Lý thuyết ứng dụng trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình công tác xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại xã đồng sơn, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 35 - 40)

9. Kết cấu của luận văn

1.3. Lý thuyết ứng dụng trong nghiên cứu

1.3.1. Lý thuyết vai trò

Vai trò là một thuật ngữ ra đời trong khoảng thời gian, từ năm 1920 đến năm 1930. Cụm từ này trở nên nổi bật hơn trong các diễn ngôn xã hội học thông qua các công trình lý thuyết của George Herbert Mead, Jacob L.Moreno và Linton. Hai trong số các khái niệm của Mead về tâm trí và bản thân chính là tiền đề cho lý thuyết vai trò [1, tr.25].

Trong xã hội, vai trò là những khuôn mẫu ứng xử khác nhau do xã hội áp đặt cho mỗi chức vị của con người. Theo đó, mỗi người không chỉ đảm nhận một vai trò, mà thường đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Các vai trò không được tổ chức và vận dụng logic, hài hòa sẽ dẫn đến các xung đột vai trò, căng thẳng vai trò hoặc biến đổi vai trò. Những đòi hỏi quan trọng nhất đối với vai trò không chỉ là thực hiện các vai trò, mà còn thể hiện vai trò đó có liên quan đến sự mong đợi, kỳ vọng, chuẩn mực, quy ước xã hội hay không.

Có hai loại vai trò khác nhau là vai trò hiện và vai trò ẩn. Vai trò hiện là vai trò bên ngoài, mọi người có thể thấy được. Vai trò ẩn là vai trò không biểu lộ ra bên ngoài.

Thuyết vai trò được đánh giá là phương pháp tiếp cận hiệu quả đối với việc hiểu biết của con người và xã hội. Vì vậy, có rất nhiều khái niệm liên quan được đề cập đến, như mơ hồ trong vai trò, xung đột vai trò, thể hiện vai trò, ý thức về vai trò. Hành vi cá nhân là các hoạt động để thể hiện vai trò, vị trí của một cá nhân. Khi vai trò phù hợp với khả năng của cá nhân, người đã đảm trách tốt vai trò được phân công. Thuyết vai trò cho rằng muốn thay đổi hành vi một cá nhân, cần tạo cơ hội cho họ thay đổi vai trò. Công tác xã hội vận dụng quan điểm đó, cùng với các phương pháp tiếp cận khác để thực hiện can thiệp cho đối tượng của mình.

Ứng dụng thuyết vai trò xã hội trong nghiên cứu:

Trong luận văn này, tác giả sử dụng lý thuyết vai trò để đánh giá vai trò của nhân viên thực hiện công tác xã hội trong việc tác động đến sự thay đổi của người nghèo tại xã Đồng Sơn.

Mô hình công tác xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo được thể hiện dưới nhiều hình thức, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và môi trường của họ. Mục đích của công tác xã hội với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ có khả năng giải quyết các vấn đề khiến họ rơi vào hoàn cảnh nghèo như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn. Mặc khác, công tác xã hội đối với người nghèo còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Công tác xã hội chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên công tác xã hội là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. Công tác xã hội là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.

Trong công tác xã hội hỗ trợ giảm nghèo cho xã Đồng Sơn, đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội phải thể hiện vai trò của mình trong các mô hình hỗ trợ giảm nghèo, như tham mưu, tư vấn, vai trò kết nối nguồn lực, vai trò hướng dẫn, vai trò giám sát...

Đối với cán bộ quản lý, vai trò thể hiện ở việc tổ chức, quản lý các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo, như lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện, đánh giá. Ngoài ra, các cán bộ quản lý còn thực hiện báo cáo tình hình áp dụng mô hình công tác xã hội hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại xã Đồng Sơn.

Đối với các cán bộ thực hiện công tác xã hội trực tiếp hỗ trợ giảm nghèo tại xã Đồng Sơn, thể hiện vai trò xúc tác, tác động để thay đổi suy nghĩ, thái độ, hành vi của thân chủ. Các cán bộ thực hiện vai trò này được áp dụng một cách linh hoạt khi làm việc với đối tượng người nghèo, cụ thể là:

Hỗ trợ người nghèo trong việc nhận thức vai trò của họ trong công cuộc giảm nghèo bằng chính các hoạt động thiết thực, như tham gia vào các hội, đoàn thể để học hỏi kinh nghiệm làm giàu, tăng gia sản xuất và thay đổi chính nhận thức trông chờ, ỷ lại của người nghèo.

Hỗ trợ người nghèo giải quyết vấn đề khó khăn của họ thông qua việc tìm kiếm hoặc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người nghèo.

Phối hợp vận động tìm nguồn lực, nguồn tài nguyên hỗ trợ cho người nghèo. Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động giúp đỡ người nghèo và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động.

Việc xác định vai trò rất quan trọng, nhân viên công tác xã hội cần xác định rõ vai trò của mình ở vị trí nào và cần giúp đỡ ai, đối tượng nào và giúp đỡ cái gì. Trong khi thực hiện vai trò của mình, nhân viên công tác xã hội đã gặp những khó khăn, trở ngại gì để tìm ra giải pháp, thực hiện tốt hơn mô hình công tác xã hội hỗ trợ giảm nghèo tại xã Đồng Sơn.

1.3.2. Lý thuyết hệ thống

Thuyết hệ thống trong công tác xã hội bắt nguồn từ lý thuyết hệ thống tổng quát của Bertalanffy. Thuyết này dựa trên quan điểm của lý thuyết sinh học cho rằng mọi tổ chức hữu cơ đều là những hệ thống được tạo nên từ các tiểu hệ thống và đồng thời bản thân các tiểu hệ thống cũng là một phần của hệ thống lớn hơn; các hệ thống có thể trao đổi với nhau (hệ thống mở) hay khép kín (hệ thống đóng); một tác động đầu vào sẽ dẫn tới một sản phẩm đầu ra qua hệ thống; một hệ thống có thể ổn định hay biến động [1, tr.26].

Thuyết hệ thống được sử dụng rộng rãi trong công tác xã hội, vì thuyết này giúp cho nhân viên xã hội hiểu được cá nhân, nhóm hay cộng đồng như một hệ thống của các yếu tố tương tác với nhau. Bên cạnh đó, để hệ thống này hoạt động hiệu quả, cá nhân, nhóm hay cộng đồng sẽ có nhiều tương tác với môi trường bên ngoài khác.

Trọng tâm hơn của lý thuyết này hệ thống chỉ rõ được các tương tác về mặt công và tư, các tác nhân thay đổi khác nhau. Lý thuyết hệ thống hỗ trợ cho mô hình công tác xã hội như cung cấp cho nhân viên công tác xã hội một khuôn khổ để phân tích sự tương tác luôn thay đổi, không ổn định của con người trong môi trường của họ. Khi môi trường sống đầy đủ về tài nguyên cho sự tăng trưởng và phát triển của con người, con người có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, khi môi trường sống thiếu thốn tài nguyên, sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm sẽ bị ảnh hưởng. Các cá nhân phụ thuộc vào hệ thống trong môi trường xã hội trung gian của họ nhằm thỏa mãn được cuộc sống riêng, do đó, công tác xã hội phải nhấn mạnh đến các hệ thống như vậy.

Vận dụng lý thuyết hệ thống vào đề tài nghiên cứu này, giúp xác định nhân

viên công tác xã hội nằm trong hệ thống nào, người nghèo ở xã Đồng Sơn đang ở hệ thống nào để có sự trợ giúp từ các hệ thống xung quanh. Hệ thống mà nhân viên công tác xã hội làm việc là hệ thống đa dạng, ứng dụng lý thuyết này vào đề tài cho thấy:

Các hệ thống chính thức: bao gồm các tổ chức, các nhân viên công tác xã hội... có vai trò kết nối người nghèo ở xã Đồng Sơn tới các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho việc hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Nếu người nghèo không tiếp cận được các chính sách, thủ tục, hệ thống này sẽ tham gia hỗ trợ, tư vấn.

Các hệ thống phi chính thức như gia đình, bạn bè, người thân...có vai trò tìm kiếm hệ thống trợ giúp và tham gia vào việc giải quyết vấn đề với các tác nhân thay đổi.

Các hệ thống xã hôi như bệnh viện, trung tâm là những hệ thống can thiệp lớn tới đời sống của người nghèo. Đối với bệnh viện là nơi cung cấp các hỗ trợ dịch vụ khám bệnh cho người nghèo, là nơi hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác giảm nghèo bền vững. Đối với các trung tâm là nơi tư vấn, hỗ trợ mô hình công tác xã hội cho người nghèo, cung cấp thông tin nhằm giúp người nghèo có điều kiện phát triển.

1.3.3. Thuyết nhu cầu của Maslow

Abraham Maslow (1908-1970) là nhà tâm lý học người Mỹ, được thế giới biết đến như là một nhà tiên phong trong trường phái Tâm lý học Nhân văn với lý thuyết bậc thang nhu cầu của con người. Ông nhìn nhận con người theo hướng nhân đạo, vì vậy lý thuyết của ông được xếp vào trường phái nhân văn hiện sinh. Ông cho rằng con người cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản để tồn tại và phát triển, đó là nhu cầu thể chất, nhu cầu an toàn, nhu cầu tình cảm xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được hoàn thiện [1, tr.26].

Đối với nhu cầu về thể chất, sinh lý: nhu cầu về đồ ăn, nước uống, không khí...nhu cầu này là nhu cầu cơ bản của con người.

Đối với nhu cầu về an toàn: con người cần có một môi trường sống an toàn, sức khỏe để đảm bảo sự tồn tại của họ. Họ cần có nhà ở, tránh nắng, tránh mưa. Họ

cần được khám bệnh, được chăm sóc sức khỏe. Họ cần được sống trong môi trường được đảm bảo về an ninh để tính mạng của họ không bị đe dọa. Họ cần có môi trường sinh hoạt, vận động để không gây thương tích.

Đối với nhu cầu tình cảm xã hội: các thành viên mong muốn được quan tâm trong nhóm xã hội như gia đình, bạn bè, người thân...Sức mạnh của họ sẽ được nhân lên, sự tự tin cũng được tăng cường khi họ là thành viên của các nhóm, bởi điều đó khẳng định vai trò, vị trí của họ trong xã hội. Sự đơn độc, không gia đình, không nhóm xã hội nào để cá nhân thuộc về đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển tâm lý và quan hệ xã hội của cá nhân.

Đối với nhu cầu được tôn trọng: Con người luôn được đối xử bình đẳng, được lắng nghe và không bị coi thường. Dù đó là ai, trẻ em hay người già, người giàu hay người nghèo, tất cả đều có nhu cầu được tôn trọng, được ghi nhận về sự hiện diện cũng như chính kiến của cá nhân. Con người có tự tin hay không, thể hiện được sức mạnh của mình hay không, đó là một phần do họ được đối xử bình đẳng.

Đối với nhu cầu hoàn thiện và phát triển: con người luôn muốn học hỏi, nghiên cứu, lao động sáng tạo để phát triển toàn diện. Nhu cầu này là nhu cầu quan trọng, song chúng được xếp ở bậc thang cuối cùng, bởi nhu cầu này được đề cập đến khi các nhu cầu cơ bản ở trên đã được đáp ứng.

Ứng dụng lý thuyết Maslow vào nghiên cứu đề tài này, tác giả nhận thấy người

nghèo cũng có những nhu cầu như được nêu trong lý thuyết của Maslow. Nhu cầu lớn nhất của người nghèo là đủ ăn, đủ mặc, không bị đói kém trong cuộc sống của họ. Những hộ quá nghèo, nhu cầu được trợ cấp hàng tháng của nhà nước để đáp ứng những nhu cầu tối thiều, muốn được vay vốn để phát triển sản xuất, có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi trồng trọt. Hiểu được những nhu cầu của người nghèo để biết họ đang ở bậc thang thứ mấy của nhu cầu, họ đã đáp ứng được nhu cầu nào và mong muốn gì giai đoạn tiếp theo nhằm tiếp cận để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của người nghèo như ăn, mặc, học hành, khám chức bệnh, nhà ở...

Đáp ứng đúng nhu cầu của người nghèo sẽ giúp họ phát triển bền vững hơn trong kinh tế, điều kiện sống gia đình. Tuy nhiên, nhu cầu người nghèo rất nhiều, nên cần có sự ưu tiên trong các nhu cầu. Phải xem xét nhu cầu nào là thật sự cần

thiết và tính hiệu quả khi giải quyết các nhu cầu này. Điều này đòi hỏi phải có những cán bộ làm công tác xã hội đi sâu tìm hiểu từng hộ gia đình, lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch trợ giúp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình công tác xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại xã đồng sơn, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)