Các chính sách ngoại giao văn hóa Trung Quốc từ năm 2004 đến nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 35 - 39)

1.2. Khái quát chính sách ngoại giao văn hóa Trung Quốc từ năm 2004 đến nay

1.2.2. Các chính sách ngoại giao văn hóa Trung Quốc từ năm 2004 đến nay

1.2.2.1. Thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước

Ngoại giao văn hóa ngay từ khái niệm đã chỉ ra rằng đó là sự trao đổi trên lĩnh vực văn hóa giữa các quốc gia. Vì thế, một trong những phương thức chính để triển khai chính sách NGVH chính là thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa với nước ngoài.

Quan hệ giao lưu văn hóa của Trung Quốc với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng, từ các nước láng giềng, các nước trong khu vực đến các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hay các tổ chức văn hóa quốc tế. Hiện nay, thông qua con đường chính thức, Bộ Văn hóa Trung Quốc đại diện cho Chính phủ Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác văn hóa với 148 quốc gia với gần 800 kế hoạch giao lưu văn hóa hàng năm, mỗi năm có hơn 2.000 dự án giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với nước ngoài được Bộ Văn hóa Trung Quốc phê duyệt [80].

―Năm văn hóa‖ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược ―hướng ra ngoài‖ (走出去) của văn hóa Trung Quốc. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tổ chức thành công nhiều ―năm văn hóa Trung Quốc‖ tại các nước như Nga, Pháp, Phần Lan, Mỹ, Ai Cập, Ấn Độ… Đây đều là những hoạt động có tầm ảnh hưởng sâu rộng và ý nghĩa to lớn trong việc truyền bá phong tục tập quán, tôn giáo, văn hóa của Trung Quốc đến với các quốc gia này. ―Năm văn hóa Trung Quốc‖ được đánh giá là một trong những hoạt động quảng bá văn hóa hiệu quả nhất vì nó được tổ chức quy mô, diễn ra trong một thời gian dài với phạm vi nội dung trải rộng, hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho người dân nước sở tại tiếp cận các giá trị Trung Hoa theo các lĩnh vực mà họ quan tâm như nghệ thuật dân gian, hội họa, nhiếp ảnh… Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng kết hợp với các nước tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa nước ngoài tại các thành phố lớn của mình như ―Hội tụ văn hóa châu Phi‖ tại Thâm Quyến năm 2008, ―Tuần văn hóa ASEAN‖ tại Trùng Khánh năm 2011, ―Tuần lễ văn hóa ẩm thực Việt Nam‖ tại Bắc Kinh năm 2016… Các hoạt động này một mặt tạo cơ hội để người dân Trung Quốc giao lưu, tìm hiểu văn hóa nước ngoài, mặt khác cũng góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế một Trung Quốc hiếu khách và giàu bản sắc.

1.2.2.2. Tăng cường các hoạt động truyền thông

Để đạt được những mục tiêu trong công tác ngoại giao của mình, Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến vai trò của truyền thông, nhất là truyền thông đối ngoại. Lý Trường Xuân – Nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định: “Trong thế giới hiện nay, ai là người có thủ đoạn truyền thông sẽ đi trước, năng lực truyền thông sẽ ngày càng mạnh; ai giành được quyền ngôn luận quốc tế sẽ tạo ra được sức ảnh hưởng mạnh đối với quốc tế. Như vậy, một quốc gia mà quyền ngôn luận yếu trên trường quốc tế thì sẽ khó bảo toàn hình tượng quốc gia của mình‖ [59]. Với phương châm đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc đã phát huy tính ưu việt của mình, chống lại những luận điệu thiên lệch của truyền thông phương Tây khi đưa tin về Trung Quốc đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Trung Hoa với nền văn hóa đậm đà bản sắc, đem lại cho thế giới những nhận thức đa chiều về Trung Quốc, cải thiện và thúc đẩy mỗi quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới.

Tháng 6/2011, mạng truyền thông văn hóa do Bộ Văn hóa Trung Quốc chủ trì đã được triển khai nhằm mục đích tăng cường tuyên truyền, quảng bá về văn hóa Trung Quốc thông qua hệ thống mạng trực tuyến. Ngày 01/7/2011, kênh truyền hình tiếng Anh của Tân Hoa xã – CNC World chính thức ra mắt, phát chương trình tới châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi. Đặc biệt ở châu Phi, bên cạnh các hoạt động đầu tư kinh tế, Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ các hoạt động truyền thông nhằm củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu lục này. Tại châu Á, một số kênh truyền hình như Metro TV của Indonesia hay Channel News Asia của Singapore cũng đã xây dựng các bản tin phát hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc phổ thông, phủ sóng toàn khu vực.

Bên cạnh việc mở rộng các kênh phát thanh, truyền hình quốc tế, Trung Quốc cũng chú trọng đến việc xây dựng các chương trình phát sóng bằng tiếng nước ngoài, hướng tới đối tượng khán thính giả là người ngoại quốc. Năm 2009, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc và Đài Phát thanh đối ngoại Quảng Tây đã phối hợp thành lập Đài Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ (BBR), trực thuộc Đài Phát thanh nhân

dân Quảng Tây, phát thanh bằng 05 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Thái Lan, tiếng Việt Nam, tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông Trung Quốc với thời lượng 17 giờ/ngày. Đồng thời, hiện nay, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio International) cũng đang tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Anh lên 24 giờ/ngày [81].

1.2.2.3. Thành lập các Học viện Khổng Tử và hợp tác giáo dục

Khổng Tử với tư tưởng Nho gia của ông luôn được xem là biểu trưng của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Bởi lẽ đó, những học viện mang tên Khổng Tử của Trung Quốc đã nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, tạo ra một làn sóng học tiếng Trung và tìm hiểu văn hóa Trung Hoa. Mô hình HVKT được Trung Quốc tham khảo từ Hội đồng Anh, Viện Goethe của Đức, Viện Cervanter của Tây Ban Nha... Năm 2004, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố việc thành lập HVKT trong kế hoạch chấn hưng giáo dục 2003-2007. Cũng trong năm này, Trung Quốc chính thức thiết lập HVKT đầu tiên tại Seoul, Hàn Quốc.

Mục đích chính của HVKT là phổ biến tiếng Trung, giữ gìn và bảo vệ vị thế quốc tế của tiếng Trung và truyền bá văn hóa Trung Hoa. Hiện nay, chức năng của HVKT bao gồm các nội dung như dạy học tiếng Trung, đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng Trung, luyện thi tiếng Trung, tổ chức thi và cấp bằng Hán ngữ, tư vấn du học Trung Quốc, giới thiệu Trung Quốc đương đại, văn hóa Trung Hoa… Với những mục tiêu và chức năng như đã công bố là phổ biến tiếng Trung và quảng bá văn hóa Trung Hoa, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thành lập các HVKT tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến 31/12/2016 đã có 511 HVKT và 1.074 lớp học Khổng Tử được lập ra tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu [74].

Với số lượng đông đảo và quy mô rộng lớn, HVKT đã nhanh chóng tạo ra ―cơn sốt‖ học tiếng Trung và tìm hiểu văn hóa Trung Hoa trên khắp các châu lục. Bản thân đất nước Trung Quốc với lịch sử 5.000 năm cùng nền văn hóa truyền thống độc đáo, xán lạn đã luôn là một kho tàng bí ẩn mà thế giới muốn tìm hiểu, khám phá. Việc ra đời các HVKT như là chiếc cầu nối đưa văn hóa Hán đến gần hơn với các quốc gia đương nhiên sẽ được đón nhận và hưởng ứng. Các hoạt động của HVKT, bên cạnh mục đích phổ biến văn hóa thuần túy còn đóng vai trò như

một chính sách ngoại giao ―mềm dẻo‖, từng bước nâng cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia chủ nhà. Những tác động kiểu này giống như ―mưa dầm thấm lâu‖, tạo ra làn sóng không chỉ tìm hiểu về Trung Quốc, học tập Trung Quốc mà còn nói như người Trung Quốc và thậm chí nghĩ như người Trung Quốc.

Bên cạnh việc mở rộng hệ thống HVKT, Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động trao đổi giáo dục. Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc Trung Quốc về công tác lưu học sinh (tháng 12/2014), đến năm 2013, lưu học sinh Trung Quốc đã phân bố tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Hiện nay, có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết hiệp ước với Trung Quốc về công nhận học vị của nhau, xuất xứ của lưu học sinh nước ngoài từ chỗ chỉ gồm 3 quốc gia Đông Âu trong những năm 1950 đến nay lên đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Học sinh nước ngoài ở Trung Quốc thời kỳ đầu chỉ đến học ngôn ngữ, đến nay hầu hết các ngành đều có sinh viên nước ngoài [35]. Lưu học sinh nước ngoại hấp thụ kiến thức và các giá trị văn hóa Trung Hoa cùng lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài chính là lực lượng quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới.

1.2.2.4. Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa

Trong chiến lược NGVH của mình, bên cạnh việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, truyền thông đối ngoại, thiết lập các tổ chức truyền bá văn hóa ở nước ngoài thì Trung Quốc cũng rất chú trọng đến việc đưa các sản phẩm văn hóa của nước mình ra thế giới. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, so với các nước phát triển, nền công nghiệp văn hóa của Trung Quốc còn nhỏ bé, năng lực sáng tạo yếu. Trên thị trường văn hóa thế giới, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản chiếm tỷ lệ lần lượt là 43%, 34% và 10% còn Trung Quốc chỉ chiếm 4%, thậm chí còn chưa bằng Hàn Quốc (5%). Xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc đang ở vào tình trạng ―nhập siêu‖. Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, sức cạnh tranh văn hóa giữa các quốc gia chính nằm ở sức cạnh tranh của công nghiệp văn hóa. ―Sản phẩm văn hóa của nước nào chiếm lĩnh được thị trường thế giới đồng nghĩa với việc nước đó có năng lực cạnh tranh cao‖ [31, tr. 51]. Nhận thức rõ điều này, Hội nghị trung ương 6 khóa XVII (tháng 10/2011) đã thông qua ―Nghị quyết một số vấn đề quan

trọng về cải cách sâu sắc thể chế văn hóa thúc đẩy CNXH phát triển phồn vinh‖, đề ra mục tiêu xây dựng cường quốc văn hóa, nhấn mạnh cần phải thúc đẩy văn hóa Trung Hoa tiến ra thế giới, trong đó dành sự ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.

Sự đột phá trong chủ trương phát triển văn hóa của Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm văn hóa Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài rất đa dạng, chủ yếu là các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như các loại hình nghệ thuật dân gian, điện ảnh, âm nhạc, vũ đạo, xiếc… Năm 2015, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê duyệt ngân sách 5 tỷ RMB cho Quỹ Phát triển công nghiệp văn hoá, tổng hạng mục hỗ trợ gồm có 850 hạng mục, tăng 6,25% so với năm 2014. Đến nay, ngân sách của Quỹ đã lên tới 24,2 tỷ RMB, hỗ trợ cho hơn 4.100 hạng mục văn hoá. Sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp văn hóa Trung Quốc xâm nhập thị trường văn hóa của các nước có nhu cầu tiêu dùng văn hóa cao‖ [16]. Kết quả là ―từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ ngành công nghiệp văn hóa thế giới vào những năm 1990, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đứng trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu văn hóa lớn nhất thế giới…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)