Nhân vật lưỡng diện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 34 - 38)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.2.2. Các kiểu nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

2.2.2.2. Nhân vật lưỡng diện

Do những đặc trưng về thể loại nên nhân vật trong kịch thường có nét tính cách rõ rệt, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc cao thượng hoặc đê hèn, hạnh phúc hay là khổ đau... Tuy nhiên trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ bắt gặp một kiểu nhân vật mới, đó là kiểu nhân vật đan xen giữa trắng và đen, tốt và xấu, thật – giả lẫn lộn, văn học gọi đó là kiểu nhân vật lưỡng diện.

Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn đạt được thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật lưỡng diện, với những nhân vật mang vẻ ngoài xấu xí, thô ráp, dữ tợn, hung ác ông vẫn tìm thấy thẳm sâu trong tâm hồn họ ở một góc khuất nào đó tiếng gọi của thiên lương, của tình yêu và sự bác ái.

Trong thế giới những nhân vật lưỡng diện ấy chúng tôi chọn ra những nhân vật điển hình với nét tính cách điển hình được biểu hiện qua hành động của họ. Trước tiên phải nói đến tay tướng cướp trên chuyến đò ngang ở vở Đến bờ bên kia, hắn đột ngột xuất hiện khi con đò chuẩn bị rời bến, khi hắn bước lên đò những người còn lại đều có cảm giác sợ hãi và dè chừng hắn, bởi “hắn là tướng cướp, đầu trâu mặt ngựa khét tiếng ở vùng”. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp tên tướng cướp hiện lên với vẻ ngoài dữ tợn, ăn nói thóa mạ, hành động

khinh xuất đích thị một tên cướp khi tay múa côn nhị khúc còn mắt lại liếc các túi đựng đồ của người ngồi trên thuyền khiến mọi người phải đề phòng hắn, người đọc thậm chí cũng kinh hãi hắn. Tuy nhiên khi xung đột của vở kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm bằng chi tiết đứa bé lỡ đút tay vào chiếc “bình nhốt quỷ” và không rút được tay ra. Lúc này tính mạng đứa bé bị đe dọa vì những người chủ chỉ lo lấy lại chiếc bình, khi mọi người còn đang băn khoăn, lo lắng không biết phải làm thế nào để cứu đứa bé thì tên tướng cướp đã nhanh tay vung côn đập vỡ chiếc bình để cứu đứa bé vì với anh ta “Nó là tương lai! Nó còn cuộc đời phía trước!”. Hành động giải thoát đứa bé khỏi bàn tay của quỷ khiến cho tên tướng cướp có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, hắn khiến mọi người bàng hoàng còn người đọc cũng phải “ngớ” ra, hóa ra thiên lương trong hắn đã tỉnh thức, nó khiến cho con người ta phải hành động khác đi để khiến cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Bạn đã bao giờ nghe đến những tên trộm hoàn lương, cải tà quy chính? Trong thế giới nhân vật kịch của Nguyễn Huy Thiệp sẽ có một kiểu người như thế, đó là nhân vật ông Lương đồng thời cũng là tên trộm trong Hoa sen nở ngày 29 tháng 4. Nhân vật này xuất hiện trong hồi thứ hai của vở kịch với hiện thân là một tay đạo chích, ông ta đến chùa của Sư Huệ để hành nghề và bị sư bắt gặp, thay vì bỏ chạy ông ta đã dùng dao đe dọa sư và lấy đi 5 triệu tiền công đức xây tam quan cùng pho tượng “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”. Tiếp đó nhân vật này còn xuất hiện gián tiếp ở hồi năm của vở kịch thông qua lời kể của nhân vật ông Kiệm thì đó là một “lão già toàn đi ăn trộm, ăn cướp với lại cờ bạc”. Tuy nhiên khi đến hồi thứ 10 của vở kịch thì chúng ta lại nhìn rõ được bản lai diện mục của nhân vật này, đó không còn là một tay đạo chích, một tên ăn trộm nữa mà ông ta đã trở về với chính con người mình, một ông Lương yêu thương đứa cháu mới sinh của mình đến vô điều kiện, có thể thấy chính tình yêu thương với cháu và tấm lòng từ bi của Sư Huệ đã cảm hóa được ông ta khiến ông ta tỉnh thức trở lại làm người lương thiện: “Thưa thầy...Tôi đã biết tội rồi. Tôi ân hận lắm...Tôi đã đến tuổi gần đất xa trời, tôi không muốn đứa cháu trai mồ côi trở thành thằng ăn trộm...Lạy thầy cứu độ... Chúng tôi đến nương nhờ thầy!”

Nếu như nói nhân vật lưỡng diện là kiểu nhân vật “chơi vơi” giữa những lằn ranh của các giá trị đạo đức, với những nét tính cách cá biệt thì nhân vật Khiêm trong vở Quỷ ở với người cũng là một kiểu nhân vật như thế. Trong cái gia đình

nhốn nháo và ô hợp của ông Kiền cùng năm người con trai thì Khiêm là nhân vật có ít đất diễn nhất, những lời thoại của Khiêm rất ít, nhân vật này xuất hiện gián tiếp thông qua lời thoại của những nhân vật còn lại. Khiêm xuất hiện với vẻ ngoài lì lợm và dữ dằn y như công việc anh ta đang làm – nhân viên lò mổ, mỗi ngày biển thủ một bộ lòng lợn.

Trong gia đình của lão Kiền, trừ Tốn ra thì Khiêm là một nhân vật ít có tiếng nói nhưng lại có quyền uy, là vị thánh sống của cả nhà vì mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc trong nhà chỉ có Khiêm mới có thể giải quyết được, Khiêm lo tiền cho Cấn lấy vợ, tiền làm giỗ mẹ, tiền chữa bệnh cho bố...Tuy nhiên trong cái nhìn của Đoài và Khảm – hai bậc đại trí thức của gia đình ấy thì Khiêm lại là một tay du thử du thực, một quân ăn cướp – “Thằng ấy trước sau cũng vào tù thôi!”. Khiêm bị chính anh em của mình hạ bệ, hãm hại và nói xấu sau lưng nhưng anh không hề quan tâm đến điều này, ẩn sâu dưới cái lớp vỏ bọc thô bạo và dữ dằn ấy là một tâm hồn đầy ắp tình yêu thương, Khiêm thương Tốn bị tàn tật và ngây ngô, đồng cảm với Sinh là chị dâu mình khi phải về làm dâu trong một gia đình ô hợp như thế. Đặc biệt một điều khiến chúng ta thấy bất ngờ là Khiêm luôn dành cho lão Kiền một tình yêu đến mức thành kính, tôn thờ. Vở kịch được đẩy lên cao trào khi lão Kiền chết, lúc này Khiêm mới bộc lộ rõ bản chất con người mình thông qua những lời thoại dài, lúc này đã là gần cuối vở kịch nhân vật Khiêm mới có đất diễn, với Khiêm thì lão Kiền chính là nguồn sống nâng đỡ cuộc đời anh, lão Kiền chết cũng chính là khi anh phải chịu một nỗi đau đớn nhất đời mình. Và trong nỗi đau tột cùng ấy Khiêm khao khát đi tìm sự tiến bộ cho chính bản thân mình, anh mong muốn được tìm về điều thiện. Tuy nhiên trên con đường đi tìm điều thiện thì Khiêm lại phạm tội ác thực sự khi giết chính em trai mình là Tốn, hành động này trong cách nhìn của nhà nghiên cứu Thụy Khuê là hành động tiêu diệt cái yếu hèn của con người nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc con người tự loại mình ra khỏi thế giới của đồng loại: “Khiêm, kẻ

"hướng thiện" trở thành kẻ sát nhân. Hành động giết em của Khiêm là hành động tột cùng tuyệt vọng, hướng về tự do, hạnh phúc: Khiêm muốn tiêu diệt tính chất yếu hèn, chịu đựng trong con người, môi giới phát triển độc tài và sa đọa, nhưng hành động sát nhân loại Khiêm ra khỏi thế giới người để nhập vào thế giới quỷ.”

Trong những nhân vật lưỡng diện ở kịch Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện một kiểu nhân vật đặc biệt, góp phần tạo nên yếu tố kỳ ảo và thi pháp huyền thoại cho các vở kịch, đó chính là kiểu nhân vật con quỷ, hồn ma. Kiểu nhân vật này xuất hiện ở hai vở kịch là Quỷ ở với người Vong bướm, theo đánh giá của Nguyễn

Văn Thuấn thì sự xuất hiện của vai quỷ trong kịch là một dạng biểu hiện của tính chất huyền thoại xâm nhập vào kịch. Sở dĩ chúng tôi xếp các vai quỷ vào kiểu nhân vật lưỡng diện vì quỷ vừa là biều hiện cho lương tâm vừa là sự tượng trưng cho tội ác tồn tại trong mỗi con người, chúng vừa là thần công lý phán xử mọi chuyện nhưng đồng thời cũng là kẻ xúi bẩy con người làm những việc trái với đạo đức. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thì những vai quỷ thoắt ẩn thoắt hiện, chúng đứng ở bên ngoài con người nhưng cũng có khi lại xâm nhập vào bên trong con người. Chúng là một phần của con người, vừa tượng trưng cho nhân cách vừa biểu hiện cho phần đồi bại của con người. Trong vở kịch Quỷ ở với

người xuất hiện hai vai quỷ là Quỷ I và Quỷ II, chúng vừa kêu gọi thiên lương ở

con người, hướng con người đến điều thiện nhưng một mặt khác chúng xúi bẩy con người làm những việc xấu xa, khơi gợi dục tính ở con người. Đó là khi quỷ xúi giục lão Kiền lấy tiền làm giỗ cho vợ để đi uống rượu và đánh bạc, là khi chúng khích bác gây ra hiểu lầm giữa những người con trong gia đình lão Kiền, quỷ khiến cho Cấn hiểu lầm vợ mình và hằn học với em trai mình, quỷ khiến cho Khiêm trên đường đi tìm sự tiến bộ bị sa ngã, bị mất nhân tính khi xúi bẩy anh ta giết chết em trai của mình.

Còn trong vở Vong bướm xuất hiện bốn vai quỷ, chúng vừa là bạn đồng hành của chàng Điệp Lang trên con đường đi tìm công danh, chỉ dẫn cho chàng lối đi để tìm đến với sự “tỉnh thức", nhưng đồng thời bốn quỷ này cũng là tượng trưng cho những cám dỗ ở đời, đó là “tửu, sắc, yên, đổ” chúng dụ dỗ chàng Điệp Lang ký khế

ước bán thân cho Ma Vương và dụ chàng làm bạn với chúng và cũng chính vì điều này mà bi kịch của đời Điệp Lang xuất hiện và sau cùng là cái chết của nhân vật này, từ một chàng trai tỉnh lẻ với nhiều khát khao hoài bão khi lên chốn kinh thành, để sau cùng lại trở thành một vong bướm. Mô típ bán mình cho quỷ đã xuất hiện nhiều trong văn học Châu Âu, đặc biệt là trong kịch Phauxtơ của Gớt. Nhưng có thể nói vai quỷ xuất hiện trong kịch Nguyễn Huy Thiệp là một sáng tạo độc đáo của nhà văn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch, chúng góp phần làm nên sự huyền ảo và chất liêu trai cho vở kịch, kích thích tâm trí người đọc (người xem).

Nếu như ví thế giới nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp là một bức tranh đa màu sắc thì nhóm nhân vật lưỡng diện là một mảng màu nổi bật với những nét cá tính riêng, góp phần làm nên sự sinh động của bức tranh ấy. Với nhà văn nhân vật lưỡng diện cho thấy cái nhìn bao dung, độ lượng của người cầm bút bởi văn học dù viết về điều gì thì mục đích chung nhất và cao cả nhất vẫn là hướng người ta tới các giá trị chân – thiện – mỹ. Còn về phía người đọc (người xem) để hiểu được kiểu nhân vật này thì đòi hỏi họ phải có sự tìm tòi và cái nhìn đa chiều để có thể khám phá ra được vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 34 - 38)