khoa học
Ngay sau khi được thành lập năm 2004, để kịp thời đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung tại rất nhiều quốc gia, HVKT đã nhanh chóng thiết kế các chương trình dạy tiếng Trung cho người nước ngoài. Sự kịp thời và chất lượng của các chương trình này càng làm cho trào lưu học tiếng Trung được dấy lên mạnh mẽ kéo theo đó là nguyện vọng nghiên cứu,tìm hiểu về đất nước Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên. Nắm bắt xu thế này, các HVKT đã không chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp các khóa học ngoại ngữ mà còn triển khai các hoạt động khác như xây dựng hệ thống tài liệu học tập, tổ chức hội thảo, tọa đàm học thuật, trở thành một kênh hiệu quả để người dân nước sở tại tìm kiếm thông tin, tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học nhất là những nghiên cứu về Trung Quốc.
* Xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu
Trong thỏa thuận hợp tác để thành lập các HVKT, phía Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các giáo trình, tài liệu dạy học để giảng dạy tại HVKT nước sở tại. Ngoài những tài liệu dạy học bằng tiếng Trung, Tổng bộ HVKT cũng đã chủ trì biên soạn những giáo trình mới, phù hợp với nhu cầu giảng dạy tại từng cơ sở, giúp người học dễ dàng tiếp cận và tiếp thu hơn. Đến cuối năm 2016, các HVKT đã phát triển được kho tài liệu giảng dạy bằng 64 thứ tiếng khác nhau gồm 804 bộ, 6.643 cuốn [54]. Bên cạnh đó, các HVKT còn cung cấp những tài liệu dịch thuật có giá trị, đảm bảo tính chính xác cao, thường tập trung vào các lĩnh vực như triết học phương Đông, phong tục tập quán… Những tài liệu dịch này đã tạo ra những thuận lợi không nhỏ trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về Trung Quốc, đưa người dân bản xứ đến gần hơn với văn hóa Trung Hoa.
* Tổ chức hội thảo, tọa đàm học thuật
Hội thảo, tọa đàm học thuật là những hoạt động rất được giới nghiên cứu quan tâm. Thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, các chuyên gia Trung Quốc và cả nước ngoài có thể trao đổi, thảo luận về nhiều lĩnh vực trong đó chủ yếu là các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ, tháng 11-12/2009, HVKT Padua, Ý và Viện Văn học Đại học Padua phối hợp tổ chức ―Tuần tọa đàm văn hóa Trung Quốc‖, các chuyên gia giới thiệu về văn hóa cổ đại Trung Quốc, sự phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng như sự tiến bộ qua các thời kỳ lịch sử của văn minh Trung Hoa, so sánh với văn hóa phương Tây [56, tr. 34]; năm 2011, HVKT London và Hiệp hội nghiên cứu sinh Hán học Anh quốc tổ chức ―Diễn đàn nghiên cứu Hán học‖, thu hút hàng trăm học giả đến từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi, cùng thảo luận về các vấn đề như lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc; năm 2012, HVKT Đại học Suez, Ai Cập tổ chức diễn đàn ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc - Ai Cập, trao đổi về các vấn đề như nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn học Trung Quốc, nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn học tiếng Ả rập, nghiên cứu văn hóa Trung Quốc – Ai Cập… [66, tr. 50].