Lời kể chuyện (dẫn truyện) trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 85 - 88)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

3.2. Tính tự sự trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

3.2.3. Lời kể chuyện (dẫn truyện) trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

Thông thường khi tiếp xúc với một văn bản kịch chúng ta sẽ thấy có những đoạn chú thích của tác giả, đó được gọi là lời kể chuyện hay lời dẫn truyện của tác giả, nó đóng vai trò là gợi ý cho đạo diễn về cách bố cục không gian, bài trí cảnh vật trên sân khấu hay diễn xuất của diễn viên, hoặc mang tính chất thông báo lượng thông tin về thời gian, không gian, địa điểm, thậm chí cả về hoàn cảnh sống của nhân vật, những lời dẫn truyện này thường có dung lượng rất ngắn gọn. Tuy nhiên trong các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp thì lại khác, nhiều vở kịch mà lời kể chuyện mang tính diễn giải và lồng vào đó là những vấn đề triết lý nhân sinh thế sự và quan niệm về thế giới quan của nhà văn. Những lời kể chuyện này thường có dung lượng rất dài (đôi khi dài đến cả vài trang văn bản) điều này là hoàn toàn mới nếu so với đặc trưng của thể loại kịch, và cũng chính vì lời kể chuyện dài mà nó khiến cho kịch tính cũng như các vấn đề mấu chốt của vở kịch bị loãng đi, những lời kể như vậy cho thấy dấu vết của tự sự trong kịch bởi trong các tác phẩm tự sự nhà văn với vai trò là người kể chuyện đóng một vị trí vô cùng quan trọng.

Trong số các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp thì vở Suối nhỏ êm dịu được coi là có kết cấu khá đặc biệt so với một tác phẩm kịch, điều đặc biệt được thể hiện ở chỗ các lời thoại của nhân vật rất dài, kịch mà không hề có tình huống hay xung đột kịch và phần lời kể chuyện cũng đặc biệt như thế, ngay từ hồi một của vở kịch nhà văn đã thể hiện điều đó bằng một lời kể chuyện có dung lượng dài đến 7 trang giấy, trong đó nhà văn nói về một “quốc gia Phương Đông đang phát triển” nào đó cùng

với những nhân vật quan trọng của quốc gia đó và xuất thân cụ thể của mỗi người. Có thể nói với lời kể chuyện có dung lượng dài 7 trang như vậy sẽ khiến người đọc có cảm giác đây không còn là một vở kịch nữa mà thay vào đó họ đang được tiếp nhận một truyện ngắn về những nhân vật bí hiểm với tầm vóc lớn lao và khó hiểu. Hay như ở hồi hai của vở kịch khi nhân vật cô Bốn vạn xuất hiện thì nhà văn đã dành ra một lời kể chuyện có dung lượng 4 trang giấy để nói riêng về nhân vật này và cũng qua đó mà người đọc biết được lai lịch cụ thể của nhân vật.

Vở kịch Nhà Ôsin cũng là một trường hợp kịch của Nguyễn Huy Thiệp mà lời kể chuyện dài. Trong hồi 1 của vở kịch tác giã đã dành ra hơn 1 trang đầu cho lời kể chuyện để diễn giải về ngôi nhà ôsin về các nhân vật sống trong ngôi nhà và các vấn đề liên quan đến tôn giáo đến đức tin trong ngôi nhà này.

“Sân khấu mở ra với phong cảnh phòng khách nhà Ôsin. Bàn ghế, đồ đạc sang trọng, rất có “gu” và dễ chịu.

Nhà Ôsin là một ngôi nhà thân thiện và có ý thức văn minh. Giống như nhiều ngôi nhà khác ở Việt Nam, dấu vết của các tôn giáo như đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão, đạo Kito, vẫn như phảng phất đâu đây và âm thầm gìn giữ phần tâm linh cho gia chủ thường là vô thần bởi thiếu hiểu biết. Người Việt hướng tới tộn giáo phần đông để thủ lợi hay để xin xỏ các đấng siêu nhiên phù hộ độ trì nhiều hơn là nghiền ngẫm triết lý kinh kệ nhằm rèn giũa nội tâm cho mình. Một phần khác nữa tôn giáo cũng hay bày đặt lễ hội, vốn là thứ mà người Việt ưa thích nhất. Nó phù hợp với tính cách nghịch dại, ưa ngao du và bày đặt của họ. Người Việt là một dân tộc hồn nhiên, có sức sống tuyệt vời. Nhiều người vẫn coi cần cù, lương thiện là chịu thương, chịu khó, nó là đức tính của người Việt nhưng hình như không hẳn thế, bởi nếu không thì lịch sử của họ đã không như bây giờ.

Nhà Ôsin với không gian mở có sự lịch lãm đáng kể, vì nó ở Thủ đô. Trong bối cảnh vở kịch, đây là ngôi nhà của ông chủ gia trưởng, khôn ngoan với một bầy ôsin giúp việc ít học đông đúc. Nó vui vẻ và không bi kịch. Nó đã trải qua quá nhiều bi kịch. Hiện nó đang thỏa hiệp hòa giải với tất cả. Đương nhiên nó không bao giờ hòa giải được nên nó nhượng bộ để tiếp tục âm thầm chờ đợi suy ngẫm về các diễn

biến tiếp theo. Khi nào suy ngẫm xong, lúc ấy là lúc vở kịch ắt không phải chỉ là hai hồi với một bối cảnh duy nhất để diễn” [ 52, tr. 66].

Với đoạn văn trên, người đọc nhận thấy tác giả dường như đang thực hiện một tiểu luận hoặc viết bình luận trữ tình cho truyện ngắn Nhà ô sin hơn là cho kịch Nhà ô sin. Đoạn trữ tình ngoại đề đó sẽ biến mất khi dàn dựng. Nếu dàn dựng có thể đạo diễn cũng sẽ bỏ qua nó.

Có thể nói lời kể chuyện khá được trọng trong các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp, trong đó phần nào chứa đựng tư tưởng của nhà văn mà nếu không trực tiếp diễn giải ra thì người đọc có lẽ sẽ không hiểu được. Trong vở Mổ nhà văn với lời

dẫn truyện mang đậm ý mỉa mai châm biếm của tác giả, người đọc sẽ biết thực chất Bệnh viện tình thương là một nơi như thế nào? Nó có thực sự là nơi để người ta chữa bệnh hay không. Lời dẫn truyện trong hồi thứ nhất của vở kịch như sau:"Bệnh viện tình thương" là biển hiệu treo giữa một ngôi nhà trắng sạch sẽ, khang trang. Giám đốc bệnh viện là một nhà thơ, vì vậy (theo kinh nghiệm của tôi) ông ta hẳn là một tay oái oăm, tính nết thất thường. Những người dưới quyền giám đốc không ai hơn được ông ta, bởi thế trật tự thiết lập ở sân khấu này kiểu gì thì kiểu, hiển nhiên là một trật tự chỉ định”. Hoặc lời dẫn truyện còn được tác giả sử dụng khi nói đến các nhân vật của vở kịch bằng một thứ giọng điệu vừa lạnh lùng lại vừa khiêu khích: “Một người đàn ông đi vào, để ria mép, tay bưng một chậu hoa nhỏ, vừa đi vừa thổi phù phù. Đấy là ông Trần Mạnh Khảo. Đi cùng ông Trần là Nguyễn Hàng Lươn, cũng để ria mép. Hai ông này đều có nét hao hao giống nhau, hệt như hai thám tử trong phim hoạt hình Tin tin. Ông Nguyễn Hàng Lươn đẩy một xe cút kít rơm. Cả hai ăn mặc như những thanh niên tình nguyện.”

Ở một phương diện nào đó thì lời kể chuyện làm hãm lại hành động kịch, nó khiến cho các hành động của nhân vật không được bộc lộ ra trực tiếp mà chỉ có thể xuất hiện gián tiếp thông qua lời kể của nhà văn. Lời kể chuyện trong vở kịch Đến

bờ bên kia là một ví dụ điển hình cho điều này, nó xuất hiện vào đúng lúc tình

huống của vở kịch được đẩy lên cao trào khi đứa bé lỡ đút tay vào chiếc bình quý và không rút ra được, chúng ta những tưởng rằng sẽ được chứng kiến hành động của

các nhân vật một cách trực tiếp để giải cứu đứa bé, nhưng không phải, tất cả chỉ dừng lại ở đó và nó chỉ được tóm gọn lại thông qua lời kể của tác giả: “Tướng cướp đẩy người gày ra, múa chiếc côn nhị khúc rồi bổ mạnh vào chiếc bình, chiếc bình gốm vỡ. Âm nhạc nổi lên. Một sự hỗn loạn nhỏ trên sân khấu. Người béo giằng lấy súng trên tay người gày rồi chĩa vào tướng cướp. Người thanh niên đẩy tướng cướp ra, dang hay tay che đạn cho anh ta. Súng nổ. Người thanh niên ngã xuống.”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)