Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 64 - 67)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.4. Ngôn ngữ kịch

2.4.1. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

Không giống như các tác phẩm tự sự, ở thể loại kịch nhân vật được xây dựng chủ yếu bằng ngôn ngữ đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại là sự đối đáp qua lại giữa các nhân vật và đây cũng là hình thức ngôn ngữ phổ biến nhất của thể loại kịch. Đối thoại vừa gắn liền với hành động vừa thúc đẩy hành động của nhân vật phát triển, hay nói cách khác thì ngôn ngữ mang tính hành động.

Như đã nói ở trên ngôn ngữ là công cụ đắc lực giúp tác giả thể hiện tính cách và khắc họa bản chất của nhân vật. Trong quá trình nghiên cứu các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ đối thoại của nhân vật phần nhiều mang tính đời thường, nó tự nhiên, dung dị và gần gũi, thậm chí có phần thô ráp và gai góc như chính phong cách viết của tác giả, nhưng cũng chính vì thế mà nó có chức năng khắc họa chân dung nhân vật một cách sâu sắc và trực tiếp.

Trong vở kịch Gia đình người đọc sẽ thấy những đoạn đối thoại dày đặc giữa các nhân vật và cũng qua đó mà bản chất, tính cách của họ được khắc họa rõ nét, đặc biệt trong các đoạn đối thoại của các nhân vật đều được tác giả thể hiện tài tình bằng thứ ngôn ngữ mang tính gợi hình cao. Dưới đây chúng tôi xin dẫn ra một đoạn đối thoại giữa cha con ông Kiền, qua đó người đọc sẽ thấy được những nét phác họa về tính cách nhân vật cũng như sự tha hóa và tan rã của các giềng mối quan hệ, tôn ti trật tự trong một gia đình:

“- Lão Kiền (bỏ ra ngoài): Mẹ cha mày! Khoa học với lại khoa hò… Rặt chuyện lưu manh!

- Đoài (cười): Bố già ơi, bố chẳng hiểu chân lý là cái quái gì cả! - Lão Kiền (quay lại): Chân lý gì mày? Mày thì có chân giò. - Đoài (cười): Ừ thì chân giò!

- Lão Kiền: Mẹ cha mày! Tao không hiểu thế nào người ta lại gọi mày là nhà nghiên cứu.

- Đoài: Sao lại nghiên cứu? Công chức chứ?

- Lão Kiền: Công chức gì mặt mày! Chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét.”

Trái ngược với Gia đình, ở vở kịch Nhà tiên tri chúng ta sẽ bắt gặp những

nhân vật đều là những trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, họ được sinh ra trong những gia đình truyền thống, có nền tảng giáo dục nên cách họ cư xử với nhau có phần khách sáo mà mang tính khuôn phép, và quả thật Nguyễn Huy Thiệp đa rất tài tình trong việc vận dụng ngôn ngữ cho các nhân vật của mình sao cho thật phù hợp và nhuần nhuyễn:

– Hoàng Diệu: Chào em!

- Bảo Trinh: Chào anh (xem đồng hồ). Anh đúng giờ như một tên mật thám. Kinh thật! Không sai một phút. Anh hẹn 7h phải không?

- Hoàng Diệu: Anh hôn em được không? (hôn Trinh) Chồng em đâu rồi?

- Bảo Trinh: Nghiên cứu khoa học… Lúc nào cũng nghiên cứu khoa học.

- Hoàng Diệu: Vẫn lý thuyết tập mờ chứ?

Bảo Trinh: Vẫn lý thuyết tập mờ… Thế còn anh, thiên tài vẫn phát triển chứ, cuộc cách mạng của anh tiến đến đâu rồi?

- Hoàng Diệu: Em quá trớn rồi đấy, em ạ. Ngày xưa, khi một môn đồ hỏi Giêsu, “Ai là người lớn hơn hết trên nước thiên đàng?” Người đã chỉ một đứa trẻ và bảo rằng “Nếu các ngươi khôn đổi lại và nên như đứa trẻ kia, sẽ không được vào nước thiên đàng. Ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ kia, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng.”

- Bảo Trinh: Vâng… Vậy anh là đứa trẻ… Là một cậu ấm chứ gì?

- Hoàng Diệu: Không biết… “Ta là vua, ta là nô lệ. Ta là sâu bọ, ta là thần” Em còn nhớ câu thơ của Đecgiavin không?”

Hoặc trong một diễn biến khác ở vở kịch Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, dưới sự vận dụng ngôn ngữ một cách tài tình và uyển chuyển của Nguyễn Huy Thiệp người đọc sẽ thấy được sự phân cấp thứ bậc của mỗi nhân vật trong từng lời nói của họ. Cuộc đối thoại giữa Sư Huệ và tên trộm (ông Lương) sẽ cho thấy điều này:

– Sư Huệ: Này, ai đấy? Ai? Có ai trốn trong đấy phải không? Ai đấy? Sao lại trốn thế? Ai muốn trộm đồ thờ phải không? Có phải trộm không? Ra ngay đi… ra ngay… Ta trông thấy rồi!”

- Têm trộm: Im ngay! Thằng sư trọc! Mày mà kêu lên là tao đâm chết… Đi lại đằng kia… Đi sát tường… (vung dao) Hễ kêu lên là tao đâm chết!

- Sư Huệ (xua tay): Được rồi… Được rồi… Hãy bình tâm nào… Hãy bình tâm đi… Ta không kêu đâu… Để ta lấy tiền cho ngươi. Ngươi hãy bình tâm lại đã… Không ai làm hại ngươi đâu… Ở đây không có ai cả.

- Tên trộm: Đi lại gần tường… Kêu lên là tao đâm chết.

- Sư Huệ: Bỏ dao xuống… Nam mô a di đà Phật… Ta nợ tiền ngươi, ta không nợ sinh mạng với ngươi… Ngươi đến chỗ bàn kia, ở đấy có cái tráp đen… Có 5 triệu đồng ở trong đấy, ngươi lấy cả đi!

- Tên trộm: Mày mà dối là tao đâm chết! (lùi lại chỗ bàn, mở tráp ra) Đúng! Chỉ có 5 triệu thôi à?

- Sư Huệ: Phải! Tất cả tiền của nhà chùa ở đấy, tiền để sửa lại tam quan…”

Trong cuộc đối thoại rất ngắn giữa Sư Huệ và tên trộm tác giả đã rất tài tình trong việc gắn cho nhân vật của mình những thứ ngôn ngữ riêng biệt và cũng chính vì vậy mà bản thân nhân vật thông qua kiểu ngôn ngữ đó đã tự khắc họa chân dung và phân chia thứ bậc của họ.

Bên cạnh đó có những vở kịch mà lời thoại của nhân vật rất dài, trường hợp vở kịch Suối nhỏ êm dịu là minh chứng điển hình cho điều này. Trong quá trình tiếp

cận vở kịch này chúng tôi nhận thấy lời thoại của những nhân vật như Cảnh sát trưởng, ông số 1, cô Bốn Vạn chiếm một dung lượng khá dài, có những lời thoại dài đến hơn nửa trang giấy, nó khiến cho kịch tính của vở kịch bị loãng và nếu đem dựng để diễn trên sân khấu thì rất khó để xử lý lời thoại.

Ngoài việc vận dụng ngôn ngữ thông thường trong các đoạn đối thoại giữa các nhân vật thì Nguyễn Huy Thiệp còn có biệt tài khi dùng thơ để tạo thành các đoạn đối đáp dài giữa các nhân vật. Hai vở chèo Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua là minh chứng điển hình nhất cho điều này. Theo dõi hai vở kịch chèo này người đọc

sẽ thấy lời đối đáp qua lại giữa các nhân vật chủ yếu được tạo thành từ các câu thơ lục bát hoặc thơ tự do, lối nói vần và đan xen vào đó là những quan niệm, triết lý nhân sinh của tác giả về cuộc đời. Bên cạnh đó thì ở hai vở kịch chèo này ngôn ngữ ít nhiều thể hiện sự cách tân, sáng tạo của tác giả bởi nếu như chèo truyền thống có hình thức ngôn ngữ mang tính ước lệ, cách điệu thì ở đây ngôn ngữ đối đáp giữa các nhân vật được thể hiện một cách rất tự nhiên, mang tính dung dị và gần gũi giống như cách đối thoại trong đời sống hàng ngày.

Có thể thấy ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp mang tính dung dị, gần gũi và có chức năng miêu tả cao. Tuy nhiên cũng phải khẳng định một điều rằng nhà văn đã rất tài tình trong việc vận dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng loại nhân vật của mình, nghĩa là nhân vật ở giai tầng xã hội nào, thuộc kiểu người nào thì sẽ được gán cho kiểu ngôn ngữ phù hợp để qua đó họ tự bộc lộ mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 64 - 67)