Chủ thể, đối tượng, mục đích và phương thức của ngoại giao văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 29 - 31)

1.1. Cơ sở lý luận về ngoại giao văn hóa

1.1.2. Chủ thể, đối tượng, mục đích và phương thức của ngoại giao văn hóa

Chủ thể

Chủ thể là ―đối tượng gây ra hành động, trong quan hệ đối lập với đối tượng bị sự chi phối của hành động‖ [37, tr. 173]. Chủ thể của NGVH là đối tượng chủ trì, tiến hành, tham gia vào các hoạt động NGVH.

Căn cứ theo định nghĩa đã nêu trên, có thể thấy rằng chủ thể của NGVH là quốc gia có chủ quyển, nói cách khác, chủ thể của NGVH là nhà nước với tư cách là chủ thể hoạch định và triển khai các chính sách NGVH. Đồng thời, NGVH với hình thức chủ yếu là giao lưu văn hóa, giáo dục, là những hoạt động cần sự tham gia của không chỉ các cơ quan quản lý mà cả các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, chủ thể của NGVH ngoài nhà nước còn bao gồm nhiều thành phần khác như các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các tổ chức xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động ngoại giao là quan hệ qua lại giữa quốc gia này với quốc gia khác nên dù chủ thể tham gia vào hoạt động NGVH là rất đa dạng song đều phải chịu sự chỉ đạo, chi phối của một chủ thể lớn là nhà nước.

Đối tượng

Đối tượng là ―người, vật, hiện tượng mà con người nhằm vào trong suy nghĩ, hành động‖ [37, tr. 328]. Đối tượng của NGVH là những khách thể chịu sự tác động của các hoạt động NGVH.

Hoạt động ngoại giao nói chung và NGVH nói riêng bao giờ cũng là những hoạt động qua lại giữa các quốc gia hoặc là hoạt động của quốc gia này tiến hành hướng tới một quốc gia khác. Vì vậy chủ thể và đối tượng của NGVH luôn không cùng thuộc một quốc gia. Đối tượng hướng tới của NGVH thường là chính phủ, tổ chức xã hội, nhân dân… của các quốc gia khác. Nói cách khác là tất cả những cá nhân, tổ chức được hưởng lợi ích hoặc chịu sự tác động của các hoạt động NGVH.

Mục đích

Mục đích là ―cái vạch ra làm đích nhằm đạt được‖ [37, tr. 627]. Mục đích của NGVH là những cái cần đạt được khi tiến hành các hoạt động NGVH.

Cụ thể, mục đích của NGVH là để thiết lập sự ảnh hưởng của quốc gia tiến hành lên các quốc gia mục tiêu và sử dụng được những ảnh hưởng đó để hỗ trợ cho việc thực hiện các chính sách. NGVH tìm cách khai thác các yếu tố văn hóa nhằm làm cho các quốc gia khác có một cái nhìn tích cực về con người, văn hóa và các chính sách của quốc gia tiến hành; hỗ trợ việc thay đổi chính sách hoặc môi trường chính trị của quốc gia mục tiêu; ngăn ngừa, quản lý và giảm thiểu xung đột với các quốc gia mục tiêu. Các hoạt động cụ thể của NGVH như quảng bá văn hóa, ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh quốc gia hay cung cấp các dịch vụ tiện ích, các cơ hội công tác, học tập, nghiên cứu… đều là nhằm tác động vào nhận thức của nhân dân, chính phủ các quốc gia khác, tạo dựng ấn tượng tốt đẹp và sự đồng thuận của các quốc gia đó, qua đó góp phần củng cố vị thế quốc tế của quốc gia tiến hành hoạt động NGVH. Đổi lại, NGVH cũng có thể giúp một quốc gia hiểu rõ hơn về nước ngoài mà nó có liên hệ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Phương thức

―Phương thức của NGVH gắn kết chặt chẽ với các hoạt động phổ quát, truyền bá, quảng bá văn hóa, giá trị văn hóa của quốc gia (nước gửi đi) ra thế giới, có thể đến một hoặc nhiều nước khác (nước tiếp nhận)‖ [1, tr. 38] nhằm duy trì lợi ích quốc gia trên phương diện văn hóa nói riêng và lợi ích quốc gia tổng thể nói chung.

Giao lưu văn hoá đối ngoại do chính phủ đóng vai trò chủ đạo là phương thức truyền thống nhất, trong đó, giao lưu văn học, nghệ thuật là nội dung hạt nhân của giao lưu văn hoá đối ngoại. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác giáo dục, giao lưu khoa học và kỹ thuật, giao lưu lý luận học thuật, dạy ngôn ngữ, triển lãm… đều là nội dung chủ yếu của quan hệ văn hoá đối ngoại.

Truyền bá văn hóa đối ngoại còn có thể tiến hành thông qua phương thức xuất khẩu sản phẩm văn hoá ra nước ngoài hoặc khuyến khích công dân nước mình ở nước ngoài làm công tác tuyên truyền, truyền bá tôn giáo, tư tưởng và các giá trị

văn hóa khác. Phương thức này thiên về những tác động một chiều từ quốc gia tiến hành hướng đến một quốc gia khác chứ không phải là tác động qua lại như hoạt động giao lưu văn hóa.

Báo chí hay truyền thông đại chúng nói chung cũng là một phương thức ngày càng phát huy được hiệu quả trong việc triển khai NGVH. Xu thế này là kết quả tất yếu của những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật cũng như quá trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra rộng khắp trên thế giới [12].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)