Xung đột trên bình diện đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 55 - 60)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.3. Xung đột trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

2.3.2.1. Xung đột trên bình diện đạo đức

Đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực và cách thức ứng xử của con người với xã hội và giữa con người với nhau. Trong các tác phẩm kịch của mình Nguyễn Huy Thiệp đã đặt nhân vật trong các mối xung đột trên bình diện đạo đức để thông qua đó khám phá ra chiều sâu của con người nhằm hiểu được bản chất cũng như các vấn đề tâm tư, tình cảm của họ.

Một trong những vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp gây nhức nhối và để lại nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong lòng độc giả là vở Quỷ ở với người (Gia đình), có thể thấy ở trong vở kịch này là sự chồng chất giữa các lớp xung đột, nó cho thấy sự tha hóa và tan rã của những giềng mối quan hệ đạo đức – gia đình, ở đây chúng ta sẽ bắt gặp sự xung đột giữa cha và con, xung đột giữa anh em ruột với nhau. Dưới đây là cuộc đấu khẩu giữa lão Kiền và Đoài, người ta sẽ thấy sự xung đột giữa cha và con đồng thời biểu hiện cho sự suy thoái của một hệ hình văn hóa gia đình từ trên xuống dưới.

Lão Kiền: Mẹ cha mày! Mày ăn nói với bố thế à? Tao không hiểu thế nào người ta cho mày làm việc ở Bộ giáo dục và Đào tạo!

Đoài: Người ta xét lý lịch đấy! Người ta thấy nhà mình ba đời trong sạch như gương!

Lão Kiền: Chứ không à? Chúng mày thì tao không biết, chứ họ Sĩ nhà này từ tao ngược lên, chưa có ai làm gì thất đức!

Đoài: Phải rồi! Một miếng vá xăm đáng một chục tương lên ba chục thì có đức đấy!

Lão Kiền: “Mẹ cha mày! Thế mày nâng bát cơm lên miệng hàng ngày mày có nghĩ không?”

Ở trong cái gia đình hỗn mang ấy người ta còn thấy anh em ruột ganh ghét và thù hằn lẫn nhau, tìm mọi cách hãm hại nhau để thủ lợi cho mình. Và cũng chính trong cái mớ hỗn độn, đầy rẫy những mâu thuẫn đấy người đọc sẽ thấy nổi lên một kiểu xung đột là tình yêu và sự loạn luân, đó là tình yêu sai trái và sự thèm muốn của nhân vật Đoài với người chị dâu của mình là Sinh. Tình yêu của Đoài đối với Sinh bắt nguồn từ sự ganh ghét và lòng đố kỵ đối với Cấn, do đó để chiếm đoạt được Sinh thì Đoài một mặt tạo ra hiềm khích giữa Cấn và Khiêm để Cấn nghi ngờ và căm thù Khiêm mà không đề phòng hắn còn một mặt Đoài lại tạo ra những hiểu lầm không đáng có giữa Cấn và Sinh để họ mất đi sự tin tưởng lẫn nhau và tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ. Có thể nói với việc tạo ra những mâu thuẫn nhỏ, lâu dần tích tụ lại và tạo thành những xung đột giữa các nhân vật thì Đoài đã đạt được mục đích và thỏa mãn tính ích kỷ trong con người hắn. Những hành động và tính toán của Đoài đáng bị lên án, nó là sự biểu hiện cho những tha hóa về mặt đạo đức của con người, là khi lương tâm của con người đã bị quỹ dữ xui khiến và lấn át. Ở một khía cạnh khác thì xung đột của vở kịch còn được tác giả đẩy lên đến mức cao trào, đó là khi Khiêm cầm dao và giết chết cậu em trai tật nguyền là Tốn, đây được coi là kiểu xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh, hành động của Khiêm là do sự xúi giục của quỹ dữ, kết thúc cuộc đời đau khổ và đầy ngây ngô của Tốn, đồng thời nó cũng góp phần tô đậm thêm chất bi vốn có của một gia đình ô hợp với mọi lề thói, quy tắc đạo đức đã bị phá vỡ. Đó chính là “bi hề kịch dân sinh” của một gia đình không có vua.

Trong vở kịch Đến bờ bên kia xảy ra hai xung đột đó là khi đứa bé đút tay vào chiếc bình cổ mà không rút tay ra được và khi người cha đã vô ý bắn chết chính đứa con trai ruột của mình. Và ở hai xung đột này tính cách của mọi nhân vật đều được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc. Ở chi tiết đứa bé đút tay vào chiếc bình quý mà

không rút tay ra được đã cho thấy bản chất và cách hành xử của mỗi người, người mẹ lo sợ và khóc lóc cầu xin sự cứu giúp của tất cả mọi người trên chuyến đò, nhà sư thì chỉ biết lặng lẽ cầu kinh, ông giáo và đôi bạn trẻ lo sợ, nhà thơ thì nói đùa “chỉ còn cách chặt tay đứa bé để cứu chiếc bình, sau đó lại đập vỡ bình cứu tay đứa bé!”. Xung đột của vở kịch được đẩy lên cao trào khi chủ nhân của chiếc bình rút súng ra chĩa vào đứa bé, vì với ông ta thì chiếc bình này là vật quý vô giá và cũng chính trong tình huống đó thì tên tướng cướp lại có một hành động không ngờ, hắn đã vung chiếc côn của mình lên đập vỡ chiếc bình để giải cứu cho đứa bé, vì với hắn đứa bé chính là tương lai và còn cả cuộc đời ở phía trước. Có thể nói với việc tạo ra tình huống đầy kịch tính này Nguyễn Huy Thiệp đã cho thấy những vẻ đẹp khuất lấp được ẩn sâu trong tâm hồn con người, việc đánh giá một con người không chỉ đơn thuần là qua ngoại hình, tướng mạo của họ mà còn phải qua cách họ hành động như thế nào. Và cũng chính vì hành động đập vỡ chiếc bình của tên tướng cướp mà người chủ đã nổ súng nhưng rủi thay người hứng viên đạn đó lại chính là con trai ruột của ông ta, có thể nói kịch tính của vở kịch đã được đẩy lên đến đỉnh điểm ở tình tiết này, lúc này khi đứng trước cái chết, đứng trước nỗi đau của sự chia xa và mất mát thì con người ta mới nghiệm ra được rằng mọi công danh, quyền lực hay của cải vật chất trên cuộc đời này rốt cuộc cũng chỉ là phù du, thậm chí nó chính là nguyên nhân khiến cho con người ta bị biến chất, không được là chính mình.

Trong vở kịch Nhà ô sin, xung đột xảy ra ở phần cuối của vở kịch, đó là xung đột giữa nhân vật Oanh Nhớn và ngài Đại tá, cô Oanh Nhớn từ nước ngoài trở về và mang theo các giấy tờ về việc chuyển nhượng, quyền sở hữu ngôi nhà và đuổi hết các ô sin cũng như buộc ngài Đại tá phải dời khỏi ngôi nhà trong thời gian sớm nhất.

Oanh Nhớn:Thưa bố, thưa Đại tá... trong thời gian ngắn nhất xin bố rời

khỏi nhà này để con bàn giao cho công ty nước ngoài theo đúng thỏa thuận hợp đồng.

Đại tá: Có thế thôi à? Vậy đây là toàn bộ tối hậu thư của các anh chị gửi cho lão già này ư?

Oanh Nhớn: Vâng... Thưa bố, thưa Đại tá...Mọi việc chỉ có vậy thôi. Con cháu trong nhà đã ủy quyền nhượng lại cho công ty nước ngoài khai thác ngôi nhà này trong vòng 50 năm tới. Mọi việc đã ký kết rồi. Con về lần này là để bàn giao giải quyết dứt khoát ngôi nhà. Thưa bố, thưa Đại tá, nếu người không hỏi gì nữa thì con xin phép về bên khách sạn...

Đại tá: Được rồi... Thôi cô xéo đi! Ta hiểu rồi! Thôi cô xéo đi cho khuất mắt ta! (kiềm chế) Xéo đi! Xéo đi ngay, xéo đi không ta nổi giận lại bắn cho cô một phát bây giờ!”

Xung đột này cho thấy tấn bi kịch, tấn trò đời của ngài Đại tá, với ông ngôi nhà ô sin chính là “trái tim hồng” của ông, là nơi biểu tượng cho quyền uy, nơi ông duy trì quyền lực của mình khi đã là một ngài Đại tá về hưu. Nhưng rồi ông cũng không giữ được ngôi nhà ấy, nó bị cướp đi bởi chính con cháu của ông, để khi ấy ông mới loay hoay nhận ra khi rời bỏ ngôi nhà này thì mọi thứ quyền uy mà ông đã cố gắng giữ gìn và duy trì bao lâu nay cũng sẽ không còn. Đồng thời xung đột này cũng cho thấy bi kịch trong mối quan hệ giữa người với người, vì lòng ích kỷ tư hữu, vì quyền lợi kinh tế mà con người ta sẵn sàng đánh đổi cả tình thân của mình để mong có được nó. Và phải chăng đây cũng chính là điều mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến độc giả của mình?.

Đến với vở kịch Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 người đọc sẽ thấy có 3 kiểu

xung đột, đó là xung đột giữa Phật và Đời, xung đột Thiện – Ác, xung đột trong kiểu người phạm tội – sám hối.

Kiểu xung đột giữa Phật và Đời xuất hiện ở hồi hai của vở kịch, đó là khi ông Lương đến chùa ăn trộm vào lúc nửa đêm và bị Sư Huệ bắt gặp. Ở đây Sư Huệ là đại diện cho sự thanh tịnh, cao quý nơi cửa Phật còn ông Lương lại chính là sự hiện thân cho những bụi trần ở đời. Khi bị Sư Huệ phát giác ông Lương đã rất sợ hãi và còn dọa giết sư, nhưng trái ngược với thái độ đó của ông Lương thì Sư Huệ lại tỏ ra rất điềm tĩnh, thản nhiên vô sự, điều này cho thấy khi con người ta đã đạt đến cảnh

giới của sắc không thì mọi thứ bụi trần ở đời đều không thể khiến người ta bận lòng, nao núng. Hãy theo dõi đoạn trích dưới đây để có thể hiễu rõ được trạng thái tinh thần của hai nhân vật khi đó:

Tên trộm: Im ngay! Thằng sư trọc! Mày mà kêu lên là tao đâm chết...Đi lại đằng kia...Đi sát tường... (vung dao) Hễ kêu lên là tao đâm chết!

Sư Huệ (xua tay): Được rồi!... Được rồi!... Hãy bình tâm nào... Hãy bình tâm đi... Ta không kêu đâu... Để ta lấy tiền cho ngươi. Ngươi hãy bình tâm lại đã... Không ai làm hại ngươi đâu... Ở đây không có ai cả.

Tên trộm: Đi lại gần tường... Kêu lên là tao đâm chết.

Sư Huệ: Bỏ dao xuống... Nam mô A di đà Phật... Ta nợ tiền ngươi, ta không nợ sinh mạng với ngươi... Ngươi đến chỗ bàn kia, ở đấy có cái tráp đen... có 5 triệu đồng ở trong ấy đấy, ngươi lấy cả đi!”

Kiểu xung đột Thiện – Ác xuất hiện ở hồi thứ tám của vở kịch, nó bắt nguồn từ tình yêu giữa Quân và Phượng, đó là tình yêu vượt qua rào cản của người cha (ông Nhân), vượt qua mọi định kiến xã hội và ranh giới giữa giàu – nghèo của hai người trẻ để đến với nhau. Và cũng chính vì điều này mà Quân đã bị đám thuộc hạ của ông Nhân truy sát và giết hại ngay tại chính ngôi chùa của Sư Huệ. Cái chết của Quân được thi hành ngay trong chùa, dưới sự chứng kiến của Sư Huệ đã cho thấy sức mạnh của quyền lực và sự tha hóa của đạo đức con người, nó cho thấy thời đại mà chúng ta đang sống là thời mạt pháp.

Kiểu xung đột phạm tội – sám hối xuất hiện ở hồi thứ 10 của vở kịch, đó là khi ông Lương bế đứa cháu mới sinh của mình cùng toàn bộ số tiền và đồ vật đã trộm ở chùa đêm hôm trước mang trả lại nhà chùa để mong được nhận tội, được sám hối và nương nhờ của Phật. Và mọi hành động sám hối đó của ông Lương đều được Sư Huệ chấp thuận. Điều này cho thấy tấm lòng cao thượng và cái đẹp vượt lên trên mọi sự hữu hạn của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 55 - 60)