Sự đấu tranh kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề Biển Đông trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ (Trang 35 - 38)

Chƣơng 1 KHÁI QUÁT VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

1.2. Vấn đề Biển Đông

1.2.4. Sự đấu tranh kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc

Biển Đông không chỉ là điểm nóng về các mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp các vùng Biển. Với vị trí chiến lược quan trọng của mình đối với khu vực và thế giới, Biển Đông hiện nay còn là nơi diễn ra các mâu thuẫn, sự đấu tranh kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc trên thế giới. Điều này càng làm cho vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định đến hòa bình và an ninh của khu vực.

Mối quan hệ đầu tiên phải kể đến là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là mối quan hệ giữa một siêu cường của quá khứ và hiện tại với một cường quốc mới trỗi dậy, đang trên đường thực hiện mục tiêu trở thành siêu cường của thế giới. Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc chỉ tìm kiếm trở thành

một cường quốc trên đất liền, từ bỏ tham vọng trở thành cường quốc trên biển, Trung Quốc sẽ không gây ra ảnh hưởng mang tính thực chất đối với địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ. Thứ nhất, về vị trí địa lý, Trung Quốc lớn mạnh trên bộ cùng lắm chỉ trở thành một nước lớn ở khu vực Châu Á, sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc không thể sánh với Mỹ. Thứ hai, ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc sẽ bị hạn chế trên đất liền, không thể vươn xa ra đại dương, điều này khiến Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ què, đồng thời cũng không tạo thành mối đe dọa đối với ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực hiện thành công tham vọng trở thành cường quốc trên biển, Trung Quốc sẽ trở thành một gã khổng lồ đúng nghĩa, sẽ tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ. Gần đây, các động thái của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hay quần đảo Điếu Ngư đã phản ánh rõ sự lo ngại cao độ của Mỹ trước tham vọng trở thành cường quốc trên biển của Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các tham vọng và thể hiện sự hung hăng trên Biển Đông, đối kháng Trung-Mỹ tại đây sẽ ngày càng quyết liệt. Chính vì vậy, Mỹ đã có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của mình bằng việc đưa ra chiến lược xoay trục Châu Á, trong đó tăng cường can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông, lên án cách hành xử hung hăng của Trung Quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, lực lượng quân sự Nhật Bản tuy bị hạn chế, song không thể phủ nhận vị trí cường quốc tại Châu Á của Nhật Bản. Vì là hai nước gần nhau nên nỗ lực trở thành cường quốc trên biển của Trung Quốc bị Nhật Bản coi là một mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài. Thứ nhất, Nhật Bản là một nước phụ thuộc nặng nề vào biển, nếu Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông một lực lượng trên biển mạnh, đây là điều Nhật Bản không thể chấp nhận. Thứ hai, nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông thành công, Trung Quốc sẽ có ưu thế trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và tất nhiên Nhật Bản sẽ thất thế trong cuộc tranh chấp này, đây cũng là điều Nhật

Bản không thể chấp nhận. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đẩy nhanh xây dựng lực lượng quân sự, đưa ra Sách trắng Quốc phòng, không chịu nhượng bộ trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và tăng cường có những động thái can thiệp vào tình hình Biển Đông. Trong quan hệ với đồng minh Mỹ, chính phủ Nhật Bản nhìn chung có xu hướng sử dụng phương châm chính sách cơ bản là “lôi kéo Mỹ chống Trung Quốc” [38, tr.9]. Cùng với việc Trung Quốc từng bước thực hiện chiến lược biển, cọ sát Trung-Nhật trong lĩnh vực an ninh trên biển sẽ ngày càng gia tăng, trong đó Biển Đông sẽ là một điểm nóng tiêu biểu.

Nga gần đây có kế hoạch tái xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Cam Ranh của Việt Nam, dồn dập ký kết các hợp đồng bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á, bán cho Việt Nam hàng loạt máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống chống tên lửa. Động thái này đang gia tăng những nhân tố bất ổn mới cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy Trung-Nga đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, song Nga không hề hy vọng Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thực sự của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Về phần Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ Dương của Niu Đêli đòi hỏi nước này phải can dự vào các sự vụ ở Biển Đông. Tuy xuất phát điểm của chiến lược Ấn Độ Dương nằm ở việc xây dựng ưu thế của Ấn Độ trên Ấn Độ Dương, song cùng với sự phát triển của chiến lược này và cùng với sự lớn mạnh của Hải quân Ấn Độ, Niu Đêli ngày càng cảm thấy không thỏa mãn với vị trí người đứng đầu Ấn Độ Dương. Mấy năm gần đây, Ấn Độ không ngừng tăng cường năng lực tác chiến viễn dương, xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân Viễn Đông tại quần đảo Andaman cách Đông Nam Á vài trăm cây số, mục đích của nó là quyết không chỉ tăng cường năng lực kiểm soát đối với Ấn Độ Dương, mà là mở rộng tầm ảnh hưởng tới khu vực Biển Đông rộng lớn. Giới chiến lược Ấn Độ cho rằng Trung Quốc về lâu dài sẽ là mối đe dọa nghiêm

trọng đối với Ấn Độ, nhất là khi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không ngừng được đẩy nhanh và chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn. Do Trung Quốc và Ấn Độ có sự trùng hợp lợi ích về mặt chiến lược địa chính trị nên quan hệ Trung-Ấn trong tương lai sẽ chịu càng nhiều đối kháng địa chính trị. Với sự can dự vào vấn đề Biển Đông, Ấn Độ không chỉ có điều kiện khai thác tài nguyên dầu khí ở vùng biển này và gia tăng quan hệ kinh tế, quốc phòng với các nước ASEAN, với sự tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, Ấn Độ có thể ngăn chặn việc Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề Biển Đông trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)