Nhân vật huyền thoại lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 38 - 41)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.2.2. Các kiểu nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

2.2.2.3. Nhân vật huyền thoại lịch sử

Bên cạnh những nhân vật đời thường quen thuộc, hay nhân vật lưỡng diện với những nét tính cách đa dạng thì Nguyễn Huy Thiệp còn tìm cách “lạ hóa” thế giới nhân vật kịch của mình bằng các kiểu nhân vật huyền thoại – lịch sử. Đây cũng chính là một sáng tạo mới của nhà văn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch.

Có thể nói đối với các tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm kịch nói riêng thì các nhân vật lịch sử thường được đề cập dưới dạng hình tượng con người mang tâm thức cộng đồng, những con người đại diện cho lý tưởng của cả thời đại. Đối với những nhân vật lịch sử nhà văn chỉ đứng từ xa để ngưỡng vọng, hoặc đứng trên một lập trường nhất định, gắn với cách nhìn của một hệ tư tưởng chính thống để nhìn nhận và đánh giá họ. Nhưng đến Nguyễn Huy Thiệp thì hoàn toàn khác, viết về những nhân vật lịch sử có sử dụng những yếu tố huyền thoại, hư cấu dường như nhà văn đã đi xa hơn lịch sử để thâm nhập vào lĩnh vực con người. Đối với nhà văn, lịch

sử không chỉ là những chuỗi sự kiện biên niên với những nhân vật có tên tuổi và công trạng lẫy lừng, lịch sử được nói đến ở đây là lịch sử của tâm hồn con người. Trong các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ bắt gặp những nhân vật kịch mang dáng dấp của lịch sử đó là các tên tuổi như Nguyễn Thái Học, Hoàng Trọng Phu, Chúa Chổm Lê Duy Ninh, Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim, Hoàng Diệu, Phàn Khoái...Ở đây để tiện cho việc tìm hiểu và phân tích nhân vật nên chúng tôi sẽ tạm chia các nhân vật thành hai nhóm là nhóm nhân vật chính sử và nhân vật ám chỉ lịch sử.

Với nhóm nhân vật chính sử chúng ta sẽ bắt gặp người chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học và viên quan bảo hộ của chính phủ Pháp Hoàng Trọng Phu trong vở kịch Còn lại tình yêu. Ở đây Nguyễn Thái Học và Hoàng Trọng Phu không xuất hiện trực tiếp dưới dạng một câu chuyện lịch sử mà họ xuất hiện gián tiếp thông qua một vụ án buôn lậu ma túy với độ lùi thời gian là 78 năm sau, vụ án này do một viên thiếu tướng và cấp dưới của mình đảm nhận, những chứng cứ trong vụ án có mối liên hệ với lịch sử đã thôi thúc họ tìm hiểu về chân tướng sự việc vì bản thân họ vốn là những người nặng lòng với lịch sử. Ở đây Nguyễn Huy Thiệp đã không tái hiện là hình tượng người anh hùng của lịch sử dân tộc với ý nghĩa ca ngợi, tôn vinh phẩm chất của họ mà lại dựa vào những vùng mờ của lịch sử, với nhãn quan và tư duy lịch sử sắc sảo nhà văn đã đưa nhân vật lịch sử trở thành con người của đời thường với đời sống nội tâm sâu sắc. Cuộc đối thoại giữa Nguyễn Thái Học và Hoàng Trọng Phu không còn là cuộc đối đầu giữa một bên là đại diện chống Pháp và một bên là đại diện cộng Pháp mà đó là cuộc đối thoại giữa một người trẻ nhiều lý tưởng hoài bão về cuộc đời với một người từng trải trong cuộc sống.

“Hoàng Trọng Phu: Đã đành rồi! Thế ông định hóa thánh ư, ông Nguyễn Thái Học? Ông định đưa cả dân tộc Việt Nam lên sống ở thiên đường và ăn đào tiên của Tây Vương Mẫu hay sao?

Nguyễn Thái Học: Không! Là con người, tôi biết không ai không mong muốn vươn lên những điều sung sướng. Bản thân khái niệm vật dục không xấu. Vươn lên một chủ nghĩa vật dục có văn hóa cao là mục đích sống của con người. Đấy cũng là

cương lĩnh của mọi chủ nghĩa yêu nước. Có điều, nhân cách con người phải là nguyên tắc hàng đầu. Vươn lên một đời sống vật dục bất chấp đạo lý, bất chấp đồng loại thì là con thú chứ không phải con người!

Hoàng Trọng Phu: Tôi chịu ông sắc sảo. Có điều, ông có biết con người sống để chuẩn bị cho cái gì không?

Nguyễn Thái Học: Thưa ông, tôi biết, đấy là cái chết. Con người sống là để chuẩn bị cho một cái chết xứng đáng.”

Trong vở kịch chèo Truyền thuyết tìm vua người đọc sẽ bắt gặp các nhân vật lịch sử đã được Nguyễn Huy Thiệp mã hóa phần nào bằng màu sắc của văn học dân gian, đó là các nhân vật Chúa Chổm Lê Duy Ninh, Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm. Theo sử sách chép lại khi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê để đăng ngôi thì Nguyễn Kim đã tập hợp các công thần giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”, ông cùng con rể là Trịnh Kiểm ra bắc tìm hậu duệ nhà Lê và trong hành trình tìm kiếm đó đã tìm ra Chúa Chổm để tôn phò làm vua, mở ra thời kỳ lịch sử Lê trung hưng.

Ở đây việc tìm ra Chúa Chổm được Nguyễn Huy Thiệp “nhuốm” đầy màu sắc của yếu tố huyền thoại, dân gian, đó là việc Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm được thần linh báo mộng Chúa Chổm sẽ là “rồng đen quấn cột”, “đội mũ sắt bơi thuyền rồng” và hai cha con họ đã đi tìm một người theo giấc mơ đó và rốt cuộc cũng đã tìm được một người như thế để tôn phò làm vua. Đó là “vua không ngai”, là “vua bù nhìn”.

Ngoài nhân vật chính sử thì trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp còn xuất hiện những nhân vật ám chỉ lịch sử, những nhân vật này được đặt tên theo các nhân vật lịch sử. Nếu như lịch sử của Việt Nam từng có một vị tổng đốc Hà Nội mang tên Hoàng Diệu, một vị anh hùng chống Pháp đến quên thân mình thì với vở kịch Nhà

tiên tri chúng ta cũng sẽ bắt gặp một “nhà cách mạng Hoàng Diệu” – một bậc đại trí

thức mang tư tưởng cách mạng thơ ca, cách mạng xã hội, cách mạng ái tình đến quên mình... Hay trong vở Xuân hồng chúng ta sẽ bắt gặp một Phàn Khoái biến thể và là sự tổng hợp của nhiều nhân vật văn học sử gộp lại. Nhìn lại lịch sử nước Trung Quốc từng có một vị khai quốc công thần là Phàn Khoái đã giúp Lưu Bang

lập ra nhà Hán thì trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp người đọc sẽ thấy một Phàn Khoái khác hoàn toàn, nhân vật này vừa mang tên tuổi của một nhân vật lịch sử có thật – Phàn Khoái, lại vừa mang bản chất của một nhân vật văn học là Sở Khanh để tạo ra một Phàn Khoái của thời hiện tại. Nếu như Phàn Khoái của lịch sử năm xưa đích thị là một vị tướng, một khai quốc công thần thì Phàn Khoái của Nguyễn Huy Thiệp là một tay lưu manh, mánh khóe đã giúp Mụ Dầu lập ra ổ nhền nhện mang cái tên mỹ miều là Xuân hồng với mục đích là kiếm tiền dựa trên công việc mua phấn bán son của những cô gái, và đó cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự băng hoại của các giá trị đạo đức, xã hội khiến nhà văn trăn trở.

Có thể nói với cách xây dựng nhân vật kịch theo hướng lạ hóa, không phân ranh giới, tuyến tính rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một thế giới nhân vật đa dạng và đòi hỏi ở người đọc (người xem) cái nhìn đa chiều thì mới có thể đánh giá được sự toàn diện của nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 38 - 41)