Mô hình hợp tác thành lập Học viện Khổng Tử của Trung Quốc tạ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 58 - 60)

2.1. Cơ cấu, tổ chức của Học viện Khổng Tử

2.1.3. Mô hình hợp tác thành lập Học viện Khổng Tử của Trung Quốc tạ

nước ngoài

Các HVKT ở nước ngoài được thành lập theo phương thức liên kết hợp tác giáo dục quốc tế, phía Trung Quốc chủ yếu chịu trách nhiệm về việc cử giáo viên, trang bị giáo trình còn cơ sở hạ tầng và lực lượng giáo viên cơ hữu chủ yếu dựa vào điều kiện sẵn có của bên đối tác ở nước sở tại. ―Ưu thế của mô hình hợp tác hiện tại của HVKT chính là ở chỗ giúp cho Chính phủ Trung Quốc đầu tư ở mức hạn chế nhưng lại thu được hiệu quả cao‖ [36]. Hiện nay, mô hình hợp tác của HVKT là quan hệ đối đẳng, chủ yếu phân làm ba loại:

* Hình thức hợp tác giữa các trường đại học

Đây là hình thức hợp tác giữa 01 trường đại học của Trung Quốc và 01 trường đại học của đối tác nước ngoài dưới sự xem xét toàn diện và thẩm tra chặt chẽ của Hán Biện. Theo mô hình liên kết này, các trường đại học nước sở tại sẽ cung cấp địa điểm và trang thiết bị vật chất cho việc thành lập HVKT. Phía đối tác Trung Quốc cung cấp giáo trình giảng dạy và giáo viên. Các trường được chọn để hợp tác phải có sự tương đồng về năng lực nghiên cứu, tầm ảnh hưởng khu vực, khả năng giao lưu đối ngoại cũng như phải có cơ sở hợp tác chắc chắn. Chẳng hạn, HVKT Tashkent, Uzbekistan do Học viện Phương Đông Tashkent, Uzbekistan và Đại học Lan Châu hợp tác thành lập. Đến thời điểm triển khai hợp tác thành lập HVKT, Học viện Phương Đông Tashkent đã có bộ môn Tiếng Trung hoạt động được 50 năm; phía Trung Quốc, Đại học Lan Châu nằm trong nhóm trường đại học hàng đầu của nước này; ngoài ra, Học viện Phương Đông Tashkent và Đại học Lan Châu cũng đã có 15 năm hợp tác giao lưu trong việc dạy và học tiếng Trung Quốc [60, tr. 17].

Trên thực tế, hình thức này được áp dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Hợp tác giữa 02 trường đại học là dạng phổ biến nhất, ngoài ra cũng có thể là hợp tác 03 bên, 04 bên, hợp tác giữa trường đại học của Trung Quốc với trường trung học, tiểu học nước ngoài…Ví dụ: HVKT Chicago là HVKT đặt tại trường trung học của thành phố Chicago, Mỹ; HVKT Sheffield, Anh do Đại học Sheffield, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh và Đại học Nam Kinh hợp tác thành lập;

HVKT Fukuyama, Nhật Bản là hợp tác giữa Đại học Sư phạm Thượng Hải, Đại học kinh tế đối ngoại Bắc Kinh và Đại học Fukuyama…[60, tr. 17].

* Hình thức hợp tác giữa trường đại học của Trung Quốc và tổ chức kinh tế, xã hội của nước sở tại

Tổ chức này có thể là doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, hiệp hội… Chẳng hạn, HVKT Pace do Đại học Sư phạm Nam Kinh, Đại học Pace và tập đoàn truyền thông xuất bản Phượng hoàng hợp tác thành lập. HVKT tại Đại học Poitier, Pháp là sự hợp tác giữa Đại học Poitier, Đại học Nam Xương và Công ty Trung Hưng. HVKT Turin do Đại học Turin, Phòng nghiên cứu Trung Quốc đương đại Italy và Đại học Sư phạm Hoa Đông hợp tác thành lập... [60, tr. 19]. Hình thức hợp tác này giúp làm giảm áp lực về vốn trong quá trình thành lập HVKT song bên cạnh đó, trong trường hợp tổ chức tham gia hợp tác là doanh nghiệp thì ở mức độ nhất định cũng sẽ làm thay đổi tính chất phi lợi nhuận của HVKT.

* Hình thức hợp tác giữa một bên là cơ quan chính quyền, một bên là trường đại học

Đây là hình thức hợp tác giữa một bên là cơ quan chính quyền địa phương của Trung Quốc với một bên là cơ quan chính quyền địa phương của nước sở tại hoặc một bên là cơ quan chính quyền địa phương, bên kia là một cơ quan giáo dục dưới sự bảo trợ của chính phủ, do chính phủ phụ trách đầu tư về mặt vật chất. Cũng có trường hợp phía đối tác là sự kết hợp giữa chính quyền và một trường đại học tại địa phương. Chẳng hạn, HVKT Alsace áp dụng hình thức hợp tác chính quyền, do chính quyền tỉnh Giang Tô và chính quyền vùng Alsace, Pháp hợp tác thành lập. HVKT thành phố Betong, Thái Lan do Đại học Trùng Khánh Trung Quốc và chính quyền thành phố Betong hợp tác thành lập, là HVKT duy nhất tại Thái Lan áp dụng hình thức hợp tác giữa trường đại học của Trung Quốc với chính quyền thành phố của Thái Lan. Đối với HVKT Dusseldorf, CHLB Đức, tham gia hợp tác gồm: chính quyền thành phố Dusseldorf, Đại học Heine Dusseldorf và Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh… [60, tr. 20].

Ưu điểm của hình thức này là kinh phí hoạt động của HVKT có thể được bảo đảm, vì có sự tham gia của chính quyền địa phương nên có thể huy động được nguồn lực vật chất cũng như con người tại nơi đó, thu hút được sự quan tâm của xã hội đồng thời có thể mở rộng thêm cơ chế hợp tác từ giáo dục sang các lĩnh vực kinh tế, thương mại, mang lại nguồn lợi phong phú hơn, phạm vi và nội dung hoạt động rộng hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà các HVKT thành lập theo hình thức này không bám sát vào chức năng giáo dục, quảng bá văn hóa, đi chệch tiêu chí hoạt động ban đầu.

Như vậy có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất về mặt mô hình hợp tác giữa HVKT và các tổ chức văn hóa của các nước phương Tây là ở chỗ: Các tổ chức văn hóa phương Tây mở rộng chi nhánh của mình tại nước ngoài trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của chính phủ hai nước về mặt chủ trương, sau khi thành lập chi nhánh tại nước sở tại, các tổ chức này sẽ hoạt động một cách độc lập, không có sự liên kết, hợp tác với một tổ chức hoặc cơ quan nào tại nước sở tại; HVKT của Trung Quốc lại mở rộng chi nhánh bằng cách hợp tác với các cơ quan, tổ chức của nước ngoài trên cơ sở đề xuất của nước đó về việc thành lập cơ sở HVKT. Sự khác nhau về mô hình hợp tác này sẽ lý giải việc trong khi các tổ chức văn hóa của các nước phương Tây hoàn toàn do quốc gia chủ quản quản lý, điều hành thì HVKT lại chịu sự quản lý và điều hành của cả phía Trung Quốc và nước sở tại. Một tổ chức muốn hợp tác với HVKT phải trình Tổng bộ một bản tự giới thiệu, một kế hoạch hoạt động, cơ chế quản lý, thống kê nhu cầu thị trường (học tiếng Trung). Phía đối tác cũng cần chứng tỏ ―sự tự nguyện của mình trong việc đóng góp (cả về tài chính và vật chất) để thành lập và phát triển Học viện tại nước đó‖ [45, tr. 105]. Những điều kiện này sẽ đảm bảo cho tính ―đối đẳng‖ về mặt nghĩa vụ giữa hai bên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) học viện khổng tử trong chính sách ngoại giao văn hóa của trung quốc (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)