2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch
3.1. Vấn đề giao thoa thể loại
Giao thoa hay tích hợp thể loại (hybridity of genre) là một trong những vấn đề phức tạp của nghiên cứu thể loại (genologie). Thể loại học là một phân môn khoa học quan tâm tới cấu trúc của tác phẩm văn học, phân loại các tác phẩm văn học, sắp xếp chúng và tạo ra loại hình văn học các thể loại văn học. Đây là một phân ngành khoa học trẻ, xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ 20, bắt đầu bằng bài báo Vấn đề thể văn của nhà nghiên cứu người Pháp Paul van Tieghem. Về lý
thuyết, có thể coi Arixtot (với Nghệ thuật thi ca) là người khai sinh cho thể loại học, khi ông sắp xếp văn thành loại và thể. Tuy nhiên với tư cách một phân môn độc lập thì Thể loại học phải được tính từ sau 1939, khi ở Lion (Pháp) các nhà nghiên cứu tổ chức thành công đại hội III Hội đồng quốc tế văn học đương đại bàn sâu vào chủ đề Thể loại văn học. Thể loại học liên quan tới chú giải học, thi pháp học, văn học so sánh, và hiện tại rất gắn bó với lý thuyết liên văn bản. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất và sử dụng các khái niệm chuyên ngành khá hẹp như: Khoảng cách thể loại, Hóa trị thể loại (valence) Sự kết hợp thể loại, Quán tính thể loại, Sức ỳ thể loại (inerce). Sự mất thăng bằng thể loại, hay mở rộng thể loại có thể tăng cường sức mạnh cho một thể loại nào đó, đem lại thành công cho một tác phẩm nào đó.
Vấn đề lớn vấp phải của thể loại học là giao thoa, tích hợp thể loại. Vì đây là chuyện mâu thuẫn với sự phân chia loại thể văn học. Vấn đề nổi lên vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên của sáng tác hậu hiện đại. Chính văn chương hậu hiện đại bộc lộ rõ sự giao thoa, tác phẩm của nhiều nhà văn luôn có sự vượt biên thể loại.
Thậm chí sự giao thoa của văn chương hậu hiện đại đã làm nhụt chí nhiều nhà lý luận, buộc họ từ bỏ nghiên cứu vấn đề thể loại học hóc búa đó và quay sang nghiên cứu lý thuyết liên văn bản. Ý thức của độc giả về thể loại văn học ngày càng
sinh động và mạnh mẽ. Các thể loại văn học đóng góp cho việc tạo ra chân trời đón đợi. Cung cấp những chìa khóa chú giải tác phẩm khác nhau, giúp cho đọc đúng tác phẩm.
Hiện đang có 3 khái niệm thể loại văn học là : Loại văn, Thể văn và Tiểu thể (varianty). Quá trình loại hình hóa văn chương thành bộ ba (Tự sự, Kịch, Trữ tình) diễn ra tương đối muộn, trong đó trữ tình được nhận diện ngang tầm với Kịch và Tự sự. Trữ tình (lyric) được coi như loại văn biểu hiện trực tiếp nhất tình cảm của chủ thể. Tuy nhiên các khái niệm đó được xác nhận rõ nhất vào buổi giao thời giữa hai thế kỷ 18 -19, qua J.W.Goethe a Alexander Gottlieb Baumgarten.
Thực tế cho thấy, loại bền vững, ổn định hơn thể. Tự sự, Trữ tình và Kịch là ba loại văn bền vững, qua bao thời đại vẫn không cho phép ai chèn thêm vào loại văn thứ tư. Các loại văn đó hỗ trợ nhau, làm tiền đề, điều kiện cho nhau và quy định sự phát triển của nhau. Một loại này chịu sự tác động của 2 cái còn lại, trong nhiều trường hợp chúng còn bị ô nhiễm, nhiễm độc của nhau. Trong một tác phẩm ta không thể nhận thấy có một kiểu văn học thuần túy, duy nhất. Ba loại là ba phương pháp cách thức tồn tại cơ bản của tác phẩm văn học.
Trong sự phát triển của nghệ thuật ngôn từ, mỗi thể văn, loại văn đều chứa trong lòng nó những yếu tố bất biến và yếu tố khả biến. Ở mỗi thời đại có thể diễn ra tình trạng một thể loại nào đó được ưa chuộng, giữ vai trò thể loại chủ công trên văn đàn. Một yếu tố khả biến nào đó trong thể loại có thể giữ vị thế chủ âm (dominant), và nó trở thành đối tượng nghiên cứu ưu tiên của thi pháp học lịch sử.
Theo I. Pospisil, một nhà nghiên cứu Séc, sự gắn kết các thể loại, kết nối là một quá trình làm xuất hiện các thể loại giao thoa tích hợp. Có thể coi các thể giao thoa là những loại văn bản trong đó các dấu hiệu của các thể loại văn, “kết hôn” với nhau. Quá trình hình thành các thể loại mới nhờ tích hợp đã được biết tới từ lâu, nhưng nó chỉ được chú ý nhiều khi xuất hiện lý thuyết hậu hiện đại. Lý thuyết đó khẳng định tích hợp thể loại là một trong những nguyên tắc sáng tạo tổ chức của
nhiều tác phẩm văn học. “Trong sự va chạm, đụng độ của hai hay vài thể loại văn học đã xuất hiện một thể văn mới cung cấp một số kiểu mã hóa văn bản. Rất ít khi xảy ra chuyện tích hợp các thể loại để rồi từ đó có thể xác định nó như là phi truyền thống, bởi vì một hình thức tiểu thuyết hoàn toàn mới là không thể hiểu được, là vô nghĩa. Phần lớn sự tích hợp này diễn ra theo kịch bản: các thể loại trung tâm thu hút vào mình các thể loại ngoại biên ổn định vốn đang cố gắng bằng cách nào đó, “lạ hóa” thể loại gốc gác nguyên giống của mình. Trong quá trình đó, cái trung tâm và ngoại biên, cái áp chế và cái bị áp chế, đè nén thẩm thấu vào nhau. Nhờ vậy có thể xuất hiện ra đời những thực thể (entita) văn học như là sự bắt chước, mô phỏng, giễu nhại, tiếu lâm...” [23, tr.42]
Với trường hợp kịch của Nguyễn Huy Thiệp thì tính giao thoa thể loại nằm trong hình thức thể hiện, điều này xuất phát từ thiên hướng sáng tạo nghệ thuật độc đáo và những cách tân không ngừng của nhà văn. Trong một bài viết về quan niệm các thể loại văn học Nguyễn Huy Thiệp đã từng cho rằng các thể loại văn học giống như một “món nộm suồng sã” mà ở đó sự thanh khiết là vô nghĩa. Có lẽ quan niệm này ít nhiều ảnh hưởng tới thiên hướng sáng tác của nhà văn khi đến với một thể nghiệm văn học mới, đó chính là thể loại kịch.
Xét về mặt lý thuyết thể loại thì vấn đề giao thoa thể loại trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp lại nằm ở đặc trưng của chính thể loại này, đó là khả năng “tan” vào các thể loại khác hoặc khả năng “thu hút” các thể loại khác đến gần và “thẩm thấu” vào bên trong nó. Hay nói một cách cụ thể thì kịch của Nguyễn Huy Thiệp là sự kéo dài và mở rộng đường biên của thể loại truyện ngắn, còn một số khác dựa trên sự kế thừa truyền thống và cách tân độc đáo thì lại mang hơi hướng của những bài thơ trữ tình sâu lắng, giàu chất triết lý nhân sinh. Nghĩa là kịch của Nguyễn Huy Thiệp là sự đan cài, phức hợp giữa truyện ngắn và thơ.
Ở một góc độ khác thì kịch của Nguyễn Huy Thiệp là một kiểu liên văn bản, kết nối đến những văn bản khác. Yếu tố liên văn bản được thể hiện thông qua sự xuất hiện của các yếu tố thần thoại. Trong quá trình khảo sát các tác phẩm kịch của
Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy có quá nửa trong số đó là những tác phẩm có chứa đựng yếu tố thần thoại, đó là các vở: Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, Xuân
hồng, Quỷ ở với người, Đến bờ bên kia, Nhà tiên tri, Vong bướm, Truyền thuyết tìm vua, có thể thấy trong những vở kịch này yếu tố thần thoại thường đến từ một
thế lực siêu nhiên nào đó Phật, Thần, Quỷ... đem đến cảm giác ly kỳ và làm tăng thêm kịch tính cho tác phẩm. Do đó với những văn bản kịch này đòi hỏi người đọc phải huy động vốn kiến thức văn hóa từ liên ngành để giải mã tác phẩm, nếu không sẽ khó chiếm lĩnh được giá trị nội dung và tư tưởng của nó.
Nhận xét về tính giao thoa thể loại, tính liên văn bản trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thuấn cho rằng: nguyên nhân dẫn đến điều này là do trong quá trình sáng tạo nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp đã chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đó là: lịch sử, huyền thoại, tôn giáo, văn hóa bác học và văn hóa bình dân, văn hóa nông thôn và đô thị, giữa quá khứ và hiện tại, bản địa và ngoại lai...tất cả chúng tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, ít nhiều chi phối đến phong cách sáng tác của nhà văn. Do đó Nguyễn Văn Thuấn cho rằng mỗi văn bản nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp là một không gian của sự tích hợp, thẩm thấu, chuyển hóa, đối thoại, tương tác, ảnh hưởng, trích dẫn, giễu nhại, pha trộn và kết nối đến những văn bản khác. Cùng với đó là kết luận mang tính khẳng định: “Là nhà văn tiêu biểu của văn học Đổi mới, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp mang tính liên văn bản rõ nét. Ông đối thoại với cơ tầng văn hóa Nho – Phật – Đạo trên các mặt thế giới quan, nhân sinh quan nhằm cà khịa, lật đổ, gây hoài nghi đối với những tín điều muốn làm chân lý muôn đời.”
Có thể nói trên cơ sở tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến giao thoa thể loại trong kịch Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ có cơ hội soi chiếu, có thông tin nền để khẳng định những yếu tố nổi trội, khác biệt trong khuôn khổ và đặc trưng của thể loại kịch. Đồng thời đi đến khẳng định kịch của Nguyễn Huy Thiệp có sự xuất hiện của tính tự sự và tính trữ tình rất đậm nét, nó vừa đóng vai trò trong việc “phá vỡ”
kết cấu của thể loại kịch truyền thống, vừa cho thấy những tìm tòi đổi mới và sáng tạo không ngừng của nhà văn trên con đường thể nghiệm văn học của mình.