Mô hình công tác xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình công tác xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại xã đồng sơn, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 30 - 35)

9. Kết cấu của luận văn

1.2. Mô hình công tác xã hội

1.2.1. Khái niệm mô hình

Mô hình là một hình thức diễn đạt ngắn gọn các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng để nghiên cứu đối tượng.

Mô hình được hiểu là vật cùng hình dạng nhưng làm thu nhỏ lại, mô phỏng cấu tạo và hoạt động của một vật khác để trình bày, nghiên cứu [9].

Mô hình được phân loại khác nhau. Theo hình thức có công thức, đồ thị, sơ đồ...Theo chức năng, có mô hình hệ thống, mô hình cấu trúc, mô hình logic, mô hình toán, mô hình công tác xã hội. Trong đó, mô hình xã hội là một kiểu tương tác xã hội, một cung cách ứng xử, một mẫu tương tác mà chủ thể xã hội bắt chước, học hỏi và tiến hành theo [1, tr.25-26].

1.2.2. Khái niệm công tác xã hội, nhân viên công tác xã hội, công tác xã hội trong giảm nghèo và mô hình công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững trong giảm nghèo và mô hình công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững

1.2.2.1. Khái niệm công tác xã hội

Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về công tác xã hội. Theo Hiệp hội Quốc gia nhân viên công tác xã hội (NASW): công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ (Zastrow, 1996, p.5).

Theo Hiệp hội nhân viên công tác xã hội quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montreal, Canada (IFSW): nghề công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề [31, tr.5].

Tại Đại hội của IFSW và IASSW tháng 7/2014 tại Melbourne, Australia đã đưa ra định nghĩa toàn cầu về nghề Công tác xã hội: “Công tác xã hội là một nghề dựa trên cơ sở thực hành trực tiếp và là một khoa học chuyên ngành nhằm thúc đẩy thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, trao quyền và giải phóng con người. Nguyên tắc công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể và tôn trọng sự đa dạng là trung tâm của công tác xã hội. Được củng cố bởi các lý thuyết công tác xã hội, khoa học xã hội, nhân văn và kiến thức bản địa, công tác xã hội thực hành với con người và các thể chế để giải quyết những thách thức cuộc sống và nâng cao sức khỏe của cộng đồng” [4].

Theo Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xã hội: công tác xã hội góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến [16, tr.25].

Như vậy, theo các quan niệm hiện nay, công tác xã hội vừa là khoa học ứng dụng để trợ giúp những nhóm yếu thế vượt qua những khó khăn của họ và đạt được một vị trí ở mức độ phù hợp trong xã hội. Công tác xã hội được coi như là một môn khoa học, vì nó dựa trên những luận chứng khoa học và những nghiên cứu đã được chứng minh. Công tác xã hội cung cấp một lượng kiến thức có cơ sở thực tiễn và xây dựng những kỹ năng chuyên môn hóa.

1.2.2.2. Khái niệm nhân viên công tác xã hội

Việc thực hiện các hoạt động công tác xã hội được nhân viên công tác xã hội tiến hành. Theo Hiệp hội nhân viên công tác xã hội quốc tế-IFSW), nhân viên công tác xã hội là những người hoạt động trong nhiều lĩnh vực đào tạo chính quy và cả bán chuyên nghiệp, được trang bị các kiến thức và kỹ năng trong công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng, nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường, tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức, vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.

Nhân viên công tác xã hội là những nhà chuyên nghiệp làm chủ những nền tảng kiến thức cần thiết, có kỹ năng phát triển các kỹ năng cần thiết, tuân theo những tiêu chuẩn và đạo đức của nghề công tác xã hội [4].

Trình độ tối thiểu quy định đối với nhân viên công tác xã hội ở những nước có nghề công tác xã hội phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Australia, Philippines là phải tốt nghiệp đại học.

1.2.2.3. Khái niệm công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết. Vì vậy, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, trong đó có các mô hình như sau:

- Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân - Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo

- Hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng - Hỗ trợ về nhà ở

- Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý

Để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo, Nghị quyết này là cơ sở để các cấp chính quyền cũng như các địa phương xây dựng mô hình công tác xã hội nhằm giúp đồng bào của mình thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Qua nghị quyết này, tác giả lấy làm căn cứ để xây dựng hướng nghiên cứu phục vụ cho đề tài của mình.

Theo tác giả luận văn, công tác xã hội trong giảm nghèo là tiến trình tổ chức, hoạt động của nhân viên công tác xã hội đối với người nghèo và cộng đồng của họ, bằng việc thúc đẩy nhận thức và tăng cường năng lực, khả năng tự vươn lên của người nghèo trong việc tìm ra nguyên nhân của sự nghèo, xác định ý thức, trách nhiệm, khả năng và tự lựa chọn giải pháp của bản thân và khai thác các yếu tố sẵn

sàng giúp đỡ của cộng đồng để thoát nghèo. Mặt khác, nhân viên xã hội phải huy động tài nguyên, tính sẵn sàng của cộng đồng giúp đỡ người nghèo thoát nghèo, tạo ra sự hài hòa của quan hệ giữa người nghèo với cộng đồng [1, tr18].

Công tác xã hội có trọng trách chuyển tải và thực hiện nội dung của các chính sách xã hội đến các cá nhân, các cộng đồng là đối tượng của chính sách. Những người làm Công tác xã hội có thể tư vấn cho các cấp chính quyền về việc thực thi các chính sách xã hội đã ban hành, kiểm tra tiến độ thực thi đó nhằm đảm bảo cho các đối tượng của chính sách được thụ hưởng tốt.

Công tác xã hội phải giúp cho con người nâng cao năng lực giải quyết những công việc trong cuộc sống mà họ phải thực hiện. Những công việc ấy có thể là vay vốn sản xuất, tìm kiếm việc làm để giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí… Sự hỗ trợ của Công tác xã hội không chỉ giúp cho chính sách xã hội, trong đó có giảm nghèo được thực hiện đúng đối tượng, mà còn giúp cho đối tượng chính sách có năng lực vươn lên để sống tốt hơn sau khi được chính sách tác động.

Công tác xã hội tạo ra sự liên kết giữa người thụ hưởng chính sách với hệ thống cung ứng dịch vụ, tạo ra các cơ hội để đối tượng của chính sách tiếp cận với hệ thống nguồn lực, bao gồm những nguồn lực chính thức và nguồn lực không chính thức (những nguồn lực theo những quy định của nhà nước và những nguồn lực hình thành phi chính phủ và tư nhân khác) [1, tr.24].

Công tác xã hội có nhiệm vụ góp phần vào đổi mới hoặc bổ sung cho chính sách xã hội. Trong quá trình chuyển tải chính sách xã hội đến đối tượng, nhân viên Công tác xã hội có điều kiện để hiểu biết mức độ đáp ứng nhu cầu của chính sách xã hội đến với đối tượng cụ thể được thụ hưởng chính sách.

1.2.2.4. Khái niệm mô hình công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững

Trong đề tài này, mô hình công tác xã hội trong giảm nghèo bền vững được hiểulà các hoạt động phát triển cộng đồng nhằm hướng tới việc hỗ trợ người nghèo có thêm nguồn lực cải thiện hoàn cảnh sống, vươn lên thoát khỏi khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm dân cư và tập hợp các hoạt động đó hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực, hành vi, quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với vị thế là tổ chức chính trị-xã hội của ngành công tác xã hội.

Các hoạt động của mô hình công tác xã hội trong phát triển cộng đồng gồm: Thứ nhất, hoạt động công tác xã hội về tuyên truyền nâng cao nhận thức của cá nhân, hộ, nhóm và cộng đồng nghèo. Đây là một tiến trình tương tác nhằm giúp người nghèo hiểu được vấn đề của mình và khơi dậy tiềm năng để thân chủ tự quyết vấn đề của mình. Công tác xã hội sẽ là nhịp cầu nối người dân nghèo với cán bộ để cán bộ hiểu và sát cánh cùng người dân và chính quyền giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, hoạt động công tác xã hội về kết nối các nguồn lực để người dân tiếp cận với các chương trình, chính sách. Đây là một hoạt động quan trọng của nhân viên xã hội với tư cách là người trung gian, kết nối người nghèo với các nguồn lực cần thiết, như tham gia vào các chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, đánh giá nhu cầu và tìm kiếm, khai thác các tiềm năng nội lực (nhân công, nghề truyền thống, sản xuất và chế biến đặc sản địa phương,..) kết hợp với các chương trình, dự án bên ngoài thực hiện sinh kế bền vững.

Thứ ba, hoạt động công tác xã hội về tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục.

Thứ tư là hoạt động công tác xã hội về trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của luật, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật [8, tr23].

Như vậy, bốn hoạt động cụ thể của mô hình của công tác xã hội với hộ nghèo bền vững nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ đối mặt, vượt qua những rủi ro như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn...Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản. Công tác xã hội với người nghèo, vì thế, nên là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chức năng xã hội của người nghèo, tiếp cận các chính sách liên quan tới nghèo đói; huy động các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng nghèo giải quyết vấn đề nghèo đói và hướng tới bảo đảm an sinh xã hội [1, tr.25].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình công tác xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại xã đồng sơn, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)