Tổ chức thời gian nghệ thuật trong kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 41 - 46)

2.1.1 .Giới thuyết về nhân vật kịch

2.2. Tổ chức thời gian – không gian nghệ thuật trong kịch

2.2.1. Tổ chức thời gian nghệ thuật trong kịch

Trong quá trình khảo sát các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi nhận thấy đa số các vở kịch đều được xây dựng với thời gian đơn tuyến, với trình tự diễn biến từ hiện tại đến tương lai. Đặc biệt do đặc trưng của thể loại kịch là trình diễn trên sân khấu nên thời gian không thể tự đảo chiều, lắp ghép, hư cấu tự do như trong văn chương hiện đại. Thời gian của hành động kịch, của một cảnh diễn, của một hồi kịch chỉ được triển khai theo nguyên tắc tuyến tính, một chiều, như một lát cắt thời điểm nhất định. Ở đó mọi sự kiện, hành động, xung đột cũng như các nét tính cách của nhân vật đều được phơi bày ra hết. Có thể thấy hầu hết các vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp nếu được xây dựng theo kết cấu thời gian đơn tuyến thì mọi diễn biến sẽ được tác giả gói gọn lại trong khoảng thời gian rất ngắn. Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra bảng thống kê chi tiết về thời gian của những vở kịch được xây dựng theo kết cấu thời gian đơn tuyến cùng với đó là những sự kiện, diễn biến chính để tiện cho việc theo dõi:

Vở kịch Thời gian Diễn biến chính

Hoa sen nở ngày 29 tháng 4

1 ngày (ngày 29 tháng 4)

Vở kịch gồm 12 lớp với rất nhiều sự kiện xảy ra liên tiếp trong ngày 29 tháng 4, đồng thời cũng là ngày sinh nhật của sư Huệ. Đó là sự ra đời của một đứa trẻ, một chàng thanh niên bị giết chết, một tên trộm đến chùa trộm đồ và tiền rồi lại hoàn lương. Và tất cả đều được cứu rỗi bởi sư Huệ.

Nhà ô sin 2 ngày Vở kịch được chia làm hai hồi, mỗi một hồi sẽ tương ứng với một ngày. Đó là cuộc gặp gỡ trong ngôi nhà của ngài Đại tá giữa các nhân vật: ngài Đại tá, Thủy Trần, Phú điên, Bà Tơ, Mê – lu – za ở ngày thứ nhất và cuộc gặp gỡ giữa Thủy Trần, Phú điên, Bà Tơ, Oanh Bé, Oanh nhớn, ngài Đại tá, Me – lu – za trong ngày thứ hai. Vở kịch kết thúc khi Oanh nhớn đã giành được quyền sở hữu ngôi nhà của ngài Đại tá và đuổi mọi người ra ngoài. Đó cũng chính là khi ngài Đại tá đau đớn nhận ra tấn trò đời, tấn bi kịch của đời mình.

Nhà tiên tri 1 ngày (cụ thể là ngày xóa tội vong nhân)

Vở kịch không được chia hồi mà kể liền mạch về cuộc hội ngộ giữa các nhân vật Bảo Trinh, Mỹ

Linh, Hoàng Diệutại phòng khách nhà Bảo Trinh. Xung đột xảy ra khi Kính – chồng của Bảo Trinh về nhà và đánh ghen với Hoàng Diệu. Vở kịch kết thúc khi Bảo Trinh đi theo nhà tiên tri, Mỹ Linh và Kính bỏ đi còn Hoàng Diệu thì bị vợ đâm chết.

Cái chết được che đậy

Thời gian diễn ra liền mạch trong khoảng vài ngày.

Vở kịch gồm bốn hồi, xoay quanh cuộc tự tử vì tình bất thành của cô gái trẻ tên Mơ, cô được cứu giúp và cưu mang bởi một phụ nữ trí thức là Xuân Lan với mong muốn hướng cô tới Chân – Thiện – Mỹ và thành người có đạo. Tuy nhiên cái chết của Mơ vẫn diễn ra từ từ trong sự thổn thức và mong chờ tình yêu. Cái chết của Mơ cho thấy sự ích kỷ của Xuân Lan, một dạng biểu hiện cho những lề thói và quy tắc cứng nhắc của xã hội.

Quỷ ở với người (Gia đình)

Thời gian diễn ra liền mạch trong khoảng vài ngày và cũng có thể là vài tháng.

Vở kịch gồm 7 hồi chính với 3 hồi phụ gắn liền với các sự kiện của gia đình lão Kiền với 5 người con trai: Cấn lấy vợ, Sinh về làm dâu trong gia đình lão Kiền, ngày giỗ vợ lão Kiền, lão Kiền bị ốm và mất, vở kịch kết thúc khi Khiêm giết chết em trai là Tốn do sự xúi bẩy của quỷ.

Mổ nhà văn Thời gian diễn ra liền mạch, có thể là trong vài giờ hoặc vài ngày.

Vở kịch gồm chín hồi, xoay quanh sự kiện chính là các bác sĩ bệnh viện tình thương như Trần Mạnh Khảo, Lê Văn Ngọng, Nguyễn Hàng Lươn, K- Oa, Nghé Ọ... tiến hành mổ nhà văn Vô danh và ca mổ bị thất bại vì đó là một nhà văn “mình đồng da sắt”, một tay không dễ chơi.

Bên cạnh các vở kịch được xây dựng theo kết cấu thời gian tuyến tính thì kịch của Nguyễn Huy Thiệp vẫn có một số vở được xây dựng theo kiểu thời gian phi tuyến tính, nghĩa là thời gian có sự nhảy cóc hoặc đảo lộn nhằm tăng thêm kịch tính cho tác phẩm.

Với kiểu thời gian nhảy cóc có thể kể ra vở Đến bờ bên kia và Suối nhỏ êm dịu, ở hai vở này thời gian được nói đến chủ yếu là thời gian hiện tại, sau đó tác giả

sẽ “nhảy cóc” để đến thời gian tương lai thông qua các từ phiếm chỉ thời gian như 10, 15 năm sau hoặc 20 năm sau. Còn với những vở kịch mang tính chất huyền thoại – lịch sử sẽ được tác giả xây dựng theo kiểu thời gian đảo lộn, đó là hai vở

Còn lại tình yêu và Truyền thuyết tìm vua. Trong vở kịch Còn lại tình yêu người

đọc sẽ thấy thời gian là sự quay vòng từ hiện tại trở về quá khứ và từ quá khứ đến hiện tại. Đó là hành trình khám phá những câu chuyện bên lề lịch sử về người chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học, hành trình của những người yêu lịch sử như ông thiếu tướng và các nhân viên cấp dưới của ông, nguyên nhân khiến họ tìm hiểu về lịch sử bắt nguồn từ một vụ án buôn lậu ma túy mà tên trùm của đường dây này là Đội Tảo – người nắm giữ bức thư mà ông Nguyễn Thái Học gửi cho người phụ nữ tên Lê Thị Minh năm xưa. Với lối xây dựng thời gian theo hướng nhảy cóc như vậy Nguyễn Huy Thiệp đã khiến cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đồng thời nhà văn cũng giúp người đọc quay ngược vòng thời gian trở lại quá khứ

để có cách nhìn nhận về người anh hùng của dân tộc, một nhân vật lịch sử với cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn. Còn với vở Truyền thuyết tìm vua thời gian được

kể từ quá khứ và đi đến hiện tại ngày nay, ở đây tác giả kể lại hành trình đi tìm vua của hai cha con Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm để giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” và cuối cùng cả hai đã tìm ra được chúa Chổm để tôn phò làm vua. Thời gian đi tìm chúa Chổm là thời gian mang tính chất giả định, nó nhuốm màu sắc của hư ảo và huyền thoại và làm mờ đi tính lịch sử của tác phẩm. Do vậy mà hành trình đi tìm vua cũng chính là hành trình mà con người ta tìm đến với Đạo. Sau đó từ thời gian quá khứ tác giả đã nhảy cóc về thời gian của hiện tại chỉ để nhằm lý giải về tên của phố Cấm Chỉ ngày nay và cách lý giải này mang đầy tính giai thoại, xen lẫn giữa thực và hư chứ không có tính xác minh cụ thể.

Ngoài tổ chức thời gian tuyến tính và phi tuyến tính thì trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp còn có những vở không thể xác định được thời gian, điển hình ở đây là vở Vong bướm. Vở kịch kể về hành trình đi tìm công danh ở chốn kinh thành của chàng Điệp Lang và đó cũng chính là hành trình mà con người mong muốn tìm ra được“tỉnh thức”, nhưng ở trong vở kịch này thời gian bị tác giả làm mờ đi do đó người đọc không thể xác định được đó là câu chuyện của quá khứ, của hiện tại hay của tương lai, nó được kể vào thời gian nào. Thậm chí ngay cả chính bản thân Điệp Lang cũng không thể xác định được rõ thời gian của ngày và đêm là khi nào, và theo lời của Quỷ gợi ý cho chàng khi người ta xác định được ngày và đêm, đó cũng chính là khi con người ta tìm được đến với sự “tỉnh thức”.

Có thể thấy mặc dù chịu sự quy định của đặc trưng thể loại song tổ chức thời gian trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp vẫn ít nhiều thể hiện cá tính của nhà văn, nghĩa là thời gian không chỉ được xây dựng theo kiểu kết cấu đơn tuyến mà vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường và chính vì vậy mà kịch của ông trở nên độc đáo và có phần khó tiếp cận hơn so với kịch của các tác gia khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại (Trang 41 - 46)