Dạy tiếng Trung và nâng cao vị thế của tiếng Trung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 63 - 66)

2.1. Cơ cấu, tổ chức của Học viện Khổng Tử

2.2.1. Dạy tiếng Trung và nâng cao vị thế của tiếng Trung

Một trong những lý do đầu tiên thúc đẩy Trung Quốc thành lập các HVKT chính là nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung của các nước trên thế giới. Chính bởi thế, dạy tiếng Trung, tổ chức các khóa học Hán ngữ là chức năng đầu tiên cũng là hoạt động đặc thù nhất của các HVKT. Với mục tiêu chung hướng đến là phổ biến tiếng Trung và nâng cao vị thế quốc tế của tiếng Trung ra phạm vi toàn cầu, tại mỗi quốc gia, mỗi địa phương khác nhau, HVKT lại áp dụng những chương trình giảng dạy khác nhau phù hợp với đặc điểm thực tế và nhu cầu của người học. Các

- Các khóa học ngắn hạn, không chú trọng đến văn bằng, chứng chỉ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người học về nâng cao trình độ Hán ngữ. Đây là hình thức tổ chức khóa học đơn giản, được áp dụng tại hầu hết các HVKT trên thế giới. Các lớp học theo hình thức này thường là các lớp dành cho người mới bắt đầu làm quen với tiếng Trung, các lớp luyện kỹ năng (giao tiếp, ngữ pháp, dịch thuật), các lớp luyện thi các chứng chỉ Hán ngữ (HSK, BCT, YCT)…

- Các khóa học chính quy. Hình thức này thể hiện rõ hơn quan hệ hợp tác giữa HVKT với cơ sở nước sở tại (thường áp dụng với hình thức hợp tác giữa các trường đại học). Hai bên sẽ thống nhất để đưa tiếng Trung vào chương trình đào tạo chung tại trường đại học hợp tác, trở thành một môn học hoặc một ngành học chính quy, chủ yếu phân thành 03 cấp: (1) Đào tạo chuyên ngành tiếng Trung trình độ đại học. Ví dụ, HVKT tại Đại học Qiming Hàn Quốc áp dụng mô hình ―1+3,5‖, sinh viên học một năm tiếng Trung ở Hàn Quốc sau đó sang Đại học ngôn ngữ Bắc Kinh học tiếp 3,5 năm, nhận bằng tốt nghiệp do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh cấp [58]. (2) Đưa tiếng Trung trở thành một môn học bắt buộc hoặc tự chọn trong chương trình đào tạo của trường đại học hợp tác. Ví dụ, HVKT Scotland Đại học Edinberg, Vương quốc Anh đưa tiếng Trung vào hệ thống môn học bắt buộc, do giáo viên của HVKT và giáo viên khoa Trung văn cùng giảng dạy hay HVKT tại Đại học Leipzig, Đức phối hợp với Trung tâm ngôn ngữ của Đại học Leipzig giảng dạy môn Hán ngữ và văn hóa, thời lượng 06 giờ mỗi tuần [58]. (3) Mở các ngành học đặc thù có sử dụng tiếng Trung. Ví dụ, HVKT tại Đại học Memphis, Mỹ thành lập chuyên ngành Nghiên cứu châu Á và giao dịch quốc tế, trong đó có các môn học như ―dân cư châu Á‖, ―kinh tế châu Á‖ đồng thời có một giảng viên tiếng Trung chuyên trách tham gia giảng dạy [58].

- Các khóa bồi dưỡng giáo viên. Đây cũng là một hoạt động phổ biến, không chỉ có vai trò tăng cường năng lực giảng dạy tiếng Trung ở nước sở tại mà còn có tác dụng trực tiếp bổ sung đội ngũ giáo viên đang giảng dạy còn nhiều thiếu hụt trong các cơ sở này.

- Các khóa học hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Chẳng hạn, HVKT tại Đại học Kansai hợp tác với Công ty Komatsu, HVKT tại Đai học Woosong Hàn Quốc hợp tác với tập đoàn thiết bị đường sắt Hàn Quốc mở các lớp bồi dưỡng tiếng Trung cho công nhân, nhân viên hay HVKT tại Đại học Chulalongkorn Thái Lan mở lớp bồi dưỡng tiếng Trung cho nhân viên làm việc trong cung điện, nhân viên Cục Di dân quốc gia Thái Lan… [66, tr. 45]. Các khóa học này giúp cho việc dạy tiếng Trung của HVKT không chỉ bị bó hẹp trong phạm vi trường học mà còn mở rộng thêm ra nhiều thành phần xã hội khác, đáp ứng tốt hơn đồng thời kích thích thêm nhiều nhu cầu tìm hiểu tiếng Trung nói riêng và Trung Quốc nói chung.

- Các khóa học trải nghiệm tiếng Trung cho học sinh trung, tiểu học. Các khóa học với hình thức này mục đích chủ yếu là giới thiệu về đất nước Trung Quốc nhằm kích thích sự quan tâm và nhu cầu của học sinh đối với bộ môn tiếng Trung. Cũng thông qua các lớp học trải nghiệm này, giáo viên có thể phân loại học sinh theo năng lực, tạo cơ sở để xây dựng chương trình học cho các cấp học cao hơn.

- Tiếng Trung trực tuyến. Một số HVKT xây dựng website riêng, cung cấp các tài liệu học tiếng Trung trực tuyến. Các tài liệu này được phân cấp phù hợp với nhiều đối tượng như người học nhập môn, học sinh phổ thông, người đi làm với các loại hình như tiếng Trung du lịch, tiếng Trung thương mại…, chủ đề thường xoay quanh các lĩnh vực như lịch sử, địa lý, kinh tế, triết học của Trung Quốc. Thông qua các tài liệu này, người xem có thể có thêm được nhiều thông tin về Trung Quốc, khơi dậy được niềm yêu thích thậm chí say mê tìm hiểu về đất nước này.

Có thể thấy, công tác dạy tiếng Trung đã được các HVKT triển khai khá hiệu quả tại các quốc gia hợp tác. Không xây dựng chương trình một cách quá quy phạm và cứng nhắc, mỗi HVKT lại căn cứ vào đặc điểm tình hình của cơ sở hợp tác cũng như nhu cầu thực tế tại địa phương để xây dựng các khóa học phù hợp, thu hút được lượng người học đông đảo. Theo số liệu báo cáo tại Đại hội HVKT lần thứ XI (năm 2016), lượng người học tham gia vào các khóa học của HVKT đã đạt 2,1 triệu người [54]. Với sức hấp dẫn sẵn có lại được thiết kế với chương trình linh hoạt, nội

dung phong phú, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Trung Quốc, tiếng Trung đã từng bước thâm nhập vào môi trường giáo dục của nước sở tại thậm chí đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Học tiếng Trung, sử dụng được tiếng Trung sẽ giúp người dân các nước dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu Trung Quốc, từ đó, không chỉ ngôn ngữ mà cả những giá trị văn hóa Trung Hoa cũng được lan tỏa rộng rãi ra toàn cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 63 - 66)