Hệ thống motif trong cốt truyện kịch Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 88 - 92)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

3.2. Tính tự sự trong kịch Nguyễn Huy Thiệp

3.2.4. Hệ thống motif trong cốt truyện kịch Nguyễn Huy Thiệp

Trong quá trình khảo sát các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi còn nhận thấy sự lặp lại của hệ thống motif trong cốt truyện kịch của ông, được liên văn bản từ các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Dưới đây chúng tôi có thống kê các motif xuất hiện phổ biến cũng như ý nghĩa biểu tượng của chúng.

Đầu tiên là motif dòng sông – bến nước xuất hiện với tần suất dày đặc trong các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp. Trong vở kịch Đến bờ bên kia, motif dòng

sông xuất hiện và gắn liền với tư tưởng Phật giáo, nó được biết đến với các tên gọi như: bến Đục, bến Mê, bờ Trong, bến Giác, bến đò Cỏ Trâu, bến đò Giời Ơi...Dòng sông xuất hiện ở hồi đầu và lặp lại ở hồi cuối của vở kịch, biểu hiện cho một trạng thái thoát khỏi sắc và không của con người – một trạng thái tư tưởng vẫn hay được nói đến trong Phật giáo. Đạo Phật cho rằng khi con người ta vượt qua được hết những cám dỗ, thiệt hơn ở đời để đi theo con đường chính đạo thì đó cũng chính là khi con người đã đạt tới trạng thái siêu việt, đến được với cõi Niết bàn và đó cũng chính là khi “đáo bỉ ngạn” – “đến bờ bên kia”. Do vậy ở trong vở kịch này, sau khi chứng kiến rất nhiều những xung đột biến cố xảy ra trên con đò và cả những sân si của lòng người thì khi đò cập bến đến bờ bên kia nhà sư đã không sang sông mà quyết định quay về vì bản thân người hiểu được rằng mình chưa đạt tới trạng thái siêu việt, chưa thoát khỏi sắc – không để tu hành chính quả, bởi một người tu hành bằng con đường chính đạo còn có thể qua sông chỉ bằng một cọng cỏ.

Đó là xét trên tư tưởng của Đạo Phật, còn trên khía cạnh của đời thường thì motif dòng sông trong vở kịch này còn mang một tầng ý nghĩa khác, nó biểu trưng cho cuộc đời của một người con gái. Cuộc đời của người con gái khi còn là thiếu nữ

cho đến khi lấy chồng cũng giống như một lần bước qua sông. Điều này được thể hiện qua lời thoại của nhà thơ, tưởng rằng chỉ là một lời nói bông đùa mà lại mang ý nghĩa sâu sắc:

“ – Nhà thơ: Này cô gái! Có câu rằng: “Tuổi son má đỏ môi hồng. Bước chân về đến nhà chồng là thôi.” Khi người ta còn trẻ hãy cứ tiêu vung lên! Thiếu nữ sang sông là đi đứt đấy! Hết mơ với mộng! Thế là xong giấc mộng đời!”

Trong vở Vong bướm có sự xuất hiện của motif dòng sông hay nói cụ thể đó là hình ảnh của bến sông – một kiểu không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay trong đời sống của người dân Việt, bến sông là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, nơi bồi đắp tâm hồn của bao đứa trẻ từ thế hệ này nối tiếp sang thế hệ khác, nơi chứng kiến những buổi tình tự hẹn hò của những đôi trai gái, đó cũng là nơi mà bà ta, mẹ ta, chị ta làm những công việc nữ công gia chánh như giặt giũ, vo gạo, rửa rau và ghánh nước trở về nhà...Và cũng chính trên bến sông quê đó đã nuôi dưỡng chàng Điệp Lang khôn lớn, sông là nơi chàng tắm mát, chứng kiến sự trưởng thành của chàng và cũng chính từ bến sông quê này mà chàng từ giã cha mẹ để đến với chốn kinh thành và mong muốn tìm thấy ở đó công danh và “Tỉnh Thức” cho mình.

Đi liền với motif dòng sông thì cảnh sân chùa cũng là một kiểu motif xuất hiện phổ biến trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp, kiểu motif này thường được gắn với ý nghĩa biểu tượng tâm linh. Trong vở Vong bướm chùa là nơi Sùng ông đến lập đàn tế lễ cho Điệp Lang vào ngày rằm xóa tội vong nhân sau khi chàng chết, tại đây người ta nhận ra được những tầm thường của đời, mọi trường danh lợi hay tiền bạc thì rồi tất cả cũng sẽ chỉ còn là phù du, vô nghĩa khi mà người ta chết đi, chỉ có “không không sắc sắc cho mình cho ta” mới là điều mà chúng ta cần hướng tới để tìm được sự bình yên từ trong nội tại cho chính mình, đó mới là một cuộc đời đáng sống. Trong vở Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, chùa là nơi mà Phật pháp hiện diện và ngự trị nhưng cũng chính nơi đây lại bao phen chứng kiến những “bụi trần” vương vãi đến. Đó là khi đạo chích đến chùa và lấy đi pho tượng Thích ca “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” cùng với số tiền xây dựng tam quan. Cũng chính tại nơi

thanh tịnh và thiêng liêng này chứng kiến sự hoành hành của cái ác, đó là cái chết của một chàng trai trẻ khi đã cố vượt qua những rào cản xã hội và khoảng cách về địa vị quyền lực để đến với người con gái mình yêu và cũng chính vì vậy mà chàng rơi vào bi kịch của mối tình này đến mức phải trả giá bằng cái chết. Tất cả những điều này đều diễn ra ở trong chùa mà đức tin của Phật cũng không thể thay đổi được kết quả của nó, điều này báo hiệu về sự xuất hiện của thời kỳ mạt pháp đã đến, khi mà đức tin của con người bị lung lay. Ở vở kịch Cái chết được che đậy thì motif

cảnh chùa xuất hiện ở hồi đầu và hồi cuối của vở kịch, nếu như cô gái trẻ tên Mơ tìm đến chùa để mong được “Trời Phật thương thì Trời Phật cứu” vì cô ấy đang tuyệt vọng trong mối tình đơn phương và đáng thương của mình thì Xuân Lan lại tìm đến chùa để mong được cứu rỗi, được tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn mình. Có thể nói với cả hai người phụ nữ này thì họ đều có đức tin vào Phật pháp và chính vì vậy mà họ tìm đến chùa để mong được giải thoát cho tâm hồn mình khỏi những sân si của đời.

Cùng với motif dòng sông, sân chùa thì motif ngọn núi cũng trở đi trở lại trong cốt truyện kịch Nguyễn Huy Thiệp. Ở cả hai vở kịch Vong bướm và Truyền thuyết

tìm vua người đọc sẽ thấy sự xuất hiện của bốn ngọn núi mang tên Sinh – Lão –

Bệnh – Tử nó gắn liền với tư tưởng Tứ diệu đế trong Phật giáo, nghĩa là cuộc đời của một con người sẽ trải qua một vòng tuần hoàn khép kín là được sinh ra, già đi, bị bệnh tật đau khổ và chết đi. Ở cả hai vở kịch chàng Điệp Lang và Chúa Trổm trên hành trình đi tìm “Tỉnh Thức”, tìm Đạo cho mình đều phải vượt qua bốn ngọn núi này thì mới mong tu thành chính quả, và đến được ánh sáng của Chân – Thiện – Mỹ, nhưng ở đời không phải cứ cái gì muốn là có thể được “Đi mà không đến là Tây trúc. Đến mà không được ấy Đào Nguyên”. Và dường như đó cũng chính là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc: Tất cả chúng ta đều đang trên đường hoàn thiện lý tưởng về Chân – Thiện – Mỹ, đó cũng chính là lý tưởng của mọi hình thái sự sống trên cõi đời này.

“Đời có bốn ngọn Thái Sơn, Sinh, Lão, Bệnh, Tử ai thời vượt qua

Trời đất đã sinh ra ta,

Mấy ai giữ được mình là chân nhân? Đã vào trong trốn bụi trần, Sao không tri túc hưởng phần trời cho?

Kìa ai nghĩ ngợi buồn lo

Sao không cười một tiếng to giải sầu?” (Chương IV – Truyền thuyết tìm vua)

Motif về các kiểu người cũng xuất hiện trong cốt truyện kịch Nguyễn Huy Thiệp, điển hình là kiểu người phạm tội – sám hối, chúng ta sẽ bắt gặp motif này trong vở Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 qua nhân vật ông Lương. Nếu như ở hồi đầu của vở kịch nhân vật này xuất hiện trong vai trò là một đạo trích – kiểu người phạm tội đến chùa để ăn trộm và ông ta đã lấy đi của nhà chùa pho tượng “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” cùng với số tiền 5 triệu để xây tam quan thì đến hồi cuối vở kịch ông ta lại trở lại chùa trong vai trò là người sám hối, ông Lương trả lại những đồ vật và số tiền đã lấy của nhà chùa và mong muốn nhận được sự cứu rỗi của Sư Huệ. Có thể nói đây là một kiểu motif điển hình thường xuất hiện trong các truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian và Nguyễn Huy Thiệp đã kế thừa một cách sáng tạo motif này trong vở kịch của mình.

Đặc biệt trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thường có sự xuất hiện của một kiểu motif khá phổ biến thường thấy trong các truyện kể dân gian, đó là motif sự xuất hiện thần kỳ của các thế lực siêu nhiên và kịch của ông cũng không ngoại lệ. Trong vở Vong bướm người đọc sẽ thấy sự xuất hiện của một thế lực ma quái là Ma vương và các quỷ đã dụ dỗ chàng Điệp Lang ký vào khế ước của Ma vương và phải đánh đổi bằng cái chết. Đó là sự xuất hiện của các quỷ trong vở Quỷ ở với người, quỷ xúi bẩy con người làm những việc trái với đạo đức, là mầm mống dẫn

đến những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình lão Kiền, là nguyên nhân khiến cho các giềng mối quan hệ và tôn ti của một gia đình bị đảo lộn, tan rã. Trong vở Xuân hồng người đọc sẽ thấy sự xuất hiện của một thế lực thần kỳ là Thần Gió với bàn tay điểm chỉ đã thay đổi hoàn toàn số phận của nàng Thanh Tâm tuyệt kỹ

của quán Xuân Hồng. Hay đó là nhân vật Nhà tiên tri trong vở kịch cùng tên và con giải ở vở Đến bờ bên kia luôn mang theo những điềm báo nhất định về tương lai. Có thể nói với việc đưa motif sự xuất hiện thần kỳ vào trong các vở kịch của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã mang đến cho vở kịch thứ không khí huyền thoại, kỳ ảo để giúp cho nhà văn dễ dàng đi sâu vào khai thác phần thế giới tinh thần của con người vốn rất trừu tượng, huyền diệu và khó nắm bắt.

Qua một vài khảo sát ở trên có thể thấy kịch của Nguyễn Huy Thiệp mang đậm tính tự sự, nhiều tác phẩm nếu mở rộng đường biên thì có thể đọc như một truyện ngắn vì kịch tính loãng. Bên cạnh đó tính tự sự trong kịch còn được thể hiện ở chỗ lời kể chuyện (dẫn chuyện) khá dài nhiều khi lấn át cả lời của nhân vật, những lời thoại của nhân vật dài có khi đến cả trang văn bản, kịch không có nhiều xung đột cũng như hành động kịch và người đọc khi tiếp nhận tác phẩm không xác định được đó là hài kịch hay chính kịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)