Đặc điểm nhân vật đội lốt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 36 - 40)

Chương 1 KHÁI LƯỢC VỀ THI PHÁP TỰ SỰ VÀ VĂN HÓA TÀ Y NÙNG

2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện

2.1.1.2. Đặc điểm nhân vật đội lốt

* Đặc điểm ngoại hình

Lốt các con vật hay lốt dị hình, dị dạng đều có vẻ ngoài xấu xí, bất thường. Nhưng lại chứa đựng bên trong những phẩm chất đẹp. Cái đẹp bên trong đã lấn át cái xấu bên ngoài khiến người có trái tim nhân hậu lập tức cảm mến. Ngược lại, những kẻ độc ác, thiển cận lại được dịp bộc lộ sự khinh miệt. Như vậy, nhờ cái lốt, nhân vật đã bóc trần được bản chất của nhân vật phản diện đồng thời phát hiện, ngợi ca được những con người tốt. Đây phải chăng là cách "thử lòng" người của tác giả dân gian nhằm phân định kẻ ác người ngay?

Không những thế, dấu đằng sau lốt bất thường, nhân vật thường có những tài năng đặc biệt, trí tuệ hơn người dễ thu hút và bị làm hại bởi những thế lực xấu. Trong giai đoạn còn non nớt, cái lốt lúc này được coi là tấm áo hộ thân cần thiết nhất, để nhân vật ẩn dấu dáng vẻ thật của mình, đợi thời cơ trút lốt và lớn đẹp lạ thường khiến những kẻ ghen ghét phải tức tối tột độ. Điều đó chính là đích đến, là kết quả của trí tưởng tượng bay bổng của dân gian khi xây dựng nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích.

* Đặc điểm về phẩm chất đạo đức, tài năng, trí tuệ

Như đã nói đến ở trên, mặc lốt cho nhân vật chính là một cách thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của dân gian. Nói cách khác, nhân vật mang lốt

chính là hiện thân của những giấc mơ, ước vọng của cộng đồng. Do vậy, các nhân vật mang lốt vật đều ít nhiều có được những đặc điểm về phẩm chất đạo đức, tài năng, trí tuệ để vượt qua tất cả những khó khăn thử thách, những trở ngại trong cuộc đời nhằm thực hiện thành công ước mơ mà nhân dân gửi gắm. Qua khảo sát, hầu hết phẩm chất đạo đức, tài năng, trí tuệ của nhân vật mang lốt chỉ được bộc lộ khi có sự xuất hiện của một lực lượng gây họa hay thách đố.

Một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất ở kiểu nhân vật người mang lốt vật là họ đều có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đáng trân trọng. Nếu là nam hóa thân thì thường có đức tính: chân thực, chăm chỉ, hiền

lành, hiếu thuận... Chàng Cụt thuồng luồng trong truyện Chàng Cụt là người

hiếu thảo. Khi mẹ già yếu, muốn chàng trở về với biển, chàng một mặt vẫn nghe lời, mặt khác vẫn về bắc cầu để mẹ sang sông đi chợ. Mẹ mất, ngày giỗ mẹ, chàng thương mẹ luôn về quanh mộ mẹ, đắp đá, làm cỏ... làm cho vùng Lục Yên - Yên Bái ngày Tết Ngâu mưa rất to. Cuối cùng, không nỡ rời xa người mẹ đã mất, chàng đã về mang mộ mẹ ra biển chăm sóc, để lại một cái hố lớn đến bây giờ nước vẫn đùn lên trong vắt... Hoặc như nhân vật chàng Mồ

Côi trong Chàng mồ côi và cô út là người chăm chỉ, thật thà: "cần cù, và có

lòng tốt, các bậc già cả, các cô con gái và các em bé đều quý mến". Bởi đức tính thật thà, chất phác, họ thường bị lợi dụng và hãm hại. Chàng Mồ Côi đã bị phú ông hại đến mức thân hình trở nên vô cùng xấu xí. Tuy hình dáng xấu đi nhưng chàng vẫn là một người tốt, vẫn giúp đỡ người già cả và đã được đền đáp.

Nếu là nữ hóa thân, họ là những người phụ nữ có xuất thân danh giá - con Long Vương, tiên nữ. Họ hóa thân xuống trần và được nhân vật nam chính cứu mạng rồi trút lốt và nên duyên vợ chồng. Qua nhiều biến cố, họ

luôn thể hiện là những người phụ nữ son sắt, thủy chung trong tình yêu, tình vợ chồng. Họ cũng là người tài trí khi đối phó với những tên phú ông, trưởng bản gian ác, dâm ô. Đó là những phẩm chất đạo đức vô cùng đáng quý, mà tác dân gian luôn luôn muốn ban tặng cho những nhân vật mang lốt này đồng thời nó cũng thể hiện ước vọng biến đổi của quần chúng, quan niệm của xã hội Tày về người phụ nữ. Chúng tôi sẽ còn bàn đến điều này trong phần sau khi nói về nhân vật nữ trong truyện cổ Tày - Nùng.

Bên cạnh phẩm chất đạo đức, chúng ta không thể không nói đến tài năng. Hầu hết các nhân vật mang lốt trong kiểu truyện người mang lốt đều có những tài năng nhất định và tài năng này chỉ được bộc lộ khi có thử thách, khó khăn.

Những thử thách đó, có thể do chúa đất, phú ông, những con người giàu có và có thế lực trong xã hội hay chính hoàn cảnh sống sinh ra. Nhân vật có thể bộc lộ tài năng khi làm công việc nhà, việc nương rẫy trồng trọt, chăn

nuôi. Tiêu biểu như nhân vật chàng mồ côi trong truyện Chàng mồ côi và cô

út chăn được đàn trâu lớn, làm việc phát nương, trồng ngô rất tốt… Nhân vật

đội lốt cũng có thể bộc lộ tài năng trong đánh trận. Chàng Lệnh Trừ trong

truyện Lệnh Trừ (Tày) đột lốt cóc nhưng là người có sức mạnh và tài năng phi

thường. Chàng chỉ "vỗ vỗ vào lưng ngựa sắt rồi nhảy phắt lên lưng. Con ngựa lao đao, rồi ngã khuỵu gục hắn xuống..." Vua bèn sai quan cận thần cho đúc một con ngựa khác nặng đúng cân dạng như chàng yêu cầu. Đó là "một con ngựa sắt nặng một vạn cân có lẻ, được gần năm trăm quân sĩ lặc lè khiêng lại đặt giữa sân rồng"... "Chàng dắt ngựa dạo quanh trước sân rồng một vòng... Chàng vỗ vỗ vào lưng ngựa. Con ngựa ngẩng đầu, vẫy đuôi, hí vang trời.". Lệnh Trừ đã cưỡi ngựa, phun lửa liên tiếp vào quân giặc tiêu diệt được hết chúng: "Con ngựa sắt vừa phi nhanh, vừa phun lửa ra đằng mũi, phụt khói ra

đằng mũi. Màn khói toả khắp trận của giặc làm cho quân giặc phải tối tăm mặt mũi. Màn lửa lan tiếp theo sau màn khói thiêu ra tro tất cả quân binh, lừa ngựa, cờ quạt, võng lọng, giáo mác, kiếm cung, doanh cơ của giặc. Chỉ một loáng, toàn bộ quân giặc không còn chút dấu tích."

Các nhân vật đội lốt còn được thử thách thông qua các cuộc thi để bộc sự thông minh và tài phán đoán. Chủ yếu đó là những cuộc thách đố của phú ông nhằm kén rể cho con gái mình hoặc những thử thách mà những lão pản hay chính người chồng gây ra cho nhân vật nữ đội lốt. Đôi khi, là những cuộc thách đố do chính nhân vật đội lốt yêu cầu để chinh phục lòng người nhằm lấy

được vợ đẹp, hiền thục. Nhân vật Lệnh Trừ trong truyện Cóc con Lệnh Trừ

(Tày) đã thắng cuộc nhà vua nhờ tài phán đoán và sự giúp đỡ của thần tiên: "Theo lời dặn của ông tiên hôm qua, Lệnh Trừ đi suốt một lượt qua khắp cả một trăm hai mươi chiếc kiệu hoa. Trên chiếc kiệu nào cũng có ong đàn bay lượn. Duy chỉ có cái kiệu thứ ba mươi hai là có nhiều ong đàn bay lượn hơn cả.", chàng đã chọn kiệu đó và cưới được công chúa.

Hoặc như nhân vật con gái Long Vương trong truyện Tài Xì Phoòng.

Tài Xì Phoòng là chàng mồ côi phải đi làm thuê từ nhỏ. Một lần, chàng đã cứu cá chép thần khỏi cái chết nên bị lão chủ nhà đánh đuổi ra ngoài. Chàng được cá thần là con gái Long Vương cứu. Họ nên vợ chồng. Nghe lời vợ, chàng đã xin Long Vương báu vật Phù lủ tẩu để lên trần và trở nên vô cùng giàu có. Tên chủ cũ Núng Cún thấy vợ chàng xinh đẹp, nhà chàng giàu có giở thói tham lanm. Hắn mời chàng uống rượu và vu cho tội sàm sỡ vợ hắn, đòi lôi chàng đi kiện nếu chàng không đổi vợ và gia tài cho hắn. Nghe lời công chúa, chàng đã đổi được gia tài lão chủ và 3 vợ đẹp. Sau khi đổi, công chúa biến mất. Lão chủ tham lam bị lũ cuốn trôi.

Có nhân vật chỉ cần vượt qua một thử thách, cũng có nhân vật phải vượt

qua nhiều thử thách. Như nhân vật chàng cóc trong Cóc con Lệnh Trừ đã phải

vượt qua ba thử thách để có thể đạt đến ngôi vua và sống hạnh phúc với công chúa ba. Những thử thách đó gồm: Thử thách đánh giặc, thử thách phán đoán và cuối cùng là thử thách trút lốt. Càng qua nhiều thử thách, nhân vật chàng cóc Lệnh Trừ càng chứng tỏ được tài năng của mình.

Song hầu hết các nhân vật nữ thần tiên hóa thân vào lốt các con vật chỉ vượt qua một thử thách. Đó là vượt qua được bọn cường hào, ác bá tham lam. Tuy nhiên trong kiểu truyện này, nhân vật nữ sau khi vượt qua thử thách thường biến mất, để lại cho người chồng gia sản và cuộc sống hạnh phúc. Cũng có những nhân vật nữ vượt qua thử thách do chính người chồng tạo ra để giữ gìn hạnh phúc với người phàm trần, những câu chuyện kiểu này thường kết thúc theo lối: nhân vật nữ đội lốt trở lại lốt ban đầu và người chồng lại nghèo khó như xưa.

Qua thử thách, tài năng, phẩm chất đạo đức của nhân vật đội lốt cũng như nhân vật chính trong tác phẩm văn học dân gian được bộc lộ, thể hiện ước mơ bình đẳng, đổi đời của quần chúng lao động và hơn hết là ước mơ được sống hạnh phúc, yên ấm bởi như chúng ta thấy dù phải trải qua một hoặc nhiều thử thách thì nhân vật mang lốt vật đều luôn mong muốn đi đến cái đích cuối cùng là hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 36 - 40)