Một số thành công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 81 - 86)

3.1. Một số đánh giá về Học viện Khổng Tử trong việc triển khai chính sách

3.1.1. Một số thành công

3.1.1.1. Nâng cao vị thế quốc tế của tiếng Trung

Một trong những lý do dẫn đến sự ra đời của các HVKT chính là nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung tại các quốc gia trên thế giới. Trong 12 năm hoạt động, HVKT đã làm tốt chức năng này. Với cách tổ chức các khóa học đa dạng, phong phú, HVKT đã thỏa mãn nhu cầu học tiếng Trung của nhiều giới, nhiều thành phần xã hội tại các nước sở tại. Cùng sự gia tăng nhanh chóng số lượng HVKT, học tiếng Trung đang trở thành ―cơn sốt‖ trên khắp toàn cầu mặc dù sự quan tâm của người dân các nước đối với tiếng Trung vốn xuất phát từ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc từ cuối thế kỷ XX. Nhu cầu học tiếng Trung ban đầu cũng chỉ để phục vụ mục đích việc làm chứ không hoàn toàn do người học muốn khám phá, tìm hiểu về Trung Quốc. Bước sang thế kỷ XXI, sự trỗi dậy của Trung Quốc được ví như một hiện tượng của châu Á. Điều này đã khiến thế giới có một cái nhìn khác và bắt đầu

chú ý nhiều hơn đến quốc gia này. Người dân các nước tìm đến với tiếng Trung không chỉ để có thêm cơ hội việc làm mà còn để đến gần hơn với văn hóa Trung Quốc. Thêm vào đó, khi các khóa học tiếng Trung chính quy trong các trường đại học chỉ phục vụ đối tượng là học sinh, sinh viên thì sự xuất hiện đúng lúc của các HVKT đã đáp ứng được nhu cầu học tiếng Trung của nhiều thành phần xã hội khác, từ đó tạo nên cơn sốt học tiếng Trung trên khắp toàn cầu. ―Theo số liệu thống kê của Hán Biện, vào năm 2007 các HVKT đã mở tổng cộng 1.200 khóa học tiếng Trung và khoảng 46.000 sinh viên đã đăng ký tham gia. Vào năm 2013, các HVKT đã mở 40.000 lớp học tiếng Trung cho 850.000 sinh viên; năm 2014 các Học viện đã có tổng cộng hơn 1,11 triệu sinh viên trên toàn thế giới‖ [45, tr. 175]. Đến năm 2016, số lượng học viên tham gia các khóa học của HVKT đã lên đến 2,1 triệu người [54].

Bên cạnh đó, việc các HVKT thu hút được lượng người học đông đảo còn xuất phát từ nguyên nhân tài chính. Mặc dù học tiếng Trung là nhu cầu của rất nhiều học viên song một cơ sở đào tạo có chất lượng cùng mức học phí ưu đãi sẽ luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Trước đây, Chính phủ Trung Quốc thông qua các cơ quan đại diện tại nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán thường chỉ cung cấp những sự hỗ trợ khá khiêm tốn cho công tác đào tạo tại các trường đại học nước sở tại. Sau khi các HVKT được thành lập, mức tài trợ này đã tăng lên đáng kể. ―Có nhiều nơi, Hán Biện có thể tài trợ đến 100.000 USD/năm cho việc mua sắm các trang thiết bị tối thiểu để vận hành. Với số tiền này, các đối tác có thể dễ dàng tiến hành công việc của họ… Chẳng hạn, học phí tại HVKT của Đại học Obirin hiện nay cho 15 buổi học tiếng Trung với thời lượng 1 tiếng rưỡi là 35.000 yên. Trong khi đó, nếu theo học tại một khóa học tương tự ban đêm tại Học viện Nitchu của Nhật Bản với 10 buổi học thời lượng 2 tiếng, học viên sẽ phải trả tới 46.000 yên‖ [27, tr. 17-18].

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu và tạo ra một trào lưu học tiếng Trung trên thế giới, HVKT cũng đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế quốc tế của ngôn ngữ quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc vốn được biết đến là một

quốc gia rộng lớn với lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Nói đến Trung Quốc, người ta thường nghĩ đến một nền văn minh huyền bí với những nét văn hóa truyền thống cổ kính. Từ cuối thế kỷ XX, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trên rất nhiều phương diện, trong đó đáng chú ý hơn cả là tốc độ phát triển kinh tế nhanh với nhiều thành tựu nổi bật. Trung Quốc ngày càng có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, theo đó, ngôn ngữ quốc gia Trung Quốc cũng trở thành ngôn ngữ được sử dụng ngày càng nhiều hơn, vị thế quốc tế cũng ngày càng được nâng cao. Tiếng Trung không chỉ được sử dụng như một công cụ hỗ trợ mà dần được tiêu chuẩn hóa; những văn bằng, chứng chỉ về tiếng Trung được thế giới công nhận như một chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế cùng với những ngôn ngữ lớn khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… Sự ra đời và nhân rộng của các HVKT không chỉ đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung mà còn tạo thuận lợi cho người học trong việc dự thi các chứng chỉ tiếng Trung phục vụ học tập, công tác. Theo báo cáo tại Đại hội HVKT lần thứ XI (năm 2016), tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thiết lập 1.066 điểm thi, trong đó số điểm thi tại các học viện, lớp học Khổng Tử là 453 điểm. Trong năm 2016, tổng số người tham gia dự thi các kỳ thi tiếng Trung đạt 6 triệu người [54].

3.1.1.2. Đưa văn hóa Trung Hoa “hướng ra ngoài”, kích thích nhu cầu tìm hiểu về Trung Quốc

Học viện Khổng Tử là tổ chức văn hóa, giáo dục. Chức năng của tổ chức này ngoài phổ biến tiếng Trung ra thế giới còn là nỗ lực quảng bá văn hóa Trung Hoa, đưa những giá trị Trung Hoa lan tỏa ra phạm vi toàn cầu. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các HVKT đã tích cực triển khai nhiều hoạt động văn hóa, tăng cường giao lưu với nước sở tại, từng bước tạo dựng uy tín của tổ chức cũng như ấn tượng về một Trung Quốc hữu hảo, thân thiện, vừa truyền thống vừa hiện đại. Thế mạnh của các HVKT là được thiết lập ngay tại cơ sở hợp tác nên am hiểu tập quán địa phương cũng như những nhu cầu, lĩnh vực mà người dân ở đó quan tâm. Vì thế, các hoạt động giao lưu văn hóa do HVKT tổ chức vừa mang đậm màu sắc Trung

Quốc nhưng cũng rất phù hợp với nước sở tại, tạo được hứng thú và sự quan tâm của người dân địa phương. Đại hội HVKT lần thứ XI cũng đưa ra những con số thống kê chi tiết về nội dung này. Theo đó, trong năm 2016, các hoạt động văn hóa phong phú của các HVKT đã thu hút 13 triệu người tham gia; đã mời 155.000 học sinh, giáo viên các nước đến trải nghiệm văn hóa Trung Hoa; tổ chức cho 160.000 thanh thiếu niên các nước tham dự hoạt động ―Nhịp cầu Hán ngữ‖ [61]‖.

Từ cuối thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc trỗi dậy và trở thành một cường quốc phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, quân sự… Vai trò và tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng vào một Trung Quốc ―trỗi dậy hòa bình‖ và ―xây dựng xã hội hài hòa‖ thì cũng có không ít quốc gia xem sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc là một mối nguy cơ tiềm ẩn đối với hòa bình thế giới. Trung Quốc muốn thực sự trỗi dậy cần phục hưng đồng thời kinh tế và văn hóa. Để xoa dịu dư luận quốc tế về ―mối đe dọa Trung Quốc‖, Chính phủ Trung Quốc ngày càng chú trọng đến việc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, tạo dựng một hình ảnh quốc gia tốt đẹp, thân thiện và có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu không chỉ ―để Trung Quốc bước ra thế giới‖ mà còn ―để thế giới hiểu về Trung Quốc‖. ―Nếu trước đây, mục tiêu ―để Trung Quốc bước ra thế giới‖ hơi thiên lệch về phương diện kinh tế, thì ―để thế giới hiểu về Trung Quốc‖ chính là nói đến yếu tố văn hóa‖ [36]. Ra đời trong bối cảnh nền NGVH Trung Quốc đã có những thành tựu bước đầu song các HVKT vẫn phát huy được vai trò của mình trong việc làm dịu bớt những quan ngại của dư luận quốc tế về ―nguy cơ Trung Quốc‖, tạo dựng hình tượng nước lớn thân thiện, hấp dẫn. Hiệu quả hoạt động của HVKT không chỉ được giới nghiên cứu, truyền thông ghi nhận mà còn nhận được những đánh giá rất tốt từ phía các đối tác hợp tác.

Bảng 3.1: Đánh giá của đối tác hợp tác về Học viện Khổng Tử [64]

Đối tác đánh giá Nội dung

Viện trưởng HVKT Đại học Maryland

- HVKT tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu về văn hóa và xã hội Trung Quốc, các hoạt động giao lưu giữa Mỹ và Trung Quốc.

- HVKT giúp Trung Quốc thể hiện hình tượng một quốc gia chú trọng hòa bình như tư tưởng nhu hòa của Khổng Tử.

Viện trưởng HVKT Đại học Tây Australia

Mục tiêu của HVKT là tăng cường hiểu biết của người dân Australia về Trung Quốc, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Đại học Tây Australia với người Hoa trên thế giới, xây dựng HVKT trở thành một trung tâm điều tiết các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa Trung Quốc và Australia.

Viện trưởng HVKT Đại học Gorey Faith

Trong tương lai nhu cầu tìm hiểu về Trung Quốc cũng sẽ tăng lên, do đó HVKT cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tăng cường nhận thức của mọi người về nền văn hóa đa nguyên.

Viện trưởng HVKT kinh doanh London

HVKT đã thúc đẩy giao lưu giữa các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới đồng thời giúp cho người dân các nước nhận thức và hiểu rõ hơn về xã hội Trung Quốc đương đại.

Viện trưởng HVKT Roma, Italy

Chiến lược xây dựng các HVKT của Trung Quốc đã tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân các nước tìm hiểu Trung Quốc, tìm hiểu nền văn hóa đa nguyên, những vấn đề phức tạp trong xã hội và tập quán sinh hoạt phong phú của Trung Quốc.

Như vậy, sự gia tăng nhanh chóng của các HVKT trên thế giới cùng sự bùng nổ nhu cầu học tiếng Trung và trào lưu tìm hiểu văn hóa Trung Quốc đã từng bước khẳng định những thành công của Trung Quốc ―trong việc biến một tổ chức giáo dục quốc tế thành ―cửa ngõ‖ để Trung Quốc nhanh chóng đưa ―sức mạnh mềm‖ của họ vào một quốc gia khác‖ [25]. Ngôn ngữ quốc gia hay các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đều là ―tài nguyên‖ của NGVH. Trong quá trình triển khai chính sách NGVH của nước mình ra thế giới, những ―tài nguyên‖ đó được Trung Quốc sử dụng hiệu quả thông qua các hoạt động của các HVKT trên khắp toàn cầu. Với mạng lưới rộng khắp, các học viện, lớp học Khổng Tử đã không chỉ làm tốt chức năng cơ bản của mình là phổ biến ngôn ngữ và quảng bá văn hóa mà hơn thế nữa còn trở thành một trong những phương thức hiệu quả nhất để cụ thể hóa chính sách NGVH của Trung Quốc, góp phần quan trọng hình thành nên sức mạnh mềm văn hóa, phục vụ đắc lực cho mục tiêu tiến ra thế giới mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 81 - 86)