Xung đột giữa con người và xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 60 - 63)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.3. Xung đột trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

2.3.2.2. Xung đột giữa con người và xã hội

Đây là kiểu xung đột giữa con người cá nhân với tập thể hoặc với một người là đại diện cho các thế lực xã hội và cũng chính kiểu xung đột này khiến cho nhân vật rơi vào bi kịch cuộc đời.

Trong tuyển tập kịch của Nguyễn Huy Thiệp, vở kịch Còn lại tình yêu là

minh chứng điển hình cho kiểu xung đột giữa con người với xã hội, cụ thể là xung đột giữa người chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học – đại diện và là người đứng đầu của tổ chức cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng với xã hội thời Pháp thuộc mà đại diện của nó là Hoàng Trọng Phu, Đào Xuân Khải. Ở một khía cạnh khác, trong phạm trù của đạo đức thì đây còn là kiểu xung đột giữa cái cao thượng và cái thấp hèn.

Cụ thể ở đây là xung đột của một con người trẻ tuổi mang trong mình nhiều hoài bão và những lý tưởng cao đẹp về cuộc đời nhưng lại vấp phải hiện thực đen tối và những bất công đang hiện hành trong xã hội. Đó là xung đột của một con người luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi của bản thân mình với một bên là thế lực xã hội hùng mạnh đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, chấp nhận hi sinh quyền lợi của nhân dân và làm tay sai cho giặc Pháp. Xung đột đó xuất phát từ việc một con người không chịu khuất phục sống cuộc đời nô lệ, không cam chịu “vinh thân phì gia”, không chấp nhận thỏa hiệp mà muốn dùng bạo lực cách mạng để lật đổ thế lực của thực dân Pháp đang kìm kẹp nhân dân, đánh đổ nó để đòi lại quyền lợi cho nhân dân, đó là quyền tự do dân chủ mà một con người cần phải có được. Đoạn đối thoại giữa Nguyễn Thái Học với Hoàng Trọng Phu trong ngục tù Hỏa Lò dưới đây cho thấy xung đột đã được đẩy lên đỉnh điểm, đó không phải là kiểu xung đột được biểu hiện cụ thể bằng hành động của nhân vật mà là kiểu xung đột trong tâm tưởng, trong nhận thức tìm đường của mỗi người:

“Nguyễn Thái Học: Phải! Có thể tôi chưa hiểu nhiều về cuộc đời nhưng tôi hiểu rõ nỗi nhục của người nô lệ.

Nguyễn Thái Học: Không, tôi không cần sự cảm thông ấy của ông với cá nhân tôi. Nỗi nhục của nhân dân tôi phải được gột bằng máu kẻ thù của nhân dân tôi.

Hoàng Trọng Phu: Hay lắm, ông Học ạ... Ông lý sự lắm... Thậm chí tôi còn buồn cười. Ông đao to búa lớn làm gì. Ông đòi hỏi cái gì cho cá nhân ông?

Nguyễn Thái Học: Tôi không đòi hỏi cho tôi mà cho nhân dân tôi. Tôi đòi hỏi một nền dân chủ, đòi cơm ăn, áo mặc, một nước Việt Nam có sự độc lập về nhân cách chính trị với thế giới. Tôi đòi hỏi một nước Việt Nam giàu mạnh.

Hoàng Trọng Phu: Rất tốt. Như thế là ông đồng lý tưởng với công sản (cười) Và xin lỗi, ông đồng lý tưởng với Hoàng đế Bảo Đại, ông cũng đồng lý tưởng với cả tôi. Tôi cũng mong muốn y như ông. Có điều, chỗ khác của chúng ta là ai cai quản, trị vì cái Tổ quốc Việt Nam tội nghiệp này của chúng ta mà thôi.

Nguyễn Thái Học: Các ông xuất phát từ quyền lợi của mình, các ông bán rẻ Tổ quốc cho đế quốc để lo quyền lợi cho mình.”

Có thể nói xung đột giữa con người với xã hội xuất hiện khi một cá nhân không cùng chung lý tưởng với đám đông và khi người ta cảm thấy không thể dung hòa được với xã hội mà mình đang sống. Hoặc xung đột ấy có thể bắt nguồn từ sự đố kỵ của đám đông với tài năng hoặc những phẩm chất tốt đẹp của một cá nhân nào đó. Và trong vở kịch Mổ nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện kiểu xung đột này, đó là xung đột giữa một bên là nhà văn vô danh nhưng có tài với một bên là các bác sĩ của bệnh viện tình thương nhưng thực chất chỉ là những tay đồ tể, đao phủ luôn tìm cách để mổ xẻ, để tiêu diệt những nhà văn có tài, dám nói thẳng nói thật và rủi thay nhà văn vô danh đã bị rơi vào cái vòng xoáy đó. Xung đột giữa nhà văn vô danh với các bác sĩ trong bệnh viện tình thương thực chất là xung đột trong làng văn, xung đột giữa các văn nghệ sĩ về quan niệm văn học, là sự xung đột giữa một bên dám nói thẳng nói thật, đào sâu vào gốc rễ căn nguyên của mọi vấn đề để đưa nó vào trong văn học với một bên là những người chỉ đi theo những lối mòn an toàn đã trở thành cố cữu và nhàm chán. Dưới đây là đoạn đối thoại mang tính chất

hỏi cung của các bác sĩ bệnh viện tình thương với nhà văn vô danh người đọc sẽ thấy sự xung đột trong quan niệm về văn chương của mỗi bên:

K-Oa: Ông có công nhận ông viết và nói rất nhiều những câu linh tinh nhảm nhí có phải không nào?

Nhà văn: Vâng! Phật tổ nói: Mở miệng là đã sai rồi.

Nghé ọ: Vậy sao biết thế mà lại cứ nói?

Nhà văn: Thưa, ngày xưa Phật tổ đắc đạo dưới gốc bồ đề, ngộ ra cái lý của vũ trụ và sự vi diệu của đạo pháp. Người sợ chúng sinh mê đắm quá sâu, có đăng đàn thuyết pháp cũng chẳng thấu, vô ích. Song các chư tiên, các đế thiên đế thích đều khẩn thiết Người hoằng dương đạo pháp để cứu chúng sinh. Viết văn và nói linh tinh có lẽ cũng giống như thế. Bất đắc dĩ phải viết, phải nói mà thôi.

K-Oa: Kiêu ngạo quá lắm! Ông dám ví mình với Phật hay chăng?

Nhà văn: Không! Tôi chỉ là một người ngoan đạo và có Phật tính ở trong thế giới Ta bà.

K-Oa: Ngoan đạo! Văn chương du thủ du thực, trác táng. Rõ ràng ông là một tay lọc lõi, đồi bại. Có phải không nào?

Nghé ọ: Chứ còn gì nữa! Mà cứ thỉnh thoảng lại còn hay cho nhân vật chết nữa. Thế mới ác độc!

K-Oa: Lại còn cứ hay cho thơ vào truyện.

Nghé ọ: Tóm lại, ông là một người rất nhiều tội lỗi.

Nhà văn: Vâng! Tôi luôn có ý thức sám hối những tội lỗi cho tôi, cho mọi người.

K-Oa: Nếu trích từng câu ra, tôi có thể nói rằng ông viết toàn thứ bậy bạ. Nhà văn: Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Thưa, kinh mà giải nghĩa từng chữ, từng lời thì oan cho chư Phật ba đời. Xin các vị xem ý tứ ở trong cảnh giới thế nào cái đã. Ly kinh nhất tự, tất đồng ma thuyết. Bỏ đi một chữ trong kinh thì tất thành điều ma nói. Có câu rằng: Phật Phật Ma Ma. Ma Ma Phật Phật. Vậy xem xét văn chương thì cũng không nên chấp nhặt vào lời và cũng không nên lìa lời để xét đoán chân lý.

Nghé ọ: Hừ! Rất khó chịu! Cứ hay lấy kinh Phật ra để giải thích! Tay này có lẽ sẽ không mổ xẻ gì cả, ta chỉ có thể băm nhỏ hắn ra thành từng mảnh mà thôi.

K-Oa: Thôi! Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng, sau đó ta sẽ nghỉ ngơi một lát. Ông công nhận rằng ông không có tài năng gì, có phải không nào? Nói thật đi!

Nhà văn: Vâng! Có tài mà cậy chi tài. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Vậy, xin các ông tuỳ tiện làm gì thì làm. Thôi cứ coi tôi là vô tích sự cho xong. Còn tôi, bây giờ tôi không nói nữa.”

Nhìn chung trong các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp xung đột không nhiều, xung đột không phát triển đến mức cao trào mà chỉ được đề cập đến dưới dạng là những mâu thuẫn nhỏ của các nhân vật và thông qua đó mà bản chất của nhân vật được bộc lộ và khiến người đọc chiêm nghiệm ra được những vấn đề nhân sinh thế sự sâu sắc. Trong quá trình khảo sát các vở kịch của ông chúng tôi nhận thấy kịch rất ít kịch tính, có vở kịch hầu như không có kịch tính, xung đột.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)