Nhân vật đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 30 - 34)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.2.2. Các kiểu nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

2.2.2.1. Nhân vật đời thường

Trong kịch Nguyễn Huy Thiệp nhân vật đời thường là một trong những kiểu nhân vật phổ biến nhất và dễ bắt gặp nhất, họ có mặt ở khắp mọi nơi từ nơi cao sang đến nơi thấp hèn, từ cõi mê đến cõi phù vân, tỉnh thức. Đó có thể là một nhà sư ta gặp trong chùa, một ông nhà thơ lãng mạn nơi bến đò, một ông đại tá về hưu đầy uy quyền, một ông giáo muốn rời bỏ chốn công danh, một nhà nghiên cứu “ lý thuyết tập mờ”, người phụ nữ tham vọng, bậc đại trí thức, những người giúp việc nhỏ bé...

Với vở kịch Đến bờ bên kia chúng ta sẽ bắt gặp một kiểu xã hội thu nhỏ với đầy đủ các hạng người, họ là đại diện cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Trên một chuyến đò ngang chúng ta sẽ bắt gặp 11 con người với những cuộc đời khác nhau, nghề nghiệp khác nhau và cách nhận thức của họ cũng khác nhau. Tất cả 11 con người này đều không được tác giả đặt cho một cái tên cụ thể mà họ được gọi tên theo nghề nghiệp, giới tính và ngoại hình của mình, đó là một nhà thơ, một ông giáo, nhà sư, cô lái đò, họ là chàng trai, là cô gái, là người béo, người gày... Nhưng

dù khác nhau như thế nào thì họ đều là một mảnh của đời sống, họ là biểu hiện của cuộc sống muôn hình vạn trạng, nhân tình thế thái khó lường.

Trong vở kịch này chúng ta sẽ bắt gặp những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, dù nó được “thoát” ra từ miệng của những con người lao động bình thường và cuộc đời họ chưa bao giờ đi quá khỏi bến sông, đó là lời của cô lái đò khi nói về mưu cầu cuộc sống của một người phụ nữ: “Cháu thì chẳng phải lo gì! Cứ biết ngày nào hay ngày ấy. Đàn bà chúng cháu chỉ cần cái trước mắt thôi bác ạ! Lo chi thêm mệt! Cháu chẳng cần giàu, chẳng cần danh giá làm gì! Cháu chỉ cần có đủ ăn thôi...” [52, tr. 11]. Và cũng chính từ người phụ nữ nhỏ bé này với công việc bình dị là lái đò chở khách sang sông người ta sẽ ngộ ra được nhiều điều hay lẽ phải về cách ứng xử ở đời, hãy theo dõi đoạn hội thoại dưới đây để thấy được điều này:

“Cô lái đò: (vội vã): Từ từ! Mọi người từ từ! (quay lại nói với mọi người): Các bác thông cảm, phải cho thêm một người sang sông nữa đấy!

Người gày: Tôi bảo tôi sẽ trả tiền gấp rưỡi cho cô để đi ngay cơ mà! (đưa tiền nhưng cô lái đò không nhận)

Cô lái đò (xua tay): Thôi thôi, cháu chịu thôi! Tiền chẳng ích gì! Các bác đi rồi, cháu còn ở lại bên bến sông này không khéo hết đường làm ăn!

Người béo: Anh ta là ai mà cô sợ thế?

Cô lái đò: Không phải sợ, bác ạ, mà cái sự nó phải như thế (kiên quyết). Đất có thổ công, sông có Hà Bá bác ạ!” [52, tr. 22]

Cũng trên chuyến đò ngang này, chúng ta không thể bỏ qua một kiểu nhân vật đời thường rất đỗi quen thuộc mà ở đâu cũng có sự xuất hiện của họ, đó chính là ông nhà thơ lãng mạn “nhìn về phía trước”, những câu nói của nhân vật này tưởng chừng như chỉ là những vần những điệu tếu táo vui đùa nhưng thực chất ẩn sâu trong đó lại là những suy tư trăn trở về cuộc đời, nó được đúc kết bằng học vấn và bằng sự trải đời. Hãy lắng nghe ông ta nói về vòng danh lợi: “Ở đời, rút lui khỏi danh lợi cũng phải biết cách, đâu phải dễ dàng! Khó đấy! Khó đấy!”

Trong kịch Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ bắt gặp những nhân vật đời thường đến mức tầm thường trong một Gia đình nơi mà Quỷ ở với người lẫn lộn đến mức

chẳng còn có thể phân biệt được đâu là người và đâu là quỷ. Được biết vở kịch này được Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể từ truyện ngắn Không có vua, đó là câu

chuyện về gia đình của lão Kiền – một người đàn ông góa vợ đã 11 năm và năm người con trai còn độc thân được đặt tên theo các quẻ là Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn và một người phụ nữ tên Sinh là vợ của Cấn. Cái tổ hợp sáu nam và một nữ ấy đã tạo nên một bi kịch kín, một dạng “bi hề kịch dân sinh” (chữ dùng của Phạm Vĩnh Cư). Ở đây ta sẽ bắt gặp những con người vô luân, ăn nói mạt sát và thóa mạ lẫn nhau, bố chửi con, anh chửi em, em cãi anh, anh em tương tàn thì bố đứng ra cổ vũ, khích bác. Những nhân vật này được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng bằng những nét tính cách điển hình nhất thông qua các câu thoại, họ trở đi trở lại trong một không gian chật hẹp và tù túng là ngôi nhà rộng 20 mét vuông."Với một căn nhà 20 mét vuông, bẩy mạng người chen chúc sống trong đó, mỗi người chưa được 3 mét vuông, sinh tồn, đồ đạc không có chỗ để, vậy đạo đức để vào đâu?".

Trong cái tổ hợp kín này khi mà đạo đức không có chỗ để người ta sẽ bắt gặp hai bậc đại trí thức là Đoài và Khảm, những đứa con bất hiếu và vô đạo khi bố ốm thì giơ tay biểu quyết “bố chết” để không phải bỏ tiền chữa bệnh cho bố, vô luân hơn họ còn tranh giành chị dâu với anh trai mình, tìm cách để chia rẽ hai người, là nguồn cơn dẫn đến mọi sự đổ vỡ của gia đình. Có thể nói với việc xây dựng nên những nhân vật điển hình này Nguyễn Huy Thiệp đã cho thấy sự tan rã của những giềng mối quan hệ quan trọng nhất trong ngũ luân: cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè... tất cả đã bị mục ruỗng và biến tướng. Khi nói về các nhân vật trong Gia đình, nhà nghiên cứu Thụy Khuê đã có ý kiến như sau: “Kịch Gia Ðình nhập nhằng định giới giữa đạo đức và tội ác. Ðâu là người? Ðâu là quỷ? Từ người đến quỷ thoảng có bao lăm? Lương tâm phải chăng chỉ là trò ú tim giữa người và quỷ? Trong trường hợp nào thì lương tri biến thành cuồng sát? "Chúng ta ôm ấp đạo đức trong một môi trường vô luân thì sẽ bi kịch cả thôi."

Đâu đó trong thế giới nhân vật kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ bắt gặp những con người cô đơn, họ là những người có địa vị xã hội, những bậc trí thức đại tài nhưng lại cô đơn trong chính quyền lực và địa vị của mình. Đó là một ông

đại tá về hưu, với thói quen quyền lực nhà binh và tư tưởng gia trưởng, “ bảo hoàng” ông luôn muốn duy trì trật tự và quyền lực của mình với những thành viên trong gia đình, với những người ô sin. Trong ngôi nhà ô sin đó quyền lực của ông được thỏa mãn vì đám ô sin vừa kính nể ông, trọng vọng ông nhưng cũng lại sợ hãi ông. Ngài đại tá trở thành biểu tượng của ngôi nhà. Mặc dù là biểu tượng của quyền lực tối cao nhưng từ đầu chí cuối vở kịch ông chỉ là một con người cô đơn, lạc lõng giữa sự ô hợp nhốn nháo của đám ô sin, giữa tranh giành quyền lực, tiền bạc và tài sản của con cái trong nhà. Và ngay cả khi đã chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Me- lu-za – một người hầu gái thì ông cũng bị chối bỏ tàn nhẫn vì “giá trị của ông gắn với cây súng này, với ngôi nhà này, với mọi vật ở đây... Ông bỏ hết đi thì ông còn giá trị gì”.Và cũng chính trong giờ phút đó mà ông đại tá cay đắng nhận ra “tấn trò đời”, nhận ra bi kịch của đời mình: “Bỏ cả giang sơn theo người đẹp... Hay đâu người đẹp thích giang sơn...”

Và còn nữa, chúng ta sẽ còn bắt gặp một Bảo Trinh (Nhà tiên tri) luôn cô đơn vì chồng mình là một phó tiến sĩ, nhà “nghiên cứu tập mờ” chỉ biết đến khoa học và đam mê khoa học đến quên mình, người phụ nữa ấy sống cô đơn trong nhung lụa, trong danh vọng của chồng và phản bội chồng trong tư tưởng. Cùng chung số phận với Bảo Trinh là Xuân Lan – một người phụ nữ chăm chỉ đi chùa và làm từ thiện để tìm sự thanh thản trong tâm hồn mình. Xuân Lan kết hôn với một người chồng già, có địa vị và quyền lực, trong thâm tâm Xuân Lan ghê tởm chồng mình nhưng không dám ngoại tình vì muốn duy trì trạng thái bình ổn trong gia đình, với người phụ nữ ấy “cái gì đã định hình rồi thì không nên phá vỡ”. Có thể nói Xuân Lan là hiện thân của trật tự xã hội, của thế bình ổn và duy trì nó dựa trên “quy tắc Hồng Mao” bất di bất dịch: “Tôi có chồng con rồi, chồng tôi có địa vị ở trong xã hội, con gái tôi đã học Đại học... Môi trường của tôi bình ổn, tôi phải giữ được sự bình ổn vàng ấy, đấy là một quy tắc Hồng Mao, ở đấy không có sự thật, cũng không có giả dối. Đấy đơn giản chỉ là một khuôn viên buồn tẻ. Ở đấy cần rất nhiều tiền, rất nhiều đạo đức, rất nhiều tín ngưỡng.”(Cái chết được che đậy). Và cũng vì cái quy tắc cứng ngắc ấy mà Xuân Lan khoác lên mình vẻ ngoài của một người phụ nữ đức hạnh và có

cuộc sống hạnh phúc đồng thời Xuân Lan cũng là người phụ nữ ích kỷ khi chối bỏ tình yêu, bà căm ghét, đố kỵ với những người được yêu và rao giảng con người ta phải sống đúng với chuẩn mực đạo đức, đúng với quy tắc xã hội và không nên phá vỡ nó. Nhưng thực chất trong thẳm sâu tâm hồn mình đó là một người phụ nữ cô đơn, nhỏ bé và đáng thương vì đã không được sống thật với những cảm xúc, những khát khao thầm kín của bản thân mà luôn phải gồng mình lên để xây dựng được một gia đình kiểu mẫu với người chồng lý tưởng và người con có nền tảng giáo dục tốt.

Có thể nói thế giới nhân vật đời thường trong kịch Nguyễn Huy Thiệp vô cùng phong phú và đa dạng, ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào một số nhân vật điển hình với những nét tính cách điển hình, nhưng qua đó cũng đủ cho người đọc thấy được quan niệm và cái nhìn nhân sinh của tác giả về con người và cuộc đời với những chuyển biến không ngừng, khó có thể lường trước được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 30 - 34)