Công thức kết thúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 69 - 73)

Chương 3 KỸ THUẬT KỂ TRONG TRUYỆN CỔ TÀY – NÙNG

3.1. Công thức truyện kể

3.1.2. Công thức kết thúc

Sau khi đã dẫn dắt người nghe bước vào thế giới cổ tích, xuôi theo những diễn biến của cốt truyện, trải nghiệm cảm giác hả hê, chiến thắng của cuộc chiến cái Thiện chống lại cái Ác, truyện cổ tích kết thúc bằng một cái kết có hậu và gọn ghẽ. Hầu hết, các câu truyện cổ tích ở các dân tộc trên thế giới thường có những mô-típ cấu trúc kết thúc tương tự nhau. Truyện cổ tích người Tày - Nùng không nằm ngoài những kiểu kết thúc đó. Công thức kết thúc thường gặp nhất là:

“Từ đó + nhân vật chính diện + trở nên ..." hoặc "Nhân vật chính diện + được phong + và sống hạnh phúc với +..."

Tuy nhiên, chỉ hầu hết những cái kết dành cho nhân vật chính diện mới có kết thúc dạng này. Trong cái kết này, tác giả dân gian đã dành những gì xứng đáng nhất, tốt đẹp nhất, đáp ứng đúng mơ ước nhất của nhân vật chính

diện cũng là mơ ước của nhân dân lao động. Người sĩ tử muốn đỗ đạt cao sẽ được đỗ cao, được trọng dụng. Chàng mồ côi nghèo khổ sẽ lấy được vợ tiên và trở nên giàu có, thậm chí anh ta còn có thể có được nhiều vợ như trong

truyện Tài Xì Phoòng. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, các

nhân vật chính diện có đức độ và tài năng thường nhận được phần thưởng bao gồm cả vợ đẹp, tài sản và địa vị trong xã hội. Điều này phản ánh đúng mơ ước được đổi đời của quần chúng nhân dân và như đã nói trong chương 2, nó còn phản ánh quan niệm của nhân dân về một cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc là có vợ đẹp, có tài sản, có học thức, địa vị. Bởi nếu chỉ có vợ đẹp, tài sản mà

không có địa vị hay không được thần linh giữ hộ (như trong truyện Chàng

Sình Xa) thì nhân vật chính diện cũng không giữ được vợ và tài sản của mình.

Địa vị xã hội của nhân vật chính diện có thể do anh ta tự nỗ lực mà có như

trong Cóc con Lệnh Trừ, Chàng nho sĩ và cóc thần, Chàng mồ côi và quan tể

tướng, Chàng mồ côi thông minh... nhưng đa phần là do người vợ thần tiên

hay một thế lực thần linh nào đó mang đến. Để đảm bảo tính công bằng, tính chân thật cho câu chuyện (vì người vợ tiên không thể sống mãi, sinh con đẻ cái với người phàm trần) nhân vật chính diện đôi khi phải đánh đổi hạnh phúc, hi sinh hạnh phúc mà anh ta mơ tưởng để đổi lấy một hạnh phúc trần tục khác

không đẹp bằng nhưng lại bền vững hơn. Ví như trong truyện Tài Xì Phoòng,

nhân vật chính đã phải mất người vợ tiên để đổi lấy gia tài và vợ của tên chúa đất. Dù kết thúc luôn có hậu và luôn theo một cấu trúc nhất định song truyện cổ Tày - Nùng vẫn muốn mang đến cho người nghe những suy ngẫm sâu sắc. Nó đề cao sự đức độ của con người, đề cao quan niệm "có làm thì mới có ăn". Chỉ có đức độ, sự chân thật, chăm chỉ và tài năng thật sự mới khiến con người giữ vững được những thành quả mà thế lực thần tiên đã ưu ái dành cho họ. Do đó, dù là một cái kết thỏa mãn được khát vọng, mơ ước của quần chúng song

không vì thế khiến họ trông chờ, ỉ nại vào thế lực thần linh, không cố gắng trong hiện thực để thay đổi nó.

Bổ sung cho những cái kết có hậu của các nhân vật chính diện, đề cao trí tuệ và tâm hồn dân gian, trong một số truyện cổ Tày - Nùng cũng chứa đựng những cái kết hết sức bất ngờ, không theo quy luật sẵn có. Một trong số những truyện đó là truyện về những nhân vật chính diện bị tha hóa, biến đổi

sau khi đã được thần tiên giúp đỡ. Như nhân vật chàng Mồ Côi trong Chuyện

chàng mồ côi: Có chàng mồ côi đi chăn bò thuê, cứu được một con bướm xinh

đẹp. Bướm hóa thân thành cô gái tuyệt trần tên là Dụ. Lấy Dụ về, chàng trở nên giàu có nhưng sinh ra lười biếng, lêu lổng. Vì không khuyên được chàng, Dụ từ biệt chàng về trời bằng một điệu khèn lá buồn bã. Của cải cũng về theo nàng. Chàng trở lại nghèo khổ như xưa. Cũng như truyện trên, những truyện kiểu này thường có kết thúc là nhân vật chính bị tước hết những gì mà anh ta đã được thần linh ban thưởng (nhờ việc tốt mình thực hiện trước đó). Anh ta lại trở về tay trắng và sống cuộc sống cô đơn. Kết thúc kiểu này mang đến bài học đạo đức: Con người phải luôn sống lương thiện, chăm chỉ kể cả khi đã được phép màu và trở nên giàu có. Như vậy, quan điểm này đã bổ sung cho quan điểm của dân gian "ở hiền gặp lành" mà chúng tôi đã nói đến ở đoạn trên. Đó là điều quý báu trong truyện cổ Tày - Nùng.

Đối với kiểu mở đầu nào thì cũng có cái kết dành cho chính nhân vật đó. Đối với nhân vật phản diện, kết thúc thường ít có khuôn mẫu bởi có nhiều cách trừng phạt khác nhau. Kẻ dâm ô nhưng sợ vợ thì có cái kết bị vợ đánh. Kẻ tham lam, độc ác thì thường có cái kết mất hết gia tài, trở nên nghèo khó và cao nhất là phải trả bằng mạng sống. Kẻ ích kỷ thường học được bài học đắt giá và trở thành người tốt. Kẻ lười biếng, vụng về được dạy dỗ và trở nên chăm chỉ, thông minh, được đền đáp xứng đáng... Những cái kết này thường

rất linh hoạt. Ví như trong truyện Lão Pản, tác giả dân gian đã kết thúc như

sau: "Mụ lấy chìa khóa mở tủ, lão pản lóp ngóp bước ra, bị mụ túm ngay lấy tóc giúi xuống đánh túi bụi. Lão đành phải van lạy vợ, thú thật mọi điều". Một tên chúa đất giàu có nhưng tham lam, dâm ô, vênh váo bắt nạt thiên hạ, dùng quyền thế để cưỡng bức người nghèo khổ, dùng mưu mô để chia rẽ hạnh phúc lại có một kết cục hết sức bất ngờ: chịu quỳ gối van xin một cách nhục nhã người vợ của hắn. Với mỗi tội lỗi của nhân vật tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà nhân dân có cách trừng trị khác nhau. Cách trừng trị này luôn đúng người, đúng tội, mức độ vô cùng thích đáng. Những cái kết đối với nhân vật phản diện rất thâm sâu, vừa thể hiện được sự công bằng của quần chúng cũng vừa thể hiện được sự thông minh, hài hước, dí dỏm và cũng rất nhân đạo, rộng lượng của họ.

Một điều quan trọng truyện cổ mang lại cho con người là: Cái kết của truyện cổ tích thường làm người nghe nhiều thế hệ cảm thấy hài lòng, hả hê song lại không khiến họ học theo để trả thù người họ căm ghét. Bởi kết thúc của truyện cổ tích luôn hướng con người đến những giá trị chân - thiện, tin và sống theo quy luật nhân - quả.

Cùng với cái kết, sự xuất hiện các yếu tố thần kỳ trong truyện cổ đã xây đắp cho người nghe về một thế giới mà họ luôn tin rằng có: Thế giới thần tiên. Thế giới này sẽ giúp họ tìm lại công bằng để cái ác không bao giờ có thể thắng thế dẫu rằng kết quả đó đến sớm hay rất muộn. Đó là một trong những giá trị đẹp của truyện cổ tích các dân tộc nói chung và truyện cổ tích Tày - Nùng nói riêng.

Khác với những truyện cổ tích sinh hoạt trên, trong nhiều truyện cổ tích

có liên quan đến sự tích, cách kết thúc thường là: "Từ đó + một phong tục, tập

nay...." Công thức này đưa ra một “dấu vết xưa còn lại” đã trở thành một nét

văn hóa - một tục lệ - làm bằng chứng cho “tính chất có thật” của câu chuyện

kể, lí giải cho những tục lệ. Truyện Chàng Cụt là một truyện như thế. Kết thúc

truyện như sau: "Cũng bởi như vậy, từ đó đến nay, người Tày sống dọc sông Chảy vẫn truyền miệng nhau phải kiêng kị không cho con gái uống nước sông, nước suối vào những lúc trời mưa to, giông bão hoặc lúc trời xuất hiện cầu vồng để tránh đẻ ra trứng rắn, rồng, thuồng luồng như mẹ chàng Cụt."

Truyện cổ đã trở thành một phần của văn hóa, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền, làm nên tính chất "đậm đà" trong bản sắc của từng dân tộc. Với mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những câu truyện cổ khác nhau ghi lại những thói quen đã trở thành tục lệ hoặc chính từ những câu truyện cổ đó, tục lệ mới ra đời và phát triển bền bỉ đến tận ngày nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tự sự trong truyện cổ tày nùng luận văn ths văn học 60 22 01 20 (Trang 69 - 73)