Công thức mở đầu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 62 - 69)

Chương 3 KỸ THUẬT KỂ TRONG TRUYỆN CỔ TÀY – NÙNG

3.1. Công thức truyện kể

3.1.1. Công thức mở đầu

Truyện của người Tày - Nùng cũng như truyện dân gian thường mở đầu bằng công thức "Thời gian + Xuất thân + Phẩm chất đạo đức, tài năng..." với những mẫu hình sẵn có: “Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia, có một,…”;

"Thuở xa xưa, có một"... Ví như trong truyện Chàng Cụt: "Thuở xa xưa, có

một người góa bụa chẳng có mụn con nào. Ngày ngày phát cỏ làm rẫy chăm

chỉ mà vẫn chẳng có của ăn của để". Hoặc trong truyện Nhiều nghề (dân tộc Nùng), người kể mở đầu: "Ngày xưa có một ông cụ có năm người con trai.

bản, những kiểu mở đầu trên đều có chức năng giới thiệu nhân vật chính cùng với xuất thân cũng như tính nết, phẩm chất mà nhân vật đó có. Trong truyện cổ Tày Nùng, có ba cách mở đầu gắn với ba kiểu nhân vật có ba xuất thân khác nhau.

* Công thức mở đầu cho nhân vật thấp hèn

Như đã nói đến ở trên, truyện cổ có nhân vật bất hạnh chiếm một số lượng lớn trong truyện cổ Tày - Nùng. Nhân vật bất hạnh thường là chàng mồ côi, chàng trai nghèo khổ (không có nữ giới), chàng trai xấu xí, người hầu... Họ thường là những người bất hạnh ngay từ lúc mới sinh ra. Như chàng Tài Xì Phoòng: "Tài Xì Phoòng mồ côi cha từ ngày còn bé, mẹ chàng buộc bụng ở vậy nuôi con... Khi Tài Xì Phoòng 13 tuổi thì quê hương có loạn, hai mẹ con bị lưu lạc mỗi người một ngả.Tài Xì Phoòng được một Núng Cún đem về nuôi làm hầu bàn. Dần dần lớn khôn được ông chủ giao cho chuyên việc nấu ăn."

Hoặc như chàng Pịa trong truyện Pịa lấy vợ tiên: "Ngày xưa có chàng mồ côi

tên là Pịa. Cha mẹ Pịa mất từ ngày nào không biết, chú bác, cô dì, cậu mợ, anh chị em của Pịa là ai người ta cũng không hay. Người ta chỉ thấy Pịa ngày ngày vào rừng hái củi đem bán cho những nhà giàu có ở quanh vùng. Tối tối chàng trở về ngủ trong một túp lều nhỏ xíu lợp bằng hai gắp gianh dưới gốc cây đa đầu làng." Chàng Pịa nghèo đến nỗi: " Chàng chỉ có một bộ quần áo độc nhất, hôm nào giặt quần áo chàng cũng phải nằm co trong ổ rơm để chờ khô." và nguyên nhân của cái nghèo này không phải xuất phát từ tính lười biếng, ham ăn lười làm mà từ hoàn cảnh vốn đã thế, buộc vào họ như "số phận". Chàng Pịa cũng vậy: "Chàng rất chịu khó thức khuya dậy sớm nhưng luôn luôn phải chịu cảnh đói rách. Chàng có sức khỏe gấp ba người thường, mỗi ngày có thể kiếm được hai gánh củi đem ra chợ, nhưng cũng chỉ vừa đủ tiền mua hai bữa gạo qua ngày".

Đối với nhân vật mồ côi, nhân vật xấu xí, kiểu mở đầu này ngoài chức năng giới thiệu còn cho thấy rõ thái độ đánh giá của người kể đối với nhân vật. Ngoài xuất thân éo le, đáng thương cảm, truyện luôn dành những lời tốt đẹp nhất để giới thiệu về tính cách, phẩm chất của nhân vật bất hạnh. Tính cách, phẩm chất đó luôn đối nghịch với hoàn cảnh. Nhân vật bất hạnh luôn là những người chăm chỉ, quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối nhưng không đủ ăn. Họ cũng là những người tốt bụng, hiền lành, thật thà, chất phác, vị tha như bao người dân nghèo khác. Chính vậy, người kể chuyện không ngớt dùng những lời tốt đẹp giới thiệu về họ bởi những phẩm chất tốt của nhân vật ở đây tiêu biểu cho phẩm chất của quần chúng.

Kiểu mở đầu thứ nhất không chỉ giới thiệu phẩm chất, hoàn cảnh xuất thân nhân vật thu hút người nghe ngay từ đầu truyện, mà còn gợi trong lòng họ sự đồng cảm, thương mến. Những nhân vật bất hạnh luôn chiếm được tình cảm của người nghe bởi hoàn cảnh éo le của mình ngay từ khi mở đầu câu chuyện. Họ không chỉ mồ côi, đơn độc mà còn vô cùng nghèo khổ, nghèo đến mức không có lấy một bộ quần áo tử tế để mặc, không có chỗ dung thân phải lên rừng để ở hoặc ở nhờ, làm thuê cho người khác. Hoàn cảnh của họ như thế sao không đáng thương được, không dễ cảm thông được? Qua kiểu mở đầu, người kể (số ít) đã và lôi kéo người nghe (số nhiều) về cùng "phe" với nhân vật, dễ dàng tìm thấy ở nhân vật những giá trị ưu việt, những thông điệp mà bao đời đã gửi gắm khi câu chuyện kết thúc.

Qua kiểu mở đầu đơn giản, theo đúng mô-típ, người đọc còn có thể "dự đoán" những cái kết làm thay đổi cuộc đời từ nghèo sang giàu, từ cô đơn sang hạnh phúc... Từ đó, họ có ý thức dõi theo tiến trình câu chuyện một cách hăng say, tin tưởng. Và như vậy, khi truyện được kể hoàn tất, người nghe được sống trọn trong cảm giác chiến thắng, thỏa mãn ước mơ của chính bản thân họ

cũng là ước mơ của chính cộng đồng họ. Đấy là hiệu ứng tốt mà những câu truyện cổ tích với kết thúc có hậu luôn cần có.

* Công thức mở đầu cho nhân vật kỳ tài

Trong những câu truyện cổ tích thần kỳ, nhân vật chính xuất hiện bao giờ cũng là nhân vật khác thường, là bậc kỳ tài hoặc thần tiên. Họ xuất hiện để thực hiện nhiệm vụ khác nhau như tái tạo sông núi, giúp dân đánh giặc, diệt trừ hung bạo... để mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no, bình đẳng cho tất cả người dân, không riêng một cá nhân nào. Và kết thúc, họ trở thành anh hùng

được người dân ghi nhớ công ơn và thờ cúng. Truyện Làng Mươi, Sao Luông

kể về cặp vợ chồng khổng lồ có sức khỏe phi thường cùng những người bạn có tài năng hơn người đã giúp vua cứu nước thoát khỏi họa ngoại xâm. Truyện

Cóc con Lệnh Trừ kể về chàng cóc tên Lệnh Trừ sinh ra là người đội lốt cóc

đã dùng ngựa sắt vạn cân diệt giặc (tương tự truyện Thánh Giòng), vượt qua âm mưu của nhà vua để kết hôn với công chúa Ba xinh đẹp.

Những nhân vật trên cũng được giới thiệu theo công thức mở đầu như trên song riêng phần xuất thân có những chi thiết được "thần kỳ hóa" cho xứng với tầm vóc của nhân vật. Và một trong những chi tiết được thần kỳ hóa chính là gốc tích nhân vật. Nhân vật thần kỳ thường có gốc tích khác thường, họ vốn là thần hoặc có dòng dõi thần tiên, được thụ thai vào người trần nhờ con đường ăn uống, nhờ dấu vết, nhờ bùa chú... Người sinh ra những nhân vật kỳ tài thường là những người phụ nữ hiếm con, luôn cầu mong có được mụn con hoặc những người phụ nữ nghèo khổ, bất hạnh. Họ là những người nông dân chất phác và vì một cơ duyên nào đó, họ có thai với thần linh hoặc được thần linh đầu thai vào trong bụng mình. Chúng ta thấy rằng, ở trong truyện cổ, dù nhân vật có tài năng kỳ lạ đến đâu - tức là nhân vật đó không có thực - cũng đều được sinh ra từ một bà mẹ nông dân - một cái gốc rất thực. Cái gốc

rễ nông dân một mặt cho thấy "tính chân thực" và là bằng chức xác thực để nhân vật kỳ tài trở nên gần gũi, dễ dàng được cộng đồng đón nhân, một mặt khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của nông dân trong con người nhân vật anh hùng. Không thể phủ nhận được rằng ẩn sâu trong chi tiết xuất thân này là cả một niềm tự hào không dấu diếm: Quần chúng lao động nghèo khổ đã sản sinh ra những anh tài giúp làm biến chuyển xã hội, làm cho nó tốt đep hơn.

Chàng Cụt trong truyện Chàng Cụt được ấp nở từ một bà mẹ nông dân: "Thuở

xa xưa, có một người góa bụa chẳng có mụn con nào. Ngày ngày phát cỏ làm rẫy chăm chỉ mà vẫn chẳng có của ăn của để." Bà mẹ nghèo này đã nhặt được quả trứng của thuồng luồng (một trong những biểu tượng linh thiêng của đồng bào dân tộc thiểu số) "Mải ngắm những sắc màu trên trời, khi nhìn xuống chân, bà thấy có độ một bát nước đọng trong hốc đá. Bà liền vục tay múc nước uống cho đỡ khát rồi về nhà. Bất chợt bà vấp phải quả trứng màu trắng bạc. Thấy lạ, bà liền cầm về để ở xó nhà. Đêm nằm, bà mang quả trứng cặp vào nách, lúc để cạnh gối đầu. Một thời gian sau, trứng nở ra một con thuồng luồng nhỏ bé, cổ vằn đỏ sặc sỡ... Tuy là loài rồng rắn nhưng được nở ra từ hơi ấm của bà. Đời goá bụa, bà coi thuồng luồng như con. Bà liền bế thuồng luồng trên tay và ngửa mặt lên phía mặt trời đằng Đông, xin đặt tên con là Cọt (chàng Cụt)." Có thể nhận thấy trong truyện Chàng Cụt có sự lồng ghép, giáo

thoa văn hóa truyện cổ rất rõ rệt. Có lẽ chi tiết uống nước đọng và chi tiết vấp

phải một quả trứng bạc vốn là hai chi tiết của hai câu truyện cổ khác nhau

được lồng ghép trong truyện này.

Không giống chàng Cụt, chàng Lệnh Trừ vốn là một con cóc được sinh ra chính từ vợ chồng người nông dân nghèo hiếm con cái. Họ đi cầu khấn mãi mới có được mụn con thì lại là cóc. Họ không những không ghẻ lạnh chàng mà còn yêu thương chàng, nuôi nấng chàng khôn lớn trở thành bậc kỳ tài.

Vậy tại sao nhân vật kỳ tài lại xuất hiện? Mục đích của nhân vật kỳ tài khi sinh ra chính là đợi thời cơ để mang sức mạnh phi thường, trí truệ ưu việt phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, nhân vật này không trả hiếu cho bố mẹ bằng những hành động thông thường như các nhân vật khác trong truyện cổ tích sinh hoạt. Vai trò của người mẹ nông dân dừng lại ngay trong phần giới thiệu xuất thân này của nhân vật.

Khác với những kiểu nhân vật khác, tài năng của nhân vật kỳ tài chỉ được tập trung thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết mâu thuẫn, đạt được mơ ước của quần chúng. Do đó, khác với nhân vật mồ côi, nhân vật người phụ nữ, tài năng và phẩm chất đạo đức của nhân vật kỳ tài không xuất hiện trong phần mở đầu của truyện cổ thần kỳ.

* Công thức mở đầu cho nhân vật phản diện

Kiểu thứ ba cũng giới thiệu bao gồm xuất thân, tính cách của nhân vật nhưng ngôn ngữ giới thiệu thường chê bai, chế giễu, khinh ghét... Nhân vật ở kiểu mở đầu này có xuất thân giàu có nhưng đối ngược với hoàn cảnh đó là

một tính cách tham lam, ích kỷ, ngu dốt và độc ác. Trong truyện cổ tích Lão

Pản, tác giả dân gian mở đầu: "Ngày xưa ở làng nọ có một lão Pản nhà giàu

nứt đố đổ vách và rất hám sắc. Tuy tuổi đã ngoài năm mươi và đã có bốn vợ, hắn vẫn chưa lấy làm thỏa mãn. Đã nhiều lần hắn bỏ tiền bạc ra để dụ dỗ vợ

người khác." Hoặc như trong truyện Ông chúa Mục Nạ: "Ngày xưa có tên chúa đất Mục Nạ nổi tiếng tham lam, hung ác...". Và như trong truyện Công

chúa ba và ông vua độc ác: "Ngày xưa có ông vua độc ác...". Cũng như trên,

kiểu mở đầu thứ hai thường đem lại sự "ghét" ngay từ phút đầu ở người nghe khi tiếp cận truyện cổ. Đấy cũng chính là mục đích của người kể (có thể đồng nghĩa với người sáng tạo ra truyện). Từ "ghét", người nghe chuyển đến dần trạng thái căm ghét, muốn loại bỏ nhân vật phản diện và hả hê khi nhân vật

phản diện phải trả giá cho sự ngu dốt, ích kỷ, độc ác của mình. Chính tình cảm "ghét" đó đã làm tăng sự "yêu mến" đối với nhân vật chính diện, đặt niềm tin và hài lòng với những hành động loại trừ, giáo huấn kẻ ác của nhân vật chính diện. Kiểu mở đầu dành cho loại nhân vật phản diện thường ngắn gọn, gây sự kích thích đối với người đọc và tăng dần sự kích thích này theo kịch tính cốt truyện, giúp truyện thành công hơn, tạo được ấn tượng sâu đậm hơn trong lòng người nghe. Điều này không chỉ giúp làm tăng tính lan truyền của câu truyện trong dân gian mà còn đưa truyện cổ tích thành ngòi nổ cho những khát vọng, ước mơ được sống bình đẳng, hạnh phúc. Truyện cổ tích vì thế đã trở thành vũ khí đấu tranh của quần chúng nhân dân trong xã hội phong kiến.

Vậy, theo như trên ta thấy, dù mở đầu theo kiểu nào, công thức mở đầu đều có chung một đặc điểm hình thức câu văn được tóm lại như sau:

"Ngày xưa + địa điểm phiếm chỉ hoặc cụ thể + có một (nhân vật chính của câu truyện hoặc nhân vật thân sinh ra nhân vật chính) + phẩm chất/tính cách của nhân vật chính..."

Trong đó từ "ngày xưa" biểu thị thời gian xuất hiện câu chuyện, ám chỉ tính chất “dường như có thể có” của câu chuyện kể làm tăng tính chân thật và lòng tin của người nghe đối với truyện kể, khẳng định giá trị của câu chuyện đã được kiểm chứng. Một câu chuyện đã có từ "ngày xưa" vẫn còn tồn tại đến "bây giờ" hẳn phải là câu chuyện hay, được truyền tụng rộng rãi và hơn hết tính chân thật của nó đã được kiểm nghiệm qua thời gian. Người kể không giải thích "ngày xưa" là bắt đầu từ khi nào và người nghe cũng không hề tò mò tìm hiểu xem cái "ngày xưa" ấy thực ra từ đời nào, năm nào. Yếu tố "xưa" trong truyện chỉ là thời gian phiếm chỉ với mục đích tạo độ "già" cho câu chuyện và đặt người kể ở tình thế trung gian giữa quá khứ và hiện tại, giúp anh ta tránh được những câu hỏi tò mò của người nghe sau đó như "Anh có biết anh ta

không?" "Anh ta còn sống không?" "Giờ anh ta ra sao?"... để tập trung lắng nghe và lĩnh hội giá trị của nội dung mà câu chuyện mang đến. Thực ra cả người kể và người nghe đều hiểu đây là một sự "lừa dối" được thỏa thuận từ trước, người ta thả hồn mình trong thế giới "tự lừa dối" đó để nâng cảm xúc, ước mơ và hi vọng trở nên bay bổng, lung linh. Khi đó, những yếu tố của cuộc sống sinh hoạt thường ngày, những lo toan sẽ chìm đi, người nghe trôi trong không gian riêng của "ngày xưa".

Như vậy, có thể nhận thấy chức năng cơ bản của công thức mở đầu là đưa người nghe từ dòng thời gian của cuộc đời hàng ngày vào thời gian của câu chuyện kể, tách rời sinh hoạt hiện tại và, sau đó, như theo một phép màu, nhập thân vào “thế giới cổ tích”. Đồng thời, công thức mở đầu còn cho người nghe có một cái nhìn tương đối khái quát về nhân vật họ sắp tiếp cận trong câu chuyện và chuẩn bị tâm lý để đón nhận nhân vật đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 62 - 69)