứ 3). Đi cùng với đó là phong trào giải phóng giới tính, nhạc rock, thời trang và công nghệ – những đặc trưng của lối sống đô thị và tinh thần hưởng thụ. Vậy thì ngoài các nhà làm phim trẻ ra, liệu ai có thể thu hút được đối tượng khán giả giàu có này? Lâu Diệp cùng với Trương Nguyên, Ngô Văn Quang, Vương Tiểu Soái, Hà Kiến Quân, Chương Minh, Giả Chương Kha, Quản Hổ, Lộ Học Trường, Vương Nhất Trì, Trương Dương... và những bộ phim “điện ảnh độc lập” của họ mang đến cho giới điện ảnh và công chúng cái cảm giác về họ như những “kẻ cuồng tín”. Họ – những đại diện của một trường phái làm phim mang tính đột phá, tiên phong phá vỡ những chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ sẵn có trước đó, phổ biến một khái niệm mới về điện ảnh cá nhân với những đổi mới trong hình thức và phong cách.

Nếu lấy bộ phim N i Định Quân (một vở kinh kịch quay lại bằng kỹ thuật điện ảnh) năm 1905 làm mốc đầu tiên thì đến nay điện ảnh Trung Quốc đã đi qua một chặng đường hơn 100 năm. Theo quá trình này, có bảy thế hệ đạo diễn điện ảnh đã từng được định danh căn cứ theo khoảng thời gian làm phim của họ. Trong đó, Thế hệ Thứ Năm (1980 – 1990) gồm các đạo diễn tốt nghiệp Học viện điện ảnh Bắc Kinh vào đầu những năm 1980, là thế hệ đầu tiên được tiếp nhận đào tạo chính quy sau khi kỳ thi đại học của Trung Quốc được khôi phục, với những tên tuổi nổi bật như: Trương Quân Chiêu, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Ngô Tử Ngưu, Điền Tráng Tráng, Hoàng Kiện Tân, Phùng Tiểu Cương... Thế hệ Thứ Năm, với khoảng hai mươi năm tung hoành trên võ đài điện ảnh đã mang lại rất nhiều vinh quang cho điện ảnh Trung Quốc và thay đổi hẳn diện mạo điện ảnh của một “người khổng lồ”, tuy nhiên, càng về sau này, những bộ phim của họ ngày càng vấp phải những chỉ trích, đặc biệt là ở khía cạnh hình thức và xa cách với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ – những nhân tố mới được

2 Barry Naughton (2006), Nền Kinh Tế Trung Quốc: Chuyển Đổi và Tăng Trưởng (The Chinese Economy: Transitions and Growth), Cambridge, Mass: MIT Press.

hưởng bầu không khí cởi mở của thời toàn cầu hóa nói chung và sự giàu có của kho tàng phim ảnh nói riêng. Từ sau khoảng năm 2000, Thế hệ đạo diễn Thứ Năm có sự phân hóa với những ngã rẽ khác nhau, nhưng lực thống trị nền điện ảnh vẫn còn rất mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh đó, Thế hệ Thứ Sáu vốn là các đạo diễn tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Học viện Hý kịch Trung ương, Học viện Hý kịch Thượng Hải... vào khoảng giữa và cuối những năm 1980, đã dần dần hình thành, nhưng họ không đủ sức để phủ định cũng như thay thế hoàn toàn Thế hệ Thứ Năm. Họ đối diện với sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, chủ nghĩa xét lại, thêm vào đó, sự xâm nhập của phim màn ảnh rộng Hollywood là một trải nghiệm khá phức tạp với giới điện ảnh Trung Quốc. Nền điện ảnh Trung Quốc vẫn kiên định theo đúng hướng đi “thị trường hóa” và “tư nhân hóa” từ khi cải cách mở cửa (bắt đầu vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX). Thấm nhuần tư tưởng của V. I. Lenin coi phim ảnh là một trong những phương tiện lý tưởng để giáo dục và truyền tải đến người dân các thông điệp của Đảng cộng sản bởi tính đại chúng của điện ảnh3, chính quyền Trung Quốc một mặt đầu tư kỹ lưỡng cả trí lực và vật lực cho chuyên ngành này với sứ mệnh hàng đầu đó là sứ mệnh thương mại một mặt kiểm soát chặt chẽ mỗi thước phim, tính tư tưởng và thông điệp của mỗi tác phẩm điện ảnh, vì thế, những bộ phim do những nhà làm phim độc lập chủ động sản xuất, không được phép trình chiếu, phát hành, trở thành các bộ phim bất hợp pháp. Tuy nhiên, thế hệ đạo diễn mới bước chân vào lãnh địa điện ảnh, không ai muốn làm một bộ phim tuân thủ các điều lệnh hà khắc của Chính phủ hay Nhà nước. Mỗi đạo diễn mang lại một phong cách mới, một lối tư duy mới, phá vỡ những rào cản, lối mòn đã tồn tại quá lâu trong đời sống phim ảnh. Đó là một thế hệ chật vật về tài chính, không gian nhưng lại giàu có về tinh thần và sự suy tư, trăn trở trong thời đại của họ. Lâu Diệp cũng như những đạo diễn cùng thời nỗ lực không ngừng

3 “Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật quan trọng nhất trong các loại hình nghệ thuật. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tổng hợp, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, có tác dụng to lớn trong việc định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ cho mọi người…”

nghỉ cho một không gian tự trị nơi đó người nghệ sỹ được giải phóng khỏi mối liên hệ với khoa học, đạo đức, chính trị và các yếu tố như kinh tế, hệ tư tưởng, xã hội, văn hóa. “Lương tâm của nghề làm phim” (movie consciousness) – cụm từ đề cập tới ý thức trách nhiệm cao của nhà làm phim với lịch sử điện ảnh và sự ảnh hưởng của điện ảnh đối với nền văn hóa đương đại có lẽ xứng đáng để miêu tả về họ – những đạo diễn trẻ Trung Quốc Thế hệ Thứ Sáu.

Lâu Diệp là một nhân vật đặc biệt thuộc Thế hệ đạo diễn Thứ Sáu như thế và cũng là một nhân vật mang nhiều bí ẩn của nền điện ảnh Trung Quốc đương đại. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ tiền phong có cá tính độc lập và có yêu cầu cao với ý thức bản thân, tuyên ngôn “nghệ thuật vị nghệ thuật” trở thành tôn chỉ cho những tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Lâu Diệp. Dù tác phẩm hoàn thành liên tục bị cấm chiếu, dù hết mình lăn xả trong sự nghiệp vẫn bị đình chỉ làm phim, Lâu Diệp chưa khi nào muốn dừng lại, nghệ sỹ trẻ này muốn phim của mình vượt ra khỏi những ước lệ của phương Tây về Trung Quốc, về Thiên An Môn, với tiếng nói của nghệ thuật, ông không chỉ chống lại giới quan phương Trung Quốc mà còn chống lại cả những định kiến phương Tây về Trung Quốc, góp một tiếng nói khẳng định vị thế của điện ảnh nước nhà trong lịch sử điện ảnh Thế giới. Dòng phim “thiểu số” (minor cinema) mà Lâu Diệp lựa chọn là cuộc đối thoại với xu hướng điện ảnh chủ đạo, đó là dòng phim nằm ngoài các phạm trù và các hệ thống ước lệ về thể loại và phong cách có sẵn. Nó ở thế đối lập với đa số, với tính chính thống và với truyền thống đầy những điển phạm nguy nga nhưng cố định, cứng nhắc và rất nặng nề, “không có gì chính yếu hay cách mạng trừ cái nhỏ/phụ”; là “ghét mọi ngôn ngữ của các bậc thầy”, là “làm một người ngoại quốc trong chính ngôn ngữ của mình”4

. Nhờ vào sức mạnh của sự sáng tạo, thiểu số bị trị lại

4 Gilles Deleuze và Félix Guattari trong cuốn Kafka: Vì một nền văn học thiểu số (Bản tiếng Anh Kafka:

Towards a Minor Literature do Dana Polan dịch, Réda Bensmaia viết lời nói đầu, University of Minnesota

Press xuất bản tại Minneapolis năm 1986), tr. 26. Nguyên văn: “There is nothing that is major or revolutionary except the minor. To hate all languages of masters [...] To be sort of foreigner within his own language.” – Bùi Văn Nam Sơn dịch trên http://phebinhvanhoc.com.vn/van-hoc-thieu-so-va-mot-cach-doc- khac-ve-kafka/

trở thành lực lượng tích cực cho sự thay đổi, “chính việc trở thành thiểu số này xoay chuyển thiểu số bị thống trị trở thành một lực lượng tích cực của việc biến đổi”5

, cho ta thấy được sự tồn tại bên cạnh, độc lập và đầy tính phê phán đối với một thứ to lớn và bề thế hơn hẳn thể hiện thái độ dám đi vào con đường nhỏ và thách thức với dòng phim chính thống, đầy quyền uy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách đạo diễn lâu diệp từ góc nhìn lý thuyết tác giả (qua ba tác phẩm sông tô châu, di hòa viên, phù thành mê sự) (Trang 27 - 31)