Chất thơ xuất hiện trong các xung đột kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 97 - 101)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

3.3. Tính trữ tình trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

3.3.3. Chất thơ xuất hiện trong các xung đột kịch

Chất thơ được xem là một phương diện biểu hiện của tính trữ tình. Một tác phẩm được xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc, diễn tả diễn biến trong trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế, đồng thời nó có thể khơi gợi lên ở người đọc những rung động sâu xa trong tâm hồn và tình cảm nhân văn.

Là một nhà văn có biệt tài với lối viết độc đáo, cách tân không ngừng nên Nguyễn Huy Thiệp đã đưa chất thơ vào trong rất nhiều vở kịch của mình. Khi tìm hiểu về kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi nhận thấy chất thơ xuất hiện trong các xung đột kịch, có tác dụng làm giảm nhẹ kịch tính và hãm chậm hành động của nhân vật.

Với vở kịch Đến bờ bên kia nhờ có sự xuất hiện của chất thơ mà người đọc sẽ thấy đây là một vở kịch đầy tính nhân văn về tình người. Chất thơ xuất hiện khi xung đột của vở kịch xảy ra, đó là việc đứa bé đút tay vào chiếc bình quý và không rút ra được, lúc này tính mạng của đứa bé bị đe dọa khi chủ nhân của chiếc bình muốn giết đứa bé để bảo toàn chiếc bình. Khi tất cả mọi người trên chuyến đò đều đang lúng túng không biết phải làm sao thì tên tướng cướp trên chuyến đò ấy, một kẻ khiến mọi người dè chừng và xa lánh đã vung chiếc côn lên đập vỡ chiếc bình để giải thoát đứa bé vì với anh ta đứa bé là chủ nhân tương lai của đất nước, nó còn cả cuộc đời ở phía trước. Hành động của tên tướng cướp chính là chất thơ len lỏi vào tâm hồn người đọc những tình cảm tốt đẹp về tình người, là bài ca tin yêu về sức mạnh của tình thương mến, của cái tốt vẫn đang được gieo mầm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà Nguyễn Huy Thiệp còn đẩy xung đột của vở kịch lên đến cao trào khi chủ nhân của chiếc bình giương súng lên định bắn tên tướng cướp để trả thù, giữa lúc mọi thứ đang hỗn loạn và xảy ra trong chớp mắt thì người thanh niên đã bất ngờ đẩy tướng cướp ra và dang tay che đạn cho anh ta, ở đây chất thơ đã được lặp lại trước hành động của chàng thanh niên và nó càng góp phần tô đậm thêm tính

nhân văn của vở kịch. Và điều bất ngờ còn tiếp tục được hé lộ khi người bắn súng vào chàng thanh niên chính là cha của anh ta, khoảnh khắc hai cha con nhận ra nhau, khi mà cái chết đang đến gần thì tất cả bỗng nhận ra rằng mọi danh vọng hay của cải vật chất ở đời cũng chỉ là phù du, vô nghĩa, nó không thể thay thế cho tình cảm và càng không thể lấy lại sự sống đang bị vuột mất.

Trong vở kịch Còn lại tình yêu chất thơ tỏa ra tâm hồn trong sáng và tình yêu thiêng liêng của Lê Thị Minh dành cho nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, chất thơ xuất hiện giữa lúc xung đột của vở kịch được đẩy lên đến mức cao trào khi Nguyễn Thái Học bị giải lên máy chém, Lê Thị Minh hốt hoảng và đau khổ cầu xin Đào Xuân Khải cho phép được gặp Nguyễn Thái Học lần cuối cùng để bày tỏ tình yêu của mình.

“- Minh: Tôi van ông… Tôi lạy ông… Ông cho phép tôi gặp ông ấy một lần nữa, một lần nữa thôi…

- Khải: Vô ích!

- Minh: Tôi lạy ông… Tôi van ông… tôi chỉ xin gặp ông Nguyễn Thái Học một phút thôi cũng được.

- Khải: Không được! Không thể gặp được!

- Minh: Chỉ một phút thôi… Tôi muốn nói rằng tôi yêu ông ấy… Tôi van ông… tôi lạy ông.

- Khải (ngạc nhiên): Tiểu thư yêu hắn? Yêu thằng giặc ấy?

- Minh: Ông không hiểu đâu… Tôi yêu ông ấy… Tôi van ông… tôi lạy ông”

Trước đó, trong vở kịch này chất thơ đã len lỏi vào cuộc đối thoại giữa Lê Thị Minh và Nguyễn Thái Học, khi mà cái chết đang treo ngay trên đầu ông, khi mà mọi niềm tin về sự sống đã bị dập tắt và người ta cũng đã sẵn sàng cho một cái chết thì ở một giây phút nào đó tình yêu lại khiến người ta có chút yếu lòng:

Minh: Em rất sợ chết… Em không biết cái chết thế nào, nhưng cứ nghĩ mình phải nằm trong quan tài, không thở được, đất phủ kín lên, chung quanh là đêm tối, gọi mãi mà không có ai thưa cả thì em rất sợ.

Nguyễn Thái Học (cười): Ừ, sợ thật đấy. Sợ nhất là khi nào mình gọi thì không có ai thưa cả, thí dụ khi tôi gọi tiểu thư, thì tiểu tư không nói năng gì cả?

Minh: Không… Không! Em sẽ thưa. Dù ông ở đâu, ở nơi nào, nếu ông gọi em thì em sẽ thưa, em sẽ đến ngay.

Nguyễn Thái Học: Ừ… nếu thế thì tôi sung sướng lắm… Tiểu thư thật tốt quá!

Minh: Bây giờ ông gọi em đi…

Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!

Minh: Dạ…

Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!

Minh: Dạ… Em đây…. Có em đây… (Ngả vào lòng Nguyễn Thái Học, cầm hai tay Nguyễn Thái Học)

Nguyễn Thái Học: Tôi rất sung sướng… Bây giờ tôi mong muốn được sống vô cùng. Được sống làm người là điều tuyệt trần sung sướng.”

Chất thơ xuất hiện giữa lúc cao trào của vở kịch khiến cho kịch tính bị giảm nhẹ. Điều này có thể là bất lợi nếu xét theo tiêu chí về hiệu quả thẩm mỹ của kịch truyền thống. Nhưng nếu xem thể loại như một hệ thống hình thức nghệ thuật động, khả biến, không khép kín, thì chất thơ xuất hiện trong tình huống xung đột kịch là một sự cách tân, đổi mới thể loại. Đó cũng là một kiểu đổi mới cảm xúc nghệ thuật trong tiếp nhận của độc giả - khán giả. Hành động kịch và diễn xuất của diễn viên không thôi miên, đánh lừa người cảm thụ một cách tự nhiên chủ nghĩa. Chất thơ “giãn cách” người thưởng thức kịch, giúp họ tỉnh táo, dừng lại ở biên giới giữa cuộc đời và nghệ thuật. Chất thơ của vở Còn lại tình yêu khiến người ta không còn sợ hãi trước cái chết. Tình yêu chính vì thế mà chuyển hóa thành bản anh hùng ca bất tử, như tình yêu nước mãi chảy trong huyết quản những người chí sĩ như Nguyễn Thái Học. Có đôi khi chất thơ lại xuất hiện khi xung đột giữa điều thiện và cái ác xảy ra, khi người ta đang đứng giữa ranh giới của ánh sáng và bóng tối. Trong vở kịch Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 chất thơ được lặp lại và gắn với tư tưởng giáo

Chất thơ xuất hiện khi tên trộm đến chùa ăn trộm và bị sư Huệ bắt gặp, trong đoạn kịch này người đọc sẽ bắt gặp sự xung đột giữa cái cao thượng và thấp hèn, lúc này chất thơ được tỏa ra từ chính tấm lòng từ bi hướng Phật của sư Huệ:

“- Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật!

Tên trộm: Này! Sao mày không kêu lên? Sao mày lại giúp tao ăn trộm của chùa? Mày không thấy việc tao làm là xấu phải không?

Sư Huệ: Mô Phật! Đừng nghĩ thế nào là xấu là tốt. Đừng nghĩ thế nào là đúng là sai. Không nghĩ thiện không nghĩ ác. Rồi ai cũng hiểu rõ bản lai diện mục của mình.

Tên trộm: Hay thật! Thôi tao đi đây… Mày đừng nghĩ xấu cho tao đấy nhé! Cũng vì hoàn cảnh khốn nạn của tao nên phải đi ăn trộm… nếu tao giàu sang thì rồi có ngày tao sẽ trả lại cho chùa… Mày hãy để tao ra khỏi chùa rồi mới được kêu đấy nhé.

Sư Huệ: Ta không kêu đâu… Ngươi cứ bình tâm mà đi. Không ai làm gì ngươi cả.

Tên Trộm: Thôi được… Dù sao tao cũng cảm ơn. Mày là thằng sư trọc mà tao thấy đáng nể đấy… Thôi tao đi đây. Mày chắc pho tượng bán được 5 triệu đồng chứ?

Sư Huệ: Bán được 5 triệu đồng!

Tên trộm: Thế thì tốt! Tao đi đây.”

Nếu như chất thơ được hiểu rộng ra là cái Đẹp tồn tại trong tâm hồn con người thì chất thơ lại một lần nữa xuất hiện trong vở kịch này khi Phượng nhận đứa bé vừa bị mồ côi mẹ làm con mình và hứa sẽ nuôi dạy nó lên người. Nó cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng và những tình cảm cao thượng của con người.

“- Phượng: Tôi nghe thấy hết rồi. Hãy đưa đứa bé cho tôi! Hãy đưa nó đây! Tôi sẽ nhận nó làm con, tôi sẽ dạy nó lên người…

Ông Lương (quỳ lạy): Lạy Bồ Tát! Lạy Bồ Tát! Hai ông cháu tôi cắn rơm cắn cỏ lạy người… Xin lạy Bổ Tát hiển linh… Xin lạy Bồ Tát hiển linh.

Ông Kiệm: Con gái! Con nhận đứa bé này sao? Con nhận đứa bé này sao? Con nhận đứa bé này sao?

Phượng: Bây giờ tôi là góa phụ, tôi không còn ai thân thích. Tôi đã dứt tình với cha mẹ tôi, người yêu tôi đã mất… Tôi sẽ nuôi dạy cho nó lên người.

Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Phật pháp thần thông, từ bi hỉ xả…

Phượng (đón đứa bé): Con! Đây là con tôi, con tôi…

Sư Huệ, ông Kiệm: Nam mô A di đà Phật!

Ông Lương: Lạy Bồ Tát! Lạy Bồ Tát!

Phượng: Con tôi! Tôi sẽ nuôi dạy cho nó lên người! Đây là ruột thịt của tôi! Đây là máu thịt của tôi! Đây là tình yêu hạnh phúc của tôi! Đây là hi vọng của tôi!”

Có thể nói sự xuất hiện của chất thơ trong những xung đột kịch là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp khi đến với thể loại kịch. Chất thơ đóng vai trò làm giảm nhẹ kịch tính trong xung đột kịch, nó giống như một làn gió mới làm dịu lại cái nóng gay gắt đang hiện hữu và len lỏi vào tâm hồn người đọc những tình cảm đẹp đẽ, dịu nhẹ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)