CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Các lý thuyết áp dụng
1.2.1. Lý thuyết cấu trúc chức năng
Lý thuyết cấu trúc – chức năng là một trong những chủ thuyết cơ bản trong xã hội học, thứ nhất, đại diện cho truyền thống khoa học Pháp, coi trọng tính trật tự của hệ thống gồm các bộ phận có quan hệ chức năng hữu cơ với tổng thể; thứ hai, truyền thống khoa học Anh với thuyết tiến hóa, thuyết kinh tế, thuyết vị lợi, thuyết hữu cơ phát triển mạnh.
Lịch sử của lý thuyết cấu trúc – chức năng gắn liền với tên tuổi của các nhà xã hội học nổi tiếng như: Auguste Comte, Herbert Spencer, Emile Durkheim, Vilfredo Pareto, Malinowski, Kingley Davids và Talcott Parsons, Robert Merton,…
Theo cách tiếp cận của các nhà cấu trúc - chức năng, xã hội được coi là một hệ thống bao gồm nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận giữ một vai trò bình thường nào đó trong xã hội và vận hành một cách bình thường để thực hiện một số yêu cầu hay chức năng nào đó và thoả mãn những nhu cầu nhất định của xã hội, vì theo họ “các hoạt động xã hội, các quá trình xã hội đã tồn tại bởi chúng có một chức năng tích cực nào đó để thực hiện trong xã hội” [35]. Điều đó có nghĩa là sự tồn tại của chúng là để thực hiện một chức năng xã hội nào đó kể cả chúng tích cực hay tiêu cực trong con mắt của chúng ta. Các tác giả của chủ thuyết chức năng đều nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ của các bộ phận cấu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có một chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững.
Dòng lý thuyết cấu trúc – chức năng nhìn nhận xã hội như một hệ thống được cấu thành từ các bộ phận khác nhau, các bộ phận này thực hiện những chức năng chuyên biệt và phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo sự cân bằng, ổn định của toàn hệ thống. Với mối quan hệ tương hỗ gắn bó chặt chẽ như vậy, những thay đổi ở một bộ phận sẽ kéo theo thay đổi ở các bộ phận khác. Điều quan trọng ở
đây là chức năng xuất phát một cách tự nhiên từ chính sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống gồm các bộ phận tạo thành một cấu trúc nhất định.
Đóng góp vào xây dựng thuyết cấu trúc - chức năng, Comte là người đầu tiên đề ra hướng nghiên cứu tĩnh học xã hội để tìm hiểu các quy luật duy trì sự ổn định, trật tự cấu trúc xã hội. Ông cho rằng do thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận mà cấu trúc xã hội bị rối loạn gây ra sự bất thường xã hội. Spencer đã vận dụng hàng loạt các khái niệm sinh vật học như sự tiến hóa, sự phân hóa chức năng để giải thích các hiện tượng của sinh thể/cơ thể xã hội. Durkhiem không những nghiên cứu chức năng và cấu trúc xã hội mà còn đưa ra các quy tắc sử dụng các khái niệm này làm công cụ phân tích xã hội học. Bronislaw Malinowski (1884 – 1942) người đầu tiên vận dụng khái niệm chức năng vào nghiên cứu các nhu cầu và chức năng tâm lý của các cá nhân. Claude Levi-Strauss đã làm rõ mối quan hệ đặc biệt giữa khái niệm cấu trúc xã hội với tính cách là công cụ, phương pháp phân tích và hiện thực xã hội. Theo ông, chỉ những mô hình nào đảm bảo bốn điều kiện sau đây mới được gọi là cấu trúc: cấu trúc có tính hệ thống với nghĩa là sự biến đổi của yếu tố này của mô hình sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác; mỗi sự biến đổi tương ứng với một mô hình, do đó toàn bộ một loại biến đổi tạo thành một nhóm những mô hình tương ứng; từ biến đổi của một yếu tố của mô hình có thể dự báo sự phản ứng của cả mô hình; mô hình được xây dựng để giúp nhận thức được sự kiện quan sát [11].
Cụ thể, thuyết cấu trúc – chức năng của Robert Merton, là sự giải thích một hiện tượng xã hội bằng cách chỉ ra hệ quả (chức năng) của nó đối với những cấu trúc mà nó là một bộ phận cấu thành. Giống như quan niệm của Durkheim và Parsons, Merton cho rằng các cấu trúc văn hóa mà cụ thể là hệ các giá trị xã hội là những yếu tố cơ bản để lý giải cơ chế hoạt động và phối hơp hoạt động của các thiết chế xã hội.
Tóm lại, các luận điểm gốc của thuyết cấu trúc chức năng đều nhấn mạnh tính cân bằng, ổn định và khả năng thích nghi của cấu trúc. Một xã hội tồn tại, phát triển được là do các bộ phận cấu thành của nó hoạt động nhịp nhàng với nhau để đảm bảo sự cân bằng chung của cả cấu trúc, bất kỳ một sự thay đổi ở thành phần nào cũng kéo theo sự thay đổi của thành phần khác. Và sự biến đổi của cấu trúc tuân theo quy luật tiến hóa, sự biến đổi cấu trúc luôn hướng tới thiết lập lại trạng thái cân bằng, ổn định.
Vận dụng trong nghiên cứu vai trò của môn xã hội học pháp luật trong đào tạo cử nhân Luật ta thấy sẽ nảy sinh hai câu hỏi lớn của trường phái cấu trúc - chức năng liên quan đến vấn đề này đó là: Môn xã hội học pháp luật thực hiện chức năng gì đối với chương trình đào tạo cử nhân luật? Mối quan hệ chức năng giữa môn xã hội học giáo dục với các môn học khác trong chương trình đào tạo cử nhân Luật nói chung và trường Đại học Luật Hà Nội và khoa Luật – ĐHQGHN nói riêng được thể hiện như thế nào? Dòng lý thuyết cấu trúc – chức năng nhìn nhận xã hội như một hệ thống được cấu thành từ các bộ phận khác nhau, tương ứng với chương trình đào tạo dành cho cử nhân Luật cũng vậy, trong khung chương trình đào tạo bao gồm các môn học và các môn học này sẽ thực hiện những chức năng chuyên biệt và phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo sự cân bằng, ổn định của toàn hệ thống. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, nhu cầu của người dạy, người học,… sẽ có sự thay đổi bổ sung các môn học trong chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Với mối quan hệ tương hỗ gắn bó chặt chẽ như vậy, những thay đổi ở một bộ phận sẽ kéo theo thay đổi ở các bộ phận khác. Và môn xã hội học pháp luật có những chức năng gì, vai trò gì trong chương trình đào tạo cử nhân Luật. Ta có thể hình dung một chuỗi các sự kiện của chức năng như sau: hệ thống => nhu cầu => chức năng => bộ phận => cấu trúc => hệ thống. Như vậy, lý thuyết này cho rằng môn xã hội học pháp luật
đóng một vai trò nhất định trong việc đáp ứng một số chức năng tối thiếu để đảm bảo cho chương trình đào tạo cử nhân Luật của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội và khoa Luật – ĐHQGHN.